Vật dụng cứu mạng cần phải có để phòng cháy chung cư
Liên tiếp các vụ cháy chung cư ở Hà Nội khiến người dân không khỏi lo lắng nhiều người tìm mua các đồ bảo hộ chữa cháy để thoát hiểm.
Thang dây thoát hiểm là một trong những món đồ được nhiều người ưu tiên mua khi ở các tầng cao của chung cư, đặc biệt ở những tầng thang cứu hộ không thể đến.
Tại các cửa hàng bán đồ bảo hộ chữa cháy, bán thang dây trên đường Yết Kiêu, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn, Nguyễn An Ninh, khách hàng có thể mua được sản phẩm này với giá từ 500.000 đồng trở lên (với loại xuất xứ Trung Quốc, tùy độ dài, ngắn của thang dây).
Ngoài ra các loại thang dây thoát hiểm TH02 (giá 2,1 triệu), TH01 (1,1 triệu loại 10m), Aptes… hoặc dây đai Autoland (khoảng 3 triệu). Tùy theo độ dài của thang, giá thang dây có thể lên tới 9 – 15 triệu đồng/bộ.
Hiện nay, đai dây và thang dây là hai dạng bán phổ biến. Đai dây gồm điều tốc- điều chỉnh tốc độ của người sử dụng khi tiếp đất. Phần đai ôm quanh hông được thiết kế với bản to, độn mút mềm giúp hạn chế ma sát giữa lưng và đai đỡ. Phần giá đỡ của thang dây làm bằng thép, tạo điểm bám một phía. Giá của đai dây khá đắt đỏ.
Thang dây loại đơn giản hơn gồm các hai móc khóa cố định một đầu, trục thang là hai dây bản sợi tổng hợp, các thanh thép được gắn vào dây chịu lực để người dùng bước theo bậc xuống phía dưới. Chúng có giá “mềm” hơn.
Mặt nạ chống khói cũng là món đồ thoát hiểm được người dân ở các chung cư tìm mua. Khảo sát thị trường, giámặt nạ chống ngạt khói dao động từ 70.000 – 300.000 đồng/chiếc (tùy nhãn hiệu). Loại đơn giản chỉ có phần chụp vào mũi, có thể thay lõi than hoạt tính sau các lần sử dụng, mỗi lõi than giá 15.000 – 20.000 đồng.
Trong khi đó, loại đắt hơn, giá trên 200.000 đồng có thêm lớp bọc đầu. Theo quảng cáo, các loại mặt nạ này có thời gian phòng hộ từ 20 – 40 phút, bảo vệ toàn bộ vùng đầu trước tác hại của nhiệt độ và khói, lọc các loại hơi và khí độc phát sinh trong đám cháy.
Video đang HOT
Bình cứu hỏa cá nhân cũng là giải pháp có thể giúp người dân thoát hiểm nhanh chóng trong trường hợp chung cư cháy. Hai loại: Bình bột và bình khí CO2 có giá dao động từ 200.000 – 300.000 đồng (tùy trọng lượng bình).
Loại bình bột có nhiều loại khác nhau, để chữa các vật liệu cháy có đặc tính khác nhau, được ký hiệu là A (chữa cháy chất rắn), B (chất lỏng), C (chất khí) và D hoặc E (điện). Nếu bình ghi BC sẽ dập được đám cháy chất lỏng hoặc chất khí, bình ABC dập được ba loại cháy là chất rắn, lỏng, và khí. Riêng loại ABCE có thể chữa cháy cả thiết bị điện.
Bình CO2 chuyên chữa cháy chất lỏng (xăng, dầu, cồn), chữa cháy khí (methan, gas) và thiết bị điện. Trên bình thường ghi rõ CO2, hoặc MT2, MT3, MT5. Nhưng do đặc tính CO2 gây ngạt, nên cũng không thể bình để chữa cháy trong phòng kín có người ở.
Thông thường, bình chữa cháy gia đình có thể chọn loại 2-5kg. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là người dùng phải tìm hiểu kỹ và biết cách sử dụng sản phẩm để ứng phó kịp khi có đám cháy. Kiểm tra đồng hồ đo áp, nếu đồng hồ về vạch đỏ thì bình không thể sử dụng.
Trang bị các vật dụng cứu hộ, thoát hiểm chống cháy khi ở nhà chung cư là điều cần thiết, song hơn hết người dân phải biết cách sử dụng chúng an toàn, thuần thục, đặc biệt khi dùng với trẻ em và người già phải lưu tâm.
Phối hợp kịp thời với đội cứu hỏa, cứu hộ cũng là một cách thoát hiểm an toàn. Ngoài ra, các buổi diễn tập về phòng cháy chữa cháy, các quy định về phòng cháy ở chung cư cũng là những điều không nên chủ quan bỏ qua, bởi những điều đó có thể hạn chế cháy nổ và có thể cứu mạng người dân trong tình huống nguy hiểm.
Theo_Kiến Thức
Liên tiếp cháy chung cư ở Hà Nội, trách nhiệm thuộc về ai?
Liên tiếp xảy ra tình trạng cháy chung cư ở Hà Nội trong một thời gian ngắn, nhiều người đặt ra câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm?
Liên tiếp xảy ra tình trạng cháy chung cư ở Hà Nội trong một thời gian ngắn, nhiều người đặt ra câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm?
Giữa tháng 9/2015, chung cư HH4A Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội bất ngờ bốc cháy, khiến hàng chục người bị mắc kẹt trên các tầng cao. Chỉ vài ngày sau, đến lượt các "thượng đế" tại tòa nhà CT5b khu đô thị Xa La hoảng hồn vì bị "bà hỏa" ghé thăm. Tối 11/10, những cột khói lớn tiếp tục bao trùm lên khối chung cư CT4 Xa La, "giam" gần 200 người tại chính các căn hộ cao tầng của họ. Và mới đây nhất, tối 13/10, hỏa hoạn xảy ra tại tòa nhà VP5 Linh Đàm cao 25 tầng.
Một loạt sự cố liên quan đến cháy nổ xảy ra dần hé lộ một thực tế: Rất nhiều công trình cao tầng đã được đưa vào sử dụng khi chưa đảm bảo đủ các điều kiện cơ bản về Phòng cháy chữa cháy. Trong khi "trái bóng" trách nhiệm về thực trạng nhức nhối ấy vẫn cứ lăn đi lăn lại, thì hàng ngàn "thượng đế" phải cắn răng chịu thiệt.
Hơn 23% chung cư thiếu an toàn
Theo báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội, qua công tác điều tra cơ bản, trên địa bàn thành phố hiện có tổng số 891 công trình và nhà cao tầng, trong đó có 779 công trình đã hoạt động, 112 công trình đang thi công.
Trong số 779 công trình đã hoạt động thì có đến 121 công trình đã được thẩm duyệt về Phòng cháy chữa cháy nhưng chưa được nghiệm thu; 60 công trình chưa được thẩm duyệt. Số lượng những chung cư thiếu an toàn như vậy chiếm hơn 23% tổng số công trình cao tầng đã được đưa vào hoạt động tại Hà Nội.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội cho hay: Các lỗi phổ biến hiện nay ở các công trình và nhà cao tầng liên quan đến an toàn cháy nổ bao gồm: Không đảm bảo về giao thông, khoảng cách phòng cháy chữa cháy; không đảm bảo về lối thoát nạn; không đảm bảo các giải pháp ngăn cháy lan và không đảm bảo các yêu cầu về hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Nhiều chủ đầu tư thậm chí không tổ chức thực hiện các giải pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy theo kiến nghị của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Một số khác thì thực hiện mang tính chất đối phó, không đảm bảo các điều kiện an toàn theo hướng dẫn của quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định hiện hành về phòng cháy, chữa cháy.
Nhiều chung cư ở Hà Nội không đảm bảo đủ khoảng cách phòng cháy (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam )
Cá biệt, có những "chuỗi chung cư" của cùng một chủ đầu tư cùng lúc "bỏ quên" các quy định về phòng, chống cháy nổ. Điển hình là hàng loạt các dự án của doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên (thuộc tập đoàn Mường Thanh). Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, nhiều tòa nhà do doanh nghiệp này đầu tư đã được đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, mà cụ thể là các tòa nhà CT4 Xa La, HH4A Linh Đàm...
Trong vụ cháy tòa tháp B tòa CT5 trong khu đô thị Xa La tối 20/9, cơ quan phòng cháy chữa cháy đã phát hiện tại đây không hề có quạt tăng áp trong hệ thống thang bộ thoát hiểm.
Tiến hành kiểm tra tại CT1, CT4 và CT6 cùng thuộc khu đô thị trên, cơ quan chức năng cũng chỉ ra thêm nhiều lỗi mang tính chất hệ thống và kéo dài. Thậm chí, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội còn cho rằng, doanh nghiệp tư nhân thuộc tập đoàn Mường Thanh có biểu hiện chống đối khi thực hiện các kiến nghị từ cơ quan quản lý Nhà nước về Phòng cháy, chữa cháy.
Vào khoảng 7 giờ 30 đến 8 giờ tối 11/10, đã xảy ra một vụ cháy ở khu đô thị Xa La (quận Hà Đông).
Trách nhiệm thuộc về ai?
Liên quan đến việc xác định đối tượng chịu trách nhiệm cho sự tồn tại của những chung cư không an toàn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (C66, Bộ Công An).
Theo Phó Cục trưởng C66, hiện nay, luật đã quy định rất rõ trước hết trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư từ khâu lập hồ sơ thiết kế cho đến quá trình thi công, kiểm tra, nghiệm thu. Chỉ khi chủ đầu tư đảm bảo đủ các điều kiện thì mới được phép đưa công trình vào sử dụng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước về Phòng cháy chữa cháy cũng phải có trách nhiệm thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật với hệ thống phòng chống cháy nổ của công trình đó.
Tuy nhiên, trên thực tế, quy định được "luật hóa" này trong nhiều trường hợp đã không được thực hiện đúng và đủ. Có thể kể ra trường hợp của chung cư HH4A Linh Đàm đã "đón" 250 thượng đế vào ở trong khi chưa được thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy. Chung cư CT4 khu đô thị Xa La cũng đã được lấp đầy 80% cư dân, bất chấp việc chủ đầu tư còn bỏ ngỏ nhiều khâu trong đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
Để tồn tại những chung cư sợ lửa như HH4A, trách nhiệm thuộc về cả chủ đầu tư, cơ quan cấp phép và cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam ).
Đại tá Đoàn Hữu Thắng cho rằng: Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm còn thuộc về cả cơ quan quản lý cấp phép xây dựng và cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy sở tại.
"Thực tế vẫn tồn tại việc các hệ thống Phòng cháy chữa cháy ở các tòa nhà cao tầng chưa thực sự hoàn thiện, có thể thiếu một số tiểu tiết. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn tạo điều kiện để chủ đầu tư cho dân vào ở."
"Xảy ra điều này cũng vì tâm lý người Việt khi bỏ tiền ra mua nhà muốn "giữ nhà" trước đã, rồi mới tính đến các khía cạnh khác. Ngoài ra, chủ đầu tư và bên cấp giấy phép cho công trình vào sử dụng cố tình làm sai," Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ nhấn mạnh.
Ông Thắng cũng cho biết thêm: C66 cũng đã trao đổi với Bộ Xây dựng để phối hợp chặt chẽ hơn trong việc cấp phép xây dựng, nghiệm thu công trình và đưa vào sử dụng.
Xe thang của cảnh sát phòng cháy chữa cháy giải cứu người bị mắc kẹt trong tòa nhà HH4. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam )
Nên đánh giá lại khả năng chịu lực sau vụ cháy CT4
Sau vụ hỏa hoạn tối 11/10 tại chung cư CT4 khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội,) nhiều cư dân đã tỏ ra lo lắng đến khả năng chịu lực của công trình này do thời gian cháy kéo dài khá lâu. Theo đánh giá ban đầu của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, toàn bộ kết cấu tầng hầm của tòa nhà đã bị thiệt hại nghiêm trọng do nhiệt.
Về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Dù ít hay nhiều, vụ hỏa hoạn đêm 11/10 cũng đã ảnh hưởng tới kết cấu chung của tòa nhà. Cụ thể, nếu khoảng cháy và thời gian cháy không quá dài, nhiệt độ không cao thì các cột chịu lực bê tông cốt thép có khả năng chống chịu được. Tuy nhiên, ngược lại, cốt thép sẽ yếu đi và ảnh hưởng tới kết cấu chung.
Cũng theo ông Liêm, do đám cháy xảy ra xuất phát từ tầng hầm nên cần xem xét kỹ hai bộ phận là cột chịu lực và dầm ngang mặt sàn. Nếu nhiệt độ tác động phần lớn đến cột chịu lực vốn là "xương sống" của công trình thì sẽ hết sức nguy hiểm. Trong trường hợp chỉ tác động đến dầm ngang, sẽ chỉ có mặt sàn phía trên bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với cả hai giả định, đều cần phải tiến hành gia cố.
Cần đánh giá lại khả năng chịu lực sau vụ cháy kéo dài đêm 11/10 tại CT4 (Ảnh: Vietnam )
Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng: Thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội nên mời các chuyên gia kết cấu đến để đánh giá cụ thể về khả năng chịu lực của tòa nhà.
Trong một diễn biến khác, chiều 13/10, công tác khám nghiệm hiện trường vụ cháy tầng hầm chung cư CT4 khi đô thị Xa La cũng đã được hoàn tất. Cơ quan chức năng đã khoanh vùng được điểm phát cháy khi xác định nhiều khả năng lửa bắt nguồn từ sự cố xảy ra tại khu vực tủ điện hầm CT4A. Ngoài ra, các vật mẫu liên quan cũng đã được thu thập để tiến hành trưng cầu giám định./.
Theo Vietnamplus
[Infographic] Gặp hỏa hoạn, làm gì khi không có lối thoát? Khi gặp sự cố, bình tĩnh xử lý tình huống luôn là cách khôn ngoan nhất, bên cạnh đó việc hướng dẫn trẻ em kế hoạch sơ tán khi gặp hỏa hoạn vô cùng quan trọng. Theo Danviet