Vận động, thuyết phục để nâng cao hiệu quả giao tài sản đã đấu giá thành
Trong những năm gần đây, “điểm nghẽn” trong công tác thi hành án tại các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) TP Hà Nội chủ yếu xuất phát từ án tín dụng, ngân hàng. Kết quả thực tế cho thấy, còn số lượng lớn vụ việc bán đấu giá thành nhưng không giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá, ảnh hưởng tới thời gian và kết quả thi hành án.
Bàn giao quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho những người mua trúng đấu giá để thi hành án.
Trong 10 tháng công tác năm 2018 (từ ngày 1/10/2017 đến ngày 31/7/2018), các cơ quan THADS TP Hà Nội đã bán đấu giá thành 539 việc, tương ứng số tiền là 785.830.642.000 đồng; đã tổ chức giao xong 355 vụ việc với số tiền là 449.941.183.000 đồng; hủy kết quả bán đấu giá 19 vụ việc với số tiền là 24.897.564.000 đồng; còn 165 vụ việc chưa giao được tài sản tương ứng với số tiền 310.991.895.000 đồng.
Trong số việc chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá, hầu hết nguyên nhân xuất phát từ sự chống đối quyết liệt của người phải thi hành án, người có tài sản bị xử lý, bán đấu giá. Nhiều vụ việc người có tài sản bị kê biên, xử lý, bán đấu giá là bên thứ ba bảo lãnh, thế chấp tài sản để cho người phải thi hành án vay nợ ngân hàng, vì tin tưởng người thân, bạn bè nên cho mượn tài sản để thế chấp.
Hoặc có trường hợp cần vay một số tiền nhỏ mà người có tài sản giao tài sản, thế chấp tài sản và bảo lãnh để cho người phải thi hành án vay ngân hàng số tiền lớn. Đến khi bị xử lý tài sản thế chấp, người bảo lãnh mới hiểu rõ về trách nhiệm bảo lãnh, bị xử lý kê biên, bán đấu giá, bị mất tài sản, nhất là tài sản nhà đất là gia tài lớn của cả gia đình, của nhiều thế hệ sinh sống, nhưng lại rất khó buộc trách nhiệm của người phải thi hành án, đã dẫn đến tâm lý hoang mang, bức xúc, chống đối quyết liệt, thậm chí manh động, để cản trở việc thi hành án, cản trở việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.
Ngoài ra, việc chưa giao được tài sản cho người mua còn do thiếu sự đồng thuận của các cơ quan, chính quyền địa phương, còn tồn tại các quan điểm khác nhau về cách hiểu, áp dụng pháp luật, nội dung bản án, quyết định của Tòa án. Từ đó dẫn đến việc tổ chức cưỡng chế bị gián đoạn, chưa thực hiện được, vụ việc bị tồn đọng, kéo dài.
Video đang HOT
Để khắc phục những khó khăn trên, đối với các vụ việc bán đấu giá nhiều lần không thành, chấp hành viên cần thực hiện giải pháp vận động người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, vận động thành viên trong gia đình, người thân của người phải thi hành án, của người có tài sản có bị kê biên, xử lý mua lại tài sản. Hoặc nhiều trường hợp người phải thi hành án, người có tài sản bị kê biên, xử lý và ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện thỏa thuận xử lý tài sản thế chấp, giải chấp tài sản, thỏa thuận miễn giảm nghĩa vụ trả tiền lãi.
Đối với các vụ việc không giao được tài sản do người phải thi hành án, người có tài sản chống đối quyết liệt, cần chú trọng công tác vận động thuyết phục đương sự, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền, cơ quan, ban ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương để giải quyết dứt điểm vụ việc.
Tuy nhiên, yêu cầu cốt lõi và trọng tâm để giải quyết khó khăn này vẫn là chấp hành viên và cơ quan thi hành án phải thực hiện trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, đúng pháp luật, xây dựng kế hoạch tổ chức cưỡng chế thi hành án bài bản, chi tiết và quyết tâm tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc.
Khi đã kiên trì vận động, thuyết phục, đã thực hiện đầy đủ các biện pháp cần thiết nhưng vẫn không có kết quả sẽ kiên quyết tổ chức cưỡng chế giao tài sản cho người mua theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đương sự và của người mua được tài sản bán đấu giá.
Đối với trường hợp không nhận được sự đồng thuận của chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, cần tiếp tục thực hiện tốt cơ chế phối hợp liên ngành trong THADS, tranh thủ sự ủng hộ của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả, thẩm quyền, vai trò, vị trí của Viện kiểm sát nhân dân trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật nói chung và về nghĩa vụ phối hợp của các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong THADS.
Cùng với đó, phải tranh thủ sự ủng hộ, nâng cao vai trò, vị trí, tầm quan trọng cũng như hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án các cấp. Theo đó, trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp, cơ quan thi hành án kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo THADS để Ban Chỉ đạo thực hiện việc chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, nhất là các cơ quan, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án, thống nhất phối hợp tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật, bảo đảm bản án, quyết định có hiệu lực phải được thi hành, tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc.
Hồng Lê
Theo baophapluat
Vướng mắc khi xử lý tài sản trên đất thuê của Nhà nước
Ngày 21/6/2017, Quốc hội đã có Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (có hiệu lực từ ngày 15/8/2017).
Hình minh họa
Trong lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS), khi áp dụng Nghị quyết trên vào thực tiễn đã góp phần đẩy mạnh và tập trung giải quyết được nợ xấu cho ngân hàng, tổ chức tín dụng, đáp ứng được yêu cầu đặt ra theo tinh thần của Nghị quyết. Qua hơn một năm thực hiện thí điểm trong lĩnh vực hoạt động THADS thì số tiền thi hành cho ngân hàng đạt cao hơn trước đây.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 trong THADS cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như quy định tại Điều 12 của Nghị quyết về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm:"Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật".
Thực tế, tổ chức thi hành án những vụ việc cho ngân hàng mà tài sản chủ yếu là quyền sở hữu công trình, tài sản khác gắn liền với quyền sử dụng đất của Nhà nước cho thuê đang gặp khó khăn, vướng mắc ở giai đoạn xử lý tài sản. Đơn cử như vụ tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại giữa một ngân hàng với Công ty TNHH D có số tiền phải thi hành án trên 30 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là quyền sở hữu công trình gắn liền trên diện tích đất thuê của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh P (do UBND tỉnh giao quyền cho thuê đất thực hiện dự án khu công nghiệp).
Trong quá trình tiến hành kê biên và xử lý tài sản quyền sở hữu công trình và người mua được tài sản là một công ty có đủ các điều kiện về năng lực tài chính, phù hợp với ngành nghề kinh doanh và không vi phạm quy định của Luật Đất đai hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành của lĩnh vực về đất đai.
Sau khi nộp đủ tiền cho cơ quan THADS, người mua trúng đấu giá đã yêu cầu giao tài sản mua trúng đấu giá. Việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá đã thực hiện xong. Nhưng việc người mua tài sản hoàn thiện được thủ tục sang tên quyền sở hữu công trình và ký lại hợp đồng thuê đất của Nhà nước lại gặp khó khăn, vướng mắc.
Điều 12 Nghị quyết quy định "Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm...".
Thực tế, Công ty TNHH D phải trả các khoản tiền nợ thuê quyền sử dụng đất của Trung tâm dịch vụ công ích Ban Kinh tế tỉnh P gần 500 triệu đồng (Trung tâm đã khởi kiện Công ty D và Tòa đã có 3 bản án). Trong khi đó tài sản bán đấu giá chỉ trên 3 tỷ đồng. Trung tâm Dịch vụ Công ích sẽ ký hợp đồng cho thuê đất đối với người mua trúng đấu giá theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 nếu thu đủ số tiền cho thuê đất và yêu cầu cơ quan THADS phải tạm giữ số tiền này để đảm bảo thi hành án cho Trung tâm. Vụ việc kéo dài phải tổ chức họp liên ngành và xin ý kiến của UBND tỉnh về xử lý số tiền thuê đất...
Ngoài ra, thực trạng thi hành án mà tài sản thế chấp là quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với quyền sử dụng đất của Nhà nước cho thuê không chỉ còn gặp vướng mắc liên quan đến những chi phí đầu tư vào đất hoặc không thu được số tiền án phí theo quy định tại Điều 47 của Luật THADS.
Những vướng mắc trên dễ dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo mà không phải xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của chấp hành viên
Để nâng cao hiệu quả công tác THADS và xử lý kịp thời lượng án thi hành cho ngân hàng cũng như khoản án phí trong những vụ việc có tài sản thế chấp ở các ngân hàng, tổ chức tín dụng thì cần xem xét và sửa đổi Điều 12 của Nghị quyết 42/2017/QH14 phù hợp hơn như: nên bổ sung khoản thu án phí, các khoản thuế đất có liên quan đến vấn đề hoàn thủ tục sang tên, chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất... đối với tài sản, quyền sở hữu công trình gắn liền trên đất thuê của Nhà nước được ưu tiên thanh toán trước khi trả cho ngân hàng. Điều này phù hợp hơn với quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Lê Lanh
Theo phapluatnet
Vụ người đàn ông xách dao chém hàng loạt nạn nhân ở Bạc Liêu: Gia đình nói lí do dẫn đến cuộc truy sát kinh hoàng Người nhà của Thạch Sà Khêl cho biết đối tượng này có dấu hiệu bị tâm thần từ nhiều năm qua. Trước đây, Khêl từng cưới vợ ở Trà Vinh được hơn một năm thì 2 vợ chồng ly hôn. Sau đó, người vợ ôm con bỏ đi, từ đó Khêl trở nên lầm lì hơn. Liên quan đến vụ chém người kinh...