Vấn đề nợ Hy Lạp: Chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”
90 phút đàm phán về nợ của Hy Lạp tại Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu ( Eurozone) kết thúc hôm 18-6 mà không đạt kết quả đồng nghĩa với nguy cơ Athens bị phá sản ngày càng cận kề, trong bối cảnh các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn tình hình đều liên tiếp thất bại.
“Bóng” đang ở trong chân Hy Lạp
Nhiều chuyên gia nhận định, khả năng đạt được thỏa thuận để giải ngân cho Hy Lạp số tiền 7,2 tỷ euro trong gói cứu trợ tổng thể 240 tỷ euro là điều rất xa vời. Vì đâu nên nỗi?
Hai bên đều đổ lỗi cho nhau vì thất bại trong lần đàm phán mới nhất này. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis chỉ trích Athens có thái độ “không nghiêm túc” trong thảo luận. Trong khi đó, người đứng đầu Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone Jeroen Dijsselbloem tuyên bố thời gian “đã hết” và hiện giờ “quả bóng nằm ở phía chân Hy Lạp”, ám chỉ bước đi tiếp theo để tiến gần thỏa thuận phải đến từ phía Athens.
Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), một trong những chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp, đã nhắc lại nghĩa vụ thanh toán nợ trước ngày 30-6 nếu Athens muốn tránh vỡ nợ, đồng thời chỉ trích thái độ của nước này trong đàm phán.
Đại diện các chủ nợ của Hy Lạp trong cuộc đàm phán hôm 18-6. (Ảnh: AP)
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis phàn nàn vì các đề xuất ông đưa ra tại hội nghị đã không nhận được bất kỳ “nhận xét nào” từ phía lãnh đạo Eurozone. Tại hội nghị, ông Varoufakis đã đưa ra các đề xuất mới, song cũng khẳng định Athens không thực hiện yêu cầu cải cách lương hưu và thuế. Hãng thông tấn TASS của Nga cho hay, ông Varoufakis đã đề xuất thành lập một hội đồng độc lập để giám sát ngân sách nước này.
Video đang HOT
Chưa ngã ngũ những bất đồng mấu chốt
Cả hai bên đều khẳng định những điểm bất đồng mấu chốt vẫn chưa được ngã ngũ và đều yêu cầu đối phương tỏ ra thực tế hơn. Các đối tác đàm phán của Hy Lạp đã chỉ ra hệ thống tiền trợ cấp của nước này không ổn định, hoạt động thu thuế còn nhiều bất cập. Bởi vậy Athens cần tiếp tục có các điều chỉnh tài chính để đáp ứng những mục tiêu giải quyết khủng hoảng và cải cách thị trường tài chính một cách linh hoạt hơn nhằm tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, Athens trước sau vẫn cho rằng, giải pháp cuối cùng phải bao gồm các quyết định xóa một phần nợ nhằm bảo đảm Hy Lạp đủ khả năng chi trả và ổn định chính sách thúc đẩy phát triển. Athens cũng không đồng tình với đề xuất của các chủ nợ về việc tăng thuế giá trị gia tăng, mục tiêu thặng dư ngân sách, cắt giảm trợ cấp và cải cách thị trường lao động.
Đối với những yêu cầu “thắt lưng buộc bụng”, Hy Lạp khẳng định không thể đáp ứng đủ yêu cầu tiết kiệm của các chủ nợ thậm chí cả khi “giải tán quân đội”. Athens cho rằng, biện pháp này sẽ đẩy Hy Lạp lún sâu hơn vào khủng hoảng và người dân Hy Lạp sẽ tiếp tục phải gánh chịu những hệ quả nặng nề.
Chính phủ Hy Lạp phản đối các đề xuất của chủ nợ đối với quá trình phục hồi kinh tế vì cho rằng, các “công thức” tương tự đã được chính phủ tiền nhiệm áp dụng nhưng vẫn không giúp giải quyết triệt để vấn đề và thậm chí còn khiến cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội trở nên tồi tệ hơn.
Các Bộ trưởng Hy Lạp đã dẫn chứng bằng các số liệu thống kê chính thức như tỷ lệ thất nghiệp đã tăng gấp đôi (lên 27%) trong vòng 5 năm, 20.000 người trở thành vô gia cư, cứ 4 hộ gia đình thì có 1 hộ trong tình trạng nghèo đói, hơn 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đã buộc phải đóng cửa.
Ai thua thiệt hơn?
Trong bối cảnh đàm phán liên tiếp thất bại ngay cả khi đã cận kề thời hạn chót 30-6, giới phân tích dự đoán Hy Lạp sẽ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn trong đàm phán với hy vọng có thể nhận được thêm các nhượng bộ vào phút chót. Hơn nữa, họ cũng cho rằng, nếu Athens vỡ nợ thì các chủ nợ cũng sẽ chịu thiệt hại không hề nhỏ. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Varoufakis cho biết, việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone sẽ làm khu vực thiệt hại ít nhất 1 nghìn tỷ euro.
Tuy nhiên, các đảng đối lập tại Hy Lạp cùng các quan chức châu Âu cũng như các nhà phân tích thì cho rằng, Hy Lạp mới là bên tổn thất nặng nề hơn. Họ cho rằng việc bị vỡ nợ và phải rời khỏi Eurozone sẽ “ngốn” thêm 40% sức tiêu dùng của người dân nước này, kéo theo những bất ổn nghiêm trọng về chính trị, xã hội và tài chính mà khởi đầu sẽ là các biện pháp kiểm soát vốn ngặt nghèo.
Tuy nhiên, mọi tranh cãi ai thua thiệt hơn vào lúc này đều trở nên vô nghĩa khi mà thời hạn chót để đạt được thỏa thuận đang đến gần mà vẫn chưa có một tia hy vọng nào. Rõ ràng là sẽ chẳng bên nào được lợi trong cuộc giằng co tốn thời gian này vì nếu không, hai bên đã không nỗ lực đàm phán đến phút chót như hiện nay.
Giới phân tích cho rằng, một kịch bản nhiều khả năng xảy ra để tránh kết cục vỡ nợ cho Hy Lạp sẽ là hai bên ký một thỏa thuận tạm thời trong tháng 6 này và kéo dài gói cứu trợ thêm vài tháng để giúp Ahtens đáp ứng các nghĩa vụ tài chính trước mắt. Vì ngoài khoản thanh toán cho IMF lên tới 1,6 tỷ euro trong tháng 6, Athens còn đối mặt với 6,7 tỷ euro phải thanh toán cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tháng 7 và tháng 8. Đổi lại, Hy Lạp sẽ thực hiện một số biện pháp tối thiểu và tiếp tục đàm phán về việc giảm nợ và cải cách mới trong năm 2015.
Theo Mỹ Hạnh
Quân đội Nhân dân
Hy Lạp bi quan về thỏa thuận với Eurozone
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis không tin về khả năng đạt được một thỏa thuận về vấn đề nợ của Hy Lạp trong cuộc họp giữa các Bộ trưởng Tài chính EU.
Hôm nay (18/6), Bộ trưởng Tài chính 18 quốc gia thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ nhóm họp tại Luxembourg, với chủ đề chính là khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Vì thế, lúc này mọi ánh mắt đang dồn về cuộc họp này sau khi cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và nhóm chủ nợ hôm đầu tuần đã kết thúc thất bại. Bởi việc đổ vỡ trong đàm phán cũng có nghĩa Hy Lạp sẽ không tránh khỏi phá sản và phải ra khỏi Eurozone.
Tuy nhiên, theo giới quan sát tại cuộc họp hôm nay, khả năng đạt được một thỏa thuận kỹ thuật là hầu như không có, các Bộ trưởng chỉ có thể sẽ đưa ra những quyết định khó khăn về địa vị thành viên của Hy Lạp trong Eurozone.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cũng đã tỏ ra không mấy trông đợi vào kết quả cuộc họp này.
Khi được hỏi liệu có thể đạt được một thỏa thuận trong cuộc họp giữa các Bộ trưởng Tài chính EU dự kiến diễn ra tại Luxembourg vào hôm nay, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Varoufakis cho biết, ông không tin vào điều này.
Ông Yanis Varoufakis, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp cho biết: "Cuộc họp của Eurogroup không được chuẩn bị để đưa ra được những thảo luận mới mẻ, tôi cho rằng vào lúc này thỏa thuận cần phải đạt được ở cấp những nhà lãnh đạo chính trị. Vào ngày mai, chúng tôi sẽ cân nhắc những bổn phận chính trị và đạo đức nhằm đạt được nhanh chóng thỏa thuận với các đối tác".
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Hy Lạp cảnh báo rằng nước này có thể phải ra khỏi Eurozone và thậm chí là cả EU nếu không đạt được thỏa thuận cứu trợ tài chính với các chủ nợ quốc tế. Theo cơ quan này, nếu rời khỏi Eurozone, Hy Lạp sẽ rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề, thu nhập giảm nghiêm trọng và thất nghiệp tăng mạnh.
Hai tuần là khoảng thời gian còn lại đối với Athens để đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế, hoặc đối mặt với nguy cơ vỡ nợ cùng khoản nợ phả trả vào cuối tháng này trị giá 1,6 tỷ Euro.
Theo_VTV
Hiệp ước quốc phòng Mỹ-Philippines có nguy cơ phá sản Hiệp ước quốc phòng ký kết giữa Mỹ và Philippines hồi năm 2014 nhằm đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông có nguy cơ bị phá sản, Reuters ngày 18.6 cho hay. Binh sĩ Mỹ và Philippines tập trận chung năm 2011 - Ảnh: AFP Hiệp ước hợp tác tăng cường quốc phòng (EDCA) cho phép Mỹ sừ dụng căn cứ quân...