Văn Quyến đã nhúng tay vào bán độ như thế nào
Kỳ SEA Games 2005, Văn Quyến cùng lứa cầu thủ đang mơn mởn của U-23 Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang Vàng về cho Tổ quốc. Nhưng trên đất Philippines, “thằng béo” đã chính thức trở thành tội đồ khi bị phát hiện tham gia đường dây dàn xếp tỉ số quốc tế. Một khúc cua định mệnh…
Quyến không thiếu tiền, nhưng vẫn “bán mình” vì 20 triệu
Khi dự SEA Games 2005, Quyến đã đường đường là tỉ phú. Quyến át vía được dân sành điệu cả thành Vinh với câu nói đùa đầy “khí phách”, rằng chơi thế này thì khi nào mới hết được tiền. Bản thân Quyến, mỗi trận đấu của U-23 Việt Nam tại Bacolod, nếu thắng, có thể bỏ túi vài chục triệu tiền thưởng nóng.
Nhưng Quyến vẫn “nhúng chàm” chỉ vì 20 triệu. 20 triệu, đôi khi chỉ đủ cho một trận cười của Quyến. Lý do thì rất giản đơn: chung tay đấu sức với anh em.
Nhiều người bảo Quyến dại. Nhiều người bảo Quyến tham. Nhưng dù tham hay dại thì tội lỗi vẫn là điều không bao giờ chối cãi và gột rửa được. Quyến ân hận bao nhiêu cũng là không đủ, so với hành động lừa dối hàng triệu người hâm mộ quê nhà.
Sau này, Quyến và các đồng đội đều cố vớt vát bào chữa rằng họ bán lấy thắng chứ không bao giờ bán lấy thua. Tuy vậy, nếu Alfred Riedl không nhận được tin “nội gián” từ chính những học trò trung thực của mình, U-23 Việt Nam có thể đã không vào được đến trận chung kết.
Bởi vì ở trận bán kết gặp Malaysia, nhóm của Quyến đã được “gạ” đá hoà trong 2 hiệp chính để đổi lấy một khoản tiền lên đến hàng tỉ đồng. Đó là cả một sự mạo hiểm, mà chính những người nhận độ cũng phải băn khoăn.
Rốt cuộc, kế hoạch này phá sản vì khi tỉ số đang là 1-1, Lê Công Vinh đã như từ dưới đất chui lên, đón đường chuyền của Tài Em để ấn định chiến thắng cho U-23 Việt Nam trong 90 phút chính thức.
Công Vinh và Tài Em chính là những người được cho là đã bức xúc trước việc các đồng đội bán độ và bắn tin đến các thành viên Ban huấn luyện.
Một vài thay đổi về chiến thuật của ông Riedl – dù khi đó ông vẫn chưa tin là có đến 7 trụ cột trong tay mình dám làm chuyện tày trời – đã khiến điệp vụ của nhóm Quyến “bể nồi cơm”. Vì lẽ đó, Quyến chỉ nhận được tiền công cho trận thắng Myanmar ở vòng bảng theo đúng “kịch bản” là 1 bàn chênh lệch.
Tuy nhiên, khi đã ngồi mòn ghế ở các cơ quan điều tra, Quyến vẫn không tài nào hiểu nổi tại sao người ta lại “thanh toán công nợ” cho mình theo cách thô sơ đến mông muội như thế. Thời điểm Quyến được trả tiền diễn ra đúng lúc nhất cử nhất động của “thằng béo” và những đồng đội dính líu vào cá độ khác đều bị theo dõi gắt gao.
Video đang HOT
Quyến không biết rằng từ thời điểm đó, nó rơi một mạch xuống vực sâu.
Ấy thế mà khi Quyến đang ngồi taxi chuẩn bị từ trung tâm Sài Gòn ra sân bay Tân Sơn Nhất thì có 2 người đàn bà bịt mặt phóng xe máy chạy theo, ném một cục tiền vào chỗ Quyến. Chính tình tiết này cũng là một bằng chứng thuyết phục buộc Quyến phải cúi đầu nhận tội sau ít ngày loanh quanh chối cãi.
Đổ sụp một tượng đài
Tra bàn tay trót nhúng chàm vào còng, Văn Quyến hiểu rằng nó đã chính thức giết chết đôi chân bằng vàng của mình. Cả đất nước đã vun đắp và hy vọng “thần đồng” Văn Quyến sẽ nổi lên như là một tượng đài mới, kế tiếp những Hồng Sơn, Huỳnh Đức. Nhưng tất cả đã bị đánh lừa.
Mọi thói hư tật xấu trước kia của Quyến có thể cho qua. Mọi sai lầm, lười nhác của Quyến có thể đổi lại bằng những phút thăng hoa tráng lệ. Nhưng khi Quyến đã bán rẻ cả danh dự, lương tâm cho quỷ, thì Quyến phải bị trừng phạt.
Ngồi trên máy bay từ Philippines trở về sau trận chung kết thua tan nát trước người Thái, Quyến đã có một linh cảm gì rất lạ. Nếu thắng và đoạt huy chương Vàng, có thể những dại khờ nông nổi sẽ được xí xoá hết bởi ánh hào quang.
Nhưng khổ nỗi Thái Lan vẫn sừng sững như một ngọn núi cao, trong khi những người leo núi thì bị phân tâm, ám ảnh bởi bao nhiêu thứ ngổn ngang. Họ gục ngã đớn đau, và như một hiệu ứng của thất bại, bao nhiêu tội lỗi lần lượt bị phanh phui.
Quyến chỉ có đúng một đêm ngủ ở nhà, trước khi bị gọi ra Hà Nội lấy lời khai. Khi Quyến chào mẹ để ra đi, nó không dám nhìn vào mắt bà Niềm.
Nó sợ mẹ phát hiện ra những lo âu, u tối đang choán hết tâm hồn nó. Lẽ ra, nó có thể về với mẹ nhiều hơn. Nhưng Sài Gòn hoa lệ ngốn mất của nó mấy ngày, thêm mấy ngày chờ “thanh toán” tiền làm độ. Sau đó là một khoảng mênh mông lạnh lẽo trong trại tạm giam.
Quyến không biết rằng từ thời điểm đó, nó rơi một mạch xuống vực sâu. Không bao giờ Quyến lấy lại được tiền tài và danh vọng nữa, bởi ông trời đã mang tất cả đặt lên đôi vai gầy guộc của Công Vinh, lúc ấy vẫn còn là đứa trẻ chưa kịp phổng phao.
Bàn thắng “vàng” ở bán kết SEA Games của Công Vinh đã đánh một dấu mốc éo le kỳ lạ cho sự đổi ngôi với Quyến. Trong nỗi chán chường, buồn bã của cả một dân tộc yêu bóng đá mất đi dàn sao đang độ chín nhất của mình, Công Vinh vụt lớn lên như người lãnh trách nhiệm xây lại ngôi nhà từ cái nền đổ nát. 3 năm sau, anh đã làm được điều kỳ diệu đó…
Sau SEA Games 2005, có đến 7 cầu thủ U-23 VN bị phát hiện dính líu vào đường dây cá độ quốc tế, gồm Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh, Văn Trương, Hải Lâm, Phước Vĩnh, Bật Hiếu. Sau thời gian thụ án, tất cả đều đã được tạo điều kiện để quay lại nghề đá bóng, nhưng hiện thời chỉ có Quốc Anh đang có mặt trong ĐTVN.
Phước Vĩnh cũng rất nỗ lực và nếu không dính chấn thương, anh đã được dự AFF Cup 2012. Bật Hiếu đang chơi cho Thanh Hoá, Văn Trương cố gắng trụ lại ở HA.GL để… dưỡng già. Quốc Vượng hiện đang thất nghiệp, còn Văn Quyến sau khi bị SLNA thải hồi may mắn được Ninh Bình đón nhận.
Theo TTVH
Nỗi niềm của Phước Vĩnh
Dính chấn thương vào phút cuối, cánh cửa dự AFF Cup 2012 có nguy cơ đóng chặt với Phước Vĩnh.Trung vệ đang chơi cho Đà Nẵng không nản chí mà vẫn hy vọng vượt qua khúc cua quyết định trước mắt.
Phước Vĩnh đứng dậy mạnh mẽ để khoác áo tuyển Việt Nam. Ảnh: TTVH.
Sớm lên đội một Đà Nẵng từ năm 18 tuổi, Phước Vĩnh hội đủ tố chất một trung vệ điển hình. Chiều cao 1m79, cùng lối đá dựa vào khả năng phán đoán, chọn vị trí, thay vì kiểu chém chặt như nhiều trung vệ khác. Nhờ sự trưởng thành vượt bậc so với tuổi tác, Phước Vĩnh được gọi tập trung lên U23 Việt Nam tham dự SEA Games 2005 tại Bacolod (Philippines). Ác mộng thay, vì chút sai lầm, Vĩnh cùng Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh, Bật Hiếu, Văn Trương dính vào đường dây bán độ, rồi dính vòng lao lý khi trở về từ nước bạn.
Sau khi mãn án, con đường trở lại của Phước Vĩnh rất chông chênh. Bóng đá là cứu cánh duy nhất cho trung vệ trẻ này làm lại mình và nuôi sống cả gia đình. Vĩnh thừa nhận những ngày trở lại tập luyện cùng đồng đội trên sân Chi Lăng chẳng dễ dàng gì với bản thân mình.
Tự thân Vĩnh thừa nhận, gia đình và CLB là chỗ dựa cho chính mình. Vĩnh thuật lại: "3 năm chịu án xong, tôi ra đời với nhiều gánh nặng trong lòng. Nếu không có bóng đá, tôi không biết phải làm gì để tìm lại hướng đi cho mình. Khổ nỗi những ngày đầu khó khăn đến thế. Thể lực yếu, cảm giác bóng chưa ổn. Phải mất gần 3 tháng khổ luyện ròng rã, tôi mới thấy mình ổn ổn cả đôi chân lẫn thể lực. Vậy mà đã 5 năm tôi trở lại thi đấu đỉnh cao và có hai chức vô địch V-League, một chiếc Cup quốc gia trong tay. Ngày trở lại, tôi cũng chẳng thể mơ mình lại có thể đạt được những thành tựu như thế".
Có lẽ người Châu Lê Phước Vĩnh chịu ơn nhất chính là HLV Lê Huỳnh Đức. Ngày Vĩnh trở lại sân thi đấu, cảm giác lẫn màn thể hiện chưa được tốt nhất. Trước áp lực từ xung quanh, chiến lược gia họ Lê vẫn bảo vệ cậu học trò và tạo cơ hội cho Vĩnh làm lại mình.
Thế nên, khi đội nhà gặp khó khăn, Vĩnh chấp nhận mạo hiểm sự nghiệp để cứu thầy. Đó là mùa giải 2010, Đà Nẵng phải phân mình tham dự mặt trận châu lục lẫn nội địa. Căng mình quá sức, nửa đội hình đội bóng sông Hàn dính chấn thương. Phước Vĩnh cũng dính chấn thương gối nặng nhưng xin tiêm thuốc, băng gối để vào sân thi đấu. Kết quả cuối mùa, vết đau ở gối càng nặng và Vĩnh phải sang tận Singapore để chữa trị, sau một mùa giải cày ải ở CLB.
Kể lại giai đoạn nhọc nhằn nhất trong ngày trở lại, Vĩnh không hề tiếc nuối về quyết định liều mình phút ấy. Dù có thể phải trả giá bằng sự nghiệp bị đứt đoạn, Vĩnh sẵn sàng làm lại như thế, nếu thời gian có thể xoay ngược.
Có cảm tưởng ngoài vẻ thư sinh, Phước Vĩnh luôn tiềm ẩn dòng máu chiến binh trong mình. Có lúc vấp ngã, hoặc ngoại cảnh tác động, Vĩnh vẫn thể hiện ý chí vươn lên mạnh mẽ, kiên cường hơn.
Khi Như Thành, Phước Tứ vắng mặt ở lần tập trung này, Phước Vĩnh cùng Minh Đức được gửi gắm nhiều hy vọng ở hàng thủ Việt Nam. Oái oăm thay, con đường sự nghiệp của Vĩnh lại tiếp tục bị ngăn trở bởi chấn thương. Suốt 3 trận khởi động đầu tiên, Phước Vĩnh phải ngồi ngoài chấn thương. Nhìn thấy đồng đội ở Đà Nẵng như Thanh Hưng, Nguyên Sa, Quốc Anh tung hoành trên sân, Phước Vĩnh không khỏi bồn chồn chân cẳng, mong được đeo giày ra sân thi đấu đến thế.
Trận đầu tiên trở lại sau giai đoạn vắng mặt, Phước Vĩnh để lại ấn tượng với pha dùng thân mình phá bóng trên vạch vôi cầu môn trong trận gặp Lào. Nhưng chính Phước Vĩnh cũng như Đình Luật có hai pha cản phá hời hợt, chút nữa khiến mành lưới đội nhà bị rung lên.
Phước Vĩnh bảo mình mới trở lại chưa tốt, đôi khi có tình huống như bị "ma ám". Nhưng hai trận sau đó, Vĩnh thể hiện sự chắc chắn, bản lĩnh hơn hẳn khi Việt Nam gặp Indonesia và Malaysia, bên cạnh việc thể hiện khả năng bọc lót, phán đoán tốt bên cạnh Gia Từ khi gặp U23 Hàn Quốc và Malaysia.
Đang có đà trở lại ngon trớn, chấn thương lại bất chợt xuất hiện không đúng lúc trong buổi tập tại TP Nha Trang. Ban huấn luyện đã lo lắng khi bác sĩ cho biết khớp gối của Vĩnh bị chấn động mạnh và có hiện tượng chảy máu. Nếu tình hình không sáng sủa hơn trước khi sang Thái Lan vào ngày 20/11, Vĩnh sẽ vắng mặt trong chuyến đi này.
Mới trở lại tuyển Việt Nam sau 7 năm, Phước Vĩnh không muốn bỏ lỡ khoảnh khắc này. Trước buổi tập cùng đội nhà, cầu thủ gốc Đà Nẵng cứng cỏi cho biết: "Các bác sĩ cho biết, tôi chỉ chảy dịch ở gối chứ không quá ảnh hưởng khớp xương. Phải chờ thêm đợt chụp phim và kiểm tra kỹ lưỡng nữa, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền mới cho biết mức độ tổn thương thế nào. Bản thân tôi thấy mình vẫn khá ổn sau những ngày nghỉ, khi vết đau không còn đau như mấy ngày trước. Tôi tin mình sẽ kịp hồi phục chấn thương và cùng đội tuyển sang Thái Lan thi đấu".
"Phải mất 7 năm, tôi mới trở lại đội tuyển nên tôi khao khát thể hiện mình. Chấn thương không ảnh hưởng đến tôi lắm, bởi tôi là mẫu trung vệ chơi phán đoán, thiên về đầu óc như Như Thành vậy. Vẫn còn một tuần để tập luyện và hy vọng, tôi tin Trời sẽ giúp mình toại nguyện", anh tâm sự.
Một lý do không nhỏ để Phước Vĩnh chứng minh mình còn rất hữu dụng khi bước vào độ tuổi 27 đầy nhiệt huyết. Màn thể hiện ở đội tuyển cũng là cơ hội Vĩnh thể hiện mình, trước khi đàm phán với CLB Đà Nẵng do hợp đồng hiện tại sẽ đáo hạn tháng 3/2013. Bây giờ bóng đá khó khăn, cầu thủ càng phải nỗ lực để giữ "cần câu cơm" cho mình. Và Vĩnh cũng cần nỗ lực để chứng minh "thương hiệu" để nuôi gia đình mình cũng như tìm kiếm danh hiệu còn thiếu ở cấp độ đội tuyển quốc gia.
Phước Vĩnh đang chiến đấu với chấn thương và khó khăn đeo đuổi trong mấy tháng qua. Nếu cứ giữ ý chí cầu tiến như đang có, trung vệ có dáng vẻ thư sinh sẽ có được điều mình muốn.
Theo Ngoisao
Văn Quyến, Huy Hoàng "hờ hững" với nhau? Không phải họ hàng, cũng chẳng cùng chung giọt máu đào, nhưng kể từ khi Văn Quyến bước chân vào giới quần đùi áo số ở SLNA, trong bất kỳ hoàn cảnh nào Huy Hoàng đã từng luôn xem Quyến "béo" như một người em trai ruột thịt. Người ta bảo Huy Hoàng đã có ảnh hưởng lớn đến Văn Quyến ngẫm chẳng...