Vắng như ngân hàng … mùa giảm lãi suất
Ngày thứ 3 khi trần lãi suất huy động ngắn hạn VND giảm về mức 7,5%, nhiều phòng giao dịch tại Hà Nội vắng bóng khách hàng. Trong bối cảnh đó, ngân hàng trưng biển lãi suất cao nhất tới 10% – 12%/năm ngay trước phòng giao dịch để chào mời khách hàng.
Chiều nay 28/3, theo khảo sát của phóng viên Dân trí, biểu lãi suất huy động VND kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng đã được các ngân hàng đưa về mức 7,5%/năm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng được thả nổi theo cung – cầu trên thị trường.
Cụ thể, tại ABBank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn 1 tháng đến 11 tháng đồng loạt ở mức 7,5%, giảm 0,5%/năm so với trước kỳ hạn 18 tháng đến 60 tháng ở mức 10%/năm. Mức cao nhất 10,5%/năm được ngân hàng này áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng đến 15 tháng.
Tại OceanBank, lãi suất huy động kỳ hạn từ 18 tháng đến 36 tháng áp dụng ở mức 9,5%/năm kỳ hạn 12 tháng đến 15 tháng ở mức 10%/năm. Trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến 11 tháng ở mức 7,5%/năm.
Theo biểu niêm yết của MaritimeBank, nhà băng này ấn định lãi suất kỳ hạn 12 tháng đến 36 tháng chung một mức 10,5%. Kỳ hạn 1 tháng đến 11 tháng đồng loạt là 7,5%/năm.
Tại SHB, mức cao nhất cũng chỉ là 10%/năm, dành cho kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng. Các kỳ hạn 18 tháng đến 36 tháng được hưởng lãi suất 9,5%.
Vietcombank giảm 0,5% với kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, xuống mức 7,5%. Các kỳ hạn 1 tháng, 6 tháng và 9 tháng tiếp tục ở mức 7,5%.
Ở ACB, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến 9 tháng hiện duy trì ở mức 7,3%/năm đối với hình thức lãi cuối kỳ và 7,1-7,2%/năm đối với hình thức lãi tháng, giảm 0,5-0,6% so với trước. Kỳ hạn cao nhất là 10,5% áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng và 24 tháng đối với lãi cuối kỳ, giảm 0,3%/năm. Kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2%/năm, xuống 9,8%. Kỳ hạn 36 tháng được hưởng lãi suất 9,8%/năm với hình thức lãi cuối kỳ, giảm 1%…
Lãi suất huy động giảm mạnh, không khí giao dịch tại các phòng giao dịch cũng kém sôi động. Trong buổi khảo sát của phóng viên chiều 28/3, có phòng giao dịch không một khách hàng ghé thăm, có điểm giao dịch nhân viên bảo vệ rảnh tay, rảnh mắt thưởng thức chén trà thơm.
Video đang HOT
Trưởng một phòng giao dịch ngân hàng trên đường Trần Đại Nghĩa (Hà Nội) cho biết, người dân đến gửi tiền đồng hiện nay không nhiều. Nhưng gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư được những dòng tiền nhàn rỗi “ưu ái” khi chứng khoán “sớm nắng chiều mưa”, bất động sản đóng băng, vàng nhiều rủi ro…
Một khách hàng cho biết, bà không quá quan tâm tới các mức lãi suất hiện nay, dù cuốn sổ tiết kiệm với mức 12%/năm mà bà gửi trước kia hiện chỉ còn 7,5%/năm. Vị khách này còn cho biết, bà vừa rút ra 200 triệu đồng từ cuốn sổ gửi tiết kiệm gần 1 tỷ đồng để cho con cái vay mượn.
Ngân hàng Nhà nước mạnh tay chấn chỉnh các hoạt động ngân hàng và điều chỉnh giảm lãi suất theo sát với tín hiệu của lạm phát, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ… đã giúp đường cong lãi suất theo đúng quy luật. Dù không nhộn nhịp như thời kỳ lãi suất bị đẩy lên 18% – 20%/năm, tính đến 21/3/2013, số dư tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng thương mại tăng 3,86% so với cuối năm 2012.
Nếu như ở thời điểm trước, doanh nghiệp khát vốn và ngân hàng cũng không dư dả để cho vay, thì thời gian gần đây, xu thế này lại đảo ngược. Tức là ngân hàng thừa vốn, còn doanh nghiệp không mấy mặn mà đi vay, dù các khoản vay mới, vay cũ đang giảm. Để giải phóng nguồn vốn dồi dào, nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình cho vay với lãi suất khá hấp dẫn…
Và để níu giữ, chào mời khách hàng đến gửi tiền tại ngân hàng mình trong bối cảnh cạnh tranh, nhiều ngân hàng trưng biển lãi suất mức cao nhất ngay tại cửa ra vào.
Liệu ngân hàng nào sẽ thắng thế trong việc giữ chân khách hàng và thu hút thêm khách hàng mới đến với mình?
Theo Dantri
Lãi suất giảm ít ý nghĩa với doanh nghiệp
Phản ứng khá tích cực sau thông tin lãi huy động còn 7,5%, nhưng các doanh nghiệp cho rằng, với sức mua kém trong giai đoạn hiện nay, dù lãi vay có hạ cũng khó giải quyết vấn đề.
Sau 6 lần điều chỉnh từ tháng 8 năm 2011, lãi suất huy động hiện đã về 7,5%, giúp nhen lên hy vọng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ hạ nhanh trong thời gian tới nhằm giải quyết những khó khăn về vốn, và kích thích tiêu dùng. Trao đổi với VnExpress.netvề mức lãi suất huy động mới này, theo ông Trần Xuân Kiên - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh, đây là một tín hiệu tích cực, vì có thể giúp hạ lãi suất cho vay.
Ông Kiên cho rằng, với việc lãi suất hạ, người dân ít cân nhắc hơn trong việc chi tiêu và gửi tiết kiệm, nên sẽ kích thích tiêu dùng hơn. Đồng thời, cũng tác động tốt tới tâm lý, khiến người dân tin nền kinh tế đang dần được cải thiện, làm việc mua sắm trở nên hào hứng hơn.
Đánh giá về mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại, theo Tổng giám đốc Trần Anh, vẫn là khá cao. "Lãi suất chỉ nên duy trì ở mức 10 đến 12%. Nhưng mức tốt nhất là dưới 10%", ông Kiên nói.
Doanh nghiệp mong muốn lãi suất chỉ nên từ 6% đến 10%. Ảnh: Hoàng Hà
Cùng quan điểm khi cho rằng, lãi suất huy động giảm là một tín hiệu tốt để doanh nghiệp có thể trông đợi lãi suất cho vay giảm, cải thiện những khó khăn về vốn, nhưng theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dabaco - Nguyễn Như So, mức cho vay chỉ nên ở 6%.
"Lãi suất như các nước chỉ có 2%-3%, Mỹ chỉ có 1%. Ở Việt Nam nên mạnh dạn giảm xuống 6%. Tôi chỉ vay có 9% một năm là đã thấy khó rồi. Bây giờ, lãi suất như hiện nay, thì các doanh nghiệp phải có 25% lãi gộp thì mới đủ, còn lương, trả phí các thứ nữa", ông So nói.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Dabaco, Chính phủ nên có những biện pháp khác để giúp doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Vì hầu hết doanh nghiệp bây giờ đều khó khăn trong khâu tiêu thụ, với lượng hàng tồn kho cao và nhu cầu kém từ phía người dân. Trong đó, có những biện pháp như kích cầu hay mua lại khoản nợ giúp doanh nghiệp.
Theo đại diện một doanh nghiệp thép tại Vĩnh Phúc, đơn vị cũng hy vọng lãi suất huy động hạ khiến lãi suất cho vay hạ, nhưng với mức lãi chỉ khoảng 10%, và việc tiếp cận cần dễ dàng hơn.
"Nếu nói là mong muốn thì các doanh nghiệp cho là lãi suất chỉ 10% thì vẫn còn thở được. Nhưng hiện kể cả đưa lãi suất tốt, thì các doanh nghiệp cũng khó tiếp cận được. Do doanh nghiệp phải đưa tài sản đảm bảo khá lớn, trong khi đó, đối với các doanh nghiệp sản xuất không bao giờ có nhiều tài sản đảm báo thế chấp", vị này nói.
Thêm nữa, nữ doanh nhân này cho rằng: "Thực ra trong bối cảnh này, lãi cao hay thấp, thì nhu cầu với vốn ngân hàng cũng chưa được mặn mà. Vì doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng, do tiêu thụ hàng rất chậm".
Tương tự, theo đại diện một công ty bất động sản tại TP HCM, thời điểm này, việc lãi suất hạ cũng khó giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề. Lý do, theo ông này, cái khó bây giờ không phải là vốn, mà là dự án bất động sản không bán được, các đơn vị chủ yếu ưu tiên giải quyết số hàng tồn kho, chứ không mặn mà trong việc xây mới.
"Thời điểm này, tồn kho thì vẫn quá cao, mà không bán được. Xây mới thì thiệt đơn thiệt kép. Lãi suất 1% hay kể cả cho vay không lãi suất người ta cũng không sản xuất vì còn chi phí nhân công, điện nước...", ông này nói.
Theo TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, lãi suất huy động giảm chưa có nghĩa ngay là giảm lãi suất cho vay. Hai chuyện này chưa chắc xảy ra cùng nhau.
"Bởi vì lãi suất cho vay là họ phải tính đến việc họ đã huy động vốn từ nhiêu nguồn khác nhau trước đấy, với lãi suất cao hơn. Nên việc lãi suất huy động giảm, có thể mở đường cho việc sẽ giảm lãi suất cho vay. Nhưng điều ấy không có nghĩa là sẽ giảm được ngay.
"Với điều kiện Việt Nam bây giờ, lãi suất giảm xuống còn 6% là chấp nhận được. Ngoài ra, còn phải giải quyết tồn kho và nợ xấu thì mới giải tỏa được, chứ còn riêng giảm lãi suất thôi thì con chim én chưa làm nên được mùa xuân", ông Doanh nói.
Báo cáo mới công bố của Khối Nghiên cứu Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) cũng cho rằng động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, cùng với việc lập công ty mua bán tài sản, mang ý nghĩa tâm lý nhiều hơn là hiệu quả thực tế.
Theo VNE
Tiền "muốn" chảy về đâu? Trong một bản tin phân tích hàng ngày được công ty chứng khoán HSC phát hành gần đây, công ty này cho rằng, bong bóng giá vàng có thể sẽ vỡ trong ngắn hạn. Dòng tiền đang hướng đến kênh gửi tiết kiệm. Nhận định không phải không có cơ sở giữa bối cảnh cơ quan điều hành đang có nhiều chính sách...