Vận hành lưới điện bằng công nghệ số: Tăng năng suất, giảm người trực
Các trung tâm điều khiển từ xa được ví như “cánh tay nối dài” giúp thợ điện nhanh chóng thực hiện thao tác thiết bị ở các trạm biến áp không người trực mà không cần tới hiện trường. Vì vậy, các đơn vị ngành điện đang đẩy mạnh triển khai việc vận hành lưới điện bằng công nghệ số, nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng cường độ tin cậy lưới điện.
Một công nghệ, nhiều lợi ích
Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) hiện đang quản lý, vận hành mạng lưới truyền tải điện khu vực phía Nam và hơn 33 trạm biến áp từ 220 – 500 kV. Trong đó, nhiều trạm đã áp dụng công nghệ tự động hóa trạm ( SAS). Với số lượng trạm biến áp (TBA) và đường dây ngày càng lớn, việc quản lý vận hành các TBA cần được tập trung vào 1 trung tâm để dễ dàng theo dõi, quản lý, điều độ công suất trong lưới truyền tải và giảm các lỗi thao tác do vận hành gây ra.
Các điều độ viên thực hiện thao tác thiết bị từ trung tâm điều khiển xa. Ảnh: V.H
Đại diện Ban kỹ thuật – Sản xuất EVN cho biết, để đảm bảo an ninh mạng và an ninh hệ thống điện quốc gia, trong quá trình xây dựng và vận hành, các đơn vị đã cách ly hoàn toàn mạng IP của hệ thống điều khiển với mạng Internet, mạng nội bộ của đơn vị; đồng thời, các kết nối với hệ thống SCADA, trung tâm điều khiển đều đặt tường lửa (firewall), cũng như thực hiện nghiêm ngặt các quy định của Tập đoàn về an ninh mạng.
Từ đòi hỏi thực tế, năm 2017, PTC 4 đã đưa vào vận hành trung tâm điều khiển từ xa đặt tại TBA 500 kV Tân Định và Mỹ Tho. Với công nghệ kết nối dữ liệu hiện đại và cho phép thực hiện thao tác điều khiển thực tế, trạm 500 kV này có thể điều khiển được từ 10 – 12 TBA 220 kV vệ tinh.
Theo lộ trình của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và PTC4, những TBA đủ điều kiện thực hiện mô hình điều khiển từ xa sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn, giai đoạn đầu là “bán người trực”, bắt đầu từ 25.11.2017.
Ông Võ Đình Thủy – Giám đốc PTC4 cho biết, việc quản lý giám sát, điều khiển TBA từ trung tâm điều khiển đã khắc phục được những khuyết điểm của phương pháp truyền thống, giúp từng bước phát triển lưới điện thông minh, giảm bớt đầu mối trong công tác điều độ; rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố TBA… Từ đó, giảm tối đa nhân lực vận hành, góp phần nâng cao năng suất lao động.
Còn tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), Công ty quản lý 9 TBA thì tới hết năm 2017, đã có 6 trạm được vận hành theo mô hình không người trực. 3 trạm còn lại, công ty sẽ nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình không người trực ngay trong quý I.2018.
Video đang HOT
Theo ông Ngô Tấn Cư – Giám đốc PC Đà Nẵng: “PC Đà Nẵng quản lý vận hành lưới điện tại “thành phố sự kiện”, do đó, phải rất chú trọng công tác đảm bảo chất lượng cung ứng điện. Việc đưa vào vận hành các TBA không người trực thực sự tạo “cuộc cách mạng” công nghệ tại đơn vị, giúp nâng cao năng suất lao động, và nhất là giúp PC Đà Nẵng nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện. Khi có sự cố, sẽ dễ dàng thực hiện thao tác thiết bị để nhanh chóng khoanh vùng xử lý cũng như cấp điện trở lại”. Vì vậy, PC Đà Nẵng đã chủ động đẩy nhanh tiến độ xây dựng, chuyển đổi sang các TBA không người trực và sẽ “về đích” sớm 2 năm so với kế hoạch Tập đoàn yêu cầu.
Ông Nguyễn Thành – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, hết năm 2017, toàn Tổng công ty đã có 11 trung tâm điều khiển từ xa với 55 TBA không người trực. Với địa bàn phức tạp và trải rộng ở 13 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, việc đưa vào vận hành các trung tâm điều khiển từ xa và chuyển đổi mô hình các trạm biến áp hiện đại thực sự đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là trong những dịp khôi phục điện sau bão lũ.
Đã hội đủ các yếu tố
Theo định hướng phát triển Trung tâm điều khiển xa và TBA không người trực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mục tiêu tới năm 2020, 100% TBA 110 kV sẽ là trạm không người trực, còn tại các TBA 220 kV, 500 kV sẽ giảm số lượng người trực, giúp tập đoàn nâng cao năng suất lao động, tăng độ tin cậy cung cấp điện đồng thời đảm bảo vận hành an toàn lưới điện. Các đơn vị trong toàn tập đoàn cũng đang gấp rút “tăng tốc” để hoàn thành mục tiêu này.
Trong năm 2017, các trung tâm điều độ hệ thống điện miền đã thực hiện điều khiển xa cho 18 trạm biến áp 220 kV của EVNNPT, các tổng công ty điện lực đã đưa vào vận hành 43 trung tâm điều khiển và thực hiện điều khiển xa cho 386 trạm biến áp 110 kV không người trực và bán người trực (chiếm 57,6% tổng số trạm 110 kV).
Để đạt được kết quả này, các đơn vị trong tập đoàn đã phải vượt qua rất nhiều thách thức. Mấu chốt là làm chủ được công nghệ, xây dựng hạ tầng CNTT đồng bộ, đảm bảo được thiết bị luôn ổn định trong quá trình vận hành lâu dài; hoàn thiện kết nối tín hiệu hệ thống SCADA một cách ổn định, liên tục.
Ông Nguyễn Thành cho biết, với quyết tâm cao, EVNCPC đã chủ động xây dựng phần mềm vận hành cho các trung tâm điều khiển, phát triển hạ tầng CNTT phù hợp với thực tế vận hành lưới điện các đơn vị. Đặc biệt, việc xây dựng Trung tâm điều khiển và chuyển đổi TBA được Tổng công ty chỉ đạo các đơn vị thực hiện “cuốn chiếu”, có lộ trình và tiến độ cụ thể. Nhờ đó, hiện EVNCPC đang vượt tiến độ so với Tập đoàn giao.
Theo Danviet
Miền Bắc sẵn sàng đón nước từ hồ thuỷ điện về đồng ruộng
Những ngày này, các tỉnh miền Bắc đang tất bật chuẩn bị mọi công tác để sẵn sàng đón nước từ hồ thủy điện về đồng ruộng. Trao đổi với NTNN, ông Trần Xuân Định (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết nguồn nước năm nay rất dồi dào, việc lấy nước đổ ải sẽ thuận lợi, tiết kiệm hơn so với mọi năm.
Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT)
Chỉ còn 4 ngày nữa là các tỉnh miền Bắc đón đợt xả nước đổ ải đầu tiên cho vụ đông xuân 2018. Qua nắm bắt của ông, đến nay các tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng hay chưa?
- Chúng tôi vừa đi khảo sát ở các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và nhận thấy các tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng phương án lấy nước. Ở một số vùng trũng, nhiều thửa ruộng nông dân đã cày xong và đang mênh mông nước như huyện Duy Tiên, Bình Lục (Hà Nam), dù chưa xả hồ Hòa Bình. Đây chủ yếu là nước mưa và nước từ các vùng cao dồn về. Nhìn chung, tại các chân ruộng ở vùng chuyên canh lúa, nông dân đã cày xong, bờ vùng bờ thửa, mương máng cũng đã được dọn sạch cỏ dại, bùn đất, chỉ cần chờ nước về.
Các hồ thủy lợi đã sẵn sàng mọi công tác để chuẩn bị xả nước đổ ải vụ đông xuân 2018. Ảnh: EVN
"Trước đây việc đổ ải thường gặp khó khăn, tốn nhiều nước vì diện tích lúa dài ngày còn nhiều. Nhưng nay, chủ trương của Bộ NNPTNT là tăng cường các giống ngắn ngày, lịch thời vụ các địa phương cùng thống nhất, nên các địa phương cần căn cứ vào kế hoạch sản xuất, lịch thời vụ để có kế hoạch lấy nước, tích nước phù hợp". Ông Trần Xuân Định
Theo kế hoạch đã thống nhất giữa Bộ NNPTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm nay vụ đông xuân sẽ có 3 đợt xả nước, tổng cộng 18 ngày. Mới đây, Tổng cục Thủy lợi cũng đã tổ chức một số đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Theo đó, ngày 16.1 sẽ bắt đầu mở một số cửa xả của hồ thủy điện Hòa Bình và một số hồ thủy lợi. Mục tiêu đợt xả đầu tiên chủ yếu phục vụ các tỉnh cuối nguồn và công tác thau chua, rửa mặn, khơi thông các lòng sông, kênh mương.
Chủ lực mới là đợt lấy nước thứ 2, từ 28.1 - 4.2. Tổng diện tích cần lấy nước đổ ải trên 600.000ha.
Việc lấy nước ở các địa phương năm nay có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
- Công tác lấy nước 2-3 năm gần đây rất thuận lợi, bởi cứ khi chuẩn bị lấy nước đổ ải thì trời có mưa. Do nước mưa đã ngấm vào đất, ruộng đã đủ ẩm nên chúng ta sẽ tiết kiệm được một lượng lớn nước ban đầu. Vì vậy, có thể năm nay sẽ điều tiết, cắt giảm bớt số ngày xả nước. Tuy nhiên việc này cũng cần điều hành linh động, hiệu quả. Khảo sát trên các hồ thủy điện và hồ thủy lợi cho thấy, về nguồn nước năm nay rất dồi dào và thuận tiện.
Những năm trước đây, một số địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc thường có "truyền thống" lấy nước muộn, cứ đến chân mới nhảy và được biết, năm nay Hà Nội lại "xin" xả thêm 1 đợt thứ 4 (sau Tết Nguyên đán). Vậy ông có thể cho biết kế hoạch của Bộ đối với các địa phương này?
- Hà Nội có đề xuất xả thêm 1 đợt sau Tết Nguyên đán, nhưng diện tích lấy nước muộn của Hà Nội không phải là toàn thành phố, mà chủ yếu ở một số huyện phía tây như Quốc Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây... Do đó, nếu chỉ xả 1 đợt để phục vụ cho Hà Nội thì rất lãng phí. Bộ NNPTNT, Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt đã có ý kiến với EVN để nếu trong trường hợp không xả thì có thể bố trí cho những công ty thủy nông đang gặp khó khăn bơm nước lên bằng động lực, bơm truyền từ thấp lên cao từ sông Hồng.
Thực tế là ở những vùng như Quốc Oai, Ba Vì, Phúc Thọ..., lâu nay thường lấy nước trực tiếp từ sông Hồng. Nếu mực nước sông Hồng bị xuống thấp thì máy bơm sẽ bị "treo giỏ", không hoạt động được. Vì vậy phải có phương án bơm truyền qua 2 nấc bơm, dẫn đến tốn kém. Đây cũng là lý do Hà Nội đề xuất thêm đợt xả thứ 4. Qua tính toán cho thấy, nếu EVN hỗ trợ kinh phí để thực hiện bơm truyền thì sẽ bớt tốn kém, lãng phí hơn so với xả thêm đợt nữa, do đó Bộ NNPTNT đã đề xuất EVN hỗ trợ.
Đến nay hệ thống kênh mương ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng đã được đầu tư khá kiên cố. Điều này có góp phần tiết kiệm lượng nước cần xả không?
- Thực tế cho thấy hệ thống kênh mương ở các tỉnh lấy nước tự chảy, bơm động lực đều đã rất sẵn sàng. Trước khi triển khai kế hoạch lấy nước vụ đông xuân 2018, các địa phương đều đã có kế hoạch nạo vét kênh mương, sửa lại các đầu kênh cấp 2, cấp 3, chỉnh trang đồng ruộng, hệ thống máy móc...
Chỉ có một số khu vực bị lấy đất làm khu công nghiệp, quy hoạch làm giao thông, đồng ruộng bị chia cắt, phá vỡ thì việc lấy nước mới bị khó khăn hơn, ví dụ như một số địa phương của Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên... Tuy nhiên, họ cũng đã có phương án khắc phục bằng cách bơm truyền, đầu tư cải tạo sửa chữa một số trạm bơm, đưa công nghệ bơm đẩy vào và hạ các giỏ bơm bằng với mực nước sông để bơm nước lên ruộng.
Những năm gần đây, việc bê tông hóa hệ thống kênh mương đã được nhiều địa phương quan tâm, nước không bị ngấm nhiều xuống đất như trước nên chúng ta cũng đã tiết kiệm được một lượng nước không nhỏ.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Cán bộ thủy lợi ngất vì "sông tuyết" ở Hà Nam ô nhiễm khủng khiếp Ông Lê Văn Hòa - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Hà Nam cho biết như vậy khi nói về tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các trạm bơm tưới tiêu tại sông Nhuệ, sông Đáy (Hà Nam). Cán bộ ngành thủy lợi... ngất vì nước sông quá bẩn (ảnh: IT) Nhiều người bị choáng vì...