Vận hành công trình giúp hàng chục nghìn người Sài Gòn thoát ngập
Ít nhất 18.000 hộ dân trên địa bàn quận 6 và 8 thoát được cảnh ngập triền miên do triều cường sau khi dự án bờ kè và cống kiểm soát triều được đưa vào vận hành hôm nay.
Ngày 23/4, tại lễ bàn giao, đưa vào vận hành bờ kè và cống kiểm soát triều chống ngập trên 2 phường của quận 8, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết việc đưa vào vận hành 2 công trình này mang ý nghĩa quan trọng. Công trình góp phần giải quyết tình trạng ngập nước và cải thiện môi trường sống của nhân dân trong khu vực, chỉnh trang đô thị quận 8 thêm sạch đẹp.
Công trình ngăn triều, chống ngập giúp hàng chục nghìn người dân quận 8 thoát ngập mỗi khi triều cường lên cao. Ảnh: Hữu Nguyên.
“Thay mặt UBND thành phố tôi xin gửi lời cảm ơn đến các hộ dân đã bàn giao mặt bằng sớm để dự án được hoàn thành đúng tiến độ, góp phần thực hiện chủ trương chống ngập của thành phố, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là những hộ dân nghèo”, ông Tín nói và yêu cầu người dân giữ vệ sinh môi trường, không xả rác xuống kênh rạch.
Dự án gồm hạng mục xây dựng kè ngăn triều chống ngập tại phường 7 (đoạn từ cầu Bà Tàng đến cầu Ba Tơ), có vốn đầu tư hơn 182 tỷ đồng và xây dựng bờ kè chống ngập trên địa bàn phường 16 (đoạn từ cầu Hòa Lục đến ngã ba sông Cần Giuộc), vốn gần 193 tỷ đồng. Trong đó, công trình cống ngăn triều rạch Nhảy – rạch Ruột Ngựa được thiết kế bằng cửa sập ngăn triều, kết hợp trạm bơm chìm trục đứng để tiêu thoát nước mưa khi triều cường, đảm bảo cho mực nước trong kênh luôn ổn định.
Video đang HOT
Lãnh đạo TP HCM tham quan dự án chống ngập vừa được vận hành. Ảnh: Hữu Nguyên.
Theo chủ đầu tư, hai công trình hoàn thành đã ngăn tác động của triều cường trên địa bàn phường 7 và phạm vi giới hạn bởi các tuyến đường Phú Định, Hồ Học Lãm thuộc quận 8, đường Kinh Dương Vương, Lý Chiêu Hoàng, Nguyễn Văn Luông thuộc quận 6. Đồng thời kiểm soát thâm nhập triều từ phía kênh Tàu Hũ và chủ động tiêu thoát úng ngập do mưa của lưu vực rạch Nhảy – rạch Ruột Ngựa, giải quyết tình trạng ngập cho khoảng 8.000 dân của phường 16 (quận 8) và khoảng 10.000 dân (quận 6).
Trước đây, mỗi khi triều cường, người dân ở các khu vực trên bị ảnh hưởng rất nặng nề, đời sống gặp nhiều khó khăn; nguy cơ dịch bệnh vì nguồn nước, môi trường sống bị ô nhiễm.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Loay hoay chống ngập
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết kế hoạch xóa, giảm ngập năm 2014 là hoàn thành 6/11 điểm và hiện đã hoàn thành 1 điểm, dự kiến trong 4 tháng cuối năm khó có khả năng hoàn thành 5 điểm còn lại.
Đường Tân Hóa, quận 6, TP HCM ngập nặng sau cơn mưa chiều 1/10.
Hầu hết các công trình chống ngập trên địa bàn TP.HCM được xây dựng cách đây 10-20 năm với hệ thống thoát nước rất hạn chế. Trong khi đó, theo thiết kế quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước của TP đến năm 2020, đối với tuyến cống cấp 3 chỉ đáp ứng được lượng mưa 75,88 mm trong 3 giờ (tuyến cống cấp 2 là 85,36 mm và kênh, rạch chính cấp 1 là 95,91 mm; đỉnh triều là 1,32 m).
Vượt tần suất thiết kế
Trận mưa chiều 6-9 có lưu lượng 100 mm/giờ và lưu lượng lớn nhất sau trận mưa là 122,3 mm/giờ (trạm Cầu Bông, quận Bình Thạnh) khiến hàng loạt tuyến đường trên địa bàn TP ngập nặng. Trong tương lai, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, lượng mưa trên địa bàn sẽ ngày càng cao và kéo dài, vượt qua tần suất thiết kế của các công trình chống ngập.
Theo TS.Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐHQG TP HCM), hiện tượng mưa với lưu lượng lớn ngày càng tăng. So với trước đây, lưu lượng mưa trung bình chỉ đạt 60-70 mm/giờ nhưng hiện nay đã đạt 100-120 mm/giờ. Trên thực tế, TP.HCM đã có những trận mưa đạt 145 mm và trong tương lai sẽ có những trận mưa lên đến 150 mm/giờ, thậm chí cao hơn.
"Hiện tượng mưa nhiều và có lưu lượng lớn như hiện nay gây khó khăn cho việc thiết kế, lựa chọn tần suất của các dự án đang sử dụng số liệu cũ" - TS Phi nhận định và cho biết hiện TP.HCM có nhiều dự án chống ngập lạc hậu và quá tải, nguyên nhân chính là do lưu lượng mưa ngày càng cao hơn so với thiết kế đang sử dụng. Ngoài ra, đỉnh triều cũng tăng cao theo từng năm gây khó khăn cho việc chống ngập. Trong khi đó, hệ thống thoát nước còn thiếu quá nhiều và phần lớn có tiết diện nhỏ, chỉ đáp ứng cho đô thị 2,5 triệu dân trong khi TP hiện đã có hơn 10 triệu dân. Riêng ở khu vực nội thành, hệ thống thoát nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 100 km2 trong khi diện tích đô thị hóa đã lên trên 600 km2.
"Với nguồn vốn đầu tư cho các công trình chống ngập còn hạn chế như hiện nay, thay vì dàn trải, TP chỉ nên xây dựng các công trình chống ngập ở những khu vực thường xuyên bị ngập, gây thiệt hại nặng" - TS Phi kiến nghị.
Nhiều dự án lớn "trùm mền"
Dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2008 với tổng số vốn ban đầu hơn 11.531 tỷ đồng, được đánh giá là sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng cho TP và các tỉnh lân cận. Thế nhưng, sau nhiều năm thực hiện, đến nay, dự án vẫn còn ngổn ngang do thiếu vốn, vướng mặt bằng. Trong khi đó, giai đoạn 2 của dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cũng đang được xây dựng với tiến độ "rùa".
Trước đó, một dự án khác cũng được Chính phủ phê duyệt, chủ yếu tập trung vào việc giải quyết tiêu thoát nước do mưa và xử lý nước thải cho vùng nội thành, đã triển khai từ năm 2003 và hiện cũng đang "trùm mền" do nhiều nguyên nhân. Ngoài ra, dự án ngăn triều trên sông Soài Rạp nhằm khép kín hoặc khép kín một phần sông Đồng Nai, bảo vệ TP.HCM thoát khỏi nguy cơ ngập do triều cường cũng chưa được thực hiện vì nhiều ứng dụng không còn khả thi hoặc phát huy tác dụng không cao.
Theo GS-TS.Nguyễn Tất Đắc, Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý môi trường (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), vấn đề ngập ở TP.HCM rất cấp bách và để giải quyết thì cần có giải pháp đồng bộ.
Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết kế hoạch xóa, giảm ngập năm 2014 là hoàn thành 6/11 điểm và hiện đã hoàn thành một điểm, dự kiến trong 4 tháng cuối năm khó có khả năng hoàn thành 5 điểm còn lại.
Chống chỗ này, ngập chỗ kia
Vừa qua, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM đã giám sát về tiến độ thực hiện dự án xây dựng hệ thống thoát nước trên địa bàn quận 6, quận Bình Thạnh và huyện Hóc Môn giai đoạn 2014-2015. Tại buổi làm việc vào ngày 2/10, UBND quận Bình Thạnh cho biết trước đây trên địa bàn có 113 điểm ngập, từ năm 2011 đến nay đã xóa được 88 điểm nhưng lại phát sinh 8 điểm mới mà nặng nhất là khu vực các hẻm hai bên đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hữu Cảnh... Ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách, đặt câu hỏi tại sao chống ngập mà lại xuất hiện thêm điểm ngập mới. Từ đó, yêu cầu lãnh đạo quận Bình Thạnh cùng Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước của TP tìm giải pháp chống ngập mang tính đồng bộ chứ không thể chống chỗ này gây ngập chỗ khác. Trước đó, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách, cũng yêu cầu Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát xứ lý, không để người dân bức xúc vì ngập.
Theo nhiều nhà khoa học, việc chống ngập trên địa bàn TP.HCM phải được thực hiện lâu dài và dứt khoát, phụ thuộc vào tính bền vững của quy hoạch vì khi quy hoạch thay đổi thì giải pháp chống ngập cũng thay đổi theo.
Theo Người Lao Động
Người Sài Gòn có thể đi metro năm 2018 Hơn 17 km trên cao tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP HCM dự kiến vận hành năm 2018, sớm hơn hai năm so với kế hoạch. Tại cuộc họp chiều 20/4, Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết tuyến đường sắt đô thị số 1 đã có mặt bằng "sạch"...