Vẫn dùng điều khoản BLHS 2015 có lợi cho người phạm tội
Ba luât, bộ luật khác bị lùi theo là do có viên dân môt sô quy định của BLHS 2015 chứ bản thân các đạo luât này không có sai sót.
Sáng 30-6, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố nghị quyết của Quốc hội (QH) về việc lùi thời hiệu thi hành của BLHS 2015, BLTTHS 2015, Luật Tổ chức CQĐT hình sự 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 và bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Áp dụng quy định có lợi cho bị can, bị cáo
Theo nghị quyết này, BLHS 1999, BLTTHS 2003, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004, Nghị định 89/1998 ban hành quy chế về tạm giữ, tạm giam sẽ tiếp tục được áp dụng cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 có hiệu lực thi hành.
Kể từ thời điểm 1-7-2016, các cơ quan tố tụng thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội, chẳng hạn các điều khoản của BLHS năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, xóa bỏ một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích… Hay không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà BLHS 2015 đã bỏ hình phạt tử hình, đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử…
Các quy định của BLTTHS 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015 và Nghị quyết số 109/2015 theo đó cũng sẽ được áp dụng.
Nghị quyết nói trên của QH được ban hành chiều 29-6, tức chỉ hai ngày trước thời điểm những luật nói trên có hiệu lực (1-7-2016). Lý do bởi “qua phản ánh của cử tri và kiến nghị của các cơ quan áp dụng pháp luật thì BLHS có một số sai sót”. Đây được coi là nghị quyết cuối cùng của QH khóa 13 và lần đầu tiên, một nghị quyết được ban hành không phải trong phiên họp toàn thể.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung (giữa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Luật (phải) và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng tại buổi họp báo về BLHS 2015. Ảnh: ĐỨC MINH
Chủ yếu là lỗi kỹ thuật
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết những sai sót của BLHS 2015 thể hiện ở các dạng chủ yếu: Một số quy định thuộc Phần những quy định chung của BLHS mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với quy định tại phần các tội phạm; bỏ sót định lượng, trùng định lượng (về giá trị tiền, giá trị thiệt hại về tài sản, định lượng ma túy, khối lượng xả thải ra môi trường…) và do cách quy định không thống nhất về hậu quả xảy ra, ảnh hưởng đến nội dung, chính sách xử lý hình sự; có hai cấu thành định tội trong cùng một điều luật, dẫn đến không thống nhất về kỹ thuật lập pháp với các điều khác trong cả bộ luật.
Video đang HOT
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Luật cho hay những sai sót trong BLHS 2015 chủ yếu là sai sót về mặt kỹ thuật. Những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách hình sự không sai. Tuy nhiên, những lỗi kỹ thuật này lại ảnh hưởng đến quá trình áp dụng thống nhất pháp luật hình sự, ảnh hưởng đến việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, có nguy cơ dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan, sai…
Ông Luật cũng cho biết hơn 90 lỗi được phát hiện lần này mới chỉ là kết quả rà soát bước đầu. Các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục rà soát với tinh thần không bỏ sót, không để lọt, không để xảy ra trường hợp trình QH khóa 14 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 lại xảy ra các lỗi tiếp theo.
Ông Luật cũng khẳng định lý do lùi thời hiệu thi hành ba luật khác do có viện dẫn một số quy định của BLHS 2015 chứ các đạo luật này không có sai sót.
Thu hồi các ấn phẩm về BLHS 2015
Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Đỗ Mạnh Hùng và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Luật đều thừa nhận việc để xảy ra lỗi trong BLHS có trách nhiệm của các đại biểu QH, trong đó có lỗi của cá nhân ông khi bấm nút thông qua bộ luật này.
“Tới đây sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan có liên quan, nhất là cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Việc có xin lỗi nhân dân hay không, QH sẽ có quyết định, trên cơ sở làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan” – ông Hùng nói thêm.
Trước câu hỏi về hướng xử lý các ấn phẩm in BLHS 2015 đã phát hành, ông Đỗ Mạnh Hùng khẳng định “chắc chắn là phải thu hồi” theo quy định của Luật Xuất bản. Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết hiện chưa có báo cáo cụ thể về số lượng sách in BLHS 2015 đã phát hành. “Chúng tôi sẽ trao đổi với Nhà xuất bản Tư pháp, chắc chắn sẽ có xử lý thỏa đáng, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người mua sách, xem xét trả lại tiền nếu họ có yêu cầu” – Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nói.
Tới đây sẽ công bố BLHS 2015 hay 2016? Sai sót của BLHS 2015 đã đưa QH vào một cơ chế chưa từng có trong tiền lệ: Nghị quyết về việc lùi thời hiệu thi hành của BLHS 2015… không được ban hành tại kỳ họp thường kỳ hay kỳ họp bất thường. Những vấn đề này lẽ ra phải được thảo luận và quyết định tại phiên họp toàn thể. Đành rằng có việc đại biểu nghiên cứu tài liệu, xem tờ trình, trực tiếp bỏ phiếu, có tập hợp, công bố kết quả… nhưng cách làm này chưa được dự liệu. Trong tình hình nước sôi lửa bỏng thì cách làm này có thể nhận được sự đồng thuận của nhiều người nhưng nếu tính về nguyên tắc “cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” thì việc này chưa ổn. Nên chăng QH cần tính tới việc hợp pháp hóa phương thức này! Trong nghị quyết có bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 vào chương trình làm luật, pháp lệnh năm 2016. Thực tế Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng chưa dự liệu trường hợp sửa đổi một luật đã được QH thông qua, công bố nhưng lại chưa có hiệu lực. Vậy tới đây sẽ công bố BLHS 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 hay là công bố một BLHS 2015 mới có cập nhật những nội dung được sửa đổi, hay công bố BLHS 2016? Bởi trước giờ ta chỉ sửa đổi, bổ sung luật đang có hiệu lực chứ chưa có quy định việc sửa đổi, bổ sung một luật chưa có hiệu lực thi hành… TS LÊ HỒNG SƠN, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp
ĐƯC MINH
Theo PLO
Sai sót trong Bộ luật hình sự 2015: Nguyên nhân?
Ngoài gần 500 đại biểu Quốc hội, những đơn vị liên quan như ban soạn thảo, thẩm tra... cũng có trách nhiệm liên quan.
Tại nhà Quốc hội (QH) ở Hà Nội ngày 28-6 diễn ra một thủ tục đặc biệt: Không phải phiên họp toàn thể nhưng nhiều đại biểu cư trú ở thủ đô tới thùng phiếu đặt trong hội trường bỏ phiếu kín.
Bốn đạo luật phải lùi thời điểm có hiệu lực
Cùng lúc, tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác, các đoàn đại biểu QH triệu tập cuộc họp. Tất cả đều xoay quanh tờ trình của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH cùng một dự thảo nghị quyết kèm theo về việc lùi hiệu lực thi hành cùng lúc bốn đạo luật: BLHS, BLTTHS, Luật Tổ chức CQĐT hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Đây là những luật được QH thông qua cuối năm 2015 và lẽ ra sẽ có hiệu lực vào 1-7 tới nếu không vì hàng loạt sai sót trong BLHS mới ban hành.
Việc lùi hiệu lực thi hành BLHS 2015 cùng các luật, bộ luật nói trên để QH có thời gian sửa chữa là điều đang bàn. Nhưng cần thấy rằng ngay trong đạo luật nhiều sai sót này vẫn có những giá trị rất nhân văn, tiến bộ: Hàng loạt hành vi được phi hình sự hóa, mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội...
Một phiên tòa tại TAND TP.HCM xử tội phạm ma túy, nhóm tội có sai sót lớn trong BLHS 2015 mà báo Pháp Luật TP.HCM từng chỉ ra. Ảnh: T.TÙNG
Giải pháp mà UBTVQH đề xuất là trong nghị quyết về lùi hiệu lực cũng nói rõ luôn là vẫn giữ nguyên thời hạn hiệu lực từ ngày 1-7 với các quy định có lợi cho người phạm tội. Đây cũng là tinh thần của Nghị quyết 109 của QH về thi hành BLHS 2015 được ban hành cuối năm 2015 và giờ được sửa đổi để tiếp tục hiệu lực cho đến khi hoàn tất sửa chữa các sai sót trong BLHS. Nói cách khác, BLHS và các luật liên quan hiện hành sẽ tiếp tục có hiệu lực và song song là hiệu lực của các quy định tiến bộ, nhân văn trong BLHS 2015 được áp dụng.
Tiến độ căng nên khó tránh khỏi sai sót
Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm về những sai sót của BLHS?
Bàn về vấn đề này, TS Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh QH, cho rằng quy trách nhiệm cho những sai sót này thế nào là rất khó. "Thẳng thắn mà nói, đầu tiên là trách nhiệm của gần 500 đại biểu QH. Mỗi người khi bấm nút đã thực sự đọc hết dự thảo chưa, hiểu hết dự thảo chưa? Khi thấy có sai sót, tại sao không mạnh mẽ lên tiếng? Quy trình lập pháp luôn yêu cầu ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra trao đổi, thống nhất với nhau, ý kiến khác thế nào cần rõ ràng. Vậy ở mỗi bước của dự thảo, các thành viên liên quan đã ký vào đó thì trách nhiệm thế nào?"- ông Nhã nói.
Ông Nhã cũng cho biết: "Theo dõi quá trình soạn thảo, cho ý kiến, thông qua BLHS 2015, tôi thấy dự thảo mà ban soạn thảo bên Chính phủ trình sang không có nhiều sai sót như thế. Có lẽ khi sang QH, ý kiến của đại biểu nhiều quá, đa dạng quá, lại đòi hỏi cụ thể hóa ở mức độ cao hơn rất nhiều luật hiện hành, làm cho Ủy ban Tư pháp khi tiếp thu trở nên bị động, lúng túng".
Theo ông Nhã, so sánh với luật hiện hành thì BLHS mới đồ sộ, chi tiết hơn rất nhiều. Vì là một bộ luật lớn, lại mong muốn sửa đổi cơ bản, chi tiết đến mức gần như không cần hướng dẫn thi hành nữa nên trong thảo luận, một số đại biểu đã đề nghị QH kéo dài thời gian lên ba kỳ họp, thay vì quy trình hai kỳ họp thông thường. Nhưng có vẻ đa số vẫn muốn hoàn thành chương trình lập pháp cả khóa, thành ra "chuối chín ép".
Ông Nhã cho rằng một đạo luật thông qua có sai sót thì trước hết là cộng đồng trách nhiệm của QH, của UBTV, là trách nhiệm của từng thành viên ban soạn thảo, của từng thành viên ủy ban thẩm tra và cả ủy ban gác cổng về kỹ thuật lập pháp. "Xác định trách nhiệm, rút kinh nghiệm, phát hiện khiếm khuyết của quy trình lập pháp... là điều rồi sẽ phải làm. Nhưng trước mắt, có lẽ nên tập trung để sửa sai đã. Làm sao BLHS tới đây sửa chữa xong là áp dụng được ngay, không gây tranh cãi và có giá trị ít nhất 10 năm nữa không phải sửa đổi"- ông Nhã nói.
Trong khi đó, đại biểu QH Trần Văn Độ, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, cũng cho hay khi thảo luận ở QH, ông đã cảm nhận dự thảo BLHS không ổn.
"Chính sách hình sự có đổi mới, khá tiến bộ nhưng kỹ thuật thể hiện ở từng khâu của quy trình lập pháp có vấn đề. Phương pháp biên tập thiếu khoa học, tiến độ lại căng quá trong khi nhiều nội dung rất chi tiết, cần nhiều thời gian để rà soát, kiểm tra... Cho nên sai sót là khó tránh khỏi. Nhưng đã sai là phải sửa. Tôi bỏ phiếu tán thành dự thảo nghị quyết lùi hiệu lực các luật này để sửa BLHS"- ông Độ cho biết.
Người trúng cử đại biểu QH khóa XIV Nguyễn Đức Sáu (Đoàn đại biểu QH TP.HCM) thì cho rằng đây là bài học cho các đại biểu QH.
"UBTVQH cũng đã thừa nhận những sai sót trong công tác xây dựng pháp luật dẫn đến không thể áp dụng ngay BLHS theo mốc có hiệu lực đã định. Có thể xem đây là bài học sâu sắc để đại biểu QH luôn luôn ghi nhớ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như tham gia bàn thảo, góp ý, phát ngôn, đưa ra quyết sách về các vấn đề thuộc thẩm quyền của QH"- ông Sáu bày tỏ.
17 công đoạn hình thành BLHS 2015 Qua quan sát thực tiễn quy trình làm luật ở nước ta, tôi tạm chia ra 17 công đoạn khi làm BLHS 2015 như sau: 1. QH chọn cơ quan soạn thảo dự luật (BLHS 2015 do Bộ Tư pháp soạn thảo); 2. Ban soạn thảo thành lập những tổ soạn thảo, các tổ này biên tập từng nội dung được giao; 3. Sau khi có đầy đủ dự thảo thì ban soạn thảo sẽ nghiệm thu; 4. Ban soạn thảo chủ trì việc lấy ý kiến các đoàn đại biểu QH và các ban ngành liên quan đến bộ luật; 5. Lấy ý kiến (có thể lấy nhiều lần và chú trọng vào các vấn đề còn có ý kiến khác nhau); 6. Ban soạn thảo họp để tiếp thu ý kiến của các nơi gửi về; 7. Ban soạn thảo chỉnh sửa dự thảo sau khi đã tiếp thu ý kiến trình Chính phủ; 8. Chính phủ trình dự thảo cho QH; 9. QH giao dự án luật cho các ủy ban chuyên môn (BLHS thì giao cho Ủy ban Tư pháp) thẩm định dự án luật; 10. Sau khi thẩm định, Ủy ban Tư pháp đưa dự án luật để UBTVQH cho ý kiến (có thể cho ý kiến một lần hoặc nhiều lần); 11. Nếu thống nhất thì UBTVQH trình dự án luật ra QH; 12. QH thảo luận và cho ý kiến về dự án luật (nếu là đạo luật lớn thì QH có thể cho lấy ý kiến nhân dân); 13. Sau khi QH thảo luận, UBTVQH tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH; 14. UBTVQH trình lại cho QH; 15. QH thông qua tại kỳ họp (thông qua theo nguyên tắc: Từng điều một, một vài điều, một vấn đề và cuối cùng là thông qua toàn bộ); 16. Sau khi đại biểu bấm nút thì QH ban hành nghị quyết thi hành bộ luật; 17. Chủ tịch nước công bố BLHS 2015.
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao
NGHĨA NHÂN - THANH TÙNG
Theo PLO
Theo luật mới, quyền bào chữa được bảo vệ tốt hơn Tại buổi giao lưu trực tuyến do Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 28-6, các chuyên gia đánh giá BLTTHS 2015 bảo vệ tốt hơn quyền bào chữa của người bị buộc tội và luật sư, đồng thời tạo thuận lợi cho việc thực thi công vụ của cơ quan tố tụng... Ngày 28-6, báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức buổi giao...