Vàng bông điên điển mùa nước nổi
Ở miền đồng bằng song Cửu Long, mỗi năm vào độ tháng 7, tháng 8 âm lịch, bắt đầu nước lên, mà người dân ở đây gọi là mùa nước nổi, cũng là lúc điên điển trổ đầy cành những đóa hoa vàng rực màu nắng phương Nam.
Dù chỉ là thứ hoa dại mọc lên theo những con nước nổi nhưng hoa điên điển là “bông cứu đói” của bà con nghèo. Trong những ngày mưa gió bão bùng, món bông điên điển luộc giúp cho bữa ăn miền sông nước trở nên ấm cũng hơn.
Ảnh: Google. Các chị chèo thuyền hái bông điên điển mùa nước nổi
Nhưng để trở thành món ngon, cách giản dị nhất là người ta dùng bông điên điển làm dưa. Chỉ cần rửa sạch bông điên điển cùng giá sống, để cho ráo nước. Chuẩn bị sẵn một cái vịm hay khạp nhỏ, bên trong có nước vo gạo đã được lắng trong pha với một ít muối, cho hỗn hợp bông điên điển và giá vào khạp, đậy bằng lá chuối hoặc lá môn, ủ kín chừng ba ngày sau là đã có một dĩa dưa điên điển vừa mang vị chua chua, đăng đắng lại rất giòn giòn. Món dưa này chấm với nước tương giằm ớt ăn đã ngon mà chấm với cá hoặc thịt kho lại càng ngon hơn bội phần. Nếu cầu kì một chút, cho thêm bông súng, ngó sen, xác dừa nạo vào trộn chung với dưa, nêm nếm thêm tỏi, đường, muối, ớt cay… sẽ tạo nên một món gỏi thật dân dã nhưng rất thơm ngon, hấp dẫn.
Ngoài cách dùng để làm dưa muối như trên, bông điên điển còn là loại rau ăn kèm không thể thiếu trong nhiều món ăn đặc sản của người dân Nam bộ. Với người dân nơi đây, các món canh chua, bún mắm, lẩu, kho… sẽ không thực sự ngon nếu thiếu những bông điên điển vàng ươm.
Video đang HOT
Bông điên điển là loại thực phẩm rất quen thuộc với ẩm thực miền Nam bộ
Đặc biệt, món cá linh kho mía, một đặc sản vùng sông nước, thì bông điên điển là loại rau ăn kèm không thể thiếu. Đây là món khoái khẩu cho những người bạn “tâm đầu” lai rai với ly rượu đế, nói chuyện mùa màng, chuyện làm ăn, chuyện thời sự rôm rả trong những buổi chiều tà lặng bóng hoàng hôn…Tình làng, nghĩa xóm đậm đà là thế đấy!
Cứ mỗi độ vào mùa nước nổi, tôi lại nhớ về loài hoa bình dị ấy, loài hoa đã vươn lên cùng con nước để đem lại những điều tốt đẹp cho bà con đồng hương… Ở phương xa này, tìm khắp chợ lớn chợ nhỏ chẳng đâu thấy bông điên điển thân thương ấy… nên những người xa quê lại càng nhớ quê da diết.
Theo PNO
Bánh lá mít mùa nước nổi
Mấy hôm rày trời bỗng đổ mưa. Những cơn mưa không ào ào, chỉ lắc rắc đều đều. Giọt mưa kéo ký ức tôi trở về với những ngày thơ ấu.
Hồi đó nhà nghèo, mái lá đơn sơ giữa bốn bề đồng trống, mỗi lần trời chuyển mưa đổi màu xám xịt, âm u là đã thấy nỗi lo hằn trên mặt má. Còn ba chuẩn bị mớ lá dọi lại mái nhà. Những lúc trời nổi gió dông, mưa giăng, chớp giật, má lại đốt nén nhang cắm lên bàn thờ. Mùi nhang thoảng làm căn nhà trở nên ấm cúng lạ lùng.
Khi mưa già cũng bắt đầu vào mùa nước nổi. Mỗi buổi chiều về ba lội ra lung, vẹt đám cỏ năn, đặt lờ bắt cá. Sáng sớm, có khi trời vẫn còn mưa, ba đã vội khoác tấm nilông đi thăm lờ. Khi về đến nhà thùng thiếc nhỏ trên tay ba đã đầy ắp cá. Những chú cá rô rẽ nước rẹt rẹt, còn lũ cá sặt thỉnh thoảng đồng loạt quẫy mình làm nước văng tung tóe. Má tươi cười đón lấy, trút vào chiếc giỏ tre, bơi xuồng đem ra chợ bán. Tiền thu được ngoài mua gạo đường mắm muối...má thường mua thêm mấy trái dừa khô về làm bánh lá mít. Món ăn đơn sơ làm bằng bột hấp chan nước cốt dừa vẫn để lại dư vị béo ngọt trong tôi đến tận bây giờ.
Khi trời bắt đầu chập choạng, ba nhóm lửa đốt nồi hun xua lũ muỗi. Má nhen ngọn đèn dầu cho tụi tôi ngồi học. Ngoài kia tiếng mưa xạc xào trên tàu lá chuối đong đưa.
Cũng vào mùa nước nổi, từ kênh Bờ Xoài xa xôi, thương tụi tôi đi học tuốt chợ Bảy Ngàn, ba má thay phiên bơi xuồng đưa con đến lớp. Ba đưa, má rước hay ba rước, má đưa. Qua mấy đống chà, nước bị dồn chảy tràn, đổ dốc như những con thác nhỏ, chiếc xuồng và bóng má bỗng trở nên bé bỏng, nhỏ nhoi. Tan học, dọc đường về, thỉnh thoảng má tấp xuồng vào những bụi điên điển mọc hoang ven bờ cho tụi tôi hồn nhiên níu hái từng chùm bông vàng hươm để về nhà má nấu nồi canh chua với cá rô, cơm mẻ ngọt lịm.
Từng năm học trôi qua, tụi tôi tốt nghiệp phổ thông rồi vào đại học, trưởng thành và xa ruộng đồng, lên chốn phồn hoa sinh sống. Nơi phố thị món ăn gì cũng có, sao nhiều lúc vẫn thèm món bánh lá mít má hấp thuở nào.
Thương con, ba má rời quê lên phố ở chung. Khi chúng tôi đi làm, có người trông nom nhà cửa nên rất yên lòng. Nhưng điều quan trọng hơn là có cha mẹ già căn nhà ấm cúng hẳn lên. Mỗi khi ông bà về quê giỗ ngoại, căn nhà bỗng trở nên trống trải lạ lùng...
Có lần đưa khách tham quan ở một vùng quê, tôi xin được mớ lá mít đem về cho má. Khi cùng má gỡ từng miếng bánh thơm lừng ra khỏi những tấm lá còn nóng hôi hổi, tôi thấy ba đứng nhìn và cứ cười tủm tỉm.
Trong thoáng chốc, tôi bắt gặp niềm vui trong ánh mắt ba.
Ba ngã bệnh, tuổi già, sức yếu, phải nằm một chỗ và mất. Bỗng chốc tôi thành kẻ mồ côi mới thấm thía câu ca dao ngày xưa má hát:
Ngó lên nhang tắt đèn mờ
Muốn nuôi cha mẹ bây giờ còn đâu!
Và đôi lúc lại thấy lòng thảng thốt nhớ những mùa nước nổi ngày xưa...
Theo TTO
Kho mắm cá rô đồng Cá rô được dân Nam bộ tôn là vua của cá đồng vì con cá sống khoẻ, thịt thuộc loại dai nhưng mềm, ngọt đậm đà và rất béo. Ảnh: Thanh Hảo Muốn ăn cá rô mề có trứng thì ngay sau những cơn mưa đầu mùa, khi đồng ruộng ngập nước tràn bờ, tìm các khe mương, luồng lạch rất dễ gặp...