Van xin kẻ cắp trên xe bus: ‘Khi các nghĩa sĩ ở vào thế yếu’
“Từ một bức tranh xã hội thu hẹp là cộng đồng xe bus lâm thời, chúng ta thấy xã hội đang có những biểu hiện rối loạn về giá trị và chuẩn mực…”
Ông Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) chia sẻ.
Sau khi đăng tải video: “Thanh niên nghẹn ngào van xin kẻ móc túi trên xe bus”, Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía độc giả. Trong đó, không ít độc giả khẳng định, sự việc này dường như đã trở nên “quen thuộc” trên nhiều tuyến xe bus trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, đau lòng hơn là thái độ im lặng, thờ ơ của những người chứng kiến khi đứng trước cái ác. Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc phỏng vấn ông Trịnh Hòa Bình về vấn đề này.
Video đang HOT
Trách nhiệm cộng đồng bị xem nhẹ
Tỏ ra còn khá bức xúc với sự việc xảy ra trong video clip trên, ông Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Sự kiện đó phản ánh rất nhiều chiều. Nếu nói một cách táo tợn, quyết liệt thì xã hội chúng ta… không an toàn. Đặc biệt là không an toàn cho những người đàng hoàng, tử tế”.
Theo ông Trịnh Hòa Bình có một thực tế đáng báo động là: khi người ta van xin kẻ cướp, dường như người ta đã thừa nhận sự việc đó là chuyện bình thường, được phép xảy ra. Đặc biệt, những người chứng kiến, tham gia vào câu chuyện một cách bị động lại tỏ ra rất thờ ơ, dửng dưng trước sự việc. Điều đó cho thấy sự vô cảm trong một bộ phận đồng loại. Tất nhiên, sự việc không xảy ra trên toàn bình diện xã hội nhưng chắc chắn có thể khẳng định chúng đã có mặt ở không ít nơi trên đất nước này.
“Nói nặng lời, những kẻ thờ ơ ấy đag tiếp tay cho cái ác, cái xấu”, ông Bình bức xúc. Phân tích về thái độ vô cảm ấy, ông Bình cho rằng: “Các đương sự ngại tốn kém thời gian, ngại thua thiệt, ngại bị truy kích, trả thù… Trách nhiệm với cộng đồng của họ còn bị xem nhẹ. Do đó, bức tranh của xã hội đang trở nên không lành mạnh và đáng quan ngại”.
Ông Trịnh Hòa Bình chia sẻ bản thân mình đã khá lâu không đi xe bus bởi… quá mất thời giờ: “Có lần tôi chủ động đi để “nếm trải”, để biết. Nhưng thời gian từ nhà đến cơ quan mất hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Xe bus vừa phải “tăng bo”, vừa phải chen chúc. Ở đó, văn minh không được đảm bảo, hành khách không nhường nhau, không kính già nhường trẻ, không ưu tiên phụ nữ… Nói tóm lại, văn minh xe bus của chúng ta đang có vấn đề”.
Trở lại với câu chuyện chàng thanh niên bị móc túi phải lạy lục, van xin kẻ cắp, ông Bình tỏ ra đáng buồn. Buồn bởi lẽ ra, đông đảo mọi người phải ra tay, bắt trói kẻ ác. Buồn bởi lực lượng chức năng, thực thi pháp luật phải vào cuộc. Thậm chí, có rất nhiều hình thức để ngăn chặn sự việc, tài xế xe bus có thể lập tức đóng cửa xe lại và trình báo cơ quan chức năng, khám xét từng người … Nhưng tiếc thay, tất cả những người trên xe đã không làm thế. Thậm chí, họ còn đủ “bình tâm” để quay lại clip này.
Cần xây dựng áp lực dư luận xã hội
Có thể, đối với nhiều người, câu chuyện xảy ra trên xe bus đó chỉ là việc… bình thường như cơm bữa nhưng theo ông Bình, đó là điều rất đáng quan ngại: “Từ một bức tranh xã hội thu hẹp là cộng đồng xe bus lâm thời, chúng ta thấy xã hội đang có những rối loạn về giá trị và chuẩn mực, làm cho ánh sáng và bóng tối, cái đen và cái trắng lẫn lộn với nhau. Ở đó, cái tốt không được kích hoạt, không được tôn vinh bảo vệ lẫn nhau. Đến một lúc nào đó cái tốt lại sợ cái xấu, sợ cái ác, vi phạm đến trật tự phát triển của cộng đồng theo hướng lành mạnh, tích cực hóa. “
Từ câu chuyện chàng thanh niên van nài kẻ cướp trên xe bus trong ánh mắt thờ ơ của những người hành khách, ông Bình liên tưởng tới một câu chuyện có phần trái ngược, đó là những hiệp sĩ bắt cướp trên các nẻo đường. Gần đây nhất là trường hợp hy sinh của anh Phạm Văn Chính (Chương Mỹ – Hà Nội) khi tham gia truy đuổi kẻ trộm xe SH.
“Chúng ta cần thiết có văn hóa “đọc” ngược trở lại những sự kiện đó, để làm “dấy” lên dư luận của đời sống cộng đồng, đời sống xã hội. Nhiều hiệp sĩ bắt cướp của chúng ta thuộc vào nhóm “yếu thế”. Họ có cuộc sống thấp kém, phải bươn trải kiếm ăn, phải chắt chiu từng đồng… nhưng lại không lãng quên phần phẩm chất tốt đẹp vì cộng đồng.
Cần so sánh họ với những người có suy nghĩ “tránh dây dưa vào những việc nhức đầu, không đáng có” để xây dựng một “áp lực” dư luận xã hội – một dư luận chín chắn, trưởng thành”, ông Bình nói.
Bên cạnh đó, để góp phần hạn chế tình trạng đáng báo động này, ông Bình khẳng định: “Đây không phải là câu chuyện “nghĩa khí” đơn thuần và cũng không phải là việc của riêng ai mà phải có sự thực hiện đầy đủ chức năng giữa nhiều ngành, nhiều lực lượng. Đặc biệt là đối với các cơ quan chức năng vì họ thực sự đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.
Theo Giáo Dục VN