Vấn đề hạt nhân Iran: Tehran tỏ thái độ tích cực với IAEA, Trung Quốc nêu quan điểm
Ngày 6/3, một ngày sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Iran đã đưa ra một loạt cam kết tích cực, Trung Quốc đã đưa ra quan điểm.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi (trái) và người đứng đầu AEOI Mohammad Eslami tại một cuộc họp báo ở Iran ngày 4/3. (Nguồn: Tehran Times)
Ngày 6/3, tại cuộc họp báo thường kỳ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, nước này tin rằng việc tuân thủ đầy đủ và hiệu quả các thỏa thuận là con đường đúng đắn cho vấn đề hạt nhân của Iran.
Trả lời câu hỏi về tuyên bố chung của IAEA và Iran hôm 4/3 nhân chuyến thăm của Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi đến Tehran, người phát ngôn bộ trên Mao Ninh nói: “Mỹ nên đưa ra quyết định chính trị càng sớm càng tốt để đạt được kết quả từ các cuộc đàm phán”.
Video đang HOT
Trong tuyên bố chung giữa IAEA và Iran, hai bên nêu rõ, Tehran “bày tỏ sẵn sàng… cung cấp thêm thông tin và quyền tiếp cận để giải quyết những vẫn đề an toàn còn tồn tại”.
Một báo cáo mật của IAEA gửi các quốc gia thành viên có đoạn: “Ông Grossi hy vọng… triển khai nhanh chóng và toàn diện Tuyên bố chung”.
Theo các nguồn tin ngoại giao, tuyên bố chung đề cập rất ít thông tin chi tiết, song, ngày 5/3, ông Grossi xác nhận, Iran sẽ cung cấp quyền tiếp cận thông tin, địa điểm và con người để hỗ trợ cuộc điều tra bị trì hoãn từ lâu về nguồn gốc của các hạt uranium bị phát hiện tại những địa điểm không công bố.
Ngoài ra, Iran cũng sẽ cho phép lắp đặt lại các thiết bị giám sát bổ sung, vốn được triển khai theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 – có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), nhưng đã bị gỡ bỏ hồi năm ngoái.
Cũng theo Tổng Giám đốc IAEA, những cuộc đàm phán tiếp theo giữa hai bên nhằm mục đích đưa ra các nội dung hợp tác cụ thể sẽ diễn ra “rất nhanh chóng”.
Khi được hỏi về việc lắp đặt lại các thiết bị giám sát, người đứng đầu IAEA chỉ cho hay, hoạt động này sẽ được thực hiện tại một số địa điểm.
Tuy nhiên, trái ngược với những thông tin từ Tổng Giám đốc IAEA, người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi khẳng định, nước này không đồng ý cho phép tiếp cận con người và cũng không có bất cứ thỏa thuận nào liên quan việc lắp đặt camera giám sát bổ sung.
IAEA và Iran điều chỉnh quan hệ trên cơ sở các thỏa thuận về đảm bảo an toàn
Ngày 4/3, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI), ông Mohammad Eslami cho biết Tehran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã nhất trí điều chỉnh quan hệ trên cơ sở các thỏa thuận về đảm bảo an toàn.
Chủ tịch Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami phát biểu với báo giới tại Tehran. Ảnh (tư liệu): IRNA/TTXVN
Phát biểu tại họp báo chung với Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi ở Tehran sau cuộc họp trước đó trong ngày, ông Eslami cho biết việc điều chỉnh quan hệ của hai bên dựa trên các thỏa thuận an toàn giúp IAEA yên tâm với các hoạt động hạt nhân của Iran, đồng thời ngăn chặn bất kỳ sự bất đồng hay mâu thuẫn nào. Người đứng đầu AEOI lưu ý rằng việc trao đổi nên nhằm mục đích xây dựng lòng tin, hai bên nên hạn chế can thiệp từ bên ngoài để tạo điều kiện cho hợp tác và duy trì trao đổi một cách "đáng tin cậy" nhằm giải quyết các vấn đề. AEOI và IAEA đã nhất trí rằng IAEA nên tham dự Hội nghị về Hạt nhân của Iran lần thứ 30 để hiểu rõ hơn chương trình hạt nhân của nước này, cũng như năng lực của các nhà khoa học Iran.
Về khả năng ban điều hành IAEA ra nghị quyết phản đối Iran tại cuộc họp sắp tới, ông Eslami nhấn mạnh nếu điều này diễn ra, nhà chức trách Iran sẽ đưa ra những quyết định phù hợp và AEOI sẽ hành động trên cơ sở này.
Về phần mình, ông Grossi khẳng định IAEA sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Iran, tìm kiếm đối thoại nghiêm túc và có tính hệ thống với nước này. Ông nhấn mạnh các cuộc thảo luận về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đang nằm trong chương trình nghị sự và vẫn sẽ được duy trì. Ông lạc quan rằng hợp tác giữa IAEA và Iran, cũng như thỏa thuận tốt đẹp mà hai bên dự kiến đạt được sẽ góp phần khôi phục JCPOA. Bên cạnh đó, quan chức này cũng phản đối bất kỳ hành động quân sự nào nhằm vào các cơ sở hạt nhân và nhà máy điện tại bất kỳ nơi nào trên thế giới. Ông khẳng định IAEA đã và sẽ không bị sử dụng làm công cụ chính trị.
Trong những tháng gần đây, IAEA đã phàn nàn về việc Iran thiếu hợp tác với cơ quan này. Tháng 11/2022, IAEA đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Iran hợp tác điều tra các dấu vết hạt nhân tại một số cơ sở chưa được công bố.
Iran đã bác các cáo buộc trên và khẳng định bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân nước này.
Iran cùng các cường quốc thế giới đã ký JCPOA vào tháng 7/2015, theo đó Tehran chấp nhận một số hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018 và áp đặt trở lại các biện pháp đơn phương trừng phạt, khiến Iran cũng cắt giảm một số cam kết của nước này trong thỏa thuận. Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA bắt đầu vào tháng 4/2021 tại Vienna (Áo). Tuy nhiên, vẫn chưa có bước đột phá nào sau vòng đàm phán mới đây nhất vào tháng 8/2022.
Giám đốc IAEA lạc quan về triển vọng chuyến thăm Iran Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ngày 4/3 cho biết đang tiến hành thảo luận với Iran về các vấn đề quan trọng, đồng thời bày tỏ lạc quan về tiến trình thảo luận này. Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael...