Vấn vương mùa rau nghệ
“Đĩa rau làm đau hũ mắm”. Má thường nói vậy mỗi lần nhắc chị rót thêm mắm khi bữa cơm có món rau ngon. Các loại rau luộc như rau muống, rau lang, rau sam, rau cải, rau dền… đều được liệt vào “top ten” làm hao mắm. Nhưng tất cả đều phải”nghiêng mình” trước rau nghệ. Vì khi “chị” xuất hiện trong mâm cơm thì nước chấm, dù là loại gì cũng phải “châm” thêm là cái chắc.
Sa Huỳnh của tôi (H. Đức Phổ, Quảng Ngãi) là làng chài, mặt hướng ra biển cả, lưng tựa dãy đồi núi chập chùng. Cữ tháng 9, tháng 10 âm, không biết những làn mưa đêm nhè nhẹ nói gì mà hôm sau rau nghệ chen chúc nhú hàng vạn đọt non trên những khe đồi, vạt núi.
Ớt, tỏi và gừng là nhóm gia vị làm cho chén mắm cái trở thành “bãi đáp” lý tưởng cho những đũa rau nghệ – Ảnh: Trần Cao Duyên
Đứng trên đồi rau nghệ không khác gì đứng giữa rừng hoa huệ. Thân rau trắng muốt, nõn nà. Cánh rau vàng như màu nắng tỏa ra hai bên thân. Dần về phía ngọn, rau ngả sang màu đỏ hồng pha chút tim tím rất có duyên. Hình như rau nghệ hễ nghe mưa là mọc. Những người hái rau nghệ có… nghề không nói làm gì. Bọn trẻ con rủ nhau lên đồi, chủ yếu là để tung tăng giữa đất trời hoa cỏ, tiện tay hái chơi thôi mà nón mũ đứa nào cũng đựng đầy rau nghệ.
Đừng tưởng rau nghệ nhiều thì muốn mua lúc nào cũng được. Đi chợ hơi trưa một chút, hỏi rau nghệ, người bán rau cười, nói rau nghệ về nhà người ta hết rồi. Ai có công chuyện, không thể đi chợ sớm thì phải nhờ hàng xóm mua giùm hoặc phải dặn trước hàng rau mới có. Ba mươi lăm ngàn một cân rau nghệ chứ ít đâu. Vậy mà buổi chợ nào loại rau này cũng được vét sạch, dù chỉ mới 8 giờ sáng.
Video đang HOT
Rau nghệ “thấy” lửa là mềm. Bởi vậy, hễ nước vừa sôi, thả rau vào đảo thật nhanh rồi bắc xuống liền. Chậm một chút, rau bã ra, hương bay mất, ăn không còn thấy ngon nữa. Vắt nhẹ cho rau ráo nước trước khi bày ra đĩa. Rau nghệ tính mát, nồng nồng mùi nghệ tươi, hợp với bất cứ thứ nước chấm nào. Nhưng nhiều người dân làng tôi cho rằng rau nghệ chấm với mắm cái (mắm cá cơm) là ngon nhất. Ớt, tỏi và gừng là nhóm gia vị làm cho chén mắm cái trở thành “bãi đáp” lý tưởng cho những đũa rau nghệ.
Chiều đông. Mưa lay phay, gió lành lạnh, bữa cơm có rau nghệ khiến chén mắm mau vơi, nồi cơm mau hết. Một điều lạ: Khi đã rau nghệ – mắm cái thì cá thịt thường bị lơ là. Ai cũng nói đang rau mắm đậm đà, chuyển qua cá thịt không hiểu vì sao thấy nhàn nhạt, nghe lạc điệu hẳn.
Tối nay trời trở gió. Nghe mưa từ những ngọn đồi sau làng mưa về, má xuống bếp thử mở nắp mấy hũ mắm. Tôi nghe rõ tiếng má nói một mình: Mắm dậy mùi thơm. Hèn chi mùa rau nghệ cũng đang về.
Theo Tapchiamthuc
Thu Hà Nội vấn vương hương bánh cốm
Bánh cốm không chỉ là một thức quà của cốm, của lúa non, của mùa thu. Đằng sau hương vị ngọt ngào và vẻ ngoài dân dã là những nét đẹp văn hóa tinh tế của người Tràng An.
Bánh cốm là thức quà không thể thiếu trong lễ cưới hỏi
Có nhiều câu chuyện về sự ra đời của bánh cốm, về những người đầu tiên làm ra nó và phổ biến ra khắp phố phường.
Nhưng hết thảy đều đồng ý rằng, bánh cốm là sự sáng tạo độc đáo của người thợ xưa, để giữ cốm được lâu hơn, để bất cứ lúc nào người ta cũng có thể nếm hương vị cốm, ngay cả khi mùa vụ ngắn ngủi sắp qua đi. Nơi xuất phát của món bánh này là làng Yên Ninh, ngoại thành Hà Nội, nay chính là phố Hàng Than - con phố vẫn giữ nguyên vị thế của mình là phố "cưới hỏi" của Hà thành.
Khác với nhiều thức quà khác, bánh cốm không chỉ để ăn chơi. Đó là món bánh đặc trưng dành cho các dịp lễ lạt, cưới hỏi. Mâm lễ ăn hỏi bắt buộc phải có bánh cốm, đơn giản nhưng sang trọng, đi cùng với trái hồng đỏ mang ý nghĩa "hồng cốm tốt đôi", để họ hàng hai bên trao tay trong ngày vu quy, ăn từng miếng bánh đậm đà, uống hớp nước chè xanh để gật gù chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ.
Bánh cốm là đặc sản của phố Hàng Than và của người Hà Nội
Trong Hà Nội ba sáu phố phường, Thạch Lam viết: "Bánh cốm chính là thứ bánh cưới, trao đi đổi lại trong những mùa thu, để chứng nhận cho cái sung sướng của cặp vợ chồng mới, và cái vui mừng của họ hàng. Vuông vắn như quyển sách vàng, bọc lá chuối xanh buộc lạt đỏ; cái dây lạt đỏ như sợi dây tơ hồng buộc chặt lấy những ái ân".
Ông cũng cho rằng đó là "một thứ bánh ngon mà cũng không đắt, một thứ bánh gợi cho ta những kỷ niệm rất nhiều màu". Màu ấy là màu gì, nếu không phải là màu tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi.
Làm bánh cốm không đơn giản. Cốm làm bánh là thứ cốm già (lúa cắt khi hạt đã chắc xanh hơn), chế biến như làm cốm thường, qua các công đoạn trộn với nước theo tỉ lệ nhất định rồi đem hấp chín cùng đường và nước hoa bưởi.
Nhân đậu xanh phải lựa cẩn thận, hấp chín xay nhuyễn ngào đường, thêm dừa nạo hoặc có mứt bí, mứt sen. Áo cốm vuông vức màu xanh lá lúa mát mắt, ôm lấy nhân ngọt ngào bên trong. Việc chế biến hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người làm bánh, cũng vì thế mà bánh của mỗi hàng đều có sự đặc trưng riêng.
Xưa là vậy, còn bây giờ, người ta ăn bánh cốm chẳng kể lễ lạt, cũng chẳng kể thu đông. Người xưa gói bánh bằng lá chuối, buộc lạt đỏ, nhưng ngày nay, để giữ được lâu hơn và thêm đẹp trong mâm cỗ cưới, các tiệm bánh đều dùng hộp giấy có in hoa văn. Cũng màu xanh lá, cũng lạt đỏ vuông vức, và có lẽ hương vị thì cũng vẫn còn nguyên như ngày nào.
Những ngày thu, ăn chơi một miếng bánh cốm vừa mềm vừa dẻo, vừa ngọt vừa thanh, bỗng thấy thấm cơn gió heo may qua cửa sổ, trời thu cao hơn, trong hơn. Nhưng cũng có một cách thưởng thức khác, ấy là khi đi xa Hà Nội lâu ngày được người bạn mang cho một vài chiếc bánh cốm, mở ra mà còn thấy nguyên mùi cốm mới. Bánh chưa đưa tới miệng mà đã thấy như mùa thu Hà Nội đang ở quanh đây.
Theo Tapchiamthuc
5 món Quảng được yêu thích ở Sài Gòn Lòng xào nghệ cay thơm, don vừa húp vừa múc, ram bắp béo ngậy.... là những món xứ Quảng được thực khách Sài Gòn "kết đậm". Lòng xào nghệ Tạo hình quen thuộc của món lòng xào nghệ. Món ăn này mê hoặc thực khách với đủ vị chua, cay, béo, giòn. Lòng xào nghệ là món ăn quen thuộc của người dân...