Vân Dung nói về việc Táo quân có màn trao nhầm vương miện
Vân Dung đã có phần chia sẻ về những thông tin về quá trình tập luyện và “tin đồn” quanh nội dung chương trình Táo quân 2016.
Hẹn gặp nghệ sĩ Vân Dung vào thời điểm này rất khó vì chị bận rộn cả ngày – nào là tập kịch, đi diễn, rồi tập Táo quân. Cuộc trò chuyện này cũng diễn ra tranh thủ trong buổi tập vở kịch Quan thanh tra của chị tại Nhà hát Tuổi Trẻ.
“3h sáng tôi mới từ Đài về nhà, rồi lại thức trắng trông con đang bị sốt. Lát nữa tập kịch xong, tôi về nhà đưa cu cậu đi thi. Sau đó đến 15h lại lên xe đi Thái Bình và quay về luôn trong đêm để tập Táo quân đến sáng hôm sau” – Vân Dung chia sẻ.
Chị không giấu diếm chuyện sáng nay đến nhà hát muộn và suýt bị nghệ sĩ Chí Trung mắng mỏ. Nhưng chị liền nói:”Anh chỉ mắng một câu thôi là em ngất ngay đấy!”.
Chưa có kịch bản cho từng Táo
Vân Dung cho biết, thời điểm này, chị gần như kiệt sức. Riêng với Táo quân, anh chị em trong ê-kíp vẫn tập đêm tập ngày. Các Táo đều đã có tuổi, phải thức nhiều đêm nên ai cũng mệt. Nhưng họ vẫn cố gắng vì khán giả, vì chương trình và vì bản thân mình.
Theo chia sẻ của Vân Dung, hiện, ê-kíp mới tập phần mở và kết của chương trình. Còn lại, kịch bản cho từng Táo đều chưa có. Chị cũng từ chối tiết lộ vai diễn mình đảm nhận vì muốn giữ bí mật đến đêm 30.
Sau hơn 10 năm gắn bó với Táo quân, Vân Dung từng đảm nhận nhiều vai khác nhau như Táo Y tế, Táo Giáo dục… Ảnh: VTV
“Những năm trước, các Táo được nhận kịch bản ngay từ đầu. Nhưng khoảng 2 năm nay, cứ đến lượt Táo nào tập, người đó mới được phép cầm kịch bản, nên bản thân diễn viên chúng tôi cũng hồi hộp lắm” – chị nói.
Khi được hỏi về tin đồn Táo quân 2016 có phần tái hiện màn trao nhầm vương miện ở chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Quốc tế, chị đáp: “Tin đồn về Táo quân nhiều lắm, nhưng mọi người đồn thổi cho vui, để khán giả hồi hộp và mong chờ, rồi chung vui với ê-kíp chúng tôi vào đêm Giao thừa”.
Trong dàn diễn viên đóng Táo, Vân Dung và Minh Hằng là hai nghệ sĩ nữ hiếm hoi. Năm nay, Minh Hằng lại vắng mặt do bận lưu diễn cùng đoàn. Hỏi Vân Dung có thấy cô đơn, chị bộc bạch: “Chị Hằng không tham gia cũng hơi tiếc, nhưng ngược lại tôi biết chị vẫn hạnh phúc vì được mang niềm vui đến cho đồng bào xa Tổ quốc. Khán giả có thể sẽ gặp chị vào năm sau. Bên cạnh đó, cánh cửa Táo quân cũng luôn mở cửa cho những nhân tố mới, miễn sao mọi người có sức khỏe, thời gian và không cân nhắc về cát-xê”.
Cây hài đất Bắc kể, ngoại trừ những vai đóng đinh, nhân sự Táo quân thường thay đổi liên tục: “Cũng giống như kịch bản, cứ 30 phút lại thay. Nếu thử vai không hợp thì sẽ đổi, cho nên tôi không thể bật mí trước điều gì”.
Hỏi Vân Dung tham gia Gặp nhau cuối năm mệt như vậy, có khi nào chị muốn từ bỏ, nữ nghệ sĩ giãi bày: “Đó là nhiệm vụ cao cả, làm sao mà bỏ được, mệt cũng phải cố!”.
Video đang HOT
Bị chê cũng là điều tốt
Hơn 10 năm nay, Táo quân là món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả mỗi dịp Tết đến xuân về. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều ý kiến nhận xét chương trình ngày càng nhạt, kịch bản thiếu hấp dẫn. Đưa chuyện này nói với Vân Dung, chị tâm sự: “Năm nào bị chê tơi tả, anh em chúng tôi đi ra ngoài rất buồn và tủi thân. Nhưng buồn một tý rồi lại cười tươi. Tôi luôn nghĩ tích cực, phải vui để lấy lại tinh thần làm việc”.
Nữ diễn viên quan niệm nghệ sĩ là người làm dâu trăm họ, khó có thể làm hài lòng tất cả. Với chị, những điều chê cũng là điều tốt vì khán giả có quan tâm, yêu quý và xem mình diễn, họ mới nhận ra khiếm khuyết.
“Không ai có thể làm trọn vẹn mọi việc, có lúc mình làm hay, có lúc làm dở. Con người cũng như máy móc, hoạt động nhiều quá sẽ đến lúc phải hỏng. Bộ não không thể lúc nào cũng chạy tốt, có lúc ốm đau, rệu rã. Tôi luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến khen chê của khán giả để rút kinh nghiệm” – Vân Dung chia sẻ.
Vân Dung và NSƯT Minh Hằng là hai Táo bà quen thuộc của Gặp nhau cuối năm. Ảnh: FBNV
“Nghiệp diễn giống như quy luật cuộc sống – lúc lên, lúc xuống. Lúc lên thì mình vui, lúc xuống cũng cứ vui thôi! Nếu cứ ngồi nghĩ xem mọi người nhận xét thế nào, mình không thể tiến lên được” – chị chiêm nghiệm.
Vân Dung cho rằng kịch bản hay hoặc dở còn phụ thuộc vào các sự kiện diễn ra trong năm. Nhưng với sự động viên, tận tâm theo dõi của khán giả, ê-kíp luôn cố gắng làm cho hay, “không có bột cũng cố gột nên hồ”.
Đề cập đến chuyện có bao giờ cao hứng biến tấu kịch bản trong lúc diễn, chị hào hứng kể: “Có chứ, nhưng phải trong khuôn khổ, không thể vượt qua quy chuẩn hoặc nói linh tinh. Táo quân giống như bản tổng kết năm, nhất là những con số đều phải chính xác. Chúng tôi chỉ bịa những lời thoại vui vui thôi”.
Khóc vì bế tắc, không thuộc lời thoại
Buổi trò chuyện của người viết và nghệ sĩ Vân Dung thỉnh thoảng bị cắt ngang bởi những phân đoạn kịch có mặt chị. Danh hài tâm sự vai diễn ởQuan thanh tra là vai áp lực nhất trong sự nghiệp của chị. Do quá bận, chị chỉ có vỏn vẹn 3 ngày tập, trong khi những đồng nghiệp đã tập trước một tháng rưỡi.
“Năm nay tôi cũng 41 tuổi rồi, đây là lần đầu tiên đảm nhận một vai dài, cổ điển và kinh điển như thế. Như bạn biết đấy, trước đây, tôi chỉ đóng các tiểu phẩm hài. Khi đoàn chuẩn bị chạy vở rồi, tôi mới bắt đầu tập thoại. Với những vở kinh điển của thế giới như Quan thanh tra, mọi người thường phải tập trong vòng 2-3 tháng. Tôi không có nhiều thời gian nên rất áp lực, hoang mang. Ba ngày cho một vở dài hơi thì quá sức tưởng tượng với tôi. Đã có lúc sát ngày sơ duyệt, tôi bật khóc vì bế tắc quá, không thể thuộc lời. Bình thường mình là người thuộc lời thoại khá nhanh” – Vân Dung trải lòng.
Hình ảnh Vân Dung trong vở kịch Quan thanh tra. Ảnh: NVCC
Táo Y tế cho biết đến lúc này, mọi thứ gần như đã đâu vào đấy, chị “cảm giác như cả trái núi rơi khỏi đầu”.
Trước câu hỏi, “Năm 2015, các chương trình hài nở rộ trên truyền hình, tại sao không thấy chị xuất hiện?”, cây hài đất Bắc chia sẻ: “Các gameshow của công ty tư nhân, họ hay mời nghệ sĩ hài phía Nam. Nếu mời diễn viên ngoài này, lại phải lo kinh phí máy bay đi lại, ăn ở. Ngoại trừ chương trình Ơn giời, cậu đây rồi! có sự tham gia của Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long”.
Chị cho rằng càng nhiều chương trình hài, càng tốt cho anh chị em nghệ sĩ, vì từ trước đến nay chỉ nhiều chương trình ca nhạc. Và chị sẵn sàng nhận lời nếu được mời: “Tôi nghĩ chắc chẳng ai từ chối, đó cũng là nơi để các nghệ sĩ tụ tập, gặp gỡ. Cái gì cũng có mặt phải và mặt trái, khi có món ăn mới thì nên thử. Đã là diễn viên phải thử tất cả chương trình nếu có thời gian và sức khỏe”.
Theo Zing
Sức hút của Táo Quân trong suốt 12 năm
12 năm là khoảng thời gian chưa dài nhưng cũng không phải ngắn, đủ chứng minh sức hút bền bỉ cua môt chương trình. Vậy đâu là yếu tố làm nên sự thành công nay?
Chương trình thường niên
Tiền thân là chương trình hài kịch, thực tế Gặp nhau cuối tuần được phát sóng hàng tuần, nhưng vì những lý do riêng mà sau đó chương trình chỉ gặp lại khán giả mỗi năm một lần với tên gọi Gặp nhau cuối năm (khán giả vẫn quen miệng gọi là Táo Quân như một thương hiệu riêng của chương trình giữa vô số màn hài kịch mùa cuối năm). Tính từ số đầu tiên vào năm 2003 cho đến nay, Gặp nhau cuối năm đã sắp bước sang tuổi thứ 12 bằng sự tin yêu của đông đảo người xem truyền hình cả nước.
Ngọc Hoàng cùng hai vị Nam Tào - Bắc Đẩu đã trở thành "người quen" dịp cuối năm với các gia đình Việt.
Lên sóng đều đặn vào 20 giờ ngày cuối năm Âm lịch và phát lại liên tục trong các ngày Tết, nhờ vậy mà Táo Quân được mọi người, mọi nhà biết đến như một "đặc sản". Sức nóng của thương hiệu này không chỉ thể hiện qua con số rating (chỉ số người xem) mà còn nằm ở những đường link chia sẻ trên mạng xã hội.
Điển hình là năm vừa qua, khi nhà sản xuất VFC bắt đầu chú trọng vào việc bảo vệ bản quyền chương trình trên internet theo hình thức xem có phí thì đây cũng là lúc người ta ghi nhận sự bùng nổ của việc phát hành lậu. Khoan hãy bàn đến ý thức về bản quyền nhưng rõ ràng chẳng ai tốn công tìm đủ mọi cách chỉ để sao chép một chương trình truyền hình nếu họ không thực sự yêu thích nó.
Sân khấu hóa những vấn đề xã hội
Táo Quân được mệnh danh là "đặc sản" truyền hình cũng bởi sự hấp dẫn và hương vị riêng khó quên, không lẫn vào đâu được. Hấp dẫn khi khán giả có được sự giải trí trong một ngày cuối năm tất bật, còn khó quên ở chỗ chương trình mang đến nhiều tình huống hài hước, châm biếm liên quan tới những vấn đề nổi cộm trong xã hội khiến người xem ít nhiều phải suy nghĩ.
Lấy cảm hứng từ sự tích Táo Quân về trời, sân khấu Gặp nhau cuối năm là buổi chầu nơi các Táo báo cáo với Ngọc Hoàng những việc mình đã làm thuộc các lĩnh vực trong đời sống xã hội như kinh tế, văn hóa, giao thông, điện lực, y tế... Nhiều khán giả nhận xét Gặp nhau cuối năm như nói thay suy nghĩ của người dân khi hằng ngày phải đối mặt với những điều bức xúc trong cuộc sống nhưng chẳng biết kêu ai.
Một chương trình luôn tồn tại những điểm hay và không hay tùy theo góc độ đánh giá khác nhau. Có những số Gặp nhau cuối năm bị khán giả chê là nhàn nhạt, nhưng cũng có những kỳ chương trình bị cắt đoạn tả tơi hay bị "tuýt còi" trước ngày lên sóng vì đưa vào nhiều vấn đề nhạy cảm. Mang một đề tài rộng lớn lên sân khấu, cái khó của biên kịch, đạo diễn, nghệ sĩ truyền hình là phải làm sao vừa thỏa lòng khán giả vừa phải đảm bảo không vượt quá giới hạn trong việc kiểm duyệt nội dung.
Những ca khúc chế bất hủ
Góp phần làm nên thành công của Gặp nhau cuối năm còn phải kể đến những ca khúc chế được thể hiện bởi các nghệ sĩ sân khấu. Thường là những ca khúc chế đều có công thức chung là sự kết hợp của một nền nhạc quen thuộc với lời viết lại theo chủ đề mới.Đơn cử là những ca khúc như Y tế xinh (Con bướm xuân) khi đề cập đến những tiêu cực trong ngành Y tế hay chuyện thủy điện xả lũ trong bàiKhông cảm xúc của táo Điện Lực, bản hit Một năm kinh tế buồn (Gangnam Style)... Thật không khó để kiểm chứng sự phổ biến của nhạc Táo Quân vì cứ sau mỗi mùa Tết thì các ca khúc này luôn nằm trong bảng xếp hạng nhạc chuông, nhạc chờ hot.
Âm nhạc làm nên một chương trình Táo Quân - Gặp nhau cuối năm hoàn toàn khác biệt bởi sự sinh động, lôi cuốn. Bên cạnh các ca khúc vừa độc vừa lạ phải kể đến những phần trình diễn minh họa đầy ngẫu hứng của các Táo lên chầu Ngọc Hoàng khiến khán giả được phen cười thỏa thích.
Quy tụ loạt danh hài nổi tiếng
Khán giả thích xem Gặp nhau cuối năm một phần vì yêu thích nét duyên sân khấu của các nghệ sĩ hài tên tuổi như Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý, Chí Trung, Vân Dung... Gặp nhau cuối năm tạo ấn tượng sâu sắc trong mỗi khán giả khi nhắc đến Ngọc Hoàng là nhớ ngay đến diễn viên Quốc Khánh, Xuân Bắc chuyên thủ vai Nam Tào, Công Lý lại gắn liền hình ảnh Bắc Đẩu.
Các nghệ sĩ gạo cội đã đồng hành cùng chương trình suốt hơn 1 thập kỉ qua.
Tuy nhiên điều mà ai cũng nhận ra, đó là Gặp nhau cuối năm đang dần đi vào lối mòn khi giữ nguyên vị trí đào kép suốt từng ấy thời gian mà ít có sự thay mới. Một gợi ý nhỏ mà nhà sản xuất có thể cân nhắc, đó là đừng để Táo Quân trở thành sân khấu độc diễn của nghệ sĩ phía Bắc mà sự góp mặt của các danh hài miền Nam biết đâu sẽ mang đến một luồng gió mới cho "Thiên Đình".
Trong vô vàn những chương trình giải trí Xuân, Gặp nhau cuối năm - Táo Quân vẫn là lựa chọn của đông đảo người xem. Để đáp lại tình cảm đó thì giới nghệ sĩ vẫn hết lòng với chương trình dù "có tiếng mà không có miếng". Một mùa Tết lại gần kề cũng là lúc sân khấu Táo Quân sẽ có những buổi tối sáng đèn tập luyện nhằm phục vụ khán giả và lên sóng đúng hẹn vào đêm giao thừa. Phía khán giả thì cũng hi vọng lời đồn cấm diễn sẽ mãi không thành sự thật.
Theo Hiếu Nam/Baodatviet.vn
MC Thảo Vân và những điều chưa kể về Táo Quân MC Thảo Vân có những chia sẻ rất riêng về Công Lý, Quốc Khánh, Xuân Bắc - những người chị đã gắn bó trong suốt hơn 10 năm tham gia Táo Quân. Nổi tiếng từ những chương trình Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm, Táo Quân... MC Thảo Vân đã có gần 15 năm gắn bó với ê-kíp những người thực...