Vào điểm nóng dịch sởi tại TPHCM
Thời điểm cận Tết Nguyên Đán, dịch sởi đang có những diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan, bùng phát dịch trên diện rộng. Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Nhi đồng đang trở thành những điểm nóng tập trung bệnh nhân mắc sởi tại TPHCM và các tỉnh thành lân cận.
Dịch sởi đang tấn công những người trưởng thành chưa có kháng thể
Sáng 21/1, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cùng đoàn đã có chuyến thị sát công tác phòng chống dịch sởi tại TPHCM. Đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại quận Bình Tân ở nơi tập trung nhiều công nhân lao động, có số ca mắc sởi cao và kiểm tra tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Nhi đồng 1.
Thực tế kiểm tra tại quận Bình Tân, PGS Trần Đắc Phu không hài lòng với công tác kiểm soát khoanh vùng, xử lý dịch tễ trong cộng đồng.
“Theo thông tin thống kê có rất nhiều trẻ mắc bệnh được khai báo trong quá trình điều trị. Tuy nhiên khi đi kiểm tra thì không tìm được bệnh nhân. Có thể người bệnh khai báo địa chỉ không chính xác hoặc cán bộ y tế khai thác bệnh sử, điều tra dịch tễ chưa làm hết trách nhiệm.
Nếu không giám sát được ca bệnh trong cộng đồng, việc khoanh vùng, xử lý dịch, triển khai công tác thông tin cảnh báo, tuyên truyền sẽ không mang lại hiệu quả”, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh.
Trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm chịu hậu quả nặng nề do dịch sởi gây ra
Tập trung ở tuyến cuối
Điểm nóng tập trung bệnh nhân mắc sởi đang dồn về các bệnh viện tuyến cuối của thành phố.
Video đang HOT
Chỉ tình riêng trong ngày 21/1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đang điều trị cho hơn 20 bệnh nhi và hơn 30 ca bệnh sởi ở người lớn. Bệnh viện này đã phải dành riêng một khu để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân sởi người lớn và trẻ em.
Ôm con gái mới 11 tháng tuổi nằm trên giường điều trị của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, chị Nguyễn Thị Ph. (36 tuổi, ngụ tại quận 8, TPHCM) cho biết: “Trong khu phố có nhiều trẻ mắc bệnh, bé nhà tôi chưa kịp chích ngừa nên bị nhiễm. Bé có biểu hiện mệt nhiều, khó thở nên đang phải nằm điều trị”.
Ông Trần Đắc Phu thăm hỏi một trường hợp người lớn mắc sởi
Còn chị Trần Thị H. (34 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) là trường hợp điển hình mắc sởi ở người lớn.
“Tôi chẳng nhớ mình đã chích ngừa hay chưa. Cách đây khoảng 2 tuần, tôi nuôi con bị bệnh ở bệnh viện tỉnh thì thấy người mệt, lên cơn sốt, nổi ban. Bác sĩ xác định tôi mắc sởi nên được chuyển lên Nhiệt Đới điều trị”.
TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: Năm nay, bệnh sởi xuất hiện nhiều ở cả đối tượng người lớn và bệnh nhi. Từ khi xuất hiện những ca bệnh đầu tiên, bệnh viện đã nhận định đây là năm dịch sởi có thể bùng phát theo chu kỳ 4 đến 5 năm một lần, các giải pháp phân loại bệnh, cách li, điều trị đã được chủ động triển khai. Dù chưa để xảy ra ca tử vong nhưng phía bệnh viện phải nỗ lực cứu chữa mới giúp những trường hợp có biến chứng nặng qua được nguy kịch.
Cần có giải pháp để ngăn chặn dịch sởi lây lan trong cộng đồng dịp Tết Nguyên Đán
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh cho hay: “Ngày 21/1 khoa đang tiếp nhận, điều trị cho 30 trẻ mắc sởi, đa số là bệnh nhân nặng, nhiều ca biến chứng viêm phổi.
Đa phần chưa chích ngừa hoặc mới tiêm 1 mũi
Thực tế khai thác bệnh sử chúng tôi ghi nhận, hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều chưa được chích ngừa hoặc mới được chích 1 mũi. Nhóm trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang là đối tượng bị sởi tấn công.
Hiện bệnh sởi đang lưu hành trên diện rộng, nếu công tác chủng ngừa không được triển khai nhanh để đạt mức độ bao phủ miễn dịch trong cộng đồng, sởi sẽ bùng phát mạnh cho tới khi tất cả đối tượng chưa có kháng thể bị bệnh mới thôi”.
Tình trạng bệnh đông đang gây không ít khó khăn cho bệnh viện tại TPHCM trong việc tiếp nhận, điều trị.
BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế đề nghị Bộ Y tế có giải pháp phân tuyến bệnh nhân hợp lý hơn để giảm tình trạng những ca bệnh không cần chuyển viện nhưng vẫn chuyển hoặc vượt tuyến lên tuyến trên để giảm quá tải bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả trong công tác điều trị, hạn chế nguy cơ nhiễm chéo trong các bệnh viện.
Nếu tiêm chủng không đạt độ bao phủ, sởi sẽ tấn công đến khi hết đối tượng chưa có kháng thể mới dừng lại
Tiêm bổ sung vắc xin
Trước tình hình bệnh sởi đang ở mức cao, PGS Trần Đắc Phu đề nghị Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM tập trung các giải pháp tiêm bổ sung vắc xin, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh cho cộng đồng.
Ông đề nghị các bệnh viện: “Dịch đang diễn biến phức tạp, cơ sở điều trị cần đáp ứng tốt khả năng tiếp nhận để bệnh nhân không bị nhiễm chéo; không để bệnh nhân sởi lây cho bệnh nhân khác; không để bệnh nhân khác lây cho sởi; cần bảo vệ nhân viên y tế trước dịch sởi đặc biệt là những người trong độ tuổi sinh sản; đánh giá phân tích về tình hình dịch bệnh để kịp thời ứng phó; tập huấn phòng chống dịch cho nhân viên y tế.
PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: “Các dịch bệnh khác khi bùng phát còn khống chế được riêng sởi nếu bùng ra khó kiểm soát. Vắc xin ngừa bệnh sởi đang được tiêm hoàn toàn miễn phí, hoặc tiêm dịch vụ chi phí không đáng bao nhiêu nhưng để nhiễm bệnh thì chi phí điều trị rất tốn kém, thậm chí tử vong. Vì sức khỏe của con trẻ và cộng đồng, các bậc phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm chủng để tránh nguy cơ mắc sởi.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Hà Nội: Đẩy mạnh công tác phòng chống sởi
Dịch sởi đang lan rộng tại nhiều nước trên thế giới với 41.000 người mắc sởi (theo con số thống kê của Tổ chức Y thế Thế giới trong 6 tháng đầu năm 2018). Tại Việt Nam, các chuyên gia cũng dự báo dịch sởi có thể gia tăng vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019 theo chu kỳ dịch sởi sau 4 năm kể từ năm 2014. Thành phố Hà Nội đã có nhiều biện pháp tích cực để hạn chế tối đa việc sởi có thể lây lan trên diện rộng và bùng phát thành dịch nhất là khi năm học mới đã bắt đầu.
Cán bộ chuyên trách y tế học đường và học sinh Trường THCS Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trong một buổi tuyên truyền dịch phòng chống dịch bệnh và kỹ năng sơ cứu vết thương
Theo Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Hà Nội, tại buổi giao ban báo chí ngày 14/8 của Thành ủy Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 315 trường hợp mắc sởi.
Bệnh tản phát không thành ổ dịch và tập trung rải rác tại 183 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện có số người mắc sởi cao là Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông... Đa số bệnh nhân sởi là trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin phòng sởi hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi theo quy định.
Ngày 17/8/2018, Thành ủy Hà Nội ban hành Thông báo số 1513-TB/TU, truyền đạt kết luận của thường trực Thành ủy về tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn thành phố cũng như đồng ý chủ trương chi kinh phí phối kết hợp với kinh phí hỗ trợ từ Bộ Y tế để mua vắc xin, vật tư tiêm chủng và kinh phí triển khai thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella.
Thành phố cũng chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền và các biện pháp phòng, chống sởi trong khu dân cư và đặc biệt lưu ý sự phối kết hợp chặt chẽ giữa y tế trường học với các cơ quan liên ngành để rà soát, tiêm chủng bổ sung cũng như phát hiện học sinh mắc bệnh và có biện pháp điều trị cách ly kịp thời tránh lây lan ra nhiều học sinh khác khi năm học mới đã bắt đầu.
Trạm trưởng Trạm Y tế Phường Xuân La, quận Tây Hồ, Trần Thị Minh Lý cho biết, công tác phòng chống dịch của học sinh gắn với công tác học đường có chương trình riêng được triển khai thường xuyên hàng năm.
Đầu tháng 7 năm nay,Trung tâm Y tế quận Tây Hồ cũng tổ chức nhiều buổi tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa trong đó có bệnh sởi cho đại diện Phòng Giáo dục, Ban Giám hiệu và cán bộ chuyên trách về Y tế học đường trong các trường THPT, THCS, tiểu học và mầm non trên địa bàn quận tham gia.
Thực hiện theo kế hoạch, Trạm Y tế Phường Xuân La đã phối hợp với các trường tiến hành rà soát danh sách học sinh đã tham gia tiêm đủ 2 mũi phòng sởi và học sinh chưa tham gia đầy đủ 2 mũi phòng sởi để có kế hoạch tiêm bổ sung theo kế hoạch chung của thành phố.
"Y tế học đường trong các trường học đã giúp đỡ trạm y tế phường, trung tâm y tế quận rất nhiều trong công tác chăm sóc sức khỏe. Qua điện thoại, email, chúng tôi gửi tài liệu, chương trình, kế hoạch cho các trường học để triển khai nhiệm vụ và kịp thời nắm bắt về số lượng học sinh, điều tra tình hình khi có dịch bệnh để khoanh vùng, cách ly kịp thời và báo cáo về trung tâm y tế quận xin chỉ đạo và triển khai công tác dập dịch nếu có" - bà Minh Lý cho biết.
Theo giaoducthoidai.vn
Những điều cần biết về vắc-xin sởi: Vắc xin sởi an toàn không? Những ai không nên tiêm? Bệnh sởi đang bùng phát mạnh tại TP.HCM, với nhiều trường hợp mắc bệnh là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Dù đã có vắc-xin phòng ngừa nhưng hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi vẫn đang khá thấp. Các chuyên gia y tế của Việt Nam đánh giá, nguyên nhân của thực trạng này là do vẫn còn một bộ...