“Vấn đề nợ công có thể đẩy thế giới vào suy thoái”
Thủ tướng Anh David Cameron ngày 2/10 đã lên tiếng cảnh báo, rằng khu vực sử dụng đồng euro ( Eurozone) phải tiếp tục giải quyết những vấn đề về tài chính nếu không sẽ có nguy cơ đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.
Thủ tướng Anh David Cameron. (Nguồn: Reuters)
Phát biểu trước khi diễn ra hội nghị thường niên Đảng Bảo thủ cầm quyền, ông Cameron nhận định cuộc khủng hoảng ở Eurozone hiện là mối đe dọa không chỉ đối với bản thân khu vực mà còn là mối đe dọa đối với kinh tế Anh và cả kinh tế thế giới.
Video đang HOT
Ông nhấn mạnh hiện không phải là lúc để Anh trưng cầu dân ý xem có nên ở lại hay ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), một chủ đề có thể được thảo luận trong phiên họp Quốc hội Anh tới đây.
Thủ tướng Anh Cameron nói: “Chính phủ Anh có quan điểm rất rõ ràng, quan điểm mà Anh đang thúc đẩy cùng với các đối tác châu Âu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức khác về những việc cần phải làm là tăng cường các cơ chế tài chính ở châu Âu, sự tham gia lớn hơn của IMF, đối mặt với vấn đề nợ nần và xử lý chúng một cách quyết liệt.”
Ông Cameron, người luôn chống lại việc gia nhập Eurozone, nói rằng sẽ rất tồi tệ đối với Anh nếu Eurozone bị sụp đổ vì 40% xuất khẩu của Anh là sang 17 nước khu vực này.
Tuy nhiên, theo ông, “hành động cần phải thực hiện trong những tuần tới là củng cố các ngân hàng châu Âu, xây dựng hệ thống phòng thủ mà Eurozone có, giải quyết vấn đề nợ một cách triệt để.” Ông cũng bày tỏ nghi ngờ về việc liệu Eurozone có thể đi theo con đường hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn trong tương lai.
Tổ chức trưng cầu dân ý về việc có nên tiếp tục là thành viên của EU có thể được đưa ra trong cuộc thảo luận ở Quốc hội Anh trước thời điểm cuối năm nay, sau khi đề xuất về vấn đề này trên trang web của chính phủ đã có được 100.000 chữ ký cần thiết. Ủy ban Kinh tế Hạ viện sẽ sớm đưa ra thời hạn cho việc tổ chức trưng cầu dân ý.
Chủ tịch ủy ban Natascha Engel nói rằng: “Trong bối cảnh khủng hoảng ở Eurozone hiện nay, vấn đề này trở nên thích hợp hơn bao giờ hết. EU hiện nay hoàn toàn khác với EU mà người Anh đã bỏ phiếu tham gia năm 1975. Hiện đã đến lúc xem xét lại lập trường này.”
Tuy nhiên, ông Cameron nói rằng ông sẽ không ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý này. Ông nói: “Tôi không muốn Anh ra khỏi EU. Cái mà hầu hết người Anh mong muốn thực sự không phải là ra khỏi EU mà là cải cách EU và đảm bảo rằng cán cân quyền lực giữa một nước như Anh và châu Âu tốt hơn”./.
Theo TTXVN
Châu Âu nỗ lực để kiểm soát nợ công tại Eurozone
Bất chấp sự phản đối của các tổ chức công đoàn và hàng nghìn người biểu tình, Thượng viện Tây Ban Nha ngày 7/9 đã thông qua đề xuất của Chính phủ nước này đưa mức trần thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công vào Hiến pháp. Hạ viện Tây Ban Nha thông qua đề xuất này từ tuần trước.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Kế hoạch sửa đổi Hiến pháp, được xem là một biện pháp dài hạn nhằm kéo "xứ sở bò tót" ra khỏi bờ vực vỡ nợ công, được thông qua với đa số áp đảo 233/3 phiếu thuận.
Theo kế hoạch, Madrid phải tuân thủ mức trần thâm hụt ngân sách dài hạn, trừ trường hợp xảy ra thiên tai, suy thoái kinh tế hoặc các tình trạng khẩn cấp bất thường.
Một đạo luật kèm theo Hiến pháp sẽ được ban hành vào ngày 30/6/2012 nhằm ấn định mức trần thâm hụt cụ thể là 0,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bắt đầu từ năm 2020; và giảm nợ công xuống dưới 60% GDP theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) đối với Khu vực đồng euro.
Một khi kế hoạch sửa đổi Hiến pháp được thực hiện, Tây Ban Nha sẽ trở thành nước thứ hai trong EU, sau Đức, đưa "nguyên tắc vàng" là thâm hụt ngân sách và nợ công vào văn bản có giá trị pháp lý cao nhất của quốc gia và đây sẽ là lần thứ hai "xứ sở bò tót" sửa đổi Hiến pháp kể từ khi văn bản này có hiệu lực năm 1978.
Tuy nhiên, kế hoạch sửa đổi Hiến pháp sẽ không được triển khai nếu trong vòng 15 ngày tới có 10% trong số các nghị sĩ của một trong hai viện Quốc hội ủng hộ ý tưởng của một số đảng nhỏ yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề này.
Chính phủ Tây Ban Nha muốn đề xuất mới được Quốc hội thông qua nhanh chóng vì hai lý do. Thứ nhất, động thái trên có tác dụng xoa dịu các thị trường trái phiếu đang chao đảo vì những đồn đoán về nguy cơ vỡ nợ công ở nền kinh tế lớn thứ tư trong Khu vực đồng euro này.
Thứ hai, quyết định này cần được thông qua trước khi Quốc hội Tây Ban Nha giải tán để mở đường cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 20/11 tới.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận xét việc cả hai viện trong Quốc hội Tây Ban Nha nhanh chóng thông qua kế hoạch sửa đổi Hiến pháp cho thấy mức độ khẩn cấp trong nỗ lực của Madrid ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ công đang đeo bám quốc gia này.
Chính phủ Italy cùng ngày đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện về kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" nhằm cân bằng ngân sách vào năm 2013. Hạ viện Italy bỏ phiếu về vấn đề này trong ngày 8/9.
Chính phủ Italy có kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách nhà nước từ 3,8% trong năm nay xuống 1,4% trong năm tới và chấm dứt tình trạng thâm hụt ngân sách vào năm 2013.
Để đạt được mục tiêu này, Rome dự định áp dụng một loạt biện pháp khắc khổ với hy vọng thu về 54,2 tỷ euro vào năm 2014. Các biện pháp này bao gồm cắt giảm chi tiêu, sáp nhập các hội đồng thành phố qui mô nhỏ, nâng tuổi về hưu, tăng một số sắc thuế và trấn áp hành vi trốn thuế. Italy cũng sẽ soạn thảo dự luật nhằm đưa "nguyên tắc vàng" vào Hiến pháp.
Cũng trong ngày 7/9, Hạ viện Pháp đã thông qua phần đóng góp của nước này cho quỹ cứu trợ vỡ nợ của Khu vực đồng euro. Nếu quyết định tham gia quỹ cứu trợ giành được sự ủng hộ của Thượng viện Pháp trong cuộc bỏ phiếu ngày 8/9, Pháp sẽ trở thành nước đầu tiên trong Khu vực đồng euro dành sự ủng hộ về pháp lý đối với quỹ cứu trợ khu vực.
Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức trước đó trong ngày đã ra phán quyết bác bỏ tuyên bố của Tòa phúc thẩm, cho rằng việc Đức đóng góp vào các khoản cứu trợ dành cho Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha là bất hợp pháp, song nhấn mạnh những gói cứu trợ quy mô lớn trong tương lai cần phải được Ủy ban ngân sách của Quốc hội thông qua.
Theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp liên bang, việc Đức tham gia đóng góp cho Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) là hợp pháp, nhằm duy trì sự ổn định về tài chính và tiền tệ trong Khu vực đồng euro.
Phán quyết trên được đưa ra sau khi những người theo chủ nghĩa hoài nghi ở châu Âu cho rằng gói cứu trợ Hy Lạp được nhất trí hồi tháng Năm năm ngoái và các khoản cứu trợ của EFSF là vi phạm luật của EU và luật pháp Đức./.
Theo TTXVN
Eurozone cứu trợ thêm 158,6 tỷ euro cho Hy Lạp Hội nghị Thượng đỉnh bất thường của nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo chính phủ 17 quốc gia thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã bế mạc ngày 21/7 với những quyết định quan trọng được đưa ra nhằm giải cứu Hy Lạp khỏi cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ đe dọa sự...