Văn hóa sẽ là ‘nguồn lực ghê gớm’ để Khánh Hòa phát triển du lịch
Theo các chuyên gia, phát triển du lịch chất lượng cao và dựa trên nền tảng văn hóa là hướng đi của tỉnh Khánh Hòa để nâng cao giá trị dịch vụ du lịch, tăng mức chi tiêu của du khách.
Sau khi bộ phim “Đêm tối rực rỡ” giành được giải thưởng Cánh diều vàng tại Liên hoan phim Cánh diều ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), đạo diễn người Mỹ – Aaron Toronto đã ở lại thành phố biển nhiều ngày để tìm ý tưởng cho bộ phim mới. Sau khi tham quan, tìm hiểu nhiều danh lam, thắng cảnh, cơ sở nghiên cứu khoa học ở tỉnh Khánh Hòa, anh nhận ra, vùng đất này không chỉ có những bãi biển đẹp, núi rừng hùng vĩ mà còn có bề dày văn hóa, chiều sâu khoa học độc đáo. Đó là những cơ sở nghiên cứu về y học dự phòng, thiên văn, hải dương học mang tầm khu vực. Đây chính là những góc nhìn mới mẻ của đạo diễn người nước ngoài để làm phim và quảng bá vùng đất này.
Đạo diễn Aaron Toronto cho biết: “Đến Nha Trang, người ta nghĩ đến tắm biển, du lịch đương nhiên những cái đó phải có rồi vì nó quá đẹp, quá hay, quá đặc sắc. Thế nhưng, Nha Trang có chiều sâu thực sự. Đó là một thành phố khoa học có truyền thống rất lâu. Tôi đang lên kế hoạch để làm phim ở đây, yếu tố khoa học sẽ là một phần lớn trong phim”.
Đạo diễn Aaron Toronto thăm Đài Thiên văn tại Nha Trang.
Tỉnh Khánh Hòa có nhiều cơ sở khoa học, di tích lịch sử và cả chiều sâu văn hóa. Từ vùng ven biển đến miền núi đều có những nét văn hóa đặc sắc như lễ hội cầu ngư ở các làng biển, lễ hội của đồng bào Ê đê, Raglay. Đó cũng là những điều kiện để phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch văn hóa… Trong quá trình khôi phục hoạt động du lịch sau dịch Covid-19, một doanh nghiệp ở tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng thêm sản phẩm mới “Hành trình theo dấu chân bác sĩ A.Yersin”. Trong thời gian 1 ngày của tour du lịch này, du khách có thể tham quan các di tích ở tỉnh Khánh Hòa gắn liền với nhà bác học Alexandre Yersin. Đó là Bảo tàng Yersin, Viện Pasteur Nha Trang, Công viên Yersin, chùa Linh Sơn Pháp Ấn là nơi nhà bác học từng làm việc, khu mộ của Yersin, Viện Hải dương học Nha Trang…
Ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Việt Promotion cho biết sản phẩm mới mang tính đa dạng điểm đến là những địa danh khoa học, văn hóa tầm cỡ quốc gia, giúp du khách hiểu rõ hơn về vùng đất Nha Trang cũng như nhà bác học Yersin: “Đến Nha Trang, Khánh Hòa ngoài di tích lịch sử, biển đảo, du khách có khoảng thời gian để tìm hiểu về một vị danh nhân. Họ chưa từng nghe đến ông Yersin, nhưng họ sẽ thấy tại sao Nha Trang được ông chọn là quê hương thứ 2. Bên cạnh mục đích chính về vị bác sỹ này, chúng tôi cũng kết hợp về sinh thái, về sinh vật biển”.
Video đang HOT
Du khách tham quan khu mộ bác sỹ Yersin.
Thời gian qua, các cơ sở lưu trú được phát triển ồ ạt tại Khánh Hòa, nhưng các cơ sở vui chơi, giải trí, văn hóa lại chưa được quan tâm đầu tư tương xứng. Các địa điểm di tích, hoạt động văn hóa phi vật thể vẫn chưa được phát huy mạnh. Các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, ít sản phẩm mới, lạ, hấp dẫn.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 xác định du lịch Khánh Hòa là ngành kinh tế mũi nhọn. Trên thực tế, địa phương hiện vẫn tập trung du lịch biển nghỉ dưỡng, các loại hình khác liên quan đến vui chơi, giải trí chưa được chú ý, quan tâm. Nha Trang chưa có các công trình văn hóa như nhà hát, bảo tàng hoặc trung tâm thi đấu thể thao tầm quốc gia. Những giá trị văn hóa như Tháp Bà, Trầm Hương cũng chưa được phát huy tốt.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng Khánh Hòa nên chú trọng phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa: “Chỗ Tháp Bà Ponagar, đó là biểu tượng văn hóa, lịch sử cực kỳ quan trọng. Nếu mình phát huy được thì sức hấp dẫn ghê gớm, văn hóa Chăm độc đáo và đặc sắc vô cùng hiếm có. Cần đẩy Trầm Hương lên như một biểu tượng của miền đất linh thiêng cộng với Tháp Bà. Khách du lịch đến miền đất linh thiêng họ rất thích, ngoài việc tắm biển họ còn được an dưỡng về mặt tinh thần. Nếu biết phát huy thì Khánh Hòa sẽ có thêm nguồn lực ghê gớm để phát triển”.
Biểu diễn văn hóa Chăm tại Tháp Bà Ponagar.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa thì du lịch cộng đồng cũng cần được khuyến khích. Hiện nay mỗi năm, Khánh Hòa chỉ đón khoảng 10.000 lượt khách du lịch cộng đồng, doanh thu chỉ hơn 2,5 tỷ đồng. Đây là con số quá ít so với quy mô, tiềm năng của ngành du lịch Khánh Hòa.
Mới đây, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa thông qua chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Khánh Hòa sẽ đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, tạo kết nối các khu, điểm du lịch khác trên toàn tỉnh để kéo dài thời gian lưu trú của du khách, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm văn hóa và sinh hoạt bản địa ngày càng cao của du khách. Tỉnh Khánh Hòa sẽ hỗ trợ các điểm, sản phẩm du lịch cộng đồng với mức từ 15-40 triệu đồng/ điểm, sản phẩm…
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết đơn vị đang xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết hỗ trợ du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa: “Sẽ có những chính sách hỗ trợ, giúp cho các tổ chức, cá nhân phát huy được giá trị truyền thống văn hóa gắn với hoạt động du lịch cộng đồng. Các hoạt động văn hóa để du khách cùng tham gia, gắn với các lễ hội, sự kiện của tỉnh; nhất là festival biển sẽ bổ sung, cộng hưởng tạo sức hút khách du lịch”./.
Khánh Hòa lên kế hoạch sửa chữa Tháp Trầm Hương
Phương án sửa chữa, trưng bày Tháp Trầm Hương sẽ được thực hiện theo ý tưởng xây dựng thành một câu chuyện xuyên suốt về hình ảnh, văn hóa, con người, sản vật tiêu biểu của Khánh Hòa.
Ngày 13-4, nguồn tin của PLO cho biết UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo phương án cải tạo, sửa chữa, trưng bày tại Tháp Trầm Hương, TP Nha Trang.
Theo báo cáo, Tháp Trầm Hương được đưa vào sử dụng năm 2008. Tháp nằm gần bờ biển qua nhiều năm mưa nắng, gió bão nên bị thấm, boong tróc sơn, sắt thép hoen gỉ... không đảm bảo phục vụ tham quan của du khách nên cần được duy tu, bảo dưỡng.
Tháp Trầm Hương nằm bên bờ biển Nha Trang, là công trình kiến trúc biểu tượng của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: L.X.
Tỉnh Khánh Hòa đề xuất phương án sửa chữa giữ nguyên kết cấu và màu sắc hiện trạng của tháp; sử dụng các vật liệu cao cấp, độ bền cao cho các hạng mục cải tạo, sửa chữa, nâng cấp; không tổ chức mua bán tại tháp để đảm bảo không gian trang nghiêm, thành kính. Đồng thời nâng cao kỹ năng của đội ngũ nhân viên thuyêt minh thường trực để giới thiệu, thuyết minh và hướng dẫn cho du khách.
Theo tỉnh Khánh Hòa, phương án sửa chữa, trưng bày được thực hiện theo ý tưởng xây dựng thành một câu chuyện xuyên suốt. Các tầng sẽ được trình bày, giới thiệu các đặc trưng tiêu biểu, con người, hình ảnh và các sản vật gắn với thương hiệu Khánh Hòa.
Không gian bên ngoài được nghiên cứu theo cải tạo hiện trạng, cảnh quan và sắp đặt, bố trí, kết nối với các khu vực xung quanh thành một quần thể hài hòa để tổ chức biểu diễn, trình diễn văn hóa - nghệ.
Kinh phí khái toán để thực hiện sửa chữa Tháp Trầm Hương khoảng 14,3 tỉ đồng từ kinh phí của Công ty TNHH MTV Yến Sào Khánh Hòa, đơn vị đang quản lý Tháp Trầm Hương.
Tháp Trầm Hương được mô phỏng như 5 cánh hoa sen cách điệu cũng như là 5 đỉnh của Tháp Trầm đem lại nét độc đáo của một tòa Tháp và là một ngọn hải đăng khi bên ngoài biển khơi hướng về thành phố về đêm.
Đây là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, là điểm đến về văn hóa tâm linh. Đồng thời là nơi giới thiệu lịch sử đấu tranh cách mạng, văn hóa con người vùng đất Khánh Hòa, các sản vật yến sào, trầm hương...
Tuyệt chiêu du lịch đảo Yến Nha Trang siêu tiết kiệm Đảo Yến Nha Trang còn có tên gọi là Hòn Nội, nằm ở Vịnh Nha Trang, Khánh Hòa, cách đất liền khoảng 25km về phía Đông Bắc. Nằm giữa biển và đậm chất hoang sơ kỳ thú, đây là nơi sinh sống của loài chim yến có vóc dáng nhỏ và cực kỳ quý hiếm, cũng là nơi khai thác trữ lượng yến...