Vận hành cao tốc nhìn từ vụ tai nạn 3 người chết ở Cam Lộ – La Sơn
Từ vụ tai nạn 3 người tử vong trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn, đã đến lúc phải cấp thiết đặt ra việc xây dựng bộ quy chuẩn về tổ chức giao thông, chỉ dẫn và vận hành cao tốc, tương tự như bộ quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc.
Là người đã từng lái xe ở rất nhiều quốc gia khác nhau, tác giả Phạm Quang Vinh gửi đến VietNamNet góc nhìn về vụ tai nạn làm 3 người tử vong trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn.
Sau những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như ở cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lộ – La Sơn cuối tuần qua, sẽ không khó để hình dung khi công chúng, và cả các cơ quan công quyền, hướng sự chú ý đến hành vi của những người lái xe.
Tất nhiên, lỗi của người điều khiển phương tiện luôn là nguyên nhân trực tiếp trong các vụ tai nạn giao thông. Trong vụ tai nạn ở cao tốc Cam Lộ – La Sơn, nguyên nhân trực tiếp do tài xế đã vượt ẩu xe container cùng chiều ở cuối làn vượt, gây ra tai nạn cho mình và cho các xe khác.
Nhưng, nếu nhìn vào những bức ảnh chụp từ trên cao vị trí tai nạn, sẽ dễ dàng nhận ra, điểm xảy ra tai nạn ở nơi vừa vượt qua nút giao với đường 11B. Người lái xe 7 chỗ đang ở đoạn cuối của đoạn có 3 làn xe chạy, gồm hai làn chính để xe vượt nhau, và một làn để xe rẽ từ đường 11B vào cao tốc.
Bức ảnh chụp từ trên cao vị trí tai nạn
Trước đó, người này đang lái xe ở làn giữa, và đằng sau một xe 7 chỗ khác, cũng đang lấy tốc độ để vượt xe container ở làn trong. Chỉ khoảng 100m trước khi vượt, trên làn đường anh ấy đang lái, vẫn là mũi tên chỉ hướng đi thẳng, và tai nạn xảy ra chỉ sau gần 40m khi có mũi tên chỉ dẫn nhập làn trên mặt đường.
Khoảng cách từ mũi tên chỉ dẫn đi thẳng đến vị trí tai nạn chưa đến 100m. Với khoảng cách như vậy, chỉ dẫn như vậy, và lái xe ở tốc độ 80km/h, tầm nhìn hạn chế khi lái xe bên cạnh một xe tải lớn, tai nạn là gần như khó tránh khỏi.
Video đang HOT
Dù tuân thủ đầy đủ chính xác các chỉ dẫn, tai nạn vẫn có thể xảy ra. Lựa chọn duy nhất của anh ấy, là đi chậm lại, và chờ 6,5km nữa mới có thể vượt qua xe container ở phía trước mình, tức là sẽ đi ở tốc độ khoảng 50-60km/h hoặc đôi khi còn chậm hơn, nếu đó là một xe tải chở nặng, và ở đoạn lên dốc. Điều này thật sự rất ức chế, đặc biệt sau một đoạn đường khoảng 12km trước đó, anh ta cũng không thể vượt qua đoàn xe tải trước mặt mình.
Đã từng lái xe ở rất nhiều quốc gia khác nhau, thú thực là tôi chưa từng thấy cách chỉ dẫn, cảnh báo và tổ chức giao thông như vậy ở đâu cả. Ở mọi đoạn đường nơi sắp sửa nhập làn, sẽ có các cảnh báo cả ở trên mặt đường và bên lề đường từ trước điểm nhập làn khoảng 500m đến 1km, và thậm chí dài hơn, nếu là các đường cao tốc vận hành ở tốc độ cao hơn. Các mũi tên cảnh báo nhập làn trên mặt đường cũng thường được kẻ to, mật độ dày, và dày hơn khi chuẩn bị nhập làn.
Những bất ổn trong vận hành và chỉ dẫn giao thông trên đường cao tốc, như trường hợp cụ thể ở nút giao cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lộ – La Sơn với đường 11B ở Phong Mỹ, huyện Phong Điền, nơi xảy ra vụ tai nạn hôm 18/2, tiếc thay, lại không phải là chuyện xa lạ.
Nếu bạn từng lái xe ở đoạn Yên Bái đi Lào Cai, với chỉ hai làn xe mỗi chiều, chắc chắn bạn sẽ hiểu, những rủi ro như đã xảy ra ở Phong Mỹ hôm vừa rồi là có thể xảy ra ở chính tuyến đường này. Do điều kiện tài chính, chúng ta có khá nhiều tuyến “cao tốc hạn chế”, với chỉ hai làn xe mà không có dải phân cách cứng giữa, hoặc chỉ với 4 làn xe mà không có dải vai đường tránh nạn.
Việc tổ chức giao thông trên các đoạn đường này đã rất nhiều lần được nêu ra, và hầu như ít được để tâm. Mỗi khi có một vụ tai nạn xảy ra, cơ quan quản lý hầu như chỉ hướng đến việc điều tra, đánh giá hành vi của người lái xe, mà ít quan tâm đến việc đánh giá điều kiện và phương thức tổ chức giao thông, vốn cũng là một mối nguy hiểm không kém, như trường hợp cụ thể ở nút giao Phong Mỹ, Phong Điền.
Và điều đáng nói hơn, cũng khó để nói việc tổ chức giao thông, chỉ dẫn giao thông như vậy là đúng hay sai, bởi cho đến nay, chúng ta không có quy chuẩn quốc gia về tổ chức vận hành và chỉ dẫn giao thông trên các tuyến cao tốc. Nói một cách ngắn gọn, cho dù đã sau hơn 20 năm kể từ khi đoạn cao tốc đầu tiên đưa vào sử dụng, các tuyến cao tốc của chúng ta vẫn đang được tổ chức, vận hành theo cách… không giống ai, và cũng chẳng giống nhau.
Ví dụ ở ngay nút giao Phong Mỹ vừa đề cập, khoảng cách từ mũi tên chỉ đi thẳng đến mũi tên chỉ nhập làn trên hai chiều đã khác hẳn nhau, ở chiều Nam – Bắc là 120m, còn chiều ngược lại là 80m. Điểm giống nhau duy nhất, là mũi tên chỉ dẫn nhập làn nằm ở… ngay chỗ nhập làn.
Những bất cập như vậy không chỉ có ở các đoạn “cao tốc hạn chế”, mà còn rất phổ biến ở trên tất cả các cao tốc khác, từ các nguyên tắc cơ bản của việc tổ chức giao thông, biển báo và chỉ dẫn, đến các nguyên tắc an toàn cơ bản, ví dụ của việc tách các làn rẽ và nhập, tổ chức các làn để bắt tốc độ cho xe vào cao tốc,…
Từ vụ tai nạn hôm 18/2, tôi hy vọng cơ quan chức năng sẽ có đánh giá đầy đủ cả về việc tổ chức và chỉ dẫn giao thông, đặc biệt trên các tuyến cao tốc, và đánh giá đầy đủ về an toàn trong cách tổ chức và chỉ dẫn. Hơn thế, tôi nghĩ đã đến lúc phải cấp thiết đặt ra việc xây dựng bộ quy chuẩn về tổ chức giao thông, chỉ dẫn và vận hành cao tốc, tương tự như quy chuẩn về bộ quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc. Và trong bối cảnh Quốc hội sẽ xem xét việc sửa đổi Luật giao thông đường bộ, chắc chắn, cần thiết phải đặt ra việc có các quy định pháp lý về đường cao tốc, và trách nhiệm của người tổ chức, vận hành cao tốc về an toàn giao thông.
Dù đã muộn, nhưng tôi nghĩ, đó chắc chắn là việc cần phải làm.
Đoạn cao tốc nơi xảy ra tai nạn thảm khốc khiến 3 người chết chỉ tương đương đường cấp III đồng bằng
Bộ Công an từng có công văn đề nghị nghiên cứu hạ cấp khai thác cao tốc Cam Lộ - La Sơn đảm bảo đúng quy định.
Liên quan đến vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế khiến ba mẹ con tử vong thương tâm, rất nhiều ý kiến cho rằng đây không phải là đường cao tốc khi những hình ảnh toàn cảnh của vụ tai nạn này đưa lên mạng.
Cụ thể địa điểm xảy ra vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào lúc 10 giờ ngày 18-2, tại Km48 200 trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế không có dải phân cách, mặt đường quá hẹp và tiềm ẩn tai nạn giao thông thảm khốc bất cứ lúc nào.
Điều này đã được Bộ Công an cảnh báo và có công văn gửi Bộ GTVT khắc phục những bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc từ tháng 10-2023.
Địa điểm xảy ra tai nạn trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn quá hẹp, không có dải phân cách. Ảnh: FB
Bộ Công an sau đó đã chỉ đạo Cục CSGT phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, các Khu Quản lý đường bộ, Công an các đơn vị, địa phương tổ chức khảo sát toàn bộ 11 tuyến cao tốc và đoạn La Sơn - Cam Lộ đang khai thác, sử dụng.
Qua đó đã phát hiện bảy đoạn, tuyến cao tốc chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng, như không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế...
Trên tuyến đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và nhiều vụ va chạm khác...
"Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn La Sơn - Cam Lộ thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông chỉ 2 làn xe, bề rộng đường 23 m, không có dải phân cách giữa, không có làn dừng khẩn cấp, cứ 10 km bố trí một đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, đoạn đường tương đương đường cấp III đồng bằng" - công văn của Bộ Công an nêu.
Theo Bộ Công an, một số tuyến đường trong quá trình khai thác, sử dụng chất lượng bị xuống cấp, hằn lún, lưu thông không êm thuận, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng chậm trễ trong việc khắc phục, sửa chữa, trong đó có đoạn cao tốc La Sơn - Cam Lộ.
Đối với những đoạn, tuyến không có dải phân cách cứng ở giữa luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; những tuyến không có làn dừng khẩn cấp khi xảy sự cố, tai nạn giao thông thì lực lượng chức năng khó tiếp cận điểm xảy ra vụ việc để xử lý ngay. Điều này dẫn tới nguy cơ cao gây tai nạn giao thông liên hoàn và ùn tắc giao thông kéo dài.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu hạ cấp khai thác đoạn, tuyến Cam Lộ - La Sơn đảm bảo đúng quy định. Nguyên nhân thực tế hiện nay tuyến Cam Lộ - La Sơn và tuyến La Sơn - Túy Loan có kết cấu hạ tầng và hệ thống tổ chức giao thông giống nhau nhưng công bố khai thác khác nhau, không phù hợp với việc bố trí lực lượng và khó khăn trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
"Nhiều hành vi vi phạm được quy định xử phạt mức cao đối với đường cao tốc nhưng không quy định xử phạt đối với đường cấp III đồng bằng, dễ gây khiếu kiện khi thực hiện xử lý vi phạm.
Mặt khác, phương án tổ chức giao thông tạm thời trên tuyến này đã hết hạn từ ngày 30-6-2023 đến nay (tháng 10-2023) chưa có phương án mới thay thế nên hệ thống báo hiệu giao thông không còn hiệu lực để phục vụ khai thác hoạt động giao thông và xử lý vi phạm, giải quyết tai nạn giao thông" - công văn của Bộ Công an kết luận.
Trao đổi với PLO, một cán bộ ngành giao thông vận tải cho biết theo quy định đường cấp III đồng bằng có bề rộng nền đường 12 m, mặt đường rộng 11 m. Bao gồm hai làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ mà các địa phương thường đầu tư, xây dựng ở các tuyến huyện lộ.
Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm vi phạm trong vụ tai nạn trên cao tốc khiến 3 người tử vong Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến ba người chết. Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện chỉ đạo khắc phục hậu...