Vận tải thủy “lẹt đẹt”, cổ phiếu bán mãi chẳng ai mua!
“Các công ty đường bộ bán cổ phần thì thi nhau mua, nhưng công ty thủy thì bán mãi chẳng ai mua. Lý do là vì vận tải thủy nghèo, người làm đường thủy rất nghèo!”.
Ông Nguyễn Thủy Nguyên – Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Vận tải Thủy – cho biết như vậy tại cuộc họp bàn về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa khu vực đồng bằng Sông Hồng diễn ra mới đây, tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Vận tải đường thủy nội địa có nhiều lợi thế và vai trò trung chuyển khối lượng hàng hóa lớn, nhiều chủng loại, đặc biệt là hàng siêu trường siêu trọng – khả năng này các loại hình vận tải đường sắt, đường bộ và đường hàng không khó có thể làm được. Tuy nhiên, hiện nay vận tải đường thủy nội địa cả nước nói chung và khu vực đồng bằng Sông Hồng nói riêng đang giữ tỷ trọng khiêm tốn trong tổng khối lượng hàng hóa vận tải của toàn ngành GTVT, tỷ lệ đảm nhận của đường thủy nội địa còn rất thấp.
Vận tải đường thủy nội địa có nhiều ưu thế và chi phí thấp, nhưng việc quan tâm, đầu tư phát triển lại chưa được chú trọng
Ông Nguyễn Thủy Nguyên cho hay, việc đầu tư cho vận tải đường thủy nội địa hiện nay quá ít so với với tổng vốn đầu tư cho GTVT, thiếu vốn đầu tư cho chỉnh trị, nạo vét luồng. Vẫn tồn tại tình trạng các tuyến vận tải đường thủy không đồng cấp, chưa được đầu tư nạo vét, khơi thông, mở rộng luồng lạch nên ảnh hưởng lớn đến kinh doanh vận tải. Đó là lí do một số tuyến trong khu vực đồng bằng Sông Hồng như Hà Nội – Sơn Tây – Việt Trì, sông Phi Liệt, kênh đào nội thành Hải Phòng, tuyến sông Đáy… bị khan cạn vào mùa khô.
“Các doanh nghiệp vận tải thủy còn nhỏ lẻ, có quá ít doanh nghiệp có tiền lực lớn cả về tài chính đã hạn chế đến sức cạnh tranh cũng như việc tham gia vào vận tải đa phương thức. Các công ty đường bộ mở bán cổ phần cổ phiếu thì thi nhau mua, nhưng công ty thủy thì bán mãi chẳng ai mua. Lý do là vì vận tải thủy nghèo, người làm đường thủy rất nghèo!” – ông Nguyên cho biết.
Thừa năng lực, thiếu việc làm
Video đang HOT
Nói đến chi phí vận tải thì đường thủy nội địa là loại hình có giá rẻ nhất, con số so sánh đưa ra khiến nhiều người không khỏi giật mình. Một tấn hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy chỉ hết 200-300 đồng, với đường sắt là 1.200 đồng, còn đưa lên đường bộ thì sẽ hết 4.000 đồng.
Đại diện Cảng Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) khẳng định, cảng đang dư thừa năng lực nhưng lại rất thiếu việc làm. Cụ thể, năng lực vận tải ngay tại thời điểm này là 4 triệu tấn hàng hóa thông qua, nhưng hiện chỉ có 1,5 – 1,7 triệu tấn hàng hóa đang thông qua cảng.
Theo vị đại diện này, để kết nối các phương thức vận tải khác với vận tải thủy nội địa thì Bộ GTVT phải có chỉ đạo các đơn vị ngành xây dựng phương án vận tải phối hợp để tận dụng tối đa các tuyến đường thủy nội địa hiện có; giảm tải cho đường bộ, đường sắt về các trung tâm lớn như Hà Nội, Hải Phòng…
Trước những khó khăn kể trên, ngay tại cuộc họp này, đại diện Cảng Việt Trì đã không ngần ngại “xin” ngành đường sắt chia sẻ nguồn hàng để vận chuyển. Đơn cử như điều hành một số lượng hàng có khối lượng lớn như Apatit Lào Cai về Việt Trì để vận chuyển từ Việt Trì về nhà máy bằng đường thủy…
Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Nếu như không nâng cao nhận thức thì đường thủy nội địa vẫn tiếp tục lẹt đẹt”
Những vấn đề của vận tải đường thủy nội địa đã quá rõ, nhưng sự “lẹt đẹt” của ngành vận tải này không chỉ vì chưa được đầu tư đúng mức, mà sự quan tâm của chính các địa phương và đơn vị quản lý Nhà nước cũng không “đến đầu đến đũa”. Bằng chứng là tại cuộc họp quan trọng bàn về vận mệnh của vận tải thủy của khu vực có 11 tỉnh và thành phố, nhưng chỉ 3 tỉnh có lãnh đạo tham dự, thậm chí cấp Giám đốc Sở GTVT địa phương đều vắng mặt. Còn ở Bộ GTVT, trong khi Bộ trưởng và các Thứ trưởng chủ trì chỉ đạo cuộc họp thì các Cục, Vụ chuyên môn đa phần chỉ có cấp phó và chuyên viên tham dự!
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, nếu như không nâng cao nhận thức thì đường thủy nội địa vẫn tiếp tục lẹt đẹt và không phát triển được. Nhiệm vụ mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt ra là phải nâng cao quan điểm, nhận thức về phát triển vận tải nội địa, nhằm góp phần tái cơ cấu ngành GTVT, tái cơ cấu các phương thức vận tải, giảm tối đa chi phí vận tải, tạo ra một thị trường kinh doanh vận tải lành mạnh và đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, một cơ chế mới cho đường thủy nội địa phát triển đã có, trong đó Luật đường thủy nội địa sửa đổi mới được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1/1/2015 cùng với các Thông tư hướng dẫn để có một hành lang pháp lý sẽ góp phần đầy đủ thúc đẩy phát triển đường thủy nội địa. Từ đây, thu hút các nguồn lực, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường thủy cũng như phát triển doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa. Đề án tái cơ cấu ngành GTVT cũng ưu tiên đầu tư phát triển đường thủy nội địa…
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
"Đường sắt VN đang đứng trước thách thức lớn chưa từng có"
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) Vũ Tá Tùng thừa nhận: "ĐSVN đang đứng trước khó khăn, thách thức lớn chưa từng có trong nhiều thập kỷ gần đây. Nguy cơ vận tải đường sắt không còn tồn tại sẽ thành sự thật nếu chúng ta không hành động".
Sau 1 tháng nhậm chức, tân Tổng Giám đốc ĐSVN - ông Vũ Tá Tùng - đã viết thư ngỏ gửi tới cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt với những trăn trở và chia sẻ về sự phát triển của ngành.
"Thị phần vận tải đường sắt trong những năm gần đây liên tục giảm sút và hiện tại chỉ chiếm dưới 1% trong thị phần vận tải cả nước" - ông Vũ Tá Tùng cho biết.
Con đường sống còn duy nhất của ngành đường sắt lúc này là phải đổi mới, đổi mới từ tư duy đến hành động
Theo ông Tùng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt hậu của ngành đường sắt có một phần do hạ tầng cơ sở cũ kỹ lạc hậu, vốn đầu tư phát triển hạn chế,... Tuy nhiên, người đứng đầu ĐSVN cũng nhìn nhận, một trong những nguyên nhân chính là do ngành chậm đổi mới, chậm thích ứng với sự cạnh tranh, với cơ chế thị trường.
"Đã đến lúc cần phải dũng cảm thừa nhận thực tế Tổng Công ty ĐSVN đang đứng trước khó khăn, thách thức lớn chưa từng có trong nhiều thập kỷ gần đây. Nguy cơ vận tải đường sắt không còn tồn tại sẽ thành sự thật nếu chúng ta không hành động. Tổng Công ty ĐSVN chỉ còn duy nhất một con đường là thay đổi để lấy lại niềm tin của xã hội, của nhân dân, để tồn tại và phát triển. Trong đó, toàn thể anh chị em cán bộ, công nhân viên, từ những người lãnh đạo cao nhất đến những lao động ở bất kỳ vị trí - lĩnh vực công tác nào đều phải thấu hiểu và cùng xác định yêu cầu bức bách là phải đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm và đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức" - ông Vũ Tá Tùng bày tỏ.
Tân Tổng Giám đốc ĐSVN cho biết, để đạt được mục tiêu đổi mới, trước mắt mà toàn ngành phải tập trung vào 5 nhóm giải pháp đột phá. Trong đó, quan tâm đặc biệt đến chất lượng con người trên cơ sở thực hiện triệt để Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty, cổ phần hóa đúng lộ trình. Tập trung nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp theo định hướng khách hàng, đảm bảo kinh doanh có lãi, phát triển đường sắt theo hướng tăng tính kết nối với các phương thức vận tải khác, gắn kết với đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển KT-XH của các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; xây dựng thương hiệu đường sắt gần gũi và thân thiện theo quan điểm "Tất cả cho hành khách - Hành khách cho tất cả". Tăng cường công tác đảm bảo an toàn chạy tàu, an toàn giao thông đường sắt.
Giải pháp tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, trước mắt là khâu bán hàng, điều hành chạy tàu, quản lý vận dụng toa xe, công tác bảo dưỡng sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt; đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức khai thác, thu thập và xử lý thông tin khách hàng, phát triển hệ thống bán vé và soát vé tự động, đầu tư các dịch vụ công cộng trên các đoàn tàu, nhà ga để tăng tính thân thiện, sự thoải mái cho hành khách. Tập trung ưu tiên đầu tư tăng cường năng lực thông qua trên các khu đoạn hạn chế, nâng cao năng lực lập tàu và xếp dỡ hàng hóa tại các trọng điểm phía Nam và phía Tây...
Ông Vũ Tá Tùng khẳng định: "Chỉ có đổi mới, đổi mới một cách quyết liệt, toàn diện, từ tư duy đến hành động, từ những việc làm nhỏ nhất thì ngành đường sắt mới có thể tồn tại và phát triển".
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
200 triệu USD mở cửa ngõ vận tải ven biển đồng bằng Bắc Bộ Sáng nay (23/2), lễ động thổ Cụm công trình luồng qua Cửa Lạch Giang có tổng mức đầu tư 201,5 triệu USD đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức tại Km208, QL21 khu vực Cửa Lạch Giang, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang là một trong những Hợp...