Vận tải khách tuyến Hà Nội – Hải Phòng: Tái diễn tranh giành khách, mất an ninh trật tự
Hiện có quá nhiều doanh nghiệp tham gia vận tải khách tuyến Hà Nội Hải Phòng khiến các nhà xe tranh giành khách, dằn mặt nhau, dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự. Mặc dù, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo yêu cầu xử lý. Tuy nhiên, sau một thời gian tạm lắng, tình trạng trên lại “ nóng”.
Vận tải khách tuyến Hà Nội – Hải Phòng được cho là cung đã vượt quá cầu
Cạnh tranh không lành mạnh
Theo thống kê, trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng (gồm tuyến QL5 và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) hiện có 12 doanh nghiệp tham gia vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định, trong đó Hải Phòng có 10 doanh nghiệp và Hà Nội có 2 doanh nghiệp. Ngoài ra, một số doanh nghiệp hoạt động tuyến Hà Nội – Quảng Ninh, Hà Nội – Thái Bình… cũng chạy một phần trên QL5. Tính đến tháng 1-2016, tổng số xe đăng ký tham gia hoạt động gồm 250 xe, chủ yếu là xe từ 29-35 và từ 45-47 ghế; tần suất hoạt động là 372 chuyến/ngày.
Từ tháng 12-2015, tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thông xe và đưa vào sử dụng, đã có 6 doanh nghiệp đăng ký vận tải khách trên tuyến này với tổng số 79 xe, 124 chuyến/ngày; QL5 có 171 xe tham gia khai thác với tần suất 248 chuyến/ngày. Vì vậy, hệ số sử dụng ghế chỉ đạt khoảng 50%, trừ dịp lễ, Tết.
Từ năm 2011 đến nay, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng thường xuyên xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải. Đã xảy ra trường hợp, lái xe, phụ xe của một doanh nghiệp gọi điện cho lái xe, phụ xe của doanh nghiệp khác yêu cầu đi sau để xe của mình đi trước đón khách. Khi yêu cầu không được đáp ứng, lái xe, phụ xe không nghe theo đã bị đe dọa và hành hung; hiện tượng chèn, ép nhau trên đường, không cho xe khác vượt lên để tranh khách cũng diễn ra thường xuyên…
Video đang HOT
Đại diện Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho hay, sau sự chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương đã vào cuộc, tình trạng mất trật tự trên tuyến này tạm thời được chấn chỉnh. Nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng tái diễn. Cá biệt có 3 vụ xảy ra tại Hải Phòng khi các lái phụ xe của Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long trên đường đi làm về nhà bị các đối tượng dùng vật sắc, nhọn đâm vào mông, đùi gây thương tích từ 0 – 4%, nguyên nhân nghi do tranh giành khách.
Phải giảm tần suất hoạt động của xe khách
Theo đánh giá của Công an Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, nguyên nhân dẫn đến mất an ninh trật tự trên tuyến vận tải khách Hà Nội – Hải Phòng, chủ yếu do cung vượt quá cầu. “Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành manh trong vận tải hành khách tuyến Hà Nội – Hải Phòng”, Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đánh giá.
Ngoài ra, theo Trung tướng Trần Trọng Lượng, Sở GTVT Hà Nội và Hải Phòng chưa tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về vận tải hành khách. Một số doanh nghiệp vận tải buông lỏng quản lý, khoán trắng trong hoạt động (xe mang thương hiệu của doanh nghiệp nhưng do tư nhân tự quản lý, điều hành), chạy theo lợi nhuận.
Để đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng, Tổng cục Cảnh sát cho rằng, các Sở GTVT Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên phải xem xét lại toàn bộ lưu lượng xe hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến, giảm bớt tần suất hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế, tránh trường hợp cung vượt quá cầu. “Tạm dừng việc chấp thuận cho các phương tiện đăng ký mới hoặc bổ sung trên các tuyến vận tải khách liên tỉnh từ các bến xe trên địa bàn Hà Nội đến các bến xe trên địa bàn Hải Phòng và ngược lại; không chấp thuận cho các phương tiện của các doanh nghiệp có nhiều vi phạm trong quản lý vận tải, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự”, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đề xuất.
Đồng thời, các sở địa phương phải đánh giá đúng tình hình thực tế của vận tải hành khách trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng, dự báo tình hình trong thời gian tới để báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến vận tải khách cố định Hà Nội – Hải Phòng cho sát với thực tế.
Theo_An ninh thủ đô
TP.HCM sắp mở 2 tuyến "buýt đường sông" trong nội đô
UBND TP.HCM vừa chấp thuận đề xuất dự án đầu tư hai tuyến vận tải vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn TP.HCM theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BOO) của Sở Giao thông vận tải.
Mục đích của dự án nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TPHCM (TP) bằng đường thủy trong khu vực đô thị; góp phần hỗ trợ cho hệ thống giao thông đường bộ vốn đã quá tải và phát triển hoạt động du lịch đường thủy; phát triển một phương thức vận chuyển hành khách mới bằng đường thủy trên địa bàn TP.
Kênh Tàu Hủ- Bến Nghé, Sông Sài Gòn trong tương lai sẽ được khai thác làm tuyến "buýt đường sông" phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TP bằng đường thủy trong khu vực đô thị
Theo đó, hình thức Hợp đồng dự án bao gồm Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (gọi tắt là hợp đồng BOO) có tổng số vốn đầu tư khoảng 128 tỷ đồng. Việc đầu tư dự án nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt là vào thời gian cao điểm, giảm thiểu thời gian lưu thông và ô nhiễm khí thải trong nội đô TP.
Quy mô dự án bao gồm: Tuyến Bạch Đằng - Linh Đông dài gần 11 km, có 7 bến dừng đi qua quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Tuyến bắt đầu từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa sau đó kết thúc tại Bến khách ngang sông Bình Quới (phường Linh Đông - Thủ Đức) và ngược lại.
Tuyến Bạch Đằng - Lò Gốm dài hơn 10 km, cũng có 7 bến dừng đi qua quận 1, 4, 5, 6, 8. Tuyến bắt đầu từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ và kết thúc ở Bến Lò Gốm (quận 6) và ngược lại.
Khu bến trung tâm của 2 tuyến vận tải vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy này sẽ được xây dựng ở quận Thủ Đức với diện tích khoảng 3 ha gồm các hạng mục: Bến đón trả khách, Khu vận hành bảo dưỡng và neo đậu tập kết tàu về đêm; Khu nhà điều hành và các công trình khác phục vụ hoạt động, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ.
Ngoài ra, các bến khác có diện tích khoảng 50 m2 gồm khu đón trả khách, kiốt kinh doanh dịch vụ và nhà vệ sinh...Riêng bến Bạch Đằng (Q.1) sẽ do thành phố quy hoạch và xây dựng.
Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016. Về đầu tư phương tiện, theo dự kiến giai đoạn từ nay đến 2020 sẽ tư 10 phương tiện có sức chứa tối thiểu 60 chỗ. Giai đoạn tiếp theo: đầu tư phương tiện có sức chứa lớn hơn phù hợp với nhu cầu vận hành trên tuyến.
Về phương án thanh toán hợp đồng BOO dự kiến, UBND TP HCM cho biết, nguồn thu của dự án chủ yếu từ hoạt động bán vé. Nhà đầu tư phải đảm bảo nguồn thu đủ bù đắp chi phí hoạt động. Ngân sách thành phố sẽ không cấp bù nếu doanh thu không hiệu quả.
Tuấn Kiệt
Theo_VietNamNet
TP Hồ Chí Minh: Các đơn vị vận tải hành khách giảm giá cước Ngày 23-2, Ban quản lý Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) cho biết, sau đợt giảm giá xăng dầu ngày 18-2, hiện còn 7/28 doanh nghiệp vận tải chưa kê khai giảm giá. Dự kiến, ngày 24-2, các đơn vị này sẽ kê khai giảm giá cước với Sở Tài chính, với mức giảm khoảng từ 3 đến 4% giá vé. Các...