Vào chỗ chết kiếm “miếng sống”
Nhiều đứa trẻ cơ thể không còn nguyên vẹn hoặc mất mạng do cuốc phải bom mìn. Thảm cảnh là vậy nhưng mấy chục năm sau chiến tranh, người dân một số làng quê vẫn phải nghiến răng chấp nhận đánh cuộc mạng sống để theo nghiệp “đồng ri”.
Hành trang của những đứa trẻ của nhiều làng quê nghèo Quảng Trị theo nghề “đồng ri” ( rà tìm phế liệu chiến tranh) chỉ là cái cuốc với chiếc máy dò tìm kim loại… Kết thúc một ngày của “nghề” này, nhiều gia đình vui mừng vì con cái may mắn kiếm được vài ba chục ngàn đồng từ việc bán từng mảnh bom đạn. Và có những bà mẹ khóc cạn nước mắt trong tang thương….
Đói nên đầu gối phải bò
Xóm mới thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị những ngày này buồn và vắng ngắt. Người già yếu nơi đây chỉ biết ngồi trước hiên nhà ngó ra những quả đồi trọc để cầu mong cho con cháu bình an trở về sau một ngày đi tìm kiếm phế liệu còn sót lại sau chiến tranh. Còn không, cả làng phải quằn quại trong đau đớn nhìn những đứa trẻ tàn phế hay phải đưa tang những đứa trẻ non nớt ra nghĩa địa vì cuốc phải bom bi phát nổ.
Chị Nguyễn Thị Huệ, một trong số ít ỏi người mà chúng tôi gặp tại xóm mới thôn Tân Hiệp nói: Làng mới được tái định cư sau sự cố làng bị sụt lún năm 2006, cuộc sống của người dân còn thiếu thốn tứ bề. Nước sạch phải đi xin hoặc múc nước suối, đất đai canh tác rất ít. Người lớn và đám thanh niên trong làng phải buôn ba đi làm ăn xa xứ, kiếm tiền gửi về nuôi gia đình. Người đi gần cũng mất cả tuần mới về nhà một lần, người đi xa tít tận trong Nam hai, ba năm chưa về. Đám trẻ choai choai vừa học lớp 5 đến lớp 11 mùa này thì đã dậy sớm lúc 4 giờ sáng cùng mẹ, cùng anh cơm đùm gạo bới đi tìm “đồng ri” trên đồi cao, rừng sâu đến tối mịt mới về. Làng vắng tiếng người là vậy! Đói đầu gối cũng phải bò chứ biết làm răng được chừ – chị Huế nói với vẻ mặt buồn.
Em Nguyễn Ngọc Lợi xóm mới thôn Tân Hiệp đi học một buổi, một buổi lại tranh thủ kiếm tiền bằng nghề đồng ri
Đúng như lời chị Huệ, sau gần 1 giờ đồng hồ đi quanh làng Tân Hiệp chúng tôi may mắn mới gặp được anh Trần Văn Vinh đi làm đồng về sớm do đứa cháu gọi về để mượn cái máy dò tìm phế liệu đi tìm sắt vụn bán kiếm tiền mua sách vở cho năm học mới.
Anh Vinh kể, xóm mới Tân Hiệp hiện có 60 hộ, nhưng có khoảng 20% làm nông, số còn lại không biết làm chi nên đành đi rừng tìm kiếm phế liệu và bọn trẻ con làng này cũng theo nghề đó. Muốn ngó (nhìn) mấy đứa ấy tìm “đồng ri” thì phải có mặt tại làng lúc sáng sớm mới được. Để đến nơi tìm bọn nó phải mất cả giờ đi xe máy rồi cuốc bộ hết dốc cao này đến suối sâu khác chưa chắc gặp được. Mà nghề “đồng ri” có khi phải ở lại trong rừng vài ba ngày. Có người đi mãi mà chẳng về được nơi!
Cực khổ là rứa đó! Cái nghèo, cái đói nó bao trùm từng ngõ nhỏ, từng ngôi nhà của người dân ở nơi này. Hỏi làm răng mà không theo “đồng ri” được mấy eng (anh)? – anh Vinh nói trong trăn trở.
Chúng tôi quyết định chạy xe máy vượt qua một quãng đường rừng rồi hơn 1 tiếng đồng hồ cuốc bộ leo qua những con dốc cao dựng đứng mà dân bản địa thường vẫn gọi là: “dốc mạ ơi”; “mệ ơi”; rồi có cả dốc “bể mật” (những con dốc cao khi leo lên chỉ biết ngồi thở vì quá mệt) để tận mắt chứng kiến cảnh những đứa trẻ “đi vào chỗ chết để kiếm miếng sống”.
Đứng trên đỉnh đồi Chết (tên đồi Chết được người dân đặt sau khi chiến tranh vì bị bon đạn cày nát, đất đai và gây ô nhiễm nên cây cối không sống được) nhìn những đứa trẻ đội nắng, đội trời phó mặc mạng sống của mình vào sự may rủi để rà tìm phế liệu chiến tranh kiếm từng bát cơm…
Video đang HOT
Trẻ em ở Quảng Trị đi theo nghề “đồng ri” để kiếm sống qua ngày dù biết có thể gặp nạn bất cứ lúc nào.
Em Nguyễn Ngọc Lợi xóm mới thôn Tân Hiệp, năm này bước vào lớp 9 Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) song cơ thể em đen sạm vì nắng. Đứng cạnh miệng hố bom để ra tìm những mảnh sắt vụn nói: Không giấu gì anh, nhà em có 5 anh em, bố mẹ làm nông nhưng mấy năm qua mất mùa liên miên nên chuyện đứt bữa là chuyện thường gặp. Còn sách vở, áo quần cho mấy anh em đến trường thiếu thốn thì không thể nào… tránh khỏi. Để “chống chọi” với thất học của mấy anh em, bố mẹ đã vay mượn tiền mua cho cái máy rà tìm phế liệu để em bám víu vào đó mà đến trường.
Lợi khoe, tính đến nay em đã có thâm niên trong nghề “đồng ri” là 5 năm! Trong khoảng thời gian đi theo nghề này em là người may mắn hơn ai hết. Bạn bè cùng trang lứa đứa thì bị cụt tay, mất chân, đui mắt và… có đứa bị cướp đi mạng sống vì cuốc phải bom đạn sau chiến tranh sót lại phát nổ.
May mắn là vậy, song em cũng đã có đôi ba lần hồn bay tận trời xanh vì cuốc phải bom bi xịt cả khói trắng. Lúc đó nó mà… nổ thì em chỉ có tan xương nát thịt. Sau những lần như vậy, em lại nghỉ tạm vài ngày rồi tiếp tục vác đồ nghề lên đồi trọc rà tìm phế liệu.
Theo em Lợi, mấy năm trước đây giá sắt vụn còn rẻ nên ít người đi tìm phế liệu, nhưng 2 năm gần đây giá sắt cao đến 4.500 đồng/kg nên mọi người đổ xô đi rà nhiều hơn, trong đó có nhiều đứa cùng tuổi và nhỏ hơn em nhiều.
Cách đồi Chết nơi em Lợi đang rà tìm phế liệu hướng về phía Tây Trường Sơn khoảng chừng 1km là đồi Nghĩa Địa nơi đang có những chiếc máy ủi san lấp mặt bằng để cải tạo trồng rừng có khoảng 40 người, trong đó có hơn 50% là trẻ nhỏ với dụng cụ máy móc rà tìm phế liệu đi theo sau dò tìm sắt như đi trẩy hội.
Từ trên cao ngó xuống, cảnh những em nhỏ cầm máy dò tìm phế liệu chen nhau rà rà, cuốc cuốc rồi thi thoảng dừng lại hét lên một tiếng lớn khi máy phát hiện có vật kim loại vậy là cả đám trẻ và người lớn xúm nhau lại cặm cụi đào bới khiến chúng tôi phải nín thở vì chẳng dám chắc sẽ không có chuyện gì xảy ra từ việc đào bới tìm phế liệu ấy…!?
Ở Quảng Trị không riêng gì làng Tân Hiệp mà có hàng ngàn trẻ em và người lớn ở khắp các thôn cùng ngõ hẻm đang đánh cuộc tính mạng mình để theo nghề “đồng ri” kiếm bát cơm qua ngày.
Đứa ni chết đứa khác lên nối… nghề
Chúng tôi trở lại xóm Tân Hiệp, hay còn có tên gọi khác như: “làng không sợ chết”; “làng liều”; “làng kỳ lạ”… sau nhiều giờ theo “đồng ri”.
Gọi là “làng kỳ lạ” bởi nhà nào ở đây cũng được xây dựng khang trang với ngói mới đỏ thắm, song cuộc sống người dân lại lâm vào cảnh chạy ăn từng bữa. Qua tìm hiểu mới biết, sau sự cố làng bị sụt lún (nơi ở cũ cách nơi ở mới khoảng vài km), chính quyền địa phương các cấp, cùng với nhiều tổ chức cá nhân giúp đỡ đưa làng về tái định cư tại đây, theo đó các tổ chức trên đã xây cho làng những ngôi nhà mới. Chỗ ở đẹp là thế, nhưng đất đai canh tác ít ỏi, phần lớn khô cằn nên không thể canh tác được. Cây cối vừa reo xuống thì chẳng có cây nào ngoi lên nổi. Mà có ngoi lên được chừng vài gang tay thì cũng bị cuồng phong quật gãy làm đôi. Thế là làng này lại rơi vào cảnh túng bấn. Cách duy nhất mà người dân ở đây kiếm ra tiền để trang trải cho cuộc sống tạm thời là “vào chỗ chết để kiếm miếng sống”.
Rứa là nhà mô cũng đầu tư 3- 4 cái máy rà sắt, nhà ít cũng sắm cho được 1 cái làm … “cần câu cơm”. Trong làng người già xấp xỉ 60 tuổi nếu còn sức cũng gắng vác máy rà lên núi, đứa con nít chưa đọc thông viết thạo cũng được cha mẹ sắm cho một chiếc máy rà cao quá đầu để tập tành rà sắt. Có gia đình mang tiếng người trong làng nhưng quanh năm suốt tháng đóng cửa im ỉm vì cả bố mẹ, con cái đều dắt nhau lên núi suốt nữa tháng trời mới về một lần.
Để mưu sinh, nhiều đứa trẻ tại Quảng Trị đã trở nên như thế vì bom mìn
Để hiểu thêm về “làng liều” chúng tôi tìm gặp anh Phạm Văn Phương, trưởng thôn Tân Hiệp. Anh Phương không ngần ngại kể một loạt tên tuổi của những người xấu số vì nghề “đồng ri”, kèm theo nhiều cái tên đã không còn lành lặn. Nguyễn Văn Đại (2001); Nguyễn Văn Dung (2001). Đào Văn Phúc (2003)… Mới đây nhất, chưa kịp mừng vì chiếc máy rà báo có sắt, anh Trần Văn Trung đã “bay” đi sau nhát cuốc do một quả mìn sót lại sau chiến tranh phát nổ…
“Nhớ lại mỗi lần tiễn những đứa trẻ trong làng đến nơi “ở mới”, lác đác vài người theo sau những cái quan tài lạnh lẽo mà ai cũng đứt ruột đứt gan. Biết cái chết và sự sống của những đứa trẻ chỉ cách nhau… chỉ một nhát cuốc, nhưng không làm thì cũng chẳng biết sống bằng gì”. Đói mà…! Vậy là những đứa trẻ mất cha, vợ mất chồng ở cái làng này lại phải lao vào nối nghề “đồng ri” kiếm sống khi đã biết trước mạng sống mình có lúc… nhưng phải đối mặt.
“…Và đúng như vây, mấy năm trước xóm mới Tân Hiệp có nhiều đứa trẻ ngày hôm qua ôm di ảnh đội tang trắng cho anh do bị bom bi nổ trong lúc cuốc tìm sắt thì ngày hôm sau lại vác máy ra lên núi kiếm cơm về thắp hương cúng anh mình”- anh Phương xót xa kể.
Theo thống kê của trường THCS Lê Hồng Phong (xã Cam Tuyền) cho biết, nhiều năm trước số học sinh bỏ học, mà phần lớn trong đó là để đi rà sắt là không nhỏ: “năm 2003 có 37 em, năm 2004 có 8 em, năm 2005 có 10 em, năm 2006 có 16 em … Những năm gần đây học sinh không còn bỏ học mà cứ đến hè là theo người lớn lên rừng làm nghề “đồng ri” kiếm cơm.
Ông Hoàng Văn Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số- gia đình và trẻ em Quảng Trị trăn trở: Hiện Quảng Trị có mật độ bom đạn sót lại sau chiến tranh dày đặc. Sau mỗi trận mưa, bom đạn lại trồi lên khỏi mặt đất gây ra nhiều cái chết thương tâm, trong số có những đứa trẻ.
Ông Thông cho biết thêm: Theo số liệu chưa đầy đủ, mỗi năm Quảng Trị có khoảng 30 đến 40 người chết do tai nạn bom mìn, trong số đó có trên 50% là trẻ em bị chết do đào trúng bom mìn khi rà tìm phế liệu.
Trước những hoàn cảnh thương tâm trên, nhiều năm qua chính quyền tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực cùng chia sẻ những khó khăn của người dân bằng những việc làm cụ thể nhưng chưa thể giải quyết hết được. Mặt khác do đời sống người dân quá khó khăn nên phát sinh thêm người đi rà tìm phế liệu, mà cái nghề này thì không thể nào quản lý được vì tự phát.
Thông qua nhiều hoạt động, các cơ quan chức năng Quảng Trị cũng thường xuyên vận động các gia đình theo nghề trên từ bỏ đặc biệt là trẻ nhỏ, song trên thực tế không thể nào hạn chế được. Theo ông Thông, để các làng “đồng ri” giải nghệ thì việc cần làm lâu dài là công tác xóa đói giảm nghèo cho người dân, đồng thời tạo ra công ăn việc làm cho lao động thất nghiệp. Còn không phải đợi đến hơn 300 năm sau, khi bom mìn được làm sạch mới có thể chấm dứt được những cái chết thương tâm.
Theo số liệu thống kê ở Quảng Trị có khoảng 10% bom mìn còn sót lại hiện nằm sâu trong lòng đất chưa phát nổ. Số liệu nghiên cứu tình hình nạn nhân bom mìn và nhận thức về hiểm họa bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Trị của dự án Renew – Sở Ngoại vụ và Sở Y tế tỉnh Quảng Trị tháng 9 năm 2006 cho thấy, 63% dân số đã từng nhìn thấy bom mìn, 50,4% dân số đã từng nhìn thấy bom mìn ít nhất là 1 lần/năm; 14,9% dân số nhìn thấy bom mìn hàng tháng và 6,1% dân số nhìn thấy bom mìn hàng ngày. Tính từ sau năm 1975 đến 8/2010 đã có 9.016 nạn nhân của tai nạn bom mìn, đã cướp đi mạng sống của gần 3.000 người, 4.402 người bị thương. Trong số đó có tới trên 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi.
Theo PLXH
Ngóng chờ con gái đẻ thuê ở Thái Lan trở về
Trong khi các cô gái đẻ thuê làm việc với cơ quan chức năng ở Hà Nội thì ở quê nhà, cha mẹ ngày ngày ngóng chờ con trước ngõ. Dù nghèo nhưng họ quyết chăm lo cho những đứa trẻ không cha.
Tại vùng muối Bạc Liêu, 3 ngày kể từ khi nhận điện thoại của con gái từ Thái Lan, ông Bảy cha của cô Vàng ở xã Long Điền (Đông Hải, Bạc Liêu) không đêm nào ngủ được. 3 tháng nay khi hay tin cô con gái 22 tuổi sang Thái Lan "đẻ mướn", ông suy sụp và lo lắng. Người đàn ông mới hơn 50 tuổi giờ như như cụ già 70.
Làng quê nghèo của một cô gái đẻ thuê. Ảnh: Thiên Phước.
Nhìn ra ruộng muối chỉ rộng khoảng 7 công đất (7.000m2), ông Bảy bảo rằng từ Tết đến giờ, gia đình ông thu hoạch được chỉ gần 30 tấn muối đen (khoảng 900 giạ) vì ảnh hưởng nhiều trận mưa trái mùa làm không ít đợt muối sắp cào tan thành bọt nước. Do giá xăng tăng vùn vụt nên dù giá muối đen tăng từ 15.000 đồng lên 21.000 đồng mỗi giạ nhưng sau khi trừ chi phí thì cả vụ muối này gia đình ông Bảy chỉ lời vỏn vẹn 12 triệu đồng.
Ông Bảy nói trong tiếng thở dài: "Giá muối tăng chậm như thế này thì năm nay tính bình quân gia đình 6 miệng ăn của tôi chỉ có thu nhập khoảng một triệu đồng mỗi tháng. Vì nghèo mà tụi nhỏ phải đổ xô đi làm thuê làm mướn tứ tán, đẩy con Vàng vào cảnh đẻ thuê".
Trong 3 tháng qua, con gái ông Bảy điện thoại về nhà được 3 lần. Ông gặng hỏi có mang bầu hay không nhưng cô đánh trống lảng rồi vội cúp máy. Theo ông Bảy, dù có nghèo đến đâu đi nữa nhưng nếu con gái ông mang bầu về quê thì ông vẫn sẽ bảo bọc đứa bé. "Khi nó sinh ra, tôi sẽ đặt tên cháu là Long Điền quê mẹ và nhất quyết không cho ai bắt cháu ngoại của tôi mang đi đâu cả", ông Bảy nói.
Chiều 15/5, cơn mưa đầu mùa sau một ngày hè nắng oi bức mang theo sấm chớp vang trời như rượt đuổi những ngư dân nghèo ven đê thuộc xã Vĩnh Trạch Đông. Hôm nay vẫn như mọi ngày, nghề bắt ốc, mò cua cật lực của vợ chồng ông Huê cùng đứa con gái út chỉ thu về được khoảng 20.000 đồng. Cái nghèo đeo đuổi trong khi mọi thứ bán ngoài chợ đều tăng cao nên gia đình ông quanh năm không biết đến miếng thịt heo, chỉ mong có cơm trắng, cá biển kho quẹt với ít rau rừng là cả nhà thấy vui rồi. Có hôm ông Huê bắt được con cua biển to hơn cái chén, cô con gái út thèm ăn nhưng phải nhịn vì con cua bán được trên 20.000 đồng mua gạo ăn được hai ngày.
Cha mẹ Phúc ở Bạc Liêu đang ngóng chờ con gái. Người đàn ông trụ cột trong gia đình này nói rằng sẽ quyết tâm nuôi cô con gái út này ăn học đàng hoàng hơn chị để giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó. Ảnh: Thiên Phước.
Niềm vui lớn nhất trong buổi chiều tàn đối với gia đình ông Huê là hay tin con gái ông về đến Việt Nam sau gần 3 tháng được nhà chức trách bên Thái Lan giải thoát từ một đường dây đẻ thuê. Vợ chồng ông Huê mừng rơi nước mắt dù biết Phúc vẫn còn ở ngoài Hà Nội, chưa được về sum họp gia đình. "Vậy là thoát rồi, về được Việt Nam rồi. Cầu trời cho con gái mau về sớm, mẹ nhớ con quá Phúc ơi", vợ ông Huê lẩm nhẩm nói.
Theo bà Nguyễn Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khu vực Cần Thơ, 10 cô gái về lần này đã được nhà chức trách Thái Lan xác định chỉ là nạn nhân trong đường dây đẻ thuê nên không bị kết tội. Hiện họ được đưa ra Hà Nội để làm việc với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an về một số vấn đề có liên quan. Trong số đó có 4 cô sinh ra 5 trẻ được khoảng 2-3 tháng tuổi (một cô sinh đôi).
Bà Hà cũng cho biết khi họ về đến Cần Thơ, đơn vị bà sẽ nhận nuôi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp nếu các cô muốn ở lại, còn muốn về quê thì được đưa đến tận nhà.
Trao đổi với VnExpresss.net về 5 cô gái còn lại ở Thái Lan, ông Phạm Minh Tuấn - Bí thư thứ nhất phụ trách vấn đề về công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan - cho biết các cô vừa sinh em bé được một thời gian ngắn, sức khỏe rất tốt, đang ở trong trại tạm cư bên ngoài Bangkok. Các bé sinh ra gồm 4 trai, 1 gái sẽ được cùng "mẹ" bay về Việt Nam vào cuối tháng này.
Theo VNEXpress