Văn Lâm trên lộ trình cán đích
Văn Lâm hiện đang là địa phương đi đầu tỉnh Hưng Yên với 5 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Huyện này đặt ra lộ trình trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2018.
Thay đổi tư duy
Trong giai đoạn đầu thực hiện chương trình XDNTM, huyện Văn lâm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả các xã điểm khi triển khai cũng thụ động, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về phong trào XDNTM ở một số nơi còn hạn chế. Tuy nhiên các cấp lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện về XDNTM.
Một tiết mục văn nghệ tại Trường THPT Trưng Vương, Văn Lâm, Hưng Yên. Ảnh: Internet
Video đang HOT
Ông Đỗ Thế Phúc – Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện chủ động trích kinh phí hỗ trợ các xã trong xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể cán bộ, nhân dân với phương châm: “Việc gì dễ làm trước, việc khó làm sau”. Từ đó, người dân đã chủ động, tự tin tham gia tích cực vào XDNTM, tạo thành các phong trào sôi động khắp. Trong đó nổi bật là phong trào làm đường giao thông nông thôn.
Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, nhân dân Văn Lâm đã chủ động, tự nguyện hiến đất, hiến ngày công lao động và đóng góp kinh phí xã hội hóa để cải tạo, xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của nhân dân…
Năm 2011, bình quân toàn huyện đạt 6,6 tiêu chí/xã, đến cuối năm 2015, đã tăng lên 15,8 tiêu chí/xã. Trong đó, 05 xã đã đạt chuẩn NTM.
Về xã Lạc Đạo, một trong những xã mới được công nhận đạt chuẩn NTM. Các công trình trọng điểm của xã đều được đầu tư một cách bài bản, phục vụ thiết thực cho nhân dân. Những con đường bê tông sạch đẹp, những khu dân cư khang trang, hoạt động sản xuất của người dân diễn ra sôi nổi khắp nơi… khiến diện mạo nông thôn ngày càng năng động. Đến nay, 100% đường trục xã, đường liên thôn, đường ngõ xóm và đường trục chính ra đồng được cứng hóa. Hệ thống trạm y tế, trường học, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang.
Ông Hoàng Văn Kích – Phó chủ tịch UBND xã cho hay, khi bắt tay thực hiện, xã Lạc Đạo đã chú trọng đến công tác tuyên truyền. Từ đó khơi dậy tinh thần chủ động, tích cực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã giúp xã thực hiện nhanh, hiệu quả 19 tiêu chí nông thôn mới. Trong 5 năm XDNTM, xã huy động được nguồn vốn khoảng 80 tỷ đồng. Nguồn kinh phí ưu tiên xây dựng, nâng cấp các công trình trọng điểm như: trường học, trạm y tế, đường giao thông… tạo điều kiện phát triển sản xuất. Nhân dân thì chung sức góp công, hiến đất, góp kinh phí và chủ động các phàn việc như: chỉnh trang nhà cửa, giữ vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự…
Nhận diện khó khăn
Một góc xã Nông thôn mới Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm. Ảnh: Trọng Nhân
Được đánh giá là huyện dẫn đầu tỉnh Hưng Yên trong phong trào chung sức XDNTM, tuy nhiên Văn lâm cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó nổi cộm là vấn đề huy động nguồn lực còn hạn chế. Đến 2015, tổng nguồn vốn thực hiện XDNTM của huyện khoảng 220 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (khoảng 145 tỷ đồng), vốn huy động từ đóng góp của người dân khoảng trên 45 tỷ đồng, còn lại là vốn lồng ghép và huy động từ doanh nghiệp.
Đối với những xã chưa đạt chuẩn, hiện tại việc triển khai một só tiêu chí gặp nhiều khó khăn như: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và thu nhập.
Tại xã Chỉ Đạo, tới nay vẫn còn 8 tiêu chí chưa đạt. Theo ông Lê Văn Lệ – Phó chủ tịch UBND xã cho biết, khó khăn nhất của xã hiện nay là nguồn vốn để triển khai chương trình. Chẳng hạn để hoàn thành tiêu chí về giao thông, xã phải đầu tư 4,5km, cần nguồn vốn khoảng 20 tỷ đồng, tiêu chí về Trường học, để xây dựng trường mầm non đạt chuẩn cũng cần nguồn vốn hơn 7 tỷ đồng. Xã còn 1 thôn chưa có nhà văn hóa, chưa có nhà văn hóa xã và khu trung tâm xã theo quy định, để hoàn thành cần nguồn vốn trên 15 tỷ đồng. Đối với tiêu chí môi trường, hiện vẫn diễn ra tình trạng sản xuất gây ô nhiễm, xã cũng gặp khó khăn trong việc bố trí điểm thu gom rác thải.
Lạc Đạo là xã thuần nông, kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ yếu. Bởi vậy nguồn thu ngân sách xã còn khó khăn. Trong khi, sức đóng góp của người dân cũng có hạn. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, xã đề nghị tỉnh và huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xây dựng đường giao thông nông thôn, trường mầm non, trung tâm văn hóa xã, hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 điểm thu gom rác thải đồng thời phối hợp với các ban ngành liên quan để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh những khó khăn khách quan, Báo cáo sơ kết 5 năm XDNTM của huyện Văn Lâm cũng thẳng thắn thừa nhận: công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện ở một số xã kém hiệu quả. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về chương trình XDNTM còn hạn chế, ý thức trách nhiệm chưa cao. Một số phòng, ban chuyên môn của huyện và các xã còn chưa nghiêm túc trong việc báo cáo tiến độ thực hiện chương trình, do vậy gây khó khăn cho Ban chỉ đạo trong việc tổng hợp, nắm tình hình và tháo gỡ vướng mắc ở cơ sở.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Thế Phúc cho rằng, để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyền truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân, phát huy tinh thần chủ động của các xã. Đối với các tiêu chí đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, để giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, huyện sẽ tiếp tục triển khai giải pháp như: Phát động phong trào thi đua; Có cơ chế cho các xã khai thác nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất. Huyện tập trung chỉ đạo các phòng, ngành liên quan căn cứ vào chức năng nhiệm vụ xây dựng lộ trình, kế hoạch để chỉ đạo, hướng dẫn các xã thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn NTM.
Theo Danviet