Vận động viên thể thao tập luyện trực tuyến tại nhà duy trì phong độ
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, các giải thể thao đều tạm ngừng tổ chức, Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể dục – thể thao tỉnh An Giang (gọi tắt là Trung tâm) đã cho tất cả các vận động viên (VĐV) trở về địa phương cho đến khi có quyết định triệu tập.
Có lẽ hơn mấy chục năm làm công tác huấn luyện, huấn luyện viên (HLV) điền kinh Huỳnh Văn Bé chưa từng gặp phải tình trạng “éo le” như hiện tại. Gần 1 tháng nay, dù có sân tập, đường chạy khang trang nhưng ông vẫn không thể hối thúc, chỉ dẫn các học trò của mình tập luyện. Bởi, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên các VĐV được Trung tâm cho về địa phương cho đến khi có quyết định triệu tập.
Tuy không tập luyện tập trung nhưng các VĐV phải tập luyện tại nhà theo giáo án được ban huấn luyện đưa ra, nhằm duy trì phong độ. Theo đó, các VĐV sẽ được gửi giáo án tập luyện theo từng tuyến năng khiếu, trẻ và tuyển, dưới sự giám sát trực tuyến (online) của các HLV.
“Đối với môn điền kinh, việc tập luyện ở nhà sẽ gặp nhiều khó khăn nên ban huấn luyện chủ yếu đưa ra các bài tập bổ trợ để các em luyện tập, duy trì thể lực, nhằm thích ứng nhanh với cường độ tập luyện sau này khi được gọi tập trung trở lại” – ông Huỳnh Văn Bé chia sẻ.
Các vận động viên tập luyện tại nhà theo giáo án của ban huấn luyện
Video đang HOT
Nếu không bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hầu hết các bộ môn thể thao tỉnh đã hoàn thành hoặc chuẩn bị sẵn sàng tham gia thi đấu tại Đại hội Thể dục – Thể thao (TDTT) ĐBSCL lần VIII-2020. Tuy nhiên, đến giờ các giải thuộc đại hội vẫn chưa thể diễn ra, do tạm hoãn.
Ngoài việc lùi thời gian, việc tập luyện “online” tại nhà của các VĐV cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình chuẩn bị của các bộ môn. Vấn đề làm sao vừa giúp các VĐV duy trì thể lực, vừa giữ trọng lượng và học tốt văn hóa là việc không hề đơn giản đối với các bộ môn. Đây là khó khăn chung, nên ban huấn luyện các môn cần có sự chủ động, sáng tạo, đề ra giáo án, phương pháp tập luyện phù hợp với điều kiện đặc trưng từng môn.
HLV trưởng bộ môn boxing tỉnh Đỗ Thị Thu An chia sẻ: “Chúng tôi phải thích ứng tốt với điều kiện hiện tại. Ban huấn luyện bộ môn đã chủ động đề ra giáo án tối ưu và phù hợp để các VĐV tập luyện tại nhà. Qua đó giúp các em vừa duy trì chuyên môn, đảm bảo thể lực, vừa tạo điều kiện để các em hoàn thành tốt việc học văn hóa trực tuyến. Làm sao để khi gọi tập trung trở lại, các VĐV bắt kịp nhanh với cường độ tập luyện cao, nhằm chuẩn bị tốt cho các giải quan trọng trong năm”.
VĐV Lê Thị Bích Liên chia sẻ: “Dù tập luyện ở nhà gặp nhiều khó khăn, thiếu trang thiết bị và đồng đội tập luyện, nhưng em sẽ cố gắng hoàn thành các giáo án ban huấn luận đề ra trong giai đoạn này. Đặc biệt, sẽ tập luyện thật tốt khi được gọi tập trung trở lại, để mang thành tích về cho bộ môn boxing tỉnh tại Đại hội TDTT ĐBSCL lần VIII-2020 và những giải khác trong năm”.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm tạm thời cho các VĐV trở về địa phương nhưng vẫn phải tuân thủ các chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh cá nhân; hạn chế ra đường nếu không cần thiết; thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ở những nơi công cộng…
LÊ HOÀNG
Nghỉ nhiều vì dịch COVID-19, lo VĐV giảm phong độ
Đây là nỗi lo của ngành thể thao trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến cho toàn bộ các giải đấu trong và ngoài nước "đóng băng".
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tập luyện tại nhà để giữ nền tảng thể lực
Hồi tháng 3, Tổng cục TDTT đã có văn bản yêu cầu dừng tất cả các hoạt động do dịch COVID-19. Tuy nhiên, diễn biến sau đó của dịch còn vượt xa cả những lo lắng của ngành thể thao khi bước qua nửa tháng Tư, mọi thứ vẫn chưa thể trở lại bình thường.
Trao đổi với Tiền Phong, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết, sau khi có các chỉ đạo của Chính phủ về việc thực hiện cách ly xã hội từ đầu tháng Tư tới nay, hoạt động thể thao tiếp tục đóng băng. "Chúng tôi đã chỉ đạo các trung tâm, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện nghiêm quy định về an toàn phòng dịch. Một số trung tâm phải giảm bớt số lượng VĐV để dễ quản lý, tránh tình trạng tập trung quá đông khiến công tác phòng dịch khó khăn"-ông Vương Bích Thắng cho biết.
Cũng theo ông Vương Bích Thắng, dịch bệnh diễn biến trên toàn thế giới khiến cho các bộ môn đều chỉ có thể cho VĐV tập duy trì, không có giải đấu nào để thi đấu, cọ xát. Công tác lên kế hoạch của Việt Nam cũng bị động bởi tất cả đều phụ thuộc hệ thống thi đấu quốc tế.
Ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) cho biết thêm, các giải đấu trong nước và quốc tế của điền kinh từ đầu năm đến nay đã bị hủy bỏ. Phía trước, trong nước điền kinh chỉ còn hy vọng duy nhất là giải VĐQG, dự kiến diễn ra trong tháng 10 nhưng hiện sân vận động quốc gia Mỹ Đình cũng đang vướng việc hoàn thiện sân cỏ. Mặt sân cao su đã làm xong nhưng chưa được nghiệm thu. Các giải trẻ trong khu vực Đông Nam Á cũng bị hủy bỏ. Ông Thủy cho biết: "Các giải quốc tế cũng bị xáo trộn, hủy bỏ hoàn toàn. Tình trạng hiện nay thì nhanh nhất từ tháng 9 chúng ta mới có thể tìm kiếm được giải đấu để cho VĐV tham dự. Vừa rồi Trung tâm HLTTQG cho khoảng 1/4 số VĐV của chúng tôi về địa phương để tự quản. Nói thật là bảo tự tập luyện chứ ở nhà điều kiện duy trì thể lực, chuyên môn với VĐV là rất khó, cũng chỉ trông đợi vào sự tự giác của các cháu". Theo ông Dương Đức Thủy, VĐV về nhà nhưng vẫn được đảm bảo chế độ như tập luyện tại Trung tâm.
Giám sát tập luyện qua online
Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Trung tâm vừa qua đã lên kế hoạch cho khoảng 250 VĐV về địa phương, tuy nhiên có một số xin ở lại tập luyện. Trung tâm hiện còn duy trì khoảng hơn 550 người gồm cả chuyên gia, VĐV, tương đương 70% quân số. "Chúng tôi cắt giảm để tránh việc tập trung quá đông, phức tạp trong quản lý. Vừa qua trung tâm đã thực hiện cách ly chia làm 4 khu khác nhau, phòng chống dịch một cách quyết liệt. VĐV khi tập luyện cũng được chia nhóm để đảm bảo an toàn"-ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, giai đoạn đầu cách ly việc cung cấp thực phẩm cho Trung tâm có chút khó khăn do giá tăng lên nhưng sau đó, Trung tâm đã sớm ổn định lại nguồn cung. Hôm 7/4, Trung tâm còn phối hợp với Viện huyết học và Truyền máu trung ương tổ chức hiến máu nhân đạo, thu hút được 426 cán bộ, HLV và VĐV tham gia. Trong số này có các VĐV như Vương Thị Huyền (cử tạ), Nguyễn Thị Oanh (điền kinh)...
Trưởng bộ môn điền kinh Hà Nội Lại Phúc Lộc cho biết, toàn bộ quân số điền kinh Hà Nội khi được Trung tâm trả về đều tạm thời được cho về nhà. Hàng ngày, các VĐV được yêu cầu tập luyện, giáo viên sẽ theo dõi qua internet các bài tập cơ bản để duy trì thể lực. VĐV sau đó phải cung cấp hình ảnh qua zalo để tiện việc theo dõi. "Trước mắt là vậy còn sắp tới, chúng tôi sẽ tùy tình hình để có sự điều chỉnh. Hiện nay quan trọng nhất vẫn là đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho VĐV"-ông Lại Phúc Lộc cho biết.
NGUYÊN PHONG
Người Việt chạy Marathon "siêu dị" mùa dịch Covid-19 Nguyễn Tiến Đạt trở thành người Việt Nam đầu tiên hoàn tất quãng đường chạy marathon dài hơn 42km trên sân thượng toà chung cư trong hơn 6 giờ 22 phút. Nguyễn Tiến Đạt là cái tên quen thuộc trong làng chạy phong trào Việt Nam, đặc biệt ở cự ly dài. Nguyễn Đạt cũng là cây viết chuyên theo dõi điền kinh...