Vào hẻm tìm ăn bánh mì cụ Lý
Trong quyển Sài Gòn 100 quán ngon của Nhà xuất bản Trẻ (1996) đã viết về cụ Lý như sau:
“Sau hơn ba mươi năm liên tục bán bánh mì dạo với một giỏ tre lớn và di chuyển bằng xe Mobylette, cụ Lý dừng chân ở đầu hẻm 191 Hai Bà Trưng ( quận 03). Đó là giỏ bánh mì thịt của một người quê Bắc vào Nam sinh sống”.
Anh Thiện, thế hệ thứ ba kế nghiệp bánh mì cụ Lý vẫn giữ mâm chả phủ lá chuối như xưa trong con hẻm 191 Hai Bà Trưng, quận 03
Vào năm xuất bản quyển sách (1996), cụ Lý mới 58 tuổi nhưng không hiểu do đâu mà được người mua gọi bằng “cụ”. Thời đó cụ Lý bán ổ bánh mì kẹp ba loại chả bò, chả lụa và chả bì. Ở trong không có pâté hay đồ chua như thường thấy, mà chỉ gồm những thanh chả ăn cùng với hành tây và dưa leo, rắc lên muối tiêu và xì dầu (nước tương) hay nước mắm tùy theo khách yêu cầu.
Khách của cụ Lý đa số là công nhân viên, sinh viên, học sinh mua rồi dừng lại ngồi trên xe mà ăn vì “tiệm” của cụ chỉ là một cái mâm đặt trên chiếc ghế đẩu và phủ lá chuối thật sạch sẽ. Bánh mì cứ cách 1 giờ lại có người mang tới nên luôn nóng giòn. Cụ đứng bán một mình từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, với mức giá từ 1.500 đồng đến 2000 đồng/ổ (thời điểm 1996).
Anh Thiện, thế hệ thứ ba nối nghiệp bán bánh mì cụ Lý cho biết “ cụ Lý bán bánh bánh mì từ những năm 1950, đến khoảng năm 2003 thì nghỉ. Sau đó người bà con cụ Lý là ông Hiếu và con bán, rồi bây giờ đến tôi“.
Món giò thủ (chả đầu) hấp dẫn do gia đình tự làm
Riêng món chả bò thì là phải đặt người làm chả ở khu chợ ông Tạ vì họ có bí quyết làm chả ngon đến mức không ai bắt chước được
Anh Thiện vẫn lưu giữ cách bán bánh mì trên chiếc mâm nhỏ phủ lá chuối như xưa, bày các món chả bò thì là, chả lụa, nhưng thay món chả bì cụ Lý bằng món giò thủ (chả đầu). Còn các món ăn kèm vẫn là hành tây, dưa leo thái miếng to, ớt, muối tiêu, và nước tương như ngày nào
Chả bò thì là loại chả làm theo kiểu Bắc, khác hẳn với chả bò miền Trung (không có rau thì là), được đem nướng tương tự như chả quế chứ không phải gói trong lá chuối rồi luộc chín.
“ Món giò thủ và chả lụa thì gia đình tự làm lấy, tuy nhiên, món chả bò thì là phải đặt người làm chả ở khu chợ ông Tạ vì họ có bí quyết làm chả ngon đến mức không ai bắt chước được“, anh Thiện chia sẻ.
Ổ bánh mì ngót nghét 50 năm tuổi với bao ký ức đẹp về Sài Gòn
Theo hồi ức của một người Sài Gòn xưa thì khu ngã ba Ông Tạ có nhiều gia đình làm giò chả di cư từ Bắc vào Nam năm 1954. Thậm chí, những người làm giò chả tiên phong trên đất Mỹ sau năm 1975 phần lớn có xuất xứ từ ngã ba Ông Tạ hoặc trên đường Trương Minh Giảng (Trần Quốc Thảo – Lê Văn Sỹ ngày nay).
Một khách hàng đã 40 năm bền bỉ ăn bánh mì cụ Lý cho biết, món chả bò thì là độc đáo này nhất thiết phải ăn với hành tây mới hợp, đó cũng là lý do vì sao món bánh mì kẹp ở đây chỉ có hành tây và dưa leo mà không có đồ chua (hỗn hợp củ cải hay cà rốt ngâm chua). Có ăn như vậy thì mới “bật” lên hương vị quyến rũ của ổ bánh mì này.
Video đang HOT
Mỗi ngày, anh Thiện chỉ bán chừng hơn 100 ổ bánh mì với vài ký chả, giò. Phần lớn khách tới ăn là các khách quen từ những ngày xưa cũ. Khoảng 9 giờ sáng bánh mì đã bán hết, lúc ấy, khách quen tới ngồi quây quần quanh mẹt bánh mì, vừa ăn vừa trò chuyện với chủ quán.
Chỉ cách con đường sầm uất bậc nhất Sài thành mươi mét, vậy mà cảm giác như thời gian đã ngừng trôi tại quầy bánh mì này. Đôi khi tôi tự hỏi, người ta đến đây vì ổ bánh mì ngon, hay vì những ký ức đẹp của Sài Gòn?
Theo SGAT
5 món bún khô hấp dẫn người Sài Gòn
Cách ăn bún tươi với các loại thịt nướng, nem, chạo tôm hay bì cùng nước mắm pha sẵn và rau sống vốn rất phổ biến trong văn hóa ẩm thực Nam bộ. Đặc biệt là ở Sài Gòn quy tụ gần như đầy đủ nhất các món bún hấp dẫn này.
Trong cách ăn bún khô ở Nam Bộ, thịt được ướp gia vị thật đậm đà, cũng như cân đối giữa các vị ngọt, mặn và thơm (có nơi còn cho ít mè hoặc sả vào để khi nướng miếng thịt được thơm hơn). Rau thì hết sức phong phú: salad và các loại rau xắt nhỏ, giá sống, và đặc biệt là dưa leo bằm nhuyễn. Ngoài ra còn phải có mỡ hành và đậu phộng phủ ở phía trên nữa. Nếu như nước chấm của bún chả Hà Nội được pha thật nhạt và hòa chung với giấm, thì nước mắm ăn bún thịt nướng, bún thịt xào Nam Bộ phải đầy đủ vị ngọt, mặn vừa và chua nhẹ của chanh, và tất nhiên không thể thiếu màu đỏ tươi của ớt băm nhuyễn.
1. Bún bì trong chợ Bàn Cờ (quận 03)
Đây có lẽ là món bún dân dã và bình dị nhất. Đã là "bún bì" thì đầu tiên phải nhắc đến món "bì". "Bì" đây chính là da heo thái, trộn chung với thịt và thính cùng một chút tỏi cho thơm. Thịt ram để trộn bì phải chọn là loại thịt heo nạc đùi ngon, ướp gia vị đều tay và ram cho vàng thơm. Xong trộn chung với da heo (bì) và thính.
Nước mắm pha sao cho ớt nổi đều mà không bị chìm, nếm vào thấy ngọt dịu. Phải đủ hấp dẫn để khi hòa chung với bì và bún, rau sống tạo nên một vị ngon không lẫn vào đâu được.
Ăn bún bì ở Sài Gòn thú vị nhất là trong chợ Bàn Cờ (quận 03). Tầm 1h trưa trở đi, có cảm giác khu này như một phiên chợ quê. Bàn ghế thấp thấp, quầy này sát quầy kia, muốn gọi gì ăn cũng được. Buổi chiều ở đây có rất nhiều món ăn chơi như chè các loại, bò bía, ốc... Tuy nhiên quầy bún bì nhỏ nằm ngay ngã tư trong chợ lại hấp dẫn nhất với món bún bì, bún nem nướng, thịt nướng cùng với bì cuốn và chả giò. Đặc biệt là nước mắm pha rất ngon, đúng chất dân dã Nam bộ.
Địa chỉ: Chợ Bàn Cờ (hẻm 212 Nguyễn Thiện Thuật), phường 03, quận 03
Mở cửa: từ 1h chiều đến tầm 5 - 6h tối
Giá: Bún bì (25.000đ/tô), bì cuốn (6.000đ/cuốn), chả giò (5.000đ/cuốn)
Tô bún bì dân dã trong chợ Bàn Cờ
Bì cuốn, chả giò cũng rất hấp dẫn
2. Bún chạo tôm - Bún chả giò - Bún bò xào Thanh Bình (quận 01)
Ở quán Thanh Bình gần chợ Bến Thành có hơn 10 loại bún khác nhau. Đây có lẽ là quán bún đầy đủ nhất ở Sài Gòn với nhiều biến tấu khác nhau của cách ăn bún khô: bún thịt bò xào, bún chả giò, bún chạo tôm, thịt heo quay, thậm chí là bún cuốn với tôm sú.
Do gần chợ Bến Thành nên giá cả ở đây cũng khá cao. Tuy nhiên cũng là một địa điểm thú vị để trải nghiệm hầu hết các món bún ngon của Nam bộ.
Địa chỉ: 140 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 01
Mở cửa: 7h sáng đến 10h tối
Giá: Bún thịt xào (50.000đ/tô), bún chả giò (50.000đ/tô), bún chạo tôm (70.000đ)
Bún chạo tôm với hương vị đặc trưng
Bún thịt xào với củ sắn, ăn kèm với rất nhiều rau sống
Tô bún chả giò với khẩu phần thật hào phóng
3. Bún "thập cẩm" Hải Đăng (cư xá Bắc Hải, quận 10)
Đây có lẽ là một trong những quán bún rẻ nhất Sài Gòn. Con đường Chấn Hưng với khoảng đất trống khá lớn có lẽ là chỗ ăn bún thịt nướng thú vị nhất đất Sài thành. Với mức giá chỉ nhỉnh hơn 20.000đ một chút cho một tô bún đầy ắp thịt nướng, nem nướng, chả giò, nên các quán ở khu vực này thu hút một lượng lớn học sinh, sinh viên. Tuy nhiên chất lượng vệ sinh cũng chưa ổn lắm, dù chiều nào khu này cũng đông nghịt khách từ khắp nơi đổ về.
Địa chỉ: 45 Chấn Hưng, quận 10
Mở cửa: 11h trưa đến tầm 7 - 8h tối
Giá: Bún thập cẩm (23.000đ/tô)
Bún thập cẩm bao gồm chả giò, thịt nướng và nem nướng với giá chỉ 23.000đ
Quầy nướng thịt trên than hồng nghi ngút khói suốt buổi chiều
4. Bún nem nướng Nha Trang - Trường Tiền (quận 03)
Nhân của cuốn nem Nha Trang khá đặc biệt, làm từ thịt heo xay nhuyễn và giã thật mịn, nêm thêm gia vị, rắc vài hột tiêu rồi nắn vào que nướng vừa vàng tới. Sau cùng là vài cái ram (bánh tráng chiên), cuốn cùng bánh tráng mỏng và rau sống, ăn chung với bún hay bánh hỏi.
Nem cuốn xong sẽ ăn cùng vào một loại nước chấm đặc biệt, được nấu từ những hạt nếp ngâm thật mềm, đem vào cối giã cho tơi, bắc lên bếp nấu thật sôi, khuấy liên tục cho đến khi đặc đến độ quánh mong muốn rồi trộn hỗn hợp tôm lột, thịt nạc và gan heo băm nhuyễn đã được phi với hành thật thơm. Màu vàng thật hấp dẫn của tương chấm được làm từ hạt điều khô, vừa bổ dưỡng lại không độc hại.
Nếu không thích cuốn nem với bún hay bánh hỏi, bạn có thể ăn trong tô với nước mắm thông thường cũng rất ngon. Món này khá tương đồng với nem nướng Nam bộ, tuy nhiên nước chấm có phần cầu kỳ hơn rất nhiều.
Địa chỉ: 9a Kỳ Đồng, phường 09, quận 03
Mở cửa: 7h sáng đến 10h30 tối
Giá: Bún nem nướng (35.000đ/tô), nem nướng cuốn bánh tráng (60.000đ/phần)
T ô bún nem nướng đúng kiểu Nha Trang
Nhân của cuốn nem Nha Trang khá đặc biệt, làm từ thịt heo xay nhuyễn và giã thật mịn, nêm thêm gia vị, rắc vài hột tiêu rồi nắn vào que nướng vừa vàng tới
5. Bún thịt nướng Bà Tám
Phiên bản bún thịt nướng Bà Tám rất "đúng chuẩn" Nam Bộ, đặc biệt là phần thịt nướng với hương vị đậm đà. Thú vị nhất có lẽ là chén nước mắm được pha rất vừa, nêm thêm một chút ớt xay rồi cho hết vào tô bún, trộn đều lên mới cảm nhận được hết cái ngọt từ thịt, vị tổng hòa thú vị từ bún tươi, rau salad, giá, dưa leo bằm nhuyễn... Ngoài ra bạn còn có thể gọi thêm các món khác như chả giò, chạo tôm, nem nướng... ăn trong tô như bún thịt nướng hoặc cuốn cùng bánh hỏi. Sẽ thú vị hơn nếu bạn biết rằng, hương vị độc đáo của món bún thịt nướng quán này đã có từ những năm 40 của thế kỷ trước - khởi phát từ chi nhánh đầu tiên trong chợ Bến Thành. Tức là gần 70 năm để lưu giữ một hương vị.
Địa chỉ: 299 Võ Văn Tần, phường 05, quận 03
Mở cửa: 6h30 sáng đến 9h30 tối
Giá: Bún thịt nướng (34.000đ/tô), bánh hỏi thập cẩm (58.000đ/phần)
Phiên bản bún thịt nướng Nam bộ hấp dẫn tại Bà Tám
Bánh hỏi ăn cùng chạo tôm, nem nướng
Theo SGAT
5 món bánh mì độc đáo của Sài Gòn Bánh mì vốn dĩ được xem như một món ăn đặc trưng của phương Tây. Nhưng khi du nhập vào Sài Gòn đã có vô số những biến thể thú vị như bánh mì bì, bánh mì thịt nướng, bánh mì ăn với xíu mại... 1. Bánh mì ốp la - thịt nguội Hòa Mã Cửa hàng bánh mì thịt nguội mang tên...