Văn kiện mật của Triều Tiên coi Trung Quốc là hàng xóm tồi
Hồi tháng 4, một thông tư nội bộ lưu hành trong Đảng Lao động Triều Tiên đã coi Trung Quốc là “hàng xóm tồi” vì những chỉ trích của Bắc Kinh đối với nỗ lực hạt nhân của Triều Tiên.
Mạng Sina quân sự của Trung Quốc nói rằng: “Trung Quốc và Triều Tiên đã được xem như là huynh đệ nhiều năm sau chiến tranh Triều Tiên. Nhưng gần đây, Trung Quốc liên tục chỉ trích Triều Tiên vì kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo báo cáo của phương tiện truyền thông Hàn Quốc, những nhân viên chiến tranh tâm lý của Hàn Quốc nói rằng Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 4 đã ban hành một bản tin nội bộ mang tên: “Để từ bỏ cái bóng của Trung Quốc”. Trong đó chỉ trích nặng nề Trung Quốc là người “hàng xóm tồi” vì đứng về phía Mỹ đồng thời ra lệnh giảm thương mại với Trung Quốc.
Bản thông tư này lưu ý các doanh nghiệp Triều Tiên “không được chỉ theo đuổi lợi ích bằng tiền mà coi thường những ý tưởng của tổ chức” và nhấn mạnh: “Trung Quốc là một người hàng xóm xấu, đứng về phía Hoa Kỳ, chỉ trích kế hoạch hạt nhân của chúng ta”. Thông tư nội bộ này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố nền tảng kinh tế của các doanh nghiệp và tự đặt mục tiêu giảm thương mại với Trung Quốc. Các giao dịch bằng nhân dân tệ cũng bị theo dõi kỹ lưỡng hơn cả giao dịch bằng đồng đô la.
Ông Kim Jong-un và các sĩ quan cao cấp trong một chuyến thị sát quân đội.
Trong khi đó, một khảo sát của truyền thông Hàn Quốc kết hợp với Viện nghiên cứu Văn hóa Hàn Quốc cho kết quả: Trên 100 người được hỏi có đến 76 người nghĩ rằng Trung Quốc là nước thân cận nhất của Triều Tiên. Chỉ có 19 người cho rằng nước gần nhất của Triều Tiên là Hàn Quốc.
Tuy nhiên, có một điều không thể nghi ngờ, mối quan hệ giữa các quốc gia luôn bị ảnh hưởng bởi yếu tố lợi ích, giá trị và các quan hệ truyền thống. Nhưng sự hình thành các mối quan hệ giữa người với người (các lãnh đạo cấp cao – chú thích của người dịch) chắc chắn là một yếu tố quan trọng hình thành quan hệ song phương hai nước.
Trong đánh giá của Hàn Quốc, viện trợ của Trung Quốc cho Triều Tiên rất nhiều. Báo cáo thường niên của Trung Quốc chỉ đề cập đến sản lượng và doanh thu cho nên không thể biết rõ số liệu viện trợ cho Triều Tiên. Nhưng theo số liệu của Viện Peterson, từ năm 1990 đến 2005, viện trợ của Trung Quốc cho Triều Tiên khoảng 1,5 đến 3,750 tỷ USD, bằng một nửa GDP của Tây Tạng hiện nay.
Trong những năm gần đây, quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên khi lạnh khi nóng và với thông cáo nội bộ xem Trung Quốc là “hàng xóm tồi”, có thể thấy sự thay đổi chính sách của Triều Tiên trong quan hệ với Trung Quốc. Vào đầu năm 2013, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Triều Tiên vẫn tiến hành một vụ thử hạt nhân. Điều này cho thấy ông Kim Jong-un không đánh giá cao mối quan hệ với Trung Quốc.
Phân tích sâu các hành động của Triều Tiên sẽ thấy rằng dường như Kim Jong-un muốn chứng tỏ với thế giới rằng Triều Tiên đang là một nước giàu mạnh qua các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa. Triều Tiên không còn thiết tha với đàm phán 6 bên khi mà trong cuộc đàm phán đó, người ta nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc khiến Bình Nhưỡng cảm giác số phận mình nằm trong tay kẻ khác.
Theo VnExpress