Văn hóa dự sự kiện: Đã đến lúc trị ‘bệnh ngôi sao’ của sao Việt
Các sự kiện thu hút sự chú ý của công chúng đều nhờ vào sự góp mặt của những ngôi sao. Bên cạnh sự hào nhoáng, văn hóa sự kiện của sao Việt đang có chiều hướng đi xuống.
Vài ngày qua, sự việc diễn viên Ngô Thanh Vân chia sẻ trên trang cá nhân về việc vài sao Việt đến trễ khiến nhiều người phải chờ đợi đã khiến khán giả và giới truyền thông vô cùng quan tâm. Từ đó, công chúng bắt đầu đặt dấu chấm hỏi về văn hóa dự sự kiện của sao Việt có “đẹp” như hình ảnh “quần là áo lụa” trên mặt báo hay chỉ là sự xuất hiện qua loa cho có để đối phó với ban tổ chức?
Ngô Thanh Vân là một trong những sao Việt tuân thủ nguyên tắc giờ giấc dự sự kiện và thảm đỏ
Đi trễ về sớm, không bao giờ nán lại đến phút cuối
Một sự kiện mang tính chất giải trí nhằm thu hút sự chú ý của giới truyền thông, ban tổ chức bắt buộc phải chọn khách mời là những ngôi sao tham dự. Thực tế cho thấy, sự kiện nào càng nhiều ngôi sao đình đám thì càng được quan tâm.
Tuy nhiên, một thực trạng luôn tồn tại, các ngôi sao dù nhận lời tham gia các sự kiện nhưng luôn đến trễ, về sớm. Đây được xem là căn bệnh muôn thuở khó sửa của showbiz Việt. Các ngôi sao càng hot, đang tạo được tiếng vang hay vừa mới vướng một scandal ầm ĩ thường chọn cách xuất hiện muộn. Bởi họ thừa biết, giới truyền thông nắm được danh sách khách mời có tên họ và sẽ chờ đợi cho đến phút chót. Càng đến cuối lại càng nổi, càng gây chú ý và được giật tít.
Angela Phương Trinh thường xuyên đến trễ trong các sự kiện cô tham dự
Video đang HOT
Ngoài ra, thói quen này cũng xuất phát từ cách xài “giờ dây thun” của những người làm việc thiếu chuyên nghiệp. Họ luôn có suy nghĩ mọi người phải chờ họ, đến trễ một chút cũng không sao vì chưa chắc nhiều người đã đi đúng giờ. Chính sự trì trệ trong tư duy dẫn đến sự ỷ lại, chỉ biết chăm chút cho hình ảnh của bản thân thật lộng lẫy mà không cần quan tâm đến sự có mặt trễ giờ của họ sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh chương trình ra sao. Thông thường trên thiệp mời sẽ ghi thời gian chính xác cho thảm đó, đón khách… Nhưng các sao thường trừ hao một tiếng đến một tiếng rưỡi mới có mặt rải rác trong sự kiện.
Dường như căn bệnh đi trễ về này chỉ có ở sao Việt. Trong tất cả các sự kiện diễn ra trên thế giới, các nghệ sĩ ở bất kỳ thứ hạng nào đều giữ nguyên tắc làm việc chính xác và kỉ luật. Thiệp mời ghi khung giờ thế nào sẽ diễn ra không xê dịch một giây. Bởi họ ý thức được tầm quan trọng của cá nhân trong một tập thể rộng lớn. Họ biết đặt việc chung lên trên cái tôi cá nhân. Đặc biệt, họ lên kế hoạch làm việc chu đáo vì quý trọng thời gian làm việc của bản thân cũng như tạo uy tín tên tuổi cho mình. Không khó hiểu khi họ chạm đến thành công và tạo được sự tôn trọng, quý mến từ phía đối tác lẫn khán giả.
Không đến trễ, các sao Việt còn chọn cách về sớm và không bao giờ dự đến hết sự kiện dù họ luôn được xếp ở vị trí đẹp nhất. Còn nhớ tại khá nhiều lễ trao giải, khán giả không khỏi ngỡ ngàng vì số lượng nghệ sĩ ra về khá nhiều trong khi chương trình diễn ra chưa được một nửa. Vì sao lại tồn tại tình trạng này trong văn hóa đi sự kiện chưa đẹp của sao Việt? Các ngôi sao ngồi lại đến phút cuối khi được trả thù lao xứng đáng hoặc có hợp đồng ràng buộc với ban tổ chức?
Việc một ngôi sao bỏ về trong sự kiện có thể do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ yếu là do các sao chỉ kí hợp đồng xuất hiện trong một thời gian cố định, hoàn toàn không cam kết ở lại đến khi chương trình kết thúc. Điều này thường chỉ dành cho những ngôi sao đang hot bậc nhất mà nhà tổ chức muốn có sự xuất hiện của họ trong sự kiện của mình. Hầu như phải chạy nhiều show trong một đêm. Họ khó lòng nhận lời góp mặt và dồn toàn bộ thời gian cho một sự kiện.
Ngoài ra, khá nhiều nghệ sĩ nghĩ rằng việc mình đến ở phần đầu sự kiện như một nghĩa vụ đã hoàn thành, không nhất thiết phải ở lại đến cuối vì có thể họ cảm nhận mình không có nhiều vai trò tại sự kiện đó.
Nhiều sao Việt vẫn lưu lại sự kiện đến phút cuối trong khi đó nhiều người lại bỏ về rất sớm
Với khán giả, họ sẽ suy nghĩ rằng, đa phần các nghệ sĩ khách mời chỉ nhận lời tham gia một cách qua loa, xuất hiện trên thảm đỏ cho có hình lên báo rồi ra về. Không thể trách nếu họ đánh giá đây là một hành động ứng xử thiếu văn minh, hoặc gán cho người nghệ sĩ mắc “bệnh ngôi sao”.
Khi đã quyết định nhận lời tham gia một sự kiện nào đó đồng nghĩa người nghệ sĩ đã tạo ra một ý nghĩa đối với cộng đồng. Họ nên dành sự tôn trọng đáp lại sự tin tưởng về mặt hình ảnh mà tập thể chương trình dành cho họ. Không thể đổ lỗi do hợp đồng hay bận nhiều việc… Bởi đi sự kiện cũng như một công việc mà họ đã nhận. Mọi hành động của người nghệ sĩ cũng đều mang tính chất công việc, vẫn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của họ.
Khó có thể đưa ra một hợp đồng cam kết tham dự sự kiện đúng giờ và ở đến cuối chương trình dành cho các nghệ sĩ. Điều quan trọng vẫn là do ý thức của mỗi nghệ sĩ tham dự sự kiện. Họ có thể suy nghĩ trước khi gật đầu đồng ý góp mặt. Nhưng khi đã nhận lời, nghệ sĩ đó cần ý thức được việc trở thành một trong những hình ảnh của chương trình. Không nên vì bản thân mà ảnh hưởng đến cái nhìn chung của khán giả lẫn giới truyền thông.
Nấn ná thảm đỏ quá lâu
Một trong những căn bệnh khác của sao Việt khi tham dự sự kiện chính là tạo dáng thảm đỏ quá lâu. Trung bình một ngôi sao mất ít nhất từ 10 đến 15 phút để lượn lờ chụp ảnh trên thảm đỏ. Nếu là sao hạng A đang hot thì thời gian càng lâu hơn. Được chụp ảnh nhiều bao nhiêu thì tỉ lệ được lên báo, các phương tiện truyền thông càng nhiều bấy nhiêu.
Thêm một lí do đế các ngôi sao lưu lại thảm đỏ quá lâu cũng là để chứng tỏ quyền lực của mình trong showbiz. Những ống kính cứ liên tục hướng đến mình, tiếng hò hét gọi tên inh ỏi đã không còn lạ gì trên các thảm đỏ Việt.
Sao Việt bị mời khỏi thảm đỏ ở show thời trang của Lý Nhã Kỳ vì ham tạo dáng
Rõ ràng, đây là một thực trạng đáng buồn và chứng tỏ sự kém cỏi trong văn hóa dự sự kiện của sao Việt. Nó thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của sao và cả sự kém cỏi trong khâu tổ chức. Bạn thấy đó, tại các sự kiện lớn như liên hoan phim Cannes, thời gian đi thảm đỏ được thắt chặt và quy định rõ ràng. Nếu đi quá thời gian, ảnh hưởng đến các ngôi sao khác, bạn sẽ bị bẽ mặt vì cánh bảo vệ nhắc nhở, thậm chí yêu cầu bạn rời đi. Nhiều ngôi sao nổi tiếng phải chịu “muối mặt” vì tham tạo dáng lâu như: Dương Mịch, Trương Hinh Dư, Lý Băng Băng… Tất cả chỉ vì lời ích chung và bộ mặt của sự kiện đó. Có ý thức, có trách nhiệm, có kỷ luật hẳn sẽ có trật tự.
Thời gian trước, trong show thời trang của nữ diễn viên Lý Nhã Kỳ, việc thắt chặt thời gian thảm đỏ cũng đã được thực hiện. Tuy nhiên, khác với sự tuân thủ như các sao thế giới, sao Việt vẫn vi phạm nguyên tắc thảm đỏ của ban tổ chức đề ra. Họ liên tục bị nhắc nhở. Nhưng thay vì xấu hổ thì có vài người lại bày tỏ sự khó chịu và chống đối ra mặt. Một người làm được thì những người khác hẳn sẽ có suy nghĩ không nhất thiết phải làm theo. Điều này gây khó khăn và phiền toái không nhỏ cho những người tổ chức sự kiện có tâm, muốn tạo một mảng văn hóa ứng xử, văn hóa dự sự kiện cho các sao Việt.
Đã đến lúc nên trị “bệnh ngôi sao”
Tình trạng văn hóa dự sự kiện của sao Việt qua bao năm vẫn không được cải thiện là mấy. Nó không chỉ gây ảnh hưởng xấu với khán giả mà còn nghiêm trọng hơn khi họ góp mặt trong những sự kiện mang tầm quốc tế. Điều này đặt các nhà tổ chức sự kiện vào tình thế “mạnh tay” hơn khi tiến hành tổ chức.
Thứ nhất, bản thân nhà tổ chức sự kiện nên cân nhắc và tính toán khi mời các sao để đảm bảo cho chương trình của họ được diễn ra đúng như mong đợi. Nó đảm bảo khách được chọn lựa kỹ càng về mặt hình ảnh có phù hợp với sự kiện hay không, tránh tình trạng để họ cảm thấy mình lạc lõng trong chương trình.
Đồng thời, những người tổ chức cũng cần đưa ra chính xác thời gian diễn ra để các sao tham gia có được sự sắp xếp hợp lí. Giả sử họ cảm thấy không đảm bảo được thời gian thì có thể rút ngay từ đầu tránh trường hợp đễn trễ với hàng đống lí do khó chấp nhận.
Quan trọng nhất, người tổ chức chương trình nên ý thức được việc phải đảm bảo một lịch trình thật chặt chẽ như cách làm việc của ê-kíp nước ngoài. Thậm chí nếu cần thiết có thể thẳng thắn mời những người đến muộn hoặc lưu lại quá lâu trên thảm đỏ phải ra về để tránh ảnh hưởng hình ảnh chung và cho họ thấy được tầm quan trọng của sự kiện mà mình tổ chức.
Ở nước ngoài những trường hợp sao hạng A bị mời về là không hiếm. Trường hợp của siêu mẫu Miranda Kerr vào năm 2013 là một ví dụ điển hình. Người đẹp này đã bị mời khỏi buổi trình diễn của Louis Vuitton trong khuôn khổ Paris Fashion Week vì đến muộn. Thiên thần Victoria’s Secret tỏ ra lúng túng và buộc phải quay trở lại xe, rời khỏi sự kiện.
Siêu mẫu thế giới cũng bị đuổi thẳng vì sai nguyên tắc
Những hành động kiên quyết thế này không có gì quá đáng ở ban tổ chức các sự kiện. Bởi khi họ đã ngỏ lời mời, nghĩa là tên tuổi của các ngôi sao phải nhận được sự tin tưởng, đồng thời giữ một vai trò tất yếu làm nên thành công, uy tín của chương trình. Và đổi lại, các ngôi sao cũng nên đáp lại sự tin tưởng đó bằng cách đáp ứng đúng lịch trình làm việc mà mình đã đồng ý để không chỉ không ảnh hưởng đến những người khác mà còn mang lại hình ảnh đẹp, sự uy tín cho bản thân người.
Theo Ngoisao.vn