Vẫn nhớ người xưa
Chia tay vợ cũ đã 10 năm, hai chúng tôi đều đã có cuộc sống của riêng mình. Thế nhưng khi gặp lại hình bóng xưa, trái tim của người đàn ông sắt đá như tôi vẫn không khỏi xao xuyến, bồi hồi.
Tôi và Linh là đôi bạn thanh mai trúc mã từ thuở nhỏ. Hai đứa là hàng xóm của nhau nên quấn quýt với nhau suốt ngày. Ngay từ khi còn bé tôi đã tự đặt cho mình một nhiệm vụ là bảo vệ Linh để không ai có thể bắt nạt em. Vì thế, đám trẻ quanh xóm có trêu đùa quá đáng như thế nào cũng không dám động đến Linh của tôi. Thế là em hầu như chỉ có tôi làm bạn, cả ở trên trường và khi về nhà. Lớn lên, mỗi chúng tôi lại đi theo con đường riêng, em học sư phạm còn tôi theo ngành tin học là ngành “hot” lúc bấy giờ. Chúng tôi ít có thời gian dành cho nhau hơn. Nhưng những cánh thư, những cuộc điện thoại là cầu nối của hai trái tim khao khát yêu thương. Tình yêu của chúng tôi nhẹ nhàng như những gì tự nhiên nhất. Cuối tuần tôi lại đạp xe hơn chục cây số từ Bách Khoa xuống Sư phạm để thăm em, được em dẫn đi các quán quen gần đó. Những lúc đó tôi chỉ muốn thời gian hãy kéo dài ra để tôi có thể ở bên em thêm một chút nữa.
Ra trường, cả hai chúng tôi đều về quê lập nghiệp, em đi dạy học còn tôi xin vào làm cho một công ty máy tính. Tình yêu của chúng tôi được cả hai gia đình ủng hộ nên một đám cưới như mơ ước đã diễn ra, tuy giản dị thôi nhưng vô cùng đầm ấm.
Linh sinh cho tôi một cô con gái cũng xinh xắn, đáng yêu như em. Chúng tôi yêu quý con bé vô cùng và chăm sóc cho con hết lòng. Nhưng con bé đẻ non thiếu tháng nên rất khó nuôi, thường bị ốm đau và phải dùng thuốc triền miên. Khi con gái nằm viện tôi lại đang đi công tác vào Đà Nẵng nên chẳng thể giúp vợ được gì. Vợ tôi phải xin nghỉ dạy để ở nhà chăm con nên cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn. Công ty tôi làm lại bị phá sản nên số vốn tôi góp cổ phần cũng đã tan thành mây khói. Tôi thành kẻ trắng tay.
Hận đời, hận người, tôi chìm trong men rượu, say khướt suốt ngày. Có khi về nhà còn đánh đập quát mắng vợ con. Chịu hết nổi, vợ tôi đâm đơn li hôn. Cô ấy không thể tiếp tục sống với người chồng bê tha hơn được nữa. Chẳng còn gì trong tay, lại sẵn máu ghen với những kẻ đang âm thầm theo đuổi vợ, tôi không muốn níu kéo nữa, kí ngay vào tờ đơn li hôn. Tôi bỏ ra Hà Nội làm ăn theo chúng bạn, bỏ mặc vợ con mình ở quê.
Tôi bắt đầu xây dựng lại sự nghiệp cho mình. Công nghệ thông tin khi đó là một ngành mới. Tôi và một vài người bạn thân hùn vốn mở một công ty chuyên cung cấp và sửa chữa máy tính. Công việc của chúng tôi rất thuận lợi và làm ăn phát đạt. Công việc bận rộn cuốn tôi đi khiến tôi cũng nhanh quên những day dứt về tình riêng.
Trái tim của người đàn ông sắt đá như tôi vẫn không khỏi xao xuyến, bồi hồi… (Ảnh minh họa)
Video đang HOT
Rồi tôi gặp Thu, cô là kế toán mới được tuyển vào công ty tôi. Cô ấy là một người thông minh, nhanh nhẹn, có cá tính đã giúp tôi rất nhiều trong việc lấy về những hợp đồng béo bở. Chúng tôi trở thành một ê-kíp ăn ý. Cô ấy có tình ý với tôi và tôi cũng chẳng từ chối. Sự khao khát bản năng của người đàn ông thôi thúc. Cô ấy có bầu và một đám cưới nhanh chóng diễn ra. Tôi lấy vợ lần thứ hai và lại có thêm một cô con gái.
Cuộc sống và công việc cứ thế trôi đi. Từ khi làm ăn được, hàng tháng tôi vẫn gửi tiền về cho vợ cũ nuôi con. Cô ấy cũng đã đi bước nữa với người đàn ông khác nhưng không sinh thêm đứa con nào nữa. Con gái chúng tôi rất xinh xắn và học giỏi, cũng đang chuẩn bị lên Hà Nội học đại học. Để bù đắp cho con bé, tôi đã mua cho nó một căn nhà nhỏ để tiện cho cháu sinh hoạt và học tập trên Hà Nội.
Để chăm con, Linh cũng lên Hà Nội ở với con một thời gian. Đã 10 năm trôi qua mà trông Linh vẫn vậy, vẫn dịu dàng đằm thắm như xưa. Gặp lại người cũ, trong lòng tôi không khỏi bàng hoàng, xuyến xao. Tôi nhớ lại những kỉ niệm cũ khi hai đứa cùng chăn trâu, thả diều trên cánh đồng làng. Nhớ những kỉ niệm ngọt ngào khi hai đứa còn say đắm bên nhau. Người đàn ông lọc lõi, từng trải trong tôi cũng có những phút trầm tư.
Tôi và vợ cũ sau giây phút ngỡ ngàng gặp lại cũng đã bình tâm trò chuyện bên nhau. Cô ấy cũng đã gặp được một người đàn ông tốt, yêu thương cô ấy hết lòng. Anh ấy cũng rất yêu thương con gái chúng tôi. Anh ta cũng đã có 2 đứa con với người vợ trước nên họ quyết định không sinh thêm con chung nữa.
Những câu chuyện tản mạn của chúng tôi dường như không bao giờ dứt. Đôi lúc chúng tôi cùng ngồi đàm đạo về nhân tình thế thái và gợi lại những kỉ niệm xưa. Những lúc như thế tôi thấy lòng mình bình yên đến lạ. Vợ tôi biết tôi gặp lại vợ cũ và con riêng nhưng không nói gì, cô ấy để cho tôi có những tự do riêng. Cô ấy còn mải bận tính toán sổ sách chi tiêu cho công ty, cũng sắp phải quyết toán cuối năm rồi.
Có những lúc đang ngồi quây quần bên vợ và con gái, tôi lại thoáng nghĩ đến “người xưa”, không biết giờ này cô ấy đang làm gì, đã ăn cơm chưa. Những lúc rảnh rỗi tôi chỉ muốn tranh thủ đến nhà con gái để được nhìn thấy vợ cũ, được trò chuyện với nàng. Tôi biết mình thật là tham lam, nhưng đôi chân tôi cứ dẫn bước đến trước cổng ngôi nhà đó. Tôi không biết phải làm sao để điều khiển trái tim mình?
Theo Bưu Điện Việt Nam
Cần đổi mới giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường
Sắp đến kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào CĐ - ĐH, hàng triệu học sinh đang phải lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình. Lúc này, công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường cần được quan tâm hơn lúc nào hết.
Tại ngày hội "Hành trang sĩ tử" của Hội SV ĐH Kinh tế Quốc dân, Ban tổ chức (BTC) có sáng kiến cung cấp thông tin điểm chuẩn trong 3 năm gần đây của các ngành học phổ biến của các trường ĐH để HS vừa biết được mã ngành đào tạo, vừa tự lượng sức mình trước khi "vượt Vũ Môn". Tuy nhiên, tại buổi giao lưu, nhiều câu hỏi xung quanh khâu tuyển sinh cho thấy các bạn HS vẫn còn nhiều băn khoăn, vướng mắc rất cần được giải đáp.
Công tác hướng nghiệp có vai trò giúp HS có định hướng nghề nghiệp đúng đắn, lựa chọn con đường lập nghiệp sau khi học xong phổ thông. Thời gian qua, tình trạng thừa thầy thiếu thợ, mất cân đối trong cán cân nhân lực xã hội, tình trạng đào tạo tràn lan mà sinh viên ra trường không có việc làm gây nhiều hệ luỵ cho thấy khâu hướng nghiệp trong nhà trường chưa hoàn thành "sứ mệnh".
Xác định tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp trong nhà trường, Bộ GD- ĐT ban hành chính sách khuyến khích HS học nghề, hướng nghiệp. HS lớp 9 được học nội dung hướng nghiệp trong hoạt động ngoài giờ lên lớp, mỗi tháng một chuyên đề, tổng cộng 27 tiết.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hầu hết HS lớp 9 đều học lên THPT. Năm 2010, có 5.000 tốt nghiệp THCS không học lên THPT mà đăng kí học nghề và THCN. HS THPT được 81 tiết hướng nghiệp trong 3 năm. Bộ GD - ĐT đã có tài liệu hướng nghiệp cho giáo viên. Tuy nhiên, các giáo viên không phải là chuyên gia về nghề, nên việc hướng nghiệp chủ yếu là lí thuyết, phương pháp chưa hấp dẫn, nên ít có tác dụng.
Em Hoàng Minh Đức, lớp 12C5 trường THPT Cửa Lò cho biết: "Bọn em chọn nghề thường theo thông tin từ thực tế, báo chí. Thấy ngành nghề nào dễ xin việc, có thu nhập cao thì đăng kí...".
Thầy Nguyễn Cảnh Hùng, trường THPT Tân Kỳ nhấn mạnh: "Các điều kiện cần của công tác hướng nghiệp bao gồm đội ngũ người làm hướng nghiệp, thông tin hướng nghiệp và tính liên kết trong hoạt động hướng nghiệp hiện nay đều còn thiếu và yếu. Các trường chưa có đội ngũ làm hướng nghiệp đạt yêu cầu, thông tin về nhu cầu nhân lực các ngành nghề chưa có tính liên kết trong hoạt động hướng nghiệp".
Công tác hướng nghiệp có vai trò giúp HS có định hướng nghề nghiệp đúng đắn, lựa chọn con đường lập nghiệp sau khi học xong phổ thông
Hiện nay, những HS giỏi thường có xu hướng chọn những ngành học có tương lai "dễ chịu" như tài chính, kế toán, ngân hàng, y dược, ngoại giao...mà ít lựa chọn các ngành kĩ thuật, địa chất, nông nghiệp...Ngành sư phạm, vốn được xem là "nghề cao quý", song sức hấp dẫn ngày càng giảm sút. Năm học 2009 - 2010, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng có hơn 600 HS khối 12, nhưng chỉ có duy nhất 1 hồ sơ thi vào trường sư phạm.
Công tác dạy nghề trong trường phổ thông đã bị biến tướng thành một hình thức "phao cứu sinh" (cộng điểm khuyến khích) trong kì thi tốt nghiệp. Vì vậy, hầu như không có tác dụng đối với giáo dục hướng nghiệp, thậm chí còn theo hướng tiêu cực. Hạn chế cơ bản của giáo dục hướng nghiệp hiện nay là chưa được các trường quan tâm đúng mức, vẫn đang bị xem là một khâu có tính chất "tích hợp", một việc làm kết hợp chứ chưa phải là nhiệm vụ trọng tâm.
Tuy nhiên, nếu cho rằng mọi bất cập trong đào tạo hiện nay đều do khâu hướng nghiệp là không thoả đáng. Hướng nghiệp chỉ là một khâu trong hệ thống giáo dục.
Để công tác đào tạo nhân lực đi đúng hướng, có tác động tích cực đến nền kinh tế - xã hội thì cần đổi mới cả hệ thống giáo dục. Trong đó, giáo dục hướng nghiệp cần được đầu tư mạnh mẽ về nhân lực, kinh phí, đổi mới cả về nội dung và phương pháp...
Trần Quang Đại(Hà Tĩnh)
LTS Dân trí - Tình hình hướng nghiệp ở nhà trường phổ thông hiện nay được bài viết trên đây phản ảnh khá đầy đủ nhiều mặt bất cập. Vì vậy, hầu như ít đem lại tác dụng, cho nên học sinh phải tự mày mò tìm hướng đi cho mình và nhiều khi chỉ là cảm tính, không đúng với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội cũng như không đúng năng lực và sở trường của bản thân.
Điều quan trọng của giáo dục hướng nghiệp là cần nâng cao tính thiết thực, tránh sự giáo điều chung chung mà phải gắn với ngành nghề mà địa phương cũng như xã hội đang cần.
Nên tăng cường việc mời các cơ sở sản xuất cũng như các doanh nghiêp đang cần tuyển dụng lao động có nghề đến nói chuyện và tổ chức cho học sinh đến tham quan các khu công nghiệp. Từ đó tạo ra hứng thú cho các em trong việc chọn nghề sao cho thích hợp để lập thân lập nghiệp sau này.
Theo Dân Trí
Chỉ vì không môn đăng hộ đối! Em! Vậy là anh đã xa em được hai tháng rồi...Anh xách ba lô vào trong Nam lập nghiệp, anh muốn quên em, quên đi những kỷ niệm của hai chúng mình... Nhưng cứ mỗi đêm qua đi là anh thấy nó dài vô tận, anh đếm từng giây, từng phút nhìn kim đồng hồ chạy mà không biết phải làm gì... Anh...