Vào biên chế – 100 triệu đồng
Thị trường tham nhũng có rất nhiều thứ để bán và cũng có rất nhiều thứ để mua. Đã bán, đã mua thì phải có giá.
Tuy nhiên, giá cả của các thứ được bán, mua trên thị trường này thường chỉ mập mờ, lấp lửng như ma trơi ở ngoài nghĩa địa. Bạn chẳng có cách gì để biết được chính xác chúng có giá bao nhiêu. Có đoán già, đoán non thì cũng chỉ là “đoán cua trong lỗ” mà thôi.
Thế nhưng, mới đây giá của một thứ như thế đã được Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội Trần Trọng Dực chỉ ra khá chắc chắn là không dưới 100 triệu đồng. Đó là giá mà bạn phải trả để mua được một suất biên chế trong các cơ quan thuộc chính quyền cấp quận – huyện của thành phố Hà Nội.
Video đang HOT
Trên mạng xã hội, một số người nói hóm rằng giá này là rất vừa phải. Ở nhiều địa phương khác- đâu có xịn bằng Hà Nội, nhưng giá cho một suất tương ứng còn đắt hơn thế đến gấp rưỡi, gấp đôi là đằng khác. Tuy nhiên, nếu bạn mới ra trường, bố mẹ bạn lại chỉ có thu nhập ở mức vừa đủ sống (mà đa số các bạn trẻ mới ra trường thì đều có hoàn cảnh tương tự), thì đây rõ ràng là một khoản tiền rất lớn.
Để dễ tưởng tượng, một người với mức lương tối thiểu (hiện nay là 1 triệu 50 ngàn đồng/tháng) sẽ phải làm việc liên tục không ăn uống, không tiêu pha gì trong gần 8 năm trời thì mới tích cóp được một khoản tiền như thế. Thế thì hãy quên chuyện làm cán bộ nhà nước (ở cấp quận-huyện) đi, nếu bạn là con nhà nghèo, cho dù bạn có học giỏi đến mấy và cho dù bạn có muốn được cống hiến đến đâu đi chăng nữa!
Việc mua bán biên chế không chỉ tước bỏ mất cơ hội làm việc cho Nhà nước của những học sinh nghèo, mà còn làm tha hoá ngay từ đầu những người được “ tuyển dụng”. Những người này đã mua được một vị trí làm công chức, và đương nhiên họ sẽ tận dụng vị trí này để kiếm lời, để “thu hồi vốn”. Mà như vậy thì nền tảng đạo lý cho sự cống hiến, cho tinh thần phụng sự công chúng đã hoàn toàn bị phá vỡ. Điều này sẽ làm cho bộ máy công vụ bị tha hoá ngày càng thêm trầm trọng. Và tham nhũng lại dung dưỡng cho tham nhũng.
Trong tình trạng như vậy thì những giải pháp, những thiết chế mới được đưa ra để chống tham nhũng không khéo chỉ làm phát sinh thêm chi phí cho dân, mà vẫn không giải quyết được vấn đề. Rõ ràng, việc thi tuyển công chức tập trung qua phòng nội vụ của các quận, huyện cho thấy rất rõ điều này. Việc này được đề ra là để chống tiêu cực, nhưng nó lại đang làm phát sinh thêm chi phí (đặc biệt cho những người đi xin việc vì phải đi lại và rất có thể phải chi phí một lúc đến hai- ba nơi) mà tham nhũng thì vẫn chẳng hề suy giảm.
Nên chăng, chúng ta hãy cố gắng trả lương xứng đáng cho những người đứng đầu các công vụ, nhưng giao quyền và áp đặt chế độ trách nhiệm rõ ràng cho những người này. Ví dụ, người phụ trách giao thông được toàn quyền tuyển dụng và bổ nhiệm cấp dưới của mình, nhưng nếu không cải thiện được tình hình giao thông thì sẽ mất chức ngay lập tức. Với áp lực của chế độ trách nhiệm, người này buộc lòng phải tuyển dụng cho được nguồn nhân lực có chất lượng, chứ không thể đứng ra bán suất biên chế để lấy tiền.
Theo LD
Cam kết dân sự tại Cty TNHH bảo hiểm nhân thọ Cathay VN: Có dấu hiệu cưỡng bức lao động
Trong đơn khiếu nại gửi Báo Lao Động, ông N.H.T - nguyên nhân viên Cty TNHH bảo hiểm nhân thọ Cathay VN (100% vốn Đài Loan, ở Q.1 - TPHCM) - cho biết: "Nhiều NLĐ trong Cty bị buộc ký cam kết phải làm việc cho Cty 2 năm như tôi, nếu không sẽ phải bồi thường cho Cty khoản tiền bằng tổng thu nhập 4 tháng...".
Trụ sở Cty TNHH bảo hiểm nhân thọ Cathay VN. Ảnh: T.L
Theo chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế ILO: "Cam kết này có dấu hiệu cưỡng bức lao động"!
Lật lọng
Ông N.H.T làm việc với Cty Cathay VN bằng HĐLĐ không xác định thời hạn. Quá trình làm việc, Cty xác định ông N.H.T có khả năng làm việc tốt. Thế nhưng, thay vì thỏa thuận tăng lương để giữ chân NLĐ thì Cty lại yêu cầu ông N.H.T ký "cam kết hỗ trợ và làm việc". Theo đó, ông N.H.T phải làm việc cho Cty đủ 2 năm; đổi lại Cty hỗ trợ ông mỗi tháng 3 triệu đồng. Nếu ông N.H.T đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong thời gian cam kết mà "không có lý do chính đáng" và/hoặc "không tuân thủ thời hạn báo trước theo quy định của Luật Lao động" thì sẽ phải bồi thường Cty bằng 4 tháng tổng thu nhập tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ. Đến ngày 13.3.2012, ông N.H.T gửi thư cho Cty thông báo chấm dứt HĐLĐ, nói rõ sẽ nghỉ việc ngày 16.5.2012 (báo trước 45 ngày theo khoản 3, Điều 37 BLLĐ và khoản 1, mục III, thông tư 21/2003/TT - BLĐTBXH), đúng như đã cam kết với Cty.
Nhận thông báo trên, người phụ trách trực tiếp đã ký chấp thuận cho ông N.H.T làm việc đến 27.4.2012 là ngày cuối cùng; giám đốc Cty cũng ra quyết định, nói rõ: "Anh N.H.T có trách nhiệm bàn giao công việc và hoàn tất các khoản thanh toán cho Cty trước ngày kết thúc làm việc 27.4.2012; được trả lương đến hết ngày 27.4.2012, đóng BHXH đến hết tháng 4.2012". Như vậy có nghĩa, Cty Cathay VN đã chấp thuận chấm dứt HĐLĐ với ông N.H.T trước 45 ngày và chấp nhận thanh toán đầy đủ tiền lương. Thế nhưng, đến khi ông N.H.T nghỉ việc như Cty cho phép, phía Cty bắt đầu lật lọng không trả lương cho ông N.H.T, buộc ông phải nhờ hoà giải viên lao động Q.1 - TPHCM giải quyết.
Tại buổi hòa giải ngày 6.8.2012, sau khi xem xét các chứng cứ, hòa giải viên yêu cầu Cty Cathay VN trả hết tiền lương cho ông N.H.T, nhưng phía Cty không chịu, mà cứ cho rằng ông N.H.T đã vi phạm cam kết nghỉ việc trước 2 năm nên phải bồi thường, và việc Cty giữ tiền lương là để cấn trừ.
Nhầm lẫn quan hệ lao động với dân sự
Để trả lời khiếu nại của ông N.H.T, ngày 29.11.2012, PV Báo Lao Động đã đến Cty Cathay VN tìm hiểu; Cty đã cử ông Nguyễn Hữu Hiếu - Trưởng phòng pháp lý - tiếp. Qua trao đổi, chúng tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao Cty Cathay VN là DN có tiếng, lại sử dụng ông Hiếu phụ trách pháp lý, trong khi ông này không chỉ nói ngọng, mà còn tỏ ra lạ lẫm với pháp luật lao động. Thậm chí, ông Hiếu không phân biệt được sự khác biệt giữa quan hệ lao động với quan hệ dân sự! Chính vì thế, khi chúng tôi đề nghị trả lương cho ông N.H.T theo đúng quy định của pháp luật lao động, thì ông Hiếu nhầm lẫn lập luận rằng: "Tiền lương thuộc quan hệ... dân sự. Vì ông N.H.T còn nợ Cty một khoản tiền theo cam kết dân sự, nên Cty đã giữ lương để cấn trừ". Chúng tôi đã tham khảo Chánh Thanh tra Lao động TPHCM Huỳnh Tấn Dũng về vụ này, ông Dũng khẳng định: "Tiền lương được ghi rõ trong HĐLĐ thuộc quan hệ lao động chứ không phải quan hệ dân sự. Trong vòng 7 ngày kể từ khi chấm dứt HĐLĐ, hai bên phải có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ cho nhau. Trường hợp hai bên có thoả thuận dân sự nào đó không trái pháp luật mà phát sinh công nợ, thì phải khởi kiện ra toà giải quyết chứ không được tuỳ tiện "giam" lương NLĐ". Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH Nguyễn Tiến Tùng phân tích: "Trong quan hệ lao động, pháp luật không cấm các bên có thêm các thỏa thuận dân sự, nhưng nó không được chi phối hay làm thay đổi bản chất quan hệ lao động. Đặc biệt, nó không được ngăn trở việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động. Bản cam kết của ông N.H.T và Cty Cathay đã "thủ tiêu" quyền chủ động chấm dứt HĐLĐ của ông N.H.T theo quy định tại Điều 37 BLLĐ, như vậy là trái pháp luật".
Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật gia Nguyễn Bình - chuyên gia pháp luật của Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại VN - cũng bày tỏ quan điểm: Công ước số 29 của ILO năm 1930 về "Nghiêm cấm cưỡng bức lao động", được nước ta phê chuẩn ngày 5.3.2007, tại điều 2 nói rõ: "Lao động cưỡng bức là mọi công việc hoặc dịch vụ mà một người bị ép buộc phải làm dưới sự đe doạ của một hình phạt nào đó mà bản thân người đó không tự nguyện làm". Khoản 2, Điều 5 BLLĐ hiện hành đã "Cấm cưỡng bức người lao động dưới bất kỳ hình thức nào". Vì vậy, cam kết giữa ông N.H.T với Cty Cathay về việc nếu không làm việc đủ 2 năm sẽ bị phạt 4 tháng thu nhập là có dấu hiệu cưỡng bức lao động.
Theo laodong
Ngành tài chính dẫn đầu về tỉ lệ nghỉ việc Một khảo sát lương và chế độ đãi ngộ bao gồm xu hướng tiền lương, thưởng và các đãi ngộ của doanh nghiệp tham gia hoạt động trong nhiều ngành kinh tế khác nhau vừa cho thấy ngành tài chính dẫn đầu về tỉ lệ nghỉ việc. Ngành tài chính đang dẫn đầu về tỉ lệ nghỉ việc (ảnh minh hoạ). Ngày 30.11,...