Văn Quyết lên, Tiến Dũng xuống, thầy Park khó nghĩ
Tiền đạo Văn Quyết càng đá càng hay trong màu áo Hà Nội nhưng đã không có suất lên tuyển gần hai năm qua, trong khi thủ môn Bùi Tiến Dũng là học trò yêu thích của thầy Park Hang-seo.
Bán kết Cúp Quốc gia, đội trưởng Văn Quyết ghi cú hat trick vào lưới đội khách TP.HCM trong chiến thắng hủy diệt 5-1 với pha mở điểm láu lỉnh biến thủ môn Bùi Tiến Dũng thành một chú hề ngộ nghĩnh. Bàn thắng đấy xuất phát từ động tác đá phạt của Quang Hải như một pha sút cầu môn nhưng thật ra là một cú bấm bóng điệu nghệ qua đầu hàng rào của TP.HCM. Rất hiểu ý đàn em, Văn Quyết lẹ làng thoát xuống và nhanh chân đá bóng qua tay đồng đội cũ Tiến Dũng đang xoay người như… né bóng.
Những bàn thắng sau đó của Hà Nội rất nhẹ nhàng và gần như phản xạ của Dũng thủ môn chỉ chiếu lệ. HLV Chung Hae-seong không đổ lỗi cho cá nhân bất kỳ cầu thủ nào, cả cặp tiền đạo tân binh khoác áo tuyển Costa Rica cũng như thủ thành tuyển trẻ Việt Nam. Nhưng ai cũng thấy điểm yếu của mỗi thành viên TP.HCM bộc lộ đầy đủ dù đối thủ của họ đang chắp vá trên sân nhà Hàng Đẫy.
Văn Quyết chơi nổi bật nhất trong 90 phút trên sân Hàng Đẫy và ngược lại, Bùi Tiến Dũng để lại nhiều lo âu nhất bên kia chiến tuyến. Có điều thật lạ lùng, HLV Park Hang-seo từ lâu đã nói không với tiền đạo Văn Quyết, còn với thủ môn Bùi Tiến Dũng thì gần như chắc suất ở đội tuyển.
Văn Quyết và Bùi Tiến Dũng, hai hình ảnh đối lập trong trận bán kết Cúp Quốc gia và cả đội tuyển. Ảnh: CTV
Video đang HOT
HLV Park Hang-seo có gì bí mật khi ưu ái Bùi Tiến Dũng và khó khăn với Văn Quyết? Ảnh: NGỌC DUNG
Trận tứ kết Cúp Quốc gia trước đó, ông Park đã tận mắt chứng kiến phong độ ổn định của Văn Quyết với cú đúp bàn thắng vào lưới Cần Thơ trong cơn mưa gôn 7-0. Chưa kể sự di chuyển thông minh và kiến tạo bàn thắng ở đội Hà Nội vẫn không ai hơn Văn Quyết. Duy có điều ông Park thích thú lối chơi của những đàn em Văn Quyết hơn. Và có lẽ ông lại tiếp tục lắc đầu với đội trưởng CLB Hà Nội, chỉ đơn giản là “không hợp với kiểu đá trên đội tuyển” theo cách nghĩ của ông.
Dưới thời ông Park, cuộc chơi ở đội tuyển gần như dừng lại, dù thầy Park có lần nói nước đôi, tùy thuộc vào đối thủ và thời điểm ông sẽ gọi lại Văn Quyết. Cho nên dù miệt mài nỗ lực và tỏa sáng trên sân cỏ bao nhiêu, Văn Quyết vẫn không thể sánh bằng lão tướng Anh Đức chỉ cần ra sân 20 phút trong màu áo HA Gia Lai sau hơn nửa năm nghỉ ngơi vẫn có một vé lên tuyển.
Ngược lại, thủ môn Bùi Tiến Dũng chẳng khác gì con cưng của thầy Park. Những cú đẩy penalty của Dũng ở sân khấu Thường Châu góp công giúp U-23 Việt Nam đoạt ngôi á quân U-23 châu Á 2018 đã mặc nhiên cho anh một đặc ân hiếm có.
Bùi Tiến Dũng đã quá tuổi 23, không biết ông Park có dành thêm sự ưu ái nào nữa cho thủ thành đội TP.HCM hay phải nghĩ lại.
Còn với phong độ ổn định và càng già càng cay của mình, Văn Quyết có thể mãi gọi ông Park là thầy cũ.
Bóng đá vốn có những sai số và có cả bất công mà một số cầu thủ kém may mắn như Văn Quyết phải chấp nhận. Nó cũng giống với số phận của anh với bóng vàng mà khi anh là số một thực sự thì lại gặp những rào cản khiến phải ngậm ngùi.
Người thừa và số một ở nhà vô địch
Sau hơn một mùa bóng chủ yếu ngồi mài đũng quần trên ghế dự bị tại CLB Hà Nội, thủ môn Bùi Tiến Dũng buộc phải chia tay và khoác áo đội TP.HCM. Vận may đến với Dũng ở đội bóng mới khi thủ môn đàn anh Thanh Thắng bị chấn thương giúp anh có nhiều cơ hội ra sân chính thức hơn. Tuy nhiên, hai trận tứ kết với Bà Rịa-Vũng Tàu và bán kết với Hà Nội, thủ môn Dũng để thủng lưới bảy bàn có thể khiến anh trở lại chỗ ngồi quen thuộc để chỉnh sửa lại kỹ thuật cơ bản cho hoàn chỉnh hơn.
Trong khi đó, những ngôi vô địch V-League của bóng đá Hà Nội thường gắn liền với cái tên đội trưởng Văn Quyết. Anh cũng là một trong những cầu thủ chơi hay nhất trong chiến tích vào đến loạt trận chung kết liên khu vực AFC Cup 2019. Nếu không vì chiếc thẻ đỏ cuối mùa 2019, Văn Quyết mới là cầu thủ hay nhất V-League mà không phải Quang Hải.
Vận may của ông Park đã qua
Hai năm trước, HLV Park Hang-seo thừa hưởng một thế hệ cầu thủ trẻ Việt Nam rất tốt từ các tiền nhiệm để gây những tiếng vang ở làng bóng quốc tế nhưng bây giờ thì không.
Trong lúc những đối thủ ở Đông Nam Á vẫn án binh bất động các giải vô địch quốc gia vì dịch COVID-19 và còn quá sớm để chuẩn bị SEA Games 2021 thì ông Park đã nhanh nhảu khởi động chiến dịch bảo vệ ngôi vua. Bản hợp đồng mới ba năm của ông thầy người Hàn Quốc có các mục tiêu vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022, vô địch AFF Cup 2020 với đội tuyển quốc gia; còn đội U-22 phải vượt qua vòng loại U-23 châu Á 2022 và đặc biệt là bảo vệ ngôi vô địch SEA Games 31 tổ chức ở sân nhà.
Nếu như thầy Park có phần an tâm hơn với các tuyển thủ quốc gia bởi sự dày dạn kinh nghiệm của họ thì với tuyển trẻ, ông lo ngay ngáy vì tre già mà măng mọc chậm quá! Chính ông thú nhận thế hệ cầu thủ bây giờ không thể so sánh với lứa đàn anh ở những lò đào tạo trẻ nổi tiếng, nòng cốt ở HA Gia Lai hay Hà Nội.
Cũng cần biết khi gắn bó với bóng đá Việt Nam hồi cuối năm 2017, ông Park rất may mắn tiếp nhận một thế hệ cầu thủ giỏi từng chinh chiến ở vòng chung kết World Cup U-20 với HLV Hoàng Anh Tuấn. Cộng với thành phần chủ chốt có nhiều năm đá chung màu áo U-19 từ năm 2014 đã tạo ra một đội hình mạnh với những cái tên như trung vệ Bùi Tiến Dũng, Đình Trọng, Duy Mạnh, Đức Huy, Đoàn Văn Hậu, Quang Hải, Vũ Văn Thanh, Xuân Trường, Văn Toàn, Hồng Duy, Phan Văn Đức, Công Phượng, Hà Đức Chinh...
Ông Park lo lắng cho tuyển trẻ U-22 Việt Nam không có nhiều nhân tài. Ảnh: NGỌC DUNG
Thầy trò ông Park liên tiếp gặt hái những chiến tích, từ ngôi á quân U-23 châu Á đến sự bổ sung một vài đàn anh như Anh Đức, Văn Quyết, Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Hùng Dũng, Trọng Hoàng... để vào bán kết ASIAD 18, vô địch AFF Cup 2018, tứ kết Asian Cup 2019, lên ngôi SEA Games 31 đều bằng lực lượng chủ yếu này.
Gần ba năm qua, HLV Park Hang-seo gần như không có nhiều thay đổi về con người trên các đội tuyển, kể cả cách chơi, bởi họ quá nhuần nhuyễn với nhau. Nhưng sau mùa vô địch SEA Games 2019, rất nhiều cầu thủ đã qua 23 tuổi và buộc ông Park phải săn lùng tài năng mới để bảo vệ ngôi vua SEA Games năm sau.
Đáng nói là bóng đá Việt Nam thời điểm này hụt hẫng lứa kế cận rất lớn. Ông Park không còn cách tuyển quân nào khác ngoài việc tập trung cầu thủ dựa vào năm sinh (từ 1999 trở đi) chứ không phải căn cứ vào phong độ và trình độ chuyên môn. Đơn giản, hầu hết cầu thủ trẻ đều không có chỗ chơi trong các giải vô địch quốc gia. Ở thế bất đắc dĩ khác, ông thầy Hàn buộc lòng phải hội quân ngắn ngày trong nhiều đợt, mỗi đợt có khoảng ba ngày để chọn lọc nhân sự, cũng là giúp họ có điều kiện chơi bóng vì ngồi dự bị mãi ở CLB.
Vận may thừa hưởng những lứa cầu thủ giỏi của thầy Park đã qua. Giờ là lúc ông phải làm nhiều việc hơn cho thành công tiếp theo với bóng đá Việt Nam.
Bài toán chưa có lời giải của VFF
HLV Park Hang-seo chỉ ra một nghịch lý cầu thủ trẻ lên tuyển quốc gia lại không có suất chơi trong màu áo CLB. Nguyên do, cầu thủ đàn anh giàu kinh nghiệm và ngoại binh chiếm hết chỗ đá trọng yếu trong đội hình. Ông thầy người Hàn từng kiến nghị VFF tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ ra sân nhiều hơn (cùng với các tiền đạo nội) nhưng vẫn chưa tìm ra lời giải cho bài toán quá khó. Bởi ai cũng biết cầu thủ ngoại và nội binh từng trải mới có thể làm trụ cột cho các CLB. Việc lứa trẻ không thể cạnh tranh vị trí là tất yếu, vì thành tích là ưu tiên hàng đầu của đội bóng.
UAE thuê HLV sừng sỏ ở World Cup 2014 đối đầu thầy Park LĐBĐ UAE và HLV Jorge Luis Pinto đang đàm phán tích cực để HLV này về dẫn dắt đội tuyển UAE, trước mắt là các trận còn lại của vòng loại World Cup 2022 bảng G, trong đó có trận gặp Việt Nam. HLV Jorge Luis Pinto nổi tiếng khi từng dẫn dắt đội tuyển Costa Rica và khiến nhiều ông lớn phải...