Vật liệu phóng xạ biến mất ở Malaysia
Hơn 10 ngày qua, Malaysia vẫn chưa tìm được thiết bị công nghiệp chứa vật liệu phóng xạ đã biến mất khỏi xe vận chuyển hôm 10.8, theo Reuters dẫn thông tin từ cảnh sát và giới truyền thông.
Bom bẩn đang là nỗi quan ngại của cộng đồng quốc tế REUTERS
Giới hữu trách lo ngại thiết bị trên, chứa một lượng chưa rõ chất iridium, có thể gây phơi nhiễm phóng xạ trong thời gian qua, hay đã trở thành vũ khí nếu lọt vào tay các tổ chức khủng bố, theo tờ New Straits Times hôm 20.8
Thiết bị nặng khoảng 23 kg, được dùng để chụp X quang công nghiệp, đã bị mất trên đường từ thành phố Seremban đến Shah Alam ở ngoại ô Kuala Lumpur, cách khoảng 60 km.
Mazlan Mansor, người đứng đầu Sở cảnh sát bang Selangor, cho biết đang điều tra vụ việc, nhưng không tiết lộ thêm thông tin, theo Reuters.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế cảnh báo bất kỳ trường hợp thất thoát hoặc đánh cắp vật liệu phóng xạ đều có thể dẫn đến nguy cơ xuất hiện bom bẩn.
Bom bẩn được chế tạo bằng cách trộn lẫn vật liệu phóng xạ với chất nổ thông thường, đủ sức làm nhiễm xạ một khu vực trong trường hợp phát nổ.
Theo Thanhnien
Rác nhựa ở Châu Á: Sợi dây thòng lọng thít cổ đại dương
Ô nhiễm do rác nhựa gây ra đang trở thành vấn nạn lớn mà nhân loại không thể phớt lờ và Châu Á phải chịu một phần trách nhiệm không nhỏ trong chuyện này.
Rác nhựa và rác sinh hoạt chất đống tại một bãi biển ở Mumbai, Ấn Độ.
Những cái chết bi thảm
Cái chết hồi tháng 6 vừa qua của một con cá voi hoa tiêu ở Songkhla, miền Nam Thái Lan, đã gây ra nhiều tranh cãi và làm dấy lên cả cảm giác có lỗi ở quốc gia này. Con vật được tìm thấy trong tình trạng hấp hối tại một con kênh gần khu vực giáp biên giới Malaysia.
Sau 5 ngày tìm cách cứu chữa và ổn định sức khỏe cho con cá voi, một nhóm các bác sĩ thú y Thái Lan cuối cùng phải chấp nhận thất bại. Con cá voi được xác nhận đã chết vào ngày 1.6 và trước khi qua đời, nó còn nôn ra 5 chiếc túi nilon. Kết quả khám nghiệm tử thi cá voi còn cho thấy một sự thực hãi hùng hơn. Người ta đã tìm thấy hơn 80 túi nilon cùng nhiều vật dụng bằng nhựa khác có tổng trọng lượng lên tới 8kg.
Thon Thamrongnawasawat, một nhà sinh vật học đại dương và là giảng viên thuộc Đại học Kasetsart cho biết rằng, cá voi không thể sống sót sau khi lâm vào tình cảnh bi đát này, đơn giản bởi nó không thể ăn được bất cứ thứ gì nữa. "Nếu có 80 chiếc túi nilon nằm trong bụng, bạn chắc chắn sẽ chết", ông nói thẳng.
Video đang HOT
Cá voi hoa tiêu không phải là nạn nhân duy nhất của rác nhựa ở Thái Lan - một trong những nước xả rác nhựa ra môi trường nhiều nhất thế giới. Nhiều loài sinh vật biển như cá heo, rùa, kể cả những nhóm đang nằm trong tình trạng bị đe dọa, gần đây được tìm thấy đã chết ở Thái Lan với cùng nguyên nhân.
Và Thái Lan cũng không phải quốc gia Châu Á duy nhất đang gặp vấn đề với rác thải nhựa. Trước sự kiện bi thảm liên quan tới con cá voi hoa tiêu, một đoạn video được thợ lặn người Anh Rich Horner ghi lại hồi tháng 3, cho thấy anh đang bơi qua các vùng nước nông đầy rác nhựa nằm ngay ngoài đảo resort Bali nổi tiếng của Indonesia, cũng đã được rất nhiều người chia sẻ. Khán giả không khỏi kinh hoàng khi thấy Horner cùng một con cá đuối và một con cá cảnh khác, bị vây quanh bởi đủ loại túi và bao nilon.
Các túi nilon lấy ra từ dạ dày con cá voi hoa tiêu bị chết ở Thái Lan.
Cách đó không xa, tại Mumbai, Ấn Độ, xác một con cá voi cũng mới trôi dạt từ biển Arabian vào bờ gần đây. Con vật xấu số nuốt phải rác nhựa và cũng mất mạng như con cá voi ở Thái Lan. Cần biết một điều rằng Mumbai có cung đường Marine Drive chạy dọc theo biển rất nổi tiếng. Nhưng cung đường này vẫn thường bừng sáng lên vào các buổi chiều tà, bởi ánh hoàng hôn của mặt trời phản chiếu vào hàng tấn rác nhựa dạt vào bờ theo sóng triều lên.
Những sự kiện như đã nêu ở trên cuối cùng đã khiến dư luận nhận ra tác động thảm họa mà rác nhựa gây ra cho môi trường. Anh, Chile và Trung Quốc hiện nằm trong nhóm các quốc gia tích cực chống lại việc sử dụng tràn lan túi nhựa. Trong khi đó, nhiều công ty như Starbucks đối diện với áp lực khổng lồ phải ngưng sử dụng ống hút nhựa. Tuy nhiên không có nơi nào cần hành động gấp hơn là Châu Á, nguồn gốc của hơn 80% lượng rác nhựa đã trôi ra các đại dương của thế giới - theo trang tin Nikkei - trong khi nỗ lực chống rác nhựa lại không tương xứng.
Điểm nóng Đông Nam Á
Tại Châu Á, Đông Nam Á là khu vực chứng kiến nhiều sự tăng trưởng kinh tế nhanh bậc nhất thế giới. Và hoạt động sản xuất nhựa cũng bùng nổ không kém. Tuy nhiên sự tiêu thụ đã vượt quá khả năng quản lý rác thải.
Tiến sĩ Theresa Mundita S. Lim, người được chỉ định vào ghế giám đốc Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN hồi tháng 4, thừa nhận rằng nhóm của bà được đưa vào hoạt động trong năm nay chỉ sau khi vấn đề ô nhiễm nhựa của khu vực được Tổ chức Bảo vệ Môi trường biển nêu bật tại Washington, Mỹ. "Các nỗ lực của chúng tôi nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học đã bắt đầu mang tính chủ động hơn trong năm nay, sau khi một số quốc gia thành viên ASEAN bị xác định là đối tượng gây ô nhiễm biển hàng đầu", bà nói với trang tin Nikkei Asian Review.
Trong một bản báo cáo công bố hồi năm 2017, Tổ chức bảo vệ Môi trường biển, thấy rằng Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã xả một lượng rác nhựa xuống biển nhiều hơn toàn bộ thế giới cộng lại.
Rác nhựa nổi đầy mặt một con sông nhỏ ở Campuchia.
Các số liệu đáng báo động rất khó để lờ đi. Một bài viết tương tự do tạp chí Science đăng tải hồi năm 2015 đã liệt các nước trên, cùng Sri Lanka và Malaysia, là những quốc gia xả rác nhựa nhiều nhất thế giới. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) còn công bố nghiên cứu cho thấy "hơn 1/4 tổng lượng rác nhựa trôi nổi trên các đại dương của toàn thế giới có xuất phát điểm từ 10 con sông, với 8 trong đó là ở Châu Á". Theo nghiên cứu, mỗi năm có từ 8 tới 13 triệu tấn nhựa được đổ xuống môi trường biển toàn cầu.
Ngành công nghiệp khách sạn đã lan rộng tới những bãi biển hẻo lánh ít người lui tới nhất ở Châu Á - cũng chính là những nơi khó xử lý nhất các vấn đề mà du khách gây ra. Mỗi khi tới nghỉ ở khách sạn nào đó, du khách đều trông đợi việc được sử dụng các bánh xà phòng được bọc trong hộp nhựa; dầu gội đầu, dầu xả và dưỡng thể đựng trong lọ nhựa; bàn chải đánh răng dùng 1 lần và mũ nilon trùm đầu khi tắm. Đó là chưa kể tới việc phòng nào cũng có nước đóng chai và ống hút nhựa.
Sau khi du khách sử dụng những thứ này, rác thải được người địa phương thu gom. Ngân sách xử lý rác của chính quyền địa phương rất hạn hẹp và kiến thức xử lý rác thải nhựa của họ còn ít hơn. Vì thế rác thải nhựa thường được đưa tới các bãi chôn lấp ở khu vực, vốn không được bảo vệ tốt trước các cơn mưa rào, các trận lở đất hay những cơn lũ. Một lượng lớn rác thải nhựa sau đó trôi ra sông và ra biển.
Một trường hợp điển hình là bãi biển Ngapali ở bang Rakhine của Myanmar. Nơi đây từng được trang TripAdvisor coi là 1 trong 10 bãi biển đẹp nhất Châu Á vào năm 2016. Tuy nhiên hoạt động phát triển du lịch diễn ra tự phát nên hàng túi lớn rác rưởi bắt đầu xuất hiện dọc theo một con sông ở địa phương. Trong mùa mưa, các túi rác này thi nhau trôi ra biển, rồi lại bị sóng thủy triều ném trở lại bờ cát của bãi biển Ngapali.
Thói quen tiêu dùng và việc đóng gói hàng hóa quá mức càng khiến tình hình tồi tệ hơn. Mỗi một ngày trôi qua, trung bình một người Singapore sử dụng tới 13 chiếc túi nilon. Và sau mỗi ngày, cả quốc đảo sử dụng hết khoảng 2,2 triệu chiếc ống hút nhựa. Ở Thái Lan, mỗi ngày một người sử dụng ít hơn một chút, khoảng 8 chiếc túi nilon. Nhưng con số này tương đương với 500 triệu túi nilon mỗi tuần và đấy là mới chỉ tính riêng khu vực Bangkok!
Mỗi năm Indonesia được cho là sử dụng tới 10 tỉ chiếc túi nilon. Các nỗ lực chính thức nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa đều đã thất bại. Ví dụ, một cuộc thử nghiệm kéo dài 3 tháng hồi năm 2016, trong đó chính quyền thu phí với người sử dụng túi nilon sống tại các đô thị lớn đã giúp giảm lượng tiêu thụ tới 55%. Tuy nhiên việc khách hàng phàn nàn chống lại khoản phí chỉ 200 rupiah (khoảng 0,14USD) đã đồng nghĩa với việc hoạt động thử nghiệm chấm dứt sau 3 tháng.
Có một thực tế là tính theo tỉ lệ đầu người, dân Mỹ và Châu Âu sử dụng túi nilon nhiều hơn dân Châu Á. Tuy nhiên hoạt động tái chế và thói quen xả rác ở những nơi này rất khác, khiến việc xử lý rác nhựa không phải là một vấn đề lớn như ở Châu Á. Và quan trọng là khi mặt tối của nhựa đang trở nên ngày càng hiển hiện, người ta vẫn phải dựa vào chất liệu này vì nó đóng vai trò thiết yếu trong lĩnh vực y tế, vệ sinh. Đó là chưa kể tới sự tiện lợi mà các sản phẩm nhựa mang lại.
Nhựa sẽ nhiều hơn cả cá biển
Trong một chuyến thám hiểm dài 3 tháng tới Nam Cực hồi đầu năm 2018, tàu Arctic Sunrise của tổ chức Hòa bình Xanh xác nhận có sự xuất hiện của các tinh thể nhựa nằm trong nước, băng và tuyết của khu vực này. Họ cũng thấy nhiều rác thải nhựa do hoạt động đánh bắt cá để lại: Những chiếc phao, lưới cũ và vải bạt nhựa trôi nổi trên biển, giữa các tảng băng khổng lồ.
"Ngay cả khu vực được xem là "vùng hoang dã cuối cùng của Trái đất" cũng đã bị nhiễm bẩn bởi rác thải nhựa và các hóa chất tiềm năng độc hại lâu dài", nhà hoạt động Louisa Casson của tổ chức Hòa bình Xanh nhận xét.
Viễn cảnh tương lai khá ảm đạm. Quỹ Ellen MacArthur có trụ sở ở Anh ước tính rằng, trong ba thập niên nữa, các đại dương của thế giới sẽ nhiều rác thải nhựa hơn là cá biển. Giới chuyên gia thì tin rằng, đến năm 2050, tất cả các loài chim biển đều đã nuốt rác nhựa vào bụng. Khoảng 600 loài sinh vật biển cũng sẽ bị thứ rác này gây hại.
"Nhựa không phải là động lực chính làm suy giảm ngành ngư nghiệp. Nhưng nó mang tới các áp lực không cần thiết. Ngay cả khi ngành ngư nghiệp trở nên bền vững thì rác nhựa vẫn là một vấn đề lớn, bởi chúng có số lượng quá khổng lồ", Jerker Tamelander một thành viên Chương trình môi trường LHQ ở New York, nhận xét.
Góp phần khiến vấn đề trầm trọng hơn là các ngư cụ bị vứt bỏ hoặc thất lạc. Theo Tổ chức Lương nông LHQ, cái gọi là "những tấm lưới ma" đang chiếm khoảng 10% lượng rác thải trôi nổi trên biển. Ước tính một lượng lưới đánh bắt động vật biển với trọng lượng khoảng 640.000 tấn đã bị thất lạc hoặc vứt lại ngoài biển. Đa phần trong số chúng làm từ nilon và các loại nhựa. Chúng có thể trôi dạt hàng ngàn kilômét và tiếp tục chức năng "đánh bắt" của mình, vô tình sát hại rất nhiều loài cá hoặc bóp nghẹt sự sống của các rạn san hô trong nhiều thế kỷ. Người ta ước tính khoảng 80% các ngư cụ bị vứt bỏ hoặc thất lạc được tìm thấy ở Australia có nguồn gốc từ Đông Nam Á.
Trên đất liền, vấn đề rác thải nhựa của Đông Nam Á đã thêm trầm trọng hơn trong năm nay do tình trạng rác điện tử, sinh ra từ các thiết bị điện tử đã qua sử dụng. Các mặt hàng như tủ lạnh, máy giặt... có chứa một lượng lớn nhựa cứng, đặc biệt là phần vỏ thiết bị. Nhựa cứng trong linh kiện điện tử thường được xử lý bằng chất chống cháy có chứa bromin, với nhiều chất đã bị cấm ở Mỹ và Châu Âu sau khi các nghiên cứu cho thấy chúng gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.
Trung Quốc, nước xử lý rác thải điện tử thương mại lớn nhất thế giới, đã triển khai lệnh cấm nhập các mặt hàng này từ Mỹ và Châu Âu trong năm nay. Do bị chặn cửa vào Trung Quốc, những mặt hàng như thế này đã đổ vào Malaysia và Thái Lan.
Thu gom rác thải nhựa trên sông Buriganga ở Dhaka, Bangladesh.
ASEAN mới chỉ bắt đầu nhận thức được cuộc khủng hoảng môi trường mà tổ chức đang đối mặt. Lim lưu ý rằng, ASEAN không có một chiến dịch chính thức hoặc một cơ chế cấp khu vực để buộc các nước thành viên giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Theo Lim, đây không phải là vấn đề có thể giải quyết được chỉ nhờ một quốc gia, bởi rác trên biển chạy xuyên qua nhiều ranh giới chính trị. Bà hy vọng cuộc gặp của các quan chức cấp cao về môi trường diễn ra ở Singapore vào cuối năm nay sẽ thông qua việc ưu tiên bảo vệ đa dạng sinh học tại các vùng ven biển và vùng biển. Còn trước mắt, ASEAN gần như không có hoạt động phối hợp chung để xử lý vấn đề rác thải nhựa.
Mỗi nước tự theo đuổi những giải pháp riêng, nhưng có vẻ chưa đủ để đáp ứng với thách thức. Brunei đã có các kế hoạch cấm hoàn toàn túi nilon vào năm 2019. Một số người bán hàng ở Philippines đã tham gia chiến dịch kêu gọi người mua hàng tự mang theo túi, để hạn chế sử dụng túi nilon. Malaysia thì có động thái chống các hộp chứa làm từ nhựa polystyrene và cổ súy việc tái chế rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên nhiều gia đình ở đây vẫn tiếp tục dùng túi nilon để gói rác và chúng sẽ đi thẳng tới các hố chôn lấp thay vì lò thiêu.
Thái Lan có một số chương trình nâng cao nhận thức về rác thải nhựa, nhưng nhiều trạm bán xăng vẫn tiếp tục thu hút cánh tài xế bằng cách phát không các loại nước đóng 60.000 tấn mỗi năm theo ước tính của Bộ chai nhựa dùng một lần, cỡ lớn.
Các điểm nuôi sò ở Sriracha, thị trấn ven biển Thái Lan đã mang tới cho thế giới loại tương ớt cay nổi tiếng, nay ngập tràn các loại nhựa. Trên đất liền, những con chó và khỉ chạy qua chạy lại những đống rác, làm các mảnh túi nilon bắn tung theo chiều gió.
Có một ước tính cho rằng, Thái Lan không thể quản lý hơn 1/3 trong số 27 triệu tấn rác thải nước này tạo ra mỗi năm. Phần lớn rác thải chảy xuống các con sông, các kênh đào trước khi chạy thẳng ra biển - đặc biệt là trong các mùa mưa - với số lượng lên tới 60.000 tấn mỗi năm, theo ước tính của Bộ Thủy sản và Nguồn lợi ven biển.
Đảo du lịch Koh Tao - nơi vẫn được xem là có khung cảnh nguyên sơ - đang tồn tại một núi rác với khối lượng 45.000 tấn. Vịnh Maya ở Phuket, nơi ghi hình phim "The Beach" của Leonardo DiCaprio, đã phải đóng cửa suốt 4 tháng để tu sửa do du khách gây ô nhiễm quá mức. Koh Larn, vốn cách Pattaya không xa, đón tới 10.000 du khách mỗi ngày và đang có một bãi rác lớn tới 50.000 tấn.
Hậu quả lâu dài
Đã có vài nơi tại Châu Á triển khai biện pháp đối phó mạnh tay. Maharashtra, địa phương chiếm 15% tổng thu nhập quốc nội của Ấn Độ, là bang thứ 20 tại nước này ban lệnh cấm túi nilon, chai nhựa, cốc, dao dĩa dùng một lần và nilon bọc thực phẩm.
Lệnh cấm được ban hành vào ngày 23.6, nhưng trong bối cảnh nhiều công ty lớn như Coca-Cola và Amazone gây sức ép, chỉ 1 tuần sau chính quyền đã phải nới lệnh cấm với các chai nhựa có dung tích hơn 200ml, nilon quấn sản phẩm y tế và túi rác.
Từ năm 1970 tới 2016, Singapore chứng kiến lượng rác thải rắn sinh ra tại đất nước này tăng 7 lần, lên mức 8.559 tấn mỗi ngày. Với việc chỉ có một điểm chôn lấp rác, nước này đã mở một trong những lò thiêu rác lớn nhất thế giới vào năm 2000. Lò có công suất thiêu 4.320 tấn rác mỗi ngày. Mitsubishi Heavy Industries, công ty xây lò trên trong chỉ 38 tháng, đã mở một cơ sở tại Singapore do nhìn thấy nhiều tiềm năng trong khu vực.
Biến rác thải thành năng lượng là một giải pháp được nhiều quốc gia quan tâm. Thái Lan đã mở lò thiêu rác ở Phuket, Songkhla và Phitsanulok. Năm ngoái, nước này tạo ra 171MW điện từ rác thải, tương ứng với 1,7% tổng lượng điện tiêu thụ của cả nước. Mục tiêu của năm 2036 chỉ nằm ở mức khá ít là 550MW, tức 2,8%.
Theo giới chuyên gia, các lò thiêu rác được thiết kế tốt có thể đốt cháy nhựa ở nhiệt độ chuẩn, xử lý sản phẩm phụ độc hại như dioxin và nitrous oxide. Nhưng mặt tiêu cực là việc này sản sinh khí carbon dioxide, làm tồi tệ hơn tình trạng Trái đất ấm lên.
Giới chuyên gia tin các lò thiêu rác chỉ đóng vai trò chuyển giao từ một xã hội truyền thống sang một xã hội ít rác thải hơn. Việc quản lý và tái chế rác thải hiệu quả mới đóng vai trò cốt lõi trong việc xử lý cuộc khủng hoảng rác thải nhựa của thế giới.
Tuy nhiên theo Cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia Singapore, tỉ lệ tái chế rác thải nhựa trong năm 2017 chỉ là 6% trong số 763.400 tấn rác nhựa bị vứt bỏ ở nước này. Trên toàn cầu, quỹ Ellen MacArthur ước tính chỉ có 14% lượng rác nhựa được tái chế và thế giới thiệt hại từ 80 - 120 tỉ USD mỗi năm do xài nhựa dùng một lần. Quỹ ước tính 1/3 số nhựa dùng cho hoạt động đóng gói đã chạy vào hệ sinh thái.
Nhựa chứa hóa chất, kim loại nặng và nhiều hợp chất gây hại cho con người. Đó là điều nhân loại đã biết tới từ lâu. Nhưng vẫn ít người tính đến hậu quả của việc ăn uống từ một chuỗi thực phẩm bị nhiễm bẩn nhựa. Hậu quả này sẽ là tác động lâu dài nhất mà cuộc khủng hoảng rác nhựa hiện nay gây ra, theo đánh giá của nhà văn người Anh Michael Gross.
"Những con chim biển với dạ dày đầy rác nhựa, những con rùa chân vướng túi nilon đã trở thành biểu tượng của vấn đề rác nhựa trên biển. Nhưng tác động thực sự của nạn ô nhiễm nhựa nằm ở cấp độ nhỏ hơn, khó thấy hơn và rất có thể sẽ nghiêm trọng hơn, bởi giờ đây khoa học mới đang ở giai đoạn bắt đầu tìm hiểu vấn đề này", ông nói.
Đây không phải là vấn đề có thể giải quyết được chỉ nhờ một quốc gia, bởi rác trên biển chạy xuyên qua nhiều ranh giới chính trị.
HƯƠNG GIANG (TỔNG HỢP)
Theo Laodong
Con trai đánh mẹ dã man, đẩy mẹ xuống sông... lý do chẳng ngờ Cha mẹ nuôi con không mong gì khác ngoài việc con khỏe mạnh lớn khôn nên người, hiểu được thế nào là hiếu thuận với cha mẹ. Thế nhưng vẫn có những người con bất hiếu, đánh đập mẹ tàn tệ khiến lòng người phẫn nộ. Mới đây, một cần thủ người Malaysia trong lúc đang câu cá chứng kiến và quay lại...