Vàng và máu: Trúng cả thùng vàng
Nhiều người tình cờ trúng cả thùng vàng khi làm rẫy, rà phế liệu… Họ giàu lên trong lặng lẽ vì dù sao đó cũng là mồ hôi nước mắt của người khác phải ngậm đắng, nuốt cay bỏ lại vì cuộc binh biến.
Đi đâu ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa – Phú Yên) cũng nghe râm ran chuyện trúng vàng 75. Theo ông Phạm Hải, nguyên chánh Văn phòng UBND huyện Sơn Hòa, những người trúng vàng 75 chủ yếu tập trung ở thị trấn Củng Sơn. “Đây là nơi đoàn người di tản dừng lại lâu nhất trên đường rút chạy về xuôi. Phần vì kiệt sức, phần vì không thể qua sông buộc người ta phải giấu lại vàng” – ông Hải giải thích.
Vô tình lượm được vàng
Những người lượm được vàng 75 đa phần là người lao động nghèo và “vô tình lượm được bí kíp”. Như ông P.X.H, ở thị trấn Củng Sơn, là nông dân chính gốc, quanh năm lầm lũi với ruộng rẫy. Lần ấy, ông H. cuốc đất trồng mì ở trảng Sim thuộc xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa thì vướng phải gốc bằng lăng lớn. Đang loay hoay bứng gốc cây để có chỗ trồng mì, cuốc ông H. đụng phải vật cứng. Đào lên thì đó là một bi-đông nặng trịch. Ông H. mở nắp trút thử thì ngỡ ngàng khi hàng loạt khâu vàng từ bên trong lăn ra. Theo lời đồn thổi của người dân địa phương, bi-đông vàng nặng gần 1 kg.
Lâu nay, giới rà phế liệu tỉnh Phú Yên đồn nhau về việc ông N.T.Đ, người xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, trúng cả ruột tượng vàng trong khi đang rà phế liệu dọc Quốc lộ 25, thuộc địa phận xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa – Gia Lai. Lần ấy, ông Đ. cùng nhóm bạn 4 người đang rà tìm phế liệu dưới con suối nhỏ cách Quốc lộ 25 khoảng 40 m thì bất ngờ máy rà có tín hiệu. Ông Đ. đào xuống lớp cát sâu hơn nửa mét thì gặp phải một ruột tượng bằng vải đã mục, lộ ra những thỏi vàng óng ánh. Ông Đ. giấu bạn mang ruột tượng vàng trở về bán, lấy tiền xây lại nhà và bỏ nghề.
Nhưng may mắn nhất có lẽ là ông T.V.N, ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. Gia đình ông N. đông con, khó khăn. Ông N. quanh năm làm thuê theo kiểu ai gọi gì làm nấy. Lần ấy, ông N. được thuê lên suối Thá (xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa) nhặt đá về xây nhà.
Trong khi nghỉ tay chờ xe vận chuyển, ông N. vào bìa rừng tranh thủ chợp mắt thì thấy một thùng đạn (loại 7 kg) nằm trong gộp đá. Ông N. lôi ra và mở nắp xem thì tròn mắt khi trong đó ăm ắp vàng và nhiều đồ trang sức có giá trị. Sau khi hết kinh ngạc, ông N. lặng lẽ giấu lại “kho báu” và tiếp tục công việc, chờ đến đêm mới đưa về.
Hốc đá bên bờ suối Thá, nơi được cho là ông T.V.N tìm thấy thùng vàng
Video đang HOT
“Trong xã này cũng có rất nhiều người trúng vàng 75 khi lên rừng, làm rẫy nhưng họ giấu, xã cũng không nắm hết được” – ông Nguyễn Xinh Mầu, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, nói.
Sợ điều tiếng
Nhà báo lão thành Trần Lê Kha, một người gắn bó với đất Sơn Hòa, cho biết bây giờ thi thoảng đi qua sông Ba, người ta vẫn còn nhặt được vàng 75. “Nhưng số vàng nhặt được chỉ lẻ tẻ, còn những người trúng được số vàng lớn trước đây do những người tháo chạy cất giấu thì họ rất kín miệng, chỉ có những người trong gia đình nói ra mới biết vì ai cũng có chút suy nghĩ tội lỗi” – ông Kha cho hay.
Ông T.V.N nay không còn làm thuê mà mua đất mở trang trại ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa). Ngôi nhà lụp xụp cũ cũng đã được dỡ đi để xây lại một ngôi nhà bề thế kiểu biệt thự nhà vườn. Tìm đến nhà, chúng tôi may mắn được gặp ông nhưng vừa nhắc đến chuyện vô tình trúng được vàng, ông liền khỏa lấp: “Người ta chỉ đồn thôi, vàng đâu mà vàng. Mà thôi, giờ tôi phải lên rẫy”. Vừa dứt câu, ông N. vội vã vào trong thay quần áo.
Rút kinh nghiệm, chúng tôi nhờ người quen điện thoại hẹn ông P.X.H. Ban đầu, ông H. bảo đang ở nhà, cứ đến. Tuy nhiên, khi nghe đến nhà báo, ông liền từ chối với lý do phải đi vì có việc gấp.
Chúng tôi tìm đến thẳng nhà ông N.T.Đ ở xã Hòa Xuân Đông. Vợ ông cho biết ông bỏ nghề rà phế liệu, mấy năm qua đã chuyển sang nghề nuôi tôm. Nhờ bà gọi điện thoại hẹn ông nhưng khi nghe có người lạ, ông Đ. nói như quát qua máy: “Bà nhiều chuyện, tui đi nhậu rồi!”. Vợ ông Đ. thiệt tình: “Ông này lạ, giữ hồ tôm mà sao bỏ đi nhậu?”.
“Những người từng trúng vàng 75 bây giờ đều có cuộc sống khá giả, xây nhà, mua xe, đổi nghề nhưng dường như trong sâu thẳm suy nghĩ của từng người vẫn gợn chút tội lỗi khi của cải mà mình đang có lại là mồ hôi nước mắt của người khác, vì cuộc binh biến phải chôn nơi xứ lạ quê người. Mặc dù họ cũng chỉ nhặt được chứ không lấy cắp của ai nhưng vẫn ngại nói nhiều vì sợ điều tiếng” – ông Phạm Hải nhìn nhận.
Chắc cũng vì cảm giác đó mà mấy năm qua, cứ đến tháng 3, người ta thấy ông P.X.H mang hương đến thắp dọc sông Ba, đoạn dưới thị trấn Củng Sơn.
Việt kiều về nước tìm vàng
Ông Trần Ngọc Đông, một người chuyên hành nghề rà phế liệu ở xã An Hiệp, huyện Tuy An – Phú Yên, kể sau Tết Nguyên đán năm 2012, có một người đến thuê ông đi rà phế liệu, trả công 1 triệu đồng/ngày. Ông này cho biết mình tên Thành, Việt kiều Mỹ, về ăn Tết sẵn tìm lại của ngày xưa đánh rơi. Ông Thành mang theo cả bản đồ vẽ tay để đi tìm.
Sau 4 ngày tìm kiếm ở khu vực buôn Ma Lất (xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa), khi đến chỗ một gốc cây đã mục, đột nhiên máy rà có tín hiệu. Ông Đông đào xuống nửa mét đất thì moi lên được một ống đạn rất nặng. Vừa thấy, ông Thành mắt sáng rỡ, vồ lấy.
“Khi ông Thành mở ra, trong ấy toàn là vàng. Lần ấy, ngoài tiền công, ông ấy còn cho tui 2 chỉ” – ông Đông kể.
Theo 24h
Vàng và máu trên đường 7
Rất nhiều vàng đã bị vứt bỏ trên đường 7 trong cuộc tháo chạy vào tháng 3/1975. Gần 40 năm trôi qua, những ngày tháng loạn lạc, những món vàng đó vẫn ám ảnh người ở lại.
Tháng 3/1975, khi Tây Nguyên thất thủ, hơn 15.000 tàn quân Việt Nam Cộng hòa tháo chạy. Khoảng trên 3.000 người dân, vì nghe lời hù dọa của đám tàn binh, cũng gom góp tài sản xuôi theo đường 7 (nay là Quốc lộ 25 nối Gia Lai và Phú Yên) về đồng bằng. Trong cuộc tháo chạy ấy, rất nhiều người đã bỏ mạng vì bom rơi đạn lạc bị giết, cướp và tự tử. Để thoát thân, nhiều người buộc phải vứt, giấu lại của cải, vàng bạc. Vàng tìm được trong cuộc tháo chạy này thường gọi là vàng 75.
Đào mộ chôn... vàng
Hỏi đường ra bến sông Thành Hội (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa - Phú Yên), nơi ngày trước quân đội Sài Gòn bắc cầu phao cho đám tàn binh vượt sông Ba, nhiều người nhìn tôi với ánh mắt dò hỏi: "Tìm mộ hả?".
Mang điều thắc mắc ấy đến hỏi nhà báo lão thành Trần Lê Kha, một người gắn bó với mảnh đất Sơn Hòa, ông cười: "Chú mày không biết ư? Người ta nghi chú mày đang tìm lại vàng 75 đấy". Thấy tôi vẫn mắt tròn mắt dẹt, ông chậm rãi khuấy nổi bọt ly cà phê, hồi tưởng: "Những ngày tháng 3 ấy, lính Sài Gòn khi chạy đến đây thì bị kẹt vì không thể qua sông. Cứ sáng sáng, người ta lại thấy có những nấm mộ mới mọc lên, cũng có bia gỗ khắc vội tên người. Cứ nghĩ đấy là mộ thật nên chẳng ai dám đụng đến. Sau này, nhiều người đến đây tìm mộ, lạ là họ chỉ bốc mộ ban đêm. Dân địa phương nghi ngờ nên đi theo rình xem, hóa ra nhiều mộ chẳng có hài cốt nào ở dưới mà chỉ có hộp, tráp đựng vàng".
Sông Ba, đoạn qua Thành Hội, nơi đoàn di tản chờ bắc cầu phao vượt sông, đã giấu nhiều của cải, vàng bạc
Theo ông Kha, dọc sông Ba, đoạn từ thị trấn Củng Sơn đến Thành Hội (xã Sơn Hà) được cho là giấu nhiều vàng, của cải nhất. Khi đến đây, đám tàn quân bị bộ đội chặn đánh nên không thể tiếp tục xuôi theo đường 7, phải nằm lại hơn 1 tuần chờ viện binh bắc cầu phao vượt sông Ba. Rồi cầu phao cũng kẹt, xe không thể qua sông, kéo dài hơn 1 km. Nhiều người mang vàng bạc đi một đoạn đường dài, đến đây cũng đành giấu lại tìm cách qua sông.
Ông Lê Tấn Chinh ngày đó làm kinh doanh thực phẩm, giàu số 1 ở đất Phú Bổn (huyện Ayun Pa, Gia Lai ngày nay) đã bỏ lại nhà cửa, chất các loại tài sản quý giá lên 2 xe cẩu, đưa vợ con bỏ chạy. "Khi đến Thành Hội, xe không thể qua cầu phao, cha tôi đành vứt lại toàn bộ tài sản vàng bạc cũng chỉ mang một ít, còn lại phải cất giấu" - ông Lê Tấn Bổn, con ông Chinh, kể lại.
Còn theo ông Nguyễn Xá (86 tuổi, ở xã Sơn Hà): "Lúc đó, tôi biết cũng có nhiều người chôn cả vàng bạc cùng với người thân. Sau này khi tìm lại hài cốt, họ cũng tìm được vàng".
Bến Thành Hội với đoàn người hàng cây số chờ qua sông Ba. Ảnh: TƯ LIỆU
Giữ của là mất mạng
Rùng mình nhắc lại những ngày thiếu sống thừa chết ấy, bà Lê Thị Cúc (huyện Tuy An - Phú Yên) cho biết ngày đó, bà cùng 3 con di tản theo chồng là lính quân y của quân đội Sài Gòn. Trên đường, bà chứng kiến một cảnh dã man để rồi quyết định giấu lại số vàng sau bao năm dành dụm.
"Lúc đó chiều rồi, có 2 người lính bước đến mẹ con người phụ nữ ngồi gần tôi yêu cầu chia bớt số vàng mang theo. Người phụ nữ có chồng vừa mất ngày hôm trước co ro, sợ hãi ôm chặt túi vải. Đột nhiên, 1 người đàn ông túm tóc người mẹ, người còn lại lôi đứa con cùng ra bìa rừng và dùng dao đâm chết họ, lấy vàng" - bà Cúc kể, nỗi ám ảnh sau mấy chục năm vẫn còn đầy trong mắt.
Ngay đêm ấy, bà Cúc bảo chồng giấu số vàng mang theo để giữ mạng. Sau này, nhiều năm chồng bà có trở lại khu vực đó tìm vàng nhưng không thấy. Rồi ông qua đời, bà cũng quên. "Của đi thay người, cả nhà giữ được mạng về đến quê là mừng lắm rồi" - bà thở dài nhẹ nhõm.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Bổn và ông Võ Văn Bói hiện đang sinh sống tại xã Kon Đào, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum khi chạy về đến đồng bằng không những trắng tay mà còn lạc mất con. Vợ chồng bà chỉ mới vừa tìm lại được con 3 năm trước.
"Những ngày đó thật kinh khủng. Gia đình tôi về đến Phú Yên thì chỉ còn hai bàn tay trắng, không có gì để ăn, tất cả đều vứt lại dọc đường" - bà Bổn nhớ lại.
Ông Nguyễn Văn Thanh (xã An Hiệp, huyện Tuy An) là lính Bảo an của chế độ cũ, có mặt trong cuộc tháo chạy ấy, cho biết đó chẳng khác nào một đám hỗn binh. "Ban đầu còn có hàng ngũ, quân lệnh nhưng sau mấy bận đụng độ với bộ đội, chẳng ai nói ai nghe, nhiều người ngang nhiên bắn giết, cướp bóc" - ông Thanh nhớ lại.
Lúc đó, ông vừa chạy vừa bảo vệ một người chị họ xa là chủ tiệm vàng ở Gia Lai. Nhiều lần ông khuyên chị giấu lại số vàng để chạy cho nhẹ nhưng bà không nghe. Đến khi bà kiệt sức, ông đành chạy trước để thoát thân. Sau ngày giải phóng, ông tìm lại và được hay người chị ấy đã bị giết và bị cướp sạch của cải.
Vàng bạc rất nhiều
Ông Nguyễn Ngọc Trường, nguyên đại úy bộ đội pháo binh của Sư đoàn 351, người có mặt trong đoàn quân truy quét đám tàn binh từ Tây Nguyên co cụm về đồng bằng vào tháng 3/1975, cho biết vàng bạc, của cải vứt dọc đường 7 nhiều vô số kể.
"Mang nặng là một phần nhưng quan trọng là sợ bị giết, cướp nên họ vứt hoặc giấu rất sơ sài. Chúng tôi gặp rất nhiều túi vải, tráp đựng tiền, vàng bên đường. Lúc ấy, nhiệm vụ của chúng tôi là nhanh chóng truy quét, tiêu hao sinh lực địch, không để địch co cụm về đồng bằng" - ông Trường kể.
Theo 24h
Tác giả "siêu đề xuất": "Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là hợp lý" "Đề xuất của tôi hoàn toàn không ảnh hưởng đến người lao động, công nhân, hưu trí..., bởi kiến nghị chỉ yêu cầu sửa đổi đánh thuế trên tiền lãi của những khoản tiền gửi lớn", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu nói trong cuộc trao đổi cuối tuần qua. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch...