Vâng lời Bác dạy, viết tiếp chiến công
Truyền thống của quân đội, Binh chủng Pháo binh (PB) và Quân đoàn 2 luôn khắc ghi những trận đánh oanh liệt của Trung đoàn PB 164 (nay là Lữ đoàn PB 164, Quân đoàn 2)-đơn vị vinh dự được Bác Hồ gửi điện giao nhiệm vụ, gửi thư khen và tặng 8 chữ vàng “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”.
Một thời chiến đấu hào hùng
Ngay sau khi thành lập (25-10-1954), Trung đoàn PB 86 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn PB 164) được giao nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam. Tháng 5-1958, Trung đoàn PB 86 đổi tên thành Trung đoàn PB 164, thuộc Quân khu 4. Năm 1967, trung đoàn vinh dự được giao nhiệm vụ đại diện cho PB miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đánh trả, trừng trị PB địch ở bờ Nam sông Bến Hải.
Bức điện giao nhiệm vụ Bác Hồ viết “…Các chú đại diện cho PB miền Bắc xã hội chủ nghĩa đánh trả hành động leo thang của PB địch ở bờ Nam, vì vậy trận đầu các chú phải đánh thắng”. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Bác giao, Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn đề ra phương châm chỉ đạo: “Chuẩn bị chu đáo, bí mật tuyệt đối, nắm chắc thời cơ, đánh trúng, đúng mục tiêu, đánh mãnh liệt”. Ngày 20-3-1967, sau khi hoàn thành mọi công tác chuẩn bị và thời cơ xuất hiện, đúng 18 giờ 18 phút, các khẩu pháo của trung đoàn đồng loạt nổ súng dồn dập trút “bão lửa” vào căn cứ địch ở Dốc Miếu (Gio Linh, Quảng Trị). Sau gần một giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt hơn 1.000 tên địch, phá hủy 57 xe quân sự, 5 máy bay, bắn cháy 1 kho xăng, 2 kho đạn… Chiến thắng đã gây được tiếng vang lớn trên toàn mặt trận, đơn vị vinh dự được Bác Hồ tặng cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và gửi thư khen, trong thư Bác tặng 8 chữ vàng “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”.
Chỉ huy lữ đoàn kiểm tra bộ đội Tiểu đoàn 2 huấn luyện chuyên ngành. Ảnh: CHUNG QUÁCH
Vâng lời Bác dạy, trung đoàn càng đánh càng mạnh, vừa tổ chức chiến đấu độc lập, vừa tham gia chiến đấu hiệp đồng quân binh chủng, kịp thời chi viện hỏa lực cho các đơn vị trên những hướng của chiến dịch: Đường 9-Bắc Quảng Trị; Mậu Thân 1968; Xuân Hè năm 1972… Trung đoàn vinh dự được nhân dân trao tặng phiên hiệu “Đoàn PB Bến Hải” để ghi nhớ những chiến công hào hùng, oanh liệt trên đất lửa Vĩnh Linh-Đường 9-Bắc Quảng Trị-nơi có dòng sông Bến Hải chảy qua.
Video đang HOT
Sau khi sáp nhập về đội hình chiến đấu của Quân đoàn 2, mùa xuân năm 1975, lữ đoàn là đơn vị hỏa lực mặt đất chủ yếu chi viện cho quân đoàn lập công xuất sắc trong các chiến dịch: Trị Thiên-Huế; Huế-Đà Nẵng. Tiếp đó, lữ đoàn trong đội hình Quân đoàn 2 thực hiện cuộc hành quân thần tốc quy mô lớn, vượt chặng đường hàng nghìn cây số, vừa hành tiến, vừa đánh địch… Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đúng 4 giờ 30 phút ngày 29-4-1975, đơn vị nổ súng mở màn cuộc tổng công kích vào nội đô Sài Gòn. Pháo 130mm của lữ đoàn từ Nhơn Trạch (Đồng Nai) bắn dồn dập vào sân bay Tân Sơn Nhất, cắt đứt cuộc tháo chạy cuối cùng bằng đường không của quân ngụy Sài Gòn, góp phần quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
Kiên cường, tự lực viết tiếp chiến công
Những năm gần đây, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị phát huy truyền thống “Kiên cường, tự lực, đánh giỏi, bắn trúng” xây dựng lữ đoàn vững mạnh toàn diện. Các cơ quan, đơn vị trong lữ đoàn thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tin, ý chí quyết chiến, quyết thắng và tinh thần tự lực, tự cường cho bộ đội. Thực hiện huấn luyện theo đúng phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, kết hợp chặt chẽ huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; hoàn thành toàn diện công tác hậu cần, kỹ thuật; tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Đơn vị luôn ổn định về chính trị, cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền lữ đoàn đạt đơn vị huấn luyện giỏi, không có vi phạm kỷ luật phải xử lý.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, lữ đoàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1972) và tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý. Lữ đoàn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2014); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (năm 2019), nhiều năm liền được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân đoàn 2 tặng cờ thi đua. Kết quả đó là nhân tố chính trị tinh thần quan trọng bảo đảm cho lữ đoàn luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá NGUYỄN HOÀNG TÚ (Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn Pháo binh 164)
Theo QĐND
Sáng ngời phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ"
Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" trong toàn quân đã thu được nhiều kết quả tích cực. Không chỉ trực tiếp nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị, Cuộc vận động còn góp phần tô thắm thêm phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân.
Nữ quân nhân Binh chủng Thông tin liên lạc luôn tích cực thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: PA)
Ngày 26/12/2013, Thường vụ Quân ủy Trung ương ban hành Chỉ thị số 788-CT/QUTW phát động thực hiện Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" (gọi tắt là CVĐ) trong toàn quân. Tiếp đó, ngày 13/01/2014, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐND) Việt Nam đã ban hành kế hoạch và hướng dẫn tổ chức thực hiện CVĐ. Nội dung CVĐ chính là sự cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phù hợp với đặc điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới, thể hiện sự sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Theo đó, CVĐ đã được triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quân, với 5 nội dung xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ mới: Một là, động cơ trong sáng, bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm cao. Hai là, đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh. Ba là, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bốn là, thực hành dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Năm là, đoàn kết nội bộ, đoàn kết gắn bó với nhân dân và đoàn kết quốc tế.
Tìm hiểu được biết, trên cơ sở hướng dẫn của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tổ chức, thực hiện CVĐ một cách quyết liệt và đồng bộ. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện và bổ sung chủ trương, nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ hàng năm. Tổ chức học tập, quán triệt và triển khai CVĐ chặt chẽ, nghiêm túc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc và kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém. Các tổ chức đảng cơ sở thường xuyên duy trì công tác sơ kết, tôn vinh, khen thưởng, giao lưu điển hình tiên tiến... Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên và quần chúng. Qua đó, đã trực tiếp giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, kết quả thực hiện CVĐ còn được xác định là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để bình xét thi đua, khen thưởng, đánh giá, nhận xét, phân loại các tổ chức, cán bộ, đảng viên và quần chúng hàng năm. Ủy ban Kiểm tra đảng các cấp đưa nội dung kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, gắn với thực hiện Chỉ thị 03, Chỉ thị 05 và CVĐ vào nội dung kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới...
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam tuyên truyền pháp luật và tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. (Ảnh: PA)
Đặc biệt, nội dung, chỉ tiêu CVĐ đã từng bước được các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa theo phương châm "sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện". Các tổ chức quần chúng xây dựng chương trình hành động, cụ thể hóa các nội dung, chỉ tiêu của CVĐ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức; phát động và tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên đăng ký phấn đấu, gắn với thực hiện tốt phong trào thi đua Quyết thắng, chương trình hành động và các CVĐ của các cấp, các ngành. Các cơ quan, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương và nhân dân để triển khai thực hiện, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả CVĐ, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Nhờ vậy, qua 5 năm tổ chức thực hiện, CVĐ "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành động lực to lớn cổ vũ cán bộ, chiến sĩ toàn quân thi đua thực hiện với quyết tâm, trách nhiệm chính trị cao, đoàn kết, phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Theo đồng chí Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, CVĐ thực sự là nét đặc sắc, tiêu biểu riêng có trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thể hiện trách nhiệm chính trị của Quân đội trước Đảng, Nhà nước và nhân dân; là tình cảm, sự tôn kính của cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam với Bác Hồ kính yêu; góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa trong tình hình mới.
Kết quả, toàn quân đã xuất hiện ngày càng nhiều chương trình, phong trào, mô hình mới, điển hình tiên tiến, gương "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn quân và có hiệu ứng tích cực trong xã hội. Tiêu biểu như các mô hình "Tự soi, tự sửa", "Thực hiện theo chức trách, nêu gương trong hành động", "Nêu cao trách nhiệm, chấn chỉnh phong cách", "5 không, 3 phát huy"; "Giờ học tự quản", "Giờ học kiểu mẫu", "Đôi bạn cùng tiến", "Nâng bước em tới trường", "Bệnh viện văn hóa", "Cơ quan 5 tốt", "Chi bộ 4 tốt, đảng viên 5 tốt"... Trong đó, chỉ tính riêng với chương trình "Nâng bước em tới trường" do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện đã có gần 3.000 em học sinh ở các cấp học từ tiểu học, THCS đến THPT được các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu, hỗ trợ; trong đó có 80 học sinh nước bạn Lào, 99 học sinh nước bạn Campuchia, 23 em được nuôi dưỡng tại các đồn Biên phòng... Từ năm 2016 đến nay, với tổng số tiền các đơn vị và cá nhân ủng hộ chương trình "Nâng bước em tới trường" là trên 6 tỉ đồng. Từ sự giúp đỡ có hiệu quả này đã có 16 em đỗ đại học, 3 em đỗ cao đẳng, hàng trăm em tốt nghiệp THPT
Cán bộ Đồn Biên phòng A Mú Sung (Lào Cai) đưa các em học sinh vượt suối đến trường. (Ảnh: PA)
Ghi nhận những kết quả đã đạt được sau 5 năm thực hiện CVĐ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tôn vinh thành tích tiêu biểu của 27 tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; 1.187 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng; 17 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 2.775 Chiến sĩ thi đua toàn quân; 1.406 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 205 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện CVĐ được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Có thể nói, thông qua CVĐ "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ", đã tạo động lực cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ toàn quân khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường, mưu trí, sáng tạo, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; phát huy dân chủ, xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó, thương yêu đồng chí, đồng đội; nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân, thực hiện quân với dân một ý chí, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc, xứng đáng là đội quân chiến đấu, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đồng thời, CVĐ cũng đã trở thành động lực cổ vũ cán bộ, chiến sĩ toàn quân ra sức thi đua rèn đức, luyện tài, nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, tô thắm thêm phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ"; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới./.
Phan Anh
Theo ĐCSVN
Bộ Công an trao quyết định về công tác cán bộ Trường Cao đẳng ANND II Ngày 23-9, tại Đồng Nai, Bộ Công an đã tổ chức Lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác cán bộ và tặng thưởng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành trao Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Đại tá Lê Văn Thiện Tại buổi lễ, Thượng tướng...