Vân Dung: ‘Đóng vai không thoại cũng vui’
Là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng Vân Dung không nề hà khi được mời vào một vai quần chúng trong phim ‘ Những ngày không quên’.
- Là một nghệ sĩ nổi tiếng, lý do gì khiến chị nhận vai nhỏ như bà buôn lợn trong phim ‘Những ngày không quên’?
- Từ trước đến giờ, đạo diễn Đỗ Thanh Hải giao vai gì tôi cũng nhận. Kể cả được giao vai không có thoại hay làm quần chúng tôi cũng chẳng thấy có vấn đề gì cả. Hơn hai mươi năm nay, tôi vẫn luôn như thế, đóng vai không thoại cũng thấy vui. Hơn nữa, đây là phim tuyên truyền phòng chống Covid-19 nên tôi càng không có lý do gì để từ chối.
- Đối với chị, vai diễn này đặc biệt như thế nào?
- Đây là vai quần chúng, ban đầu không có thoại nhưng đạo diễn Đỗ Thanh Hải thấy thương vì tôi đi 30 km mới đến đoàn phim mà chỉ có hình không có tiếng thì tội quá nên đã bảo êkíp viết thêm cho tôi vài câu thoại. Phim này vừa quay vừa viết kịch bản nên đạo diễn đã đồng ý viết cho tôi thêm một số phân đoạn. Đoàn phim hay đùa rằng tôi giỏi đi cửa sau nên mới có thể biến bà buôn lợn không thoại thành vai có tên có tuổi, đi cà khịa khắp làng, chỗ nào cũng thấy có mặt.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hài thì đùa rằng Vân Dung có triển vọng trở thành một diễn viên truyền hình nổi tiếng nên quyết định biến vai quần chúng không lời của tôi thành có lời. Anh ấy bảo tôi cứ cố gắng lên rồi 5 năm nữa sẽ cho vai nhiều thoại hơn. Vì thế, tôi chỉ biết cố gắng thôi (cười).
Vân Dung ở hậu trường phim ‘Những ngày không quên’.
- Khán giả phản hồi thế nào về vai diễn này của chị?
- Tôi thấy rất lạ vì vai này rất bé nhưng lại được nhiều khán giả quan tâm. Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi không hiểu sao vai bà buôn lợn lìu tìu mà lại mọi người lại thích thế (cười). Tôi cảm thấy rất vui vì vai của mình ban đầu chỉ là một nhân vật không có tên, không có thoại mà cuối cùng lại trở thành người được khán giả chú ý.
- Chị đã chuẩn bị cho vai diễn này thế nào?
- Lâu lắm rồi tôi mới xuất hiện trên truyền hình trong hình hài của một bà nông dân. Nhận vai trong thời kỳ cách ly xã hội, không thể đi mua sắm được nên tôi khá khó khăn trong chuyện tìm phục trang. Tôi đã phải lục tung tất cả các tủ quần áo của mình lên mới tìm được một chiếc áo sơ mi trông nông dân nhất có thể. Vì vậy, mọi người ở đoàn hay trêu tôi sao nghèo đến mức cứ mặc đi mặc lại một cái áo không chịu thay đổi.
Video đang HOT
Đây là vai nhỏ nhưng tôi luôn nghiêm túc trong mọi cảnh quay. Thế nhưng, cứ khi nào tôi xuất hiện là mọi người trong đoàn lại lăn ra cười. Quay phim nhiều lúc cũng cười rung người, phải nghỉ giữa chừng. Nhiều lúc tôi phải tự hỏi hay mặt mình có gì bất thường nhưng soi gương thì chẳng thấy gì cả. Tôi cũng không hiểu sao mình đóng ghê gớm mà mọi người cứ cười lăn cười bò như thế. Hầu hết các phân đoạn của tôi đều phải quay đi quay lại nhiều lần mới thành công, chẳng bao giờ một đúp ăn luôn vì cả êkíp cứ mải cười.
- Chị suy xét như thế nào khi nhận một vai nhỏ như vậy trong thời gian cách ly xã hội, khi những nguy cơ về sức khỏe luôn rình rập?
- Tôi không có thời gian để suy xét nhiều. Được phía sản xuất thông báo rằng đây là bộ phim làm để tuyên truyền phòng chống Covid-19, tôi liền nhận lời luôn. Cả đoàn phim, từ đạo diễn, quay phim, kỹ thuật… đều có mặt thì tôi hà cớ gì mà không đi. Nếu từ chối một bộ phim tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về dịch bệnh để giữ sức khỏe cho mình thì tôi cá nhân và ích kỷ quá. Nhìn các bác sĩ ngày ngày chăm sóc bệnh nhân, các chú bộ đội và thanh niên tình nguyện phục vụ ở các khu cách ly càng khiến tôi có thêm động lực để cố gắng hơn. Tôi ý thức được rằng những lúc nước sôi lửa bỏng như thế, mình càng không thể từ chối mà lùi về phía sau để lo cho bản thân và gia đình được. Mỗi người trong xã hội đều phải đóng góp một chút thì công cuộc chống dịch mới thành công được.
Làm phim trong thời gian cách ly xã hội, đoàn đi đến đâu bị đuổi đến đó nhưng chúng tôi vẫn vui lắm. Càng khó khăn, chúng tôi càng làm việc nhiệt tình hơn.
- Tại sao lại đi đến đâu bị đuổi đến đó?
- Khi ấy, người dân một số địa phương chưa có dịch rất e ngại người Hà Nội và e ngại chúng tôi mang bệnh ở thủ đô về cho họ nên không cho quay. Chúng tôi cứ bị đuổi từ chỗ này sang chỗ kia, đi đến đâu cũng bị xa lánh. Đến khi đại diện đoàn giải thích rằng cả êkíp đều tuân thủ công tác phòng dịch và đây là phim tuyên truyền thì các cô, các bác mới thông cảm.
Diễn viên Vân Dung.
- Đi đóng phim trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị sắp xếp gia đình như thế nào khi nhà chỉ có hai mẹ con?
- Con trai tôi năm nay 18 tuổi, đã tự lo được cho bản thân nên tôi không có gì phải lo cả. Bạn ấy đã quen với việc mẹ vắng nhà gần 20 năm rồi.
- Chị giúp con tự lập từ sớm thế nào?
- Từ năm 4-5 tuổi, con trai tôi đã phải tự tắm, tự xúc ăn rồi dần dần quen tự làm tất cả. Từ nhỏ, con trai tôi đã biết xoay xở cuộc sống rất tốt. Có lần tôi đi công tác xa 4-5 ngày mà quên để tiền ở nhà cho con, bạn ấy cũng biết đường sang nhà bà ngoại vay tiền để mua đồ ăn hàng ngày. Hiện tại, con trai tôi đã là sinh viên khoa diễn xuất của trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.
- Khi con lựa chọn nghề nghiệp, chị định hướng cho con thế nào?
- Tôi chưa bao giờ định hướng con theo nghề này. Đó là sở thích của bạn ấy từ ngày học lớp một. Nhà tôi có luật bất thành văn là không ai ép buộc ai phải làm theo ý mình, mỗi người tự do theo đuổi ước mơ của bản thân.
Nhiều năm lăn lộn trong nghề, tôi biết làm diễn viên rất vất vả, nhất là đối với đàn ông khi phải gánh trên vai cả gia đình. Ngày con chọn con đường này, tôi chỉ bảo con hãy chuẩn bị sẵn tinh thần là làm nghệ thuật nếu không nổi tiếng thì sẽ rất nghèo. Ai chẳng thích làm diễn viên, ca sĩ nổi tiếng vì hào quang quá lớn nhưng phải xét về khả năng của mình. Nếu con đã chọn thì phải chấp nhận, có chuyện gì xảy ra cũng không kêu được ai cả. Tôi cũng dạy con đã chọn thì phải nỗ lực hết sức để biến ước mơ của mình thành hiện thực.
- Là một nghệ sĩ nổi tiếng với nhiều năm kinh nghiệm, chị truyền kinh nghiệm gì cho con?
- Với con, thầy cô giáo là nhất chứ không phải tôi (cười). Tôi chỉ có kinh nghiệm bao năm đúc kết của người diễn viên kỳ cựu thôi chứ không thể cho con kiến thức cơ bản như ở trường nên không bao giờ can thiệp vào chuyện đi học của con. Tôi có thể cho con lời khuyên nhưng tuyệt đối tôn trọng ý kiến của các thầy cô giáo cũng như giáo trình ở trường của bạn ấy.
NTK Đức Hùng trằn trọc không ngủ được khi biết tin Táo quân dừng sản xuất
"Yêu mãi gia đình Táo! Bao kỷ niệm đẹp và ý nghĩa sẽ in mãi trong sự nghiệp của tôi...", NTK Đức Hùng chia sẻ.
NTK Đức Hùng trằn trọc không ngủ được khi biết tin Táo quân dừng sản xuất.
Thông tin chương trình "Gặp nhau cuối năm - Táo quân" ngừng sản xuất và sẽ được thay thế bằng một chương trình nghệ thuật khác vào đêm Giao thừa Tết âm lịch 2020 khiến NTK Đức Hùng - người thiết kế trang phục cho dàn Táo quân không khỏi tiếc nuối. Trên trang cá nhân, NTK Đức Hùng chia sẻ loạt hình ảnh ghi lại những kỷ niệm của anh với "gia đình Táo". Đi kèm với những bức ảnh này, người thiết kế trang phục cho Táo quân tiết lộ tâm trạng buồn, lưu luyến khi biết tin Táo quân chính thức ngừng sản xuất sau 16 năm.
"Khi biết Táo Quân sẽ dừng lại không phát sóng dịp Tết 2020... Từng này tuổi rồi mà cứ như trẻ con vậy, như mất một cái gì đó quý lắm mà đi tìm cả ngày chưa thấy. Loay hoay tìm đến mức mà đêm qua cứ trằn trọc không ngủ được, mong trời sáng để viết thật nhiều chia sẻ về Gặp nhau cuối năm - một chương trình mà tôi rất may mắn được tham gia cùng em trong suốt bao năm qua!", NTK trang phục cho dàn Táo quân chia sẻ.
Hình ảnh NTK Đức Hùng bên dàn Táo quân một thời.
Tiếp lời, NTK Đức Hùng gửi lời cảm ơn đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã cho anh có cơ hội được làm việc, sáng tạo và có nhiều kỷ niệm đẹp: "Yêu mãi gia đình Táo! Bao kỷ niệm đẹp và ý nghĩa sẽ in mãi trong sự nghiệp của tôi. Nhớ những ngày lên bản thiết kế, đêm hôm lo lắng chọn vải và phụ kiện, thêu áo sao cho đẹp, làm sao để các nghệ sỹ thật long lanh trong buổi trầu cuối năm, làm sao để khán giả xem xong và khen ngợi, làm sao để khán giả cả nước yêu quý chương trình.
Tất cả vì khán giả yêu thương. Hôm nay khép lại để nhớ mãi, khép lại để mở ra những sáng tạo tuyệt vời hơn. Mãi yêu và mong ngày được tiếp tục cùng các Táo hội ngộ".
Ngay sau khi đăng tải, dòng chia sẻ và hình ảnh của NTK Đức Hùng bên "gia đình Táo" thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người bày tỏ cảm xúc tiếc nuối trước thông tin Táo quân dừng sản xuất.
Trước đó, nghệ sĩ Vân Dung mượn lời bài thơ "chế" để nói lên cảm xúc tiếc nuối khi Táo quân chính thức dừng sản xuất: "Mỗi năm hoa đào nở/ Là các Táo lên chầu/ Năm nay đào vẫn nở/ Mà chả thấy Táo đâu...
Biết là ngày này sẽ đến nhưng thà cứ âm thầm đến thì mình đỡ đau lòng hơn nhỉ! 16 năm yêu nhau, ăn ngủ cùng nhau, cãi nhau giận hờn... Để rồi bây giờ lại bảo chia tay là như nào? Cuộc sống và hạnh phúc của mình gắn liền với Táo... Chỉ 1 tháng nữa thôi mình sẽ ngẩn ngơ chả biết đi đâu...về đâu bây giờ. Đừng ai hỏi thì chỉ âm thầm đau thôi... Nhiều ng hỏi quá làm mình không chịu được. Em không thích Táo kết thúc đâu các anh chị ơi! Em đau lòng lắm! Buồn lắm đi thôi!".
Theo Danviet.vn
Chuyện "thâm cung bí sử" chẳng mấy ai hay qua 16 mùa Táo Quân: Ký ức đẹp bên mâm cơm đêm 30 Tết cũng đầy sóng gió Việc Xuân Bắc từng "dọa dẫm" đạo diễn để được đóng vai Thiên Lôi hay vai diễn Ngọc Hoàng chỉ được đóng khung cho Quốc Khánh,.. là những câu chuyện hậu trường chưa được bật mí ở các mùa Táo Quân. "Gặp nhau cuối năm" hay còn được gọi với cái tên thân mật Táo Quân là một "buổi chầu" để các Táo...