Vẫn phát hiện xe khách/taxi vi phạm lệnh cấm, vào nội đô tại chốt trực cửa ngõ
Đã bước sang ngày thứ 5 thực hiện Chỉ thị cách ly trong đó phương tiện kinh doanh vận tải như xe khách, taxi buộc phải dừng hoạt động để phòng lây nhiễm… tuy nhiên trong ngày 5/4, chốt trực liên ngành tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vẫn phát hiện một số xe khách, taxi vi phạm lệnh cấm.
Sau khi kiểm tra ý tế cho từng người ngồi trên xe, liên ngành đã tuyên truyền, nhắc nhở tài xế, chủ xe vi phạm.
Taxi được phát hiện chở khách tại “chốt” trạm thu phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ chiều 5/4.
Để giám sát người và phương tiện, đặc biệt ngăn chặn các xe kinh doanh vận tải khách vào thành phố theo Chỉ thị cách ly xã hội, từ tối ngày 1/4 liên ngành Công an – Thanh tra giao thông và Y tế Hà Nội đã lập 30 chốt trực tại các tuyến đường cửa ngõ.
Ngoài các xe kinh doanh vận tải khách, ngày 5/4 tại chốt trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ các xe ô tô cá nhân mang biển ngoại tỉnh, chở nhiều người khi qua trạm để vào trung tâm Hà Nội cũng được lực lượng kiểm soát hướng dẫn vào các bàn trực để được kiểm tra y tế.
Xe biển ngoại tỉnh xếp hàng để được kiểm tra y tế trước khi vào nội thành Hà Nội chiều 5/4.
Video đang HOT
Sau khi được CSGT mời vào chốt trực, lực lượng phối hợp và Thanh tra giao thông, Cảnh sát trật tự 113 yêu cầu tài xế mở các cửa xe để đề nghị những người ngồi trên xe xuống thực hiện kiểm tra y tế.
Thủ tục đầu tiên người dân, lái xe được cán bộ Y tế hướng dẫn là rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.
Tiếp đến đo thân nhiệt cho từng người.
Trong ngày hôm qua, chốt trực cũng phát hiện nhiều xe hợp đồng chở người chạy qua trạm thu phí. Tất cả đều được yêu cầu vào chốt kiểm tra, đo thân nhiệt cho lái xe và người ngồi trên xe. Về thủ tục hoạt động các xe này đều trình các giấy tờ là xe chở cán bộ, nhân viên (không phải chở khách) nên được phép di chuyển tiếp.
Thậm chí còn có xe khách loại 29 chỗ chở theo khoảng 20 người. Tuy nhiên khi xuống xe, kiểm tra y tế, những người này đều cho biết là nhân viên ngành Điện lực đang di chuyển trên xe để giải quyết công việc, lái xe cũng xuất trình các giấy tờ để chứng minh xe chở công nhân, viên chức.
Đặc biệt thời điểm khoảng 8h30 ngày 5/4, tổ công tác liên ngành đã phát hiện xe khách BKS 98B-027.63 (Bắc Giang) loại 46 chỗ chở theo khoảng 30 khách chạy theo hành trình Nam – Bắc đã dừng để kiểm tra. Kết quả nhà xe này bị phát hiện vi phạm các lỗi: chở khách không có tem tuyến-phù hiệu hoạt động, xe vi phạm quy định cấm hoạt động, chạy vào vùng có dịch có quy định cách ly riêng. Sau đó xe đã được bàn giao cho Đội CSGT số 8, Phòng CSGT Hà Nội – quản lý địa bàn tiếp nhận xử lý tiếp.
Cũng trong ngày 5/4 chốt trực liên ngành còn phát hiện xe Taxi mang thương hiệu hãng taxi Sông Nhuệ chở khách chạy qua trạm thu phí. Tổ công tác đã dừng kiểm tra.
Thừa nhận vi phạm lệnh cấm nhưng tài xế (người không đội mũ) cho biết, khách chở theo trên xe là chị gái và xuất trình các giấy tờ có liên quan. Sau đó, đại diện liên ngành đã nhắc nhở và cho đi tiếp.
Đến 16h ngày 5/4 (hết ca 2), Tổ Y tế tại chốt cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã tổng hợp và cho biết, sau 2 ca làm việc (6-16h) tổ công tác đã kiểm tra được hơn 200 xe ô tô, đo thân nhiệt cho trên 700 hành khách. Trong ngày 5/4 tổ công tác không ghi nhận trường hợp người dân nào có thân nhiệt bất thường.
Đến cuối ngày 5/4, khi các xe đã bật đèn, chúng tôi vẫn ghi nhận có nhiều xe biển số ngoại tỉnh di chuyển vào trung tâm Hà Nội. Do vậy ông Đặng Văn Minh – Đội trưởng Đội TTGT Thường Tín ( Thanh tra Sở GTVT Hà Nội) lực lượng liên ngàng tại chốt trực này cho biết, nhân sự chốt trực vẫn làm nhiệm vụ 2 ca liên tiếp từ 17h cho đến 6h sáng hôm sau.
ANH TRỌNG
Xe 'hổ vồ' náo loạn phố cấm: Thanh tra, Cảnh sát bị 'qua mặt'?
Có quy định, xe tải chỉ được phép hoạt động tại nội đô vào ban đêm và phải có "Giấy phép đặc biệt". Tuy nhiên, tìm hiểu của PV Tiền Phong thấy rằng, cả chục xe tải đang hoạt động tại công trình số 43 Hai Bà Trưng (Hà Nội) nhiều tháng nay đều không có giấy phép này.
Xe tải dàn hàng "bịt" đường Hai Bà Trưng sáng 26/2
Báo Tiền Phong có bài "Xe vua đeo logo náo loạn phố cấm trung tâm Hà Nội giữa ban ngày", phản ánh về tình trạng cả chục xe tải "hổ vồ" (Howo) đeo logo (ký hiệu, nhận biết riêng khi xe chạy trên đường) "bịt" đường Hai Bà Trưng sáng 26/2, khiến giao thông ùn tắc kéo dài. Thậm chí, nhiều xe còn chạy và dừng đỗ ngược nhiều. PV Tiền Phong đã báo và đề nghị kiểm tra, thời điểm 10h. Đội Thanh tra giao thông (TTGT) Hoàn Kiếm, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra giấy tờ hai xe tải còn lại trên đường có BKS 29C-573.27 và 34C-088.87. Kết quả cả hai xe này đều không có giấy phép vào phố cấm, với xe 29C-573.27, lái xe còn không xuất trình được bằng lái, đăng ký xe. Người dân sống trên phố Hai Bà Trưng phản ánh, sự việc xe tải hoạt động rầm rộ trên đường diễn ra cả ban ngày đã tồn tại nhiều tháng nay.
Theo tìm hiểu của PV, để các phương tiện vận chuyển phế thải, bê tông phục vụ tại dự án, tháng 8/2019, chủ đầu tư công trình nhà cao tầng tại 43 Hai Bà Trưng đã có văn bản đề nghị đại diện UBND thành phố Hà Nội cấp phép cho xe chở đất, bê tông được hoạt động trên một số tuyến đường nội đô. Sau khi nghiên cứu, trong tháng 8/2019, Sở GTVT Hà Nội có văn bản chấp thuận cho 75 xe tải và xe bồn bê tông được hoạt động trên phố Hai Bà Trưng và nhiều tuyến phố nội đô khác. Khung giờ được phép hoạt động là 24/24h (trừ giờ cao điểm sáng, chiều), thời gian hoạt động từ ngày 8/10/2019 đến 8/10/2020 (1 năm). Tháng 12/2019, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục có văn bản thứ 2 chấp thuận cho hơn 40 xe tải, xe bồn bê tông lưu thông trên các tuyến phố nội đô để phục vụ công trình số 43 Hai Bà Trưng; khung giờ các xe tải này được phép hoạt động là từ 9 đến 16h (giờ hành chính), trong thời gian từ ngày 27/12/2019 đến 27/12/2010 (1 năm). Trong hai ngày qua, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, nhiều tài xế xe tải đã đưa ra hai văn bản phô tô này của Sở GTVT Hà Nội và nói đây là "giấy phép vào phố cấm", sau đó được đi.
Tuy nhiên, xem kỹ hai văn bản chấp thuận này, chúng tôi thấy rằng, đây chỉ là những văn bản mang tính chất đề xuất, chấp thuận nội bộ giữa hai đơn vị, không có giá trị pháp lý để thực hiện trên đường. Trao đổi với chúng tôi, cả đại diện Thanh tra Bộ GTVT và nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, các văn bản này chỉ mang tính chất trao đổi giữa hai đơn vị, không thể thay thế được giấy phép để xe tải được vào phố cấm.
Văn bản chấp thuận thay giấy phép là chưa ổn
Sau khi báo Tiền Phong đăng bài về sự việc trên, những ngày qua, CSGT và TTGT Hà Nội đã triển khai lực lượng soát, tuần tra thường xuyên trên phố Hai Bà Trưng. Riêng CSGT, lãnh đạo Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, đến ngày cuối tuần qua, đơn vị đã dừng kiểm tra hàng chục trường hợp xe tải hoạt động trên phố Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, lãnh đạo Đội CSGT cũng xác nhận, với các xe nằm trong 2 danh sách "chấp thuận" trên và được tài xế trình ra CSGT đều cho đi, với các xe tải không có danh sách này mới bị xử lý lỗi đi vào phố cấm. Về con số xử lý các xe vi phạm, lãnh đạo Đội CSGT số 1 cho biết, đến ngày cuối tuần qua, Đội đã xử lý gần 10 trường hợp xe tải phục vụ công trường 43 Hai Bà Trưng không có giấy phép hoặc gây bụi bẩn ra đường.
Ông Đặng Tiến Nam, Đội trưởng TTGT Hoàn Kiếm (Thanh tra Sở GTVT Hà Nội), cho rằng, việc xe tải hoạt động trên đường Hai Bà Trưng là phục vụ công trình công trọng điểm tại số 43, các xe tải hoạt động tại đây đều được cấp giấy phép vào phố cấm 24/24 giờ. Trong quá trình xe tải hoạt động, đội đã thường xuyên kiểm tra, xử lý.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, do là trụ sở thuộc cấp bộ ngành nên theo đề nghị của chủ công trình xây dựng tại số 43 Hai Bà Trưng cuối năm 2019, Sở GTVT đã có hai văn bản chấp thuận để công trình được phép sử dụng xe tải, xe bồn bê tông theo danh sách kèm theo trên nhiều tuyến phố nội đô. Về việc chủ công trình chưa làm các thủ tục tiếp theo để xin giấy phép vào phố cấm nhưng đã cho xe hoạt động trên đường, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ kiểm tra.
Luật sư Nguyễn Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, hai văn bản trên chỉ là văn bản chấp thuận có tính nội bộ giữa hai đơn vị nhưng đã sử dụng như giấy phép vào phố cấm như thế là sai. "Chỉ khi nào việc đồng ý cho xe tải hoạt động trên đường được cụ thể bằng việc Sở GTVT Hà Nội cấp giấy phép cho từng xe với nội dung "Giấy phép đặc biệt" theo Quyết định 06 của thành phố Hà Nội mới đúng quy định. Còn văn bản chấp thuận không thể thực thi ở thực tế, nếu sử dụng và cơ quan kiểm soát, tuần tra trên đường cũng công nhận là chưa ổn", ông Quyền nói.
ANH TRỌNG
Theo TPO
TP Hồ Chí Minh tạm dừng hoạt động xe hợp đồng trên 9 chỗ đi và đến thành phố TP Hồ Chí Minh yêu cầu tạm ngừng toàn bộ hoạt động của xe hợp đồng trên 9 chỗ và xe du lịch trên 9 chỗ có điểm đi và đến TP Hồ Chí Minh từ ngày hôm nay (30/3) đến hết ngày 15/4. Ngày 30/3, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã có công văn hỏa tốc gửi đến...