Vào miền Tây
‘È è è..’, theo phản xạ, 2 phóng viên miền Bắc né ngay sang một bên nhường đường cho xe máy nhưng hóa ra là tiếng vỏ lãi dưới kênh, vì đây là miền Tây.
Miền Tây là một vùng đất lạ, giản dị và chân thành. Ảnh: Tùng Đinh.
8 ngày, 12 tỉnh thành và gần 5.000 km là những con số trong chuyến công tác ĐBSCL của chúng tôi, theo phân công của tòa soạn để phản ánh hàng loạt vấn đề của vùng đất này như hạn, mặn, thủy lợi, lúa vụ xuân hay cây ăn trái cuối tháng 4/2020.
Vùng đất mới lạ
Từ Cần Thơ, chạy dọc bờ biển Tây xuống đất mũi Cà Mau rồi ngược lên hướng Bạc Liêu, Sóc Trăng trước khi kết thúc ở vùng biên giới Campuchia, sau 8 ngày, kể cả những người chưa từng đặt chân tới đây cũng thấy ĐBSCL trở nên gần gũi, thân thuộc, dù mới khám phá được những điều cơ bản nhất.
Ấn tượng đầu tiên ở miền Tây, là quá nhiều kênh rạch, dường như trên bờ có gì, dưới nước có đó, từ hàng ăn cho đến cây xăng. Vì thế, những người chưa quen, rất dễ nhầm lẫn tiếng động cơ ghe, thuyền, vỏ lãi với xe máy rồi nhường đường trong vô thức mà không có chiếc xe nào đi qua.
Miền Tây nhiều kênh rạch, thuyền ghe, từ hàng tạp hóa, hàng gội đầu cho đến cây xăng đều có thể mọc trên mặt nước. Ảnh: Tùng Đinh.
Dọc theo bờ biển Tây, Kiêng Giang, Cà Mau hiện lên là vùng đất trù phú, từ những đồng lúa rộng bạt ngàn cho đến các vuông tôm, đầm cua, đều là đặc sản thơm ngon nổi tiếng. “Ra đồng một lúc là đầy đồ ăn”, người dân miền Tây tâm sự như vậy với các vị khách phương xa.
Ở phía bờ biển bên kia, Bến Tre được ví như thủ phủ cây căn trái của ĐBCSL, ngoài dừa còn có sầu riêng, bơ, măng cụt… Đến đây, không chỉ có những rừng dừa mênh mông, những vườn cây cây ăn trái đi cả buổi không hết mà còn gặp nhiều tỷ phú nông dân, làm giàu từ ươm cây, bán giống cho cả miền Tây.
Khi đã quen với tiếng ghe thuyền, tưởng chừng thấy hết tất cả những gì lạ lẫm nhất của miền Tây thì lại có thêm bất ngờ mới, đó là Bảy Núi. Nằm sát biên giới Campuchia, cảm nhận lúc đặt chân đến đây, đó là một khoảng trời mới trong vùng đất lạ.
Bảy Núi là một khu vực hoàn tác khác biệt so với phần còn lại của ĐBSCL. Ảnh: Tùng Đinh.
Không có cánh đồng cò bay thẳng cánh, ở đây có núi, không có kênh rạch, ở đây có hồ, không có thuyền ghe tấp nập, ở đây chỉ thấy những rặng thốt nốt, tất cả tạo nên khung cảnh như một vùng đất xa xôi nào đó, khác biệt hoàn toàn với phần còn lại của ĐBSCL.
Thế nhưng, dù miền Tây có nhiều vùng đất khác nhau thế nào đi nữa thì điểm chung vẫn là những người nông dân giản dị, mến khách và chân thành.
Con người chân thành
6h chiều, mặt trời vừa chui khuất mép ruộng, ông Khoa giục 2 đứa nhỏ ăn cơm trước rồi bảo vợ nướng nhanh mấy con tôm càng sau khi đổ nồi cua vừa hấp xong ra rổ. Ở miền Tây hay huyện An Minh (Kiên Giang) nơi ông Khoa sống, có khách quý là mời nhậu, mồi cũng toàn cây nhà lá vườn, “ra đồng một lúc” đem về.
Biết có khách, người nông dân hàng ngày vẫn lấm lem bùn đất nay nghỉ sớm, tắm táp và chải một đường ngôi thẳng tắp trên mái tóc đen bóng của mình chờ vào mâm.
“Ngày xưa nghèo thì xài rượu đế, giờ có kinh tế rồi thì nhậu bia”, ông Khoa vừa nói vừa bê mấy thùng bia đặt cạnh bàn nhậu ở chái nhà. Nhà ở miền Tây cũng lạ, không xây cao tầng mà chạy dài, bên trái có hiên rộng, vừa làm chỗ ăn cơm, vừa làm chỗ nhậu, rồi làm cả chỗ ngủ vì thoáng mát, nhiều gió.
Nông dân miền Tây nửa đêm đi đặt lú bắt tôm, cua và dỡ lên vào lúc sáng sớm. Ảnh: Tùng Đinh.
Làm giàu từ tôm cua, ông Khoa nói dù không nổi tiếng như Cà Mau, nhưng cua và tôm của ở đây vẫn bán đều cho thương lái. Từ khi chuyển đổi sang mô hình xen canh cua trong vùng tôm lúa, kinh tế gia đình ông khấm khá lên, xe cộ, tiện nghi được sắm đầy đủ.
Sau cuộc nhậu, cả chủ lẫn khách ngả lưng luôn xuống hè và tỉnh giấc khi mặt trời lên. Lúc đó, vợ ông Khoa đã kịp dậy đi thu mớ lú (ngư cụ bắt tôm, cua dài từ 5-10m gồm lưới bao quanh các khung sắt tròn hoặc chữ nhật) đặt từ đêm hôm trước và chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà.
Nhưng về miền Tây mà nhậu ở hiên nhà thôi là chưa đủ. Từ nhà ông Khoa, men theo dòng sông Trẹm gần 100km, đến xã Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, các nông dân ở đây lại cho những vị khách miền Bắc được trải nghiệm cảm giác nhậu “đầu bờ”.
Mặc mấy người phụ nữ vẫn ngồi tám chuyện, ông Khởi, ông Liệt đều ở ấp 8 của xã Thới Bình bắc bếp, sắp ngay bàn nhậu cho khách, dù chỉ mới là 9h sáng. Mấy chiếc ghế nhựa được kê xung quanh chiếc bàn gỗ đã bạc phếch, bên trên có chai rượu đế, vài chiếc ly và một nồi cua. Cho đến khi có tạp hóa nổi trên ghe đi qua, bàn nhậu mới được bổ sung thêm món xoài xanh chấm mắm ruốc và đậu bắp luộc chấm mắm ớt.
Tạp hóa nổi bổ sung xoài xanh, đậu bắp cho bàn nhậu của ông Khởi, ông Liệt. Ảnh: Tùng Đinh.
“Cua này 1 tháng nữa là bán nhưng có khách quý nên phải làm luôn”, ông Khởi nói trong khi bàn tay rám nắng đang khéo léo tách cua mời khách.
Nhắc đến đồ ăn, ông Liệt, ông Khởi những người tóc đã muối tiêu cũng không ngần ngại kể, Cà Mau ngày xưa là Minh Hải, có kết nghĩa với Hà Nam Ninh nay là Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Không ít người miền Bắc đã vào đây cư trú, sinh con đẻ cái rồi lập nghiệp trên miền cực Nam này.
“Nhờ mấy anh chị ngoài đó vào mới dạy cho ăn thịt chó với lá mơ, với mắm tôm đó chú, chứ tụi tui trong này trước có biết đâu. Mà công nhận thịt chó nấu kiểu miền Bắc nó ngon thật chứ”, ông Khởi nhấp chén rượu đế rồi chia sẻ với chất giọng miền Tây đặc sệt.
Ngồi cạnh vuông tôm, gió lùa lá dừa cọ vào nhau nghe xào xạo, câu chuyện trên bàn nhậu của những nông dân Cà Mau xoay quanh cách họ sinh nhai trên mảnh đất quê hương, đang phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khi hậu, xâm nhập mặn.
“Thời tiết thay đổi, chúng tôi được hướng dẫn chuyển sang nuôi cua hai giai đoạn để thích nghi. Hiện nay, vào mùa thu hoạch, mỗi ngày gia đình có thể bán được vài trăm đến hơn 1 triệu đồng tiền cua”, ông Liệt chia sẻ.
Nông dân miền Tây chèo thuyền đi rải hợp chất vệ sinh bùn, cặn cho vuông tôm. Ảnh: Tùng Đinh.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên thay đổi, hạn mặn khốc liệt trong vài năm trở lại đây nhưng ĐBSCL cũng không thiếu những nông dân làm ăn giỏi và trở thành tỷ phú. Ông Tư Thành, ở huyện Chợ Lách, Bến Tre, chủ nhà vườn quy mô và uy tín bậc nhất trong vùng là một tỷ phú như vậy.
Đứng giữa vườn sầu riêng vẫn chịu được trong đợt hạn mặn khủng khiếp cuối tháng 4 vừa qua, ông Thành nói: “Huyện Chợ Lách bị nhiễm mặn 100%, những người làm giống năm nay rất cực khổ. Đặc biệt năm nay, độ mặn lên tới 4 đến 5 phần nghìn. Cây sầu riêng chỉ chịu được độ mặn 0,4 phần nghìn, dù mặn chỉ 1 phần nghìn cũng không thể tưới”.
Vườn cây hơn 10 công của ông Tư Thành trồng rất nhiều loại cây giống đặc sản có giá trị như: Sầu riêng Thái lan, sầu riêng Ri-6, sầu riêng Musang King, ổi Ruby, bòn bon Thái Lan, vú sữa không mủ… Tất cả đều sống được nhờ vào hơn 20.000 m3 nước ngọt ông trữ lại được từ khi còn làm du lịch nhà vườn, tích trong các kênh rạch.
Là người làm cây giống, ông Thành nói nếu không có tâm, không nghĩ đến những nông dân khác mà dùng nước nhiễm mặn để chăm giống thì cây vẫn sống nhưng lúc trồng năng suất sẽ kém. Vì trăn trở đó, ông tìm mọi cách để duy trì đủ nước ngọt cho vườn cây giống của mình.
Khi mùa mưa đến, ông Thành nói sẽ thuê nhân công nạo vét các lòng kênh, đào ao sâu hơn để có thể trữ được khoảng 30.000 m3 nước ngọt, phòng trường hợp hạn mặn kéo dài trong năm 2021.
Ông Tư Thành bên những trái sầu riêng trong khu vườn giống 10 công đất của mình. Ảnh: Tùng Đinh.
Bên cạnh sự chân thành của những nông dân như ông Thành, sự quan tâm, giúp đỡ từ các cấp, các ngành đặc biệt là Bộ NN-PTNT bằng các công trình ngăn mặn và những mô hình sản xuất thích nghi với biến đổi khí hậu mới là chìa khóa để giải quyết vấn đề hạn mặn của miền Tây.
Hiện nay, ĐBSCL có hàng chục dự án thủy lợi lớn do Bộ NN-PTNT quản lý được xây dựng và đưa vào vận hành để phòng, chống xâm nhập mặn như cống âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu); trạm bơm Xuân Hòa (Tiền Giang); các cống Tân Dinh, Bông Bót (Trà Vinh), cống Vũng Liêm và nạo vét kênh Mây Phốp – Ngã Hậu (Vĩnh Long); 18 cống kiểm soát mặn thuộc Dự án thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1.
Các công trình này đã chủ động trực tiếp kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn cho 300.000ha. Trong thời gian tới, một số dự án đang được thực hiện sẽ tiếp tục bảo đảm chủ động kiểm soát xâm nhập mặn tốt hơn, như hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Cái Lớn – Cái Bé, Tứ giác Long Xuyên…
Nhờ hàng loạt biện pháp thủy lợi hợp lý, nông dân vùng núi An Giang vẫn có nước để xuống giống vụ hè. Ảnh: Tùng Đinh.
Ngôi chùa được mệnh danh cổ trấn thu nhỏ của miền Tây
Chùa Phật Ngọc Xá Lợi là di tích lịch sử Phật giáo nổi tiếng của đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ nổi tiếng bởi sự linh thiêng, cổ kính, nơi đây còn có kiến trúc vô cùng độc đáo.
8/3: Du lịch ở đâu rẻ đẹp và lý tưởng nhất miền Tây? Miền Tây với gạo trắng nước trong, với bông điên điển và rừng tràm cùng những câu vọng cổ đã làm đắm say biết bao du khách. Tháng 3, cùng ghé các điểm du lịch lý tưởng của miền Tây để nghỉ ngơi, tham quan. Làng nổi Tân Lập (Long An) Làng nổi Tân Lập là khu du lịch sinh thái có vẻ...