‘Vấn đề của giáo dục Việt Nam là sự tha hóa’
Lấy dẫn chứng về vụ tiêu cực Đồi Ngô (Bắc Giang), Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng, đây là tiếng chuông cảnh tỉnh về mức độ tha hóa của cả một hệ thống – khi nhiều người cả trong và ngoài ngành giáo dục đã không tôn trọng luật chơi.
Chiều 13/3, hàng nghìn sinh viên đã đến tham dự buổi nói chuyện của GS Ngô Bảo Châu về chủ đề “ Phương pháp học tập”. Ngồi dưới hàng ghế khách mời, Chủ tịch quỹ Hòa bình quốc tế, đại diện các đại sứ quán tại Việt Nam, bố mẹ và những thầy giáo cũ của giáo sư Ngô Bảo Châu đều chăm chú lắng nghe.
Mở đầu bài giảng, GS Châu cho biết, anh hay được các em sinh viên hỏi về bí quyết học tập, và thường trả lời rằng không có bí quyết gì, quan trọng là niềm say mê. “Điều đó không sai nhưng chưa đầy đủ. Tôi bắt buộc phải trả lời như thế khi chưa suy nghĩ thấu đáo. Hôm nay là cơ hội tốt để tôi làm điều đó, dù vất vả để hoàn thành nhưng cũng rất ý nghĩa”, GS Châu nói.
Bài giảng của GS Ngô Bảo Châu được chia làm ba phần, bao gồm: Cái gì là động cơ căn bản cho việc học tập, học chữ hay học làm người và chúng ta học như thế nào. Anh cho biết, không có tham vọng đưa ra câu trả lời thấu đáo và đầy đủ cho cả ba câu hỏi mà chỉ là sắp xếp thành những suy nghĩ tản mạn của mình, làm thành những câu trả lời không cầu toàn.
Chủ tịch quỹ Hòa bình quốc tế, đại sứ các nước tại Việt Nam và hàng nghìn sinh viên đã đến nghe GS Ngô Bảo Châu giảng về “phương pháp học tập”. Ảnh: Hoàng Thùy.
Đi sâu vào phần “học như thế nào”, GS Châu cho biết, ngày xưa học chữ thánh hiền thì quan trọng nhất phải có chí – có chí đi bắt đom đóm làm đèn đọc sách thâu đêm. Nhưng trong việc học tập, tiếp thu kiến thức khoa học của nhân loại hiện tại thì có chí thôi không đủ.
GS Châu nhấn mạnh, trong một trò chơi, ít người chơi một mình, để trò chơi thực sự cuốn hút, người chơi thực sự triển khai tiềm năng tư duy của mình để đi đến bất ngờ, tìm ra sự sáng tạo, cuộc chơi phải có bạn chơi, trọng tài. Cụ thể, nhờ vào internet, ta có thể tìm thấy nhiều tài liệu và học tập miễn phí trên mạng theo chương trình của một số đại học tên tuổi.
Nhưng dù có được cung cấp mọi tài liệu, theo dõi bài giảng miễn phí thì người học cũng không học được nếu ở nhà một mình. Ngồi nghe bài giảng trên mạng không phải là trò chơi thú vị vì không có đối thủ, đồng đội, mục tiêu, lộ trình, giải thưởng…Đó là những thứ không liên quan gì đến nội dung nhưng lại là những cái người đi học cần để có thể phấn đấu đến cùng. Mỗi người có thể học một mình và tập trung cao độ trong một tuần, nhưng cần có tập thể, thầy giáo, lớp học để duy trì mức độ học tập.
“Gợi ý của tôi là tại sao các bạn không tự tổ chức cùng học với nhau theo giáo trình, bài giảng, tư liệu học tập trên mạng. Thầy giáo cũng có thể sử dụng tài liệu miễn phí thành tài liệu học chính khóa. Trên lớp các thầy không nhất thiết phải giảng cả buổi mà có thể cho sinh viên xem trước bài giảng trên mạng, dành thời gian để giải thích thêm, trả lời những câu hỏi, thậm chí quay lại bài cũ nếu sinh viên chưa hiểu rõ một số khái niệm và hướng dẫn các em làm bài tập. Cuối cùng là tổ chức thi cử nghiêm túc”, GS Châu nói.
Video đang HOT
Theo GS Châu, thiếu tổ chức, con người không có bản năng duy trì nỗ lực của mình trong một thời gian dài. Thiếu tranh biện con người sẽ nhanh chóng lạc vào con đường chủ quan, con đường luôn luôn dẫn tới cái đích là sự bế tắc.
“Đã rất nhiều người chỉ ra những bất cập của nền giáo dục nước nhà, và tôi cũng thấy không cần thiết phải góp thêm một tiếng nói của mình vào đó. Nhưng nếu chỉ nêu một vấn đề lớn nhất, thì đó chính là mức độ tha hóa của cả một hệ thống”, GS Châu nói.
GS Châu dẫn chứng, vụ Đồi Ngô, học sinh quay phim giám thị vi phạm quy chế thi là việc chưa có tiền lệ trong lịch sử loài người. Đây là câu chuyện buồn, là tiếng chuông cảnh tỉnh về mức độ tha hóa của cả một hệ thống. Khoan quy trách nhiệm cho một cơ quan, cá nhân, mà suy nghĩ về việc xảy ra sẽ thấy rất nhiều người từ trung ương đến địa phương, cả trong và ngoài ngành giáo dục đã không tôn trọng luật chơi.
GS Ngô Bảo Châu cho rằng bên cạnh tính trung thực thì học tập cần có tổ chức, kỉ luật, say mê và quả cảm. Ảnh: Hoàng Thùy.
Theo GS Châu, kết quả của kì thi tốt nghiệp đáng ra phải mang tính thiêng liêng trong đời học sinh lại trở thành một trò đùa – trò đùa muốn khóc. Các trường đại học ở Mỹ, như ĐH Chicago nơi anh làm việc, họ thành công không phải vì họ giàu, có nhiều giáo sư xuất sắc hay cơ sở vật chất đầy đủ, mà đó là vì tinh thần fairplay. Ở đó, mọi hành vi ăn gian đều bị trừng trị nghiêm khắc.
“Sự trung thực là một trong những điểm quan trọng nhất cho câu hỏi học như thế nào? Trung thực khó học trong sách vở và để trẻ trung thực, người lớn phải làm gương. Ngoài tính tổ chức, trung thực, kỉ luật thì cần niềm say mê và giữ được say mê, làm động cơ cho việc học tập”, GS Châu nhấn mạnh.
Giám đốc khoa học của Viện Toán cao cấp cũng chia sẻ, khi anh viết bài giảng này, có người bạn đã góp ý rằng bên cạnh niềm đam mê đừng bỏ quên sự quả cảm. Sự quả cảm rất cần, không để lười biếng, hèn nhát dụ dỗ, quay lưng lại với sự thật. Theo kinh nghiệm của anh, khi vượt qua biên giới của những gì đã biết để thực sự đuổi theo cái chưa biết thì quả cảm rất cần, để đi tìm cái mới trong hành trình cô đơn và kéo dài nhiều năm.
“Sau khi làm luận án tiến sĩ xong tôi thi tuyển vào một Viện nghiên cứu ở Pháp nhưng tôi trượt. Buổi phỏng vấn đầu tiên, người ta hỏi tôi nghiên cứu gì, tôi nói “Bổ đề cơ bản”, họ cười và tôi bị đánh trượt. Người ta không tin tôi”, GS Châu kể và cho biết đó là một khó khăn. Đến năm 2002, khi quay lại làm bổ đề cơ bản, anh làm việc say sưa. Nhưng đến năm 2006, khi mở rộng công trình, anh hiểu đó là con đường cụt và khi đó bản thân còn không tin vào mình nữa.
Lúc này, anh tình cờ nói chuyện với một người đồng nghiệp về công trình ông ấy cách đó 20, 30 năm. Ông ấy cho rằng nó không có ý nghĩa, nhưng anh lại thấy đó là mảng cuối cùng mà anh thiếu. “Bế tắc nhưng nếu tôi không cố gắng nỗ lực trước đó thì khi người bạn nói, tôi cũng không thể nhận ra đó là mảng còn lại của mình”, GS Châu cho hay.
Anh khẳng định, niềm say mê không bao giờ ổn định, thế nên quá trình học cần có tập thể, để khi không còn đam mê vẫn phải cố hoàn thành bổn phận của mình. Mặt khác, đam mê có thể ra đi thì cũng có thể quay lại, nên không được bỏ cuộc. “Khi tôi đọc quyển sách thấy nó khó, tôi thường nghĩ không phải bản chất nó khó mà người viết tồi. Thế nên tôi sẽ viết lại cho dễ hiểu hơn dù mất thời gian, và ít nhất là phải tìm hiểu cặn kẽ các vấn đề”, GS Châu chia sẻ.
Theo VNE
'Rất sai lầm nếu chương trình học quá dễ'
"Tôi đồng tình với việc cắt giảm chương trình phổ thông, nhưng sẽ rất sai lầm nếu ta làm quá dễ. Cái khó, cái hóc búa làm trẻ em thích học hơn, dễ quá thì thành đơn điệu, tẻ nhạt", GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.
- Chiều 13/3, giáo sư sẽ chia sẻ với sinh viên về phương pháp học tập. Trong hai yếu tố gia đình và nhà trường, cái nào ảnh hưởng nhiều nhất đến phương pháp học tập của giáo sư?
- Đối với tôi, gia đình, những người thân, đặc biệt là cách suy nghĩ, ứng xử của họ có ảnh hưởng rất lớn. Trong quá trình hình thành nhân cách của một đứa trẻ, có nhiều điều phức tạp, như mảng hành vi, cách người ta giao tiếp với xã hội, cách đi lại, nói năng, xử sự lịch sự, lễ phép, tôn trọng người khác... Điều này nhà trường chỉ có thể làm được một phần nào đó, cái chính là cha mẹ để lại cho con.
Ngày còn học ở trường Thực nghiệm, tôi không yêu toán mà thích vẽ hơn. Tôi và một số bạn bè học cùng lớp đã vô cùng hạnh phúc khi vẽ bánh xe. Tôi từng thi trượt vào lớp chuyên toán, lúc đấy tôi khó chịu lắm. May mắn có thầy Tôn Thân và những học trò của bố giúp, tôi mới có điều kiện tiếp xúc với những bài toán khó và tôi thấy mình yêu toán hơn.
Hiện tại, người ta cứ nghĩ là cần làm nhẹ chương trình học phổ thông vì nặng quá. Tôi đồng tình nhưng rất sai lầm nếu ta làm quá dễ. Cái khó, cái hóc búa làm trẻ em thích học hơn, tạo điều kiện cho học sinh chứng tỏ mình. Nếu dễ quá thì thành đơn điệu, tẻ nhạt, chẳng có cách gì tạo đam mê cho học sinh.
"Những gì mình nói, mình viết phải diễn đạt một cách mạch lạc nhất, không dùng sáo từ, không dùng từ thừa", GS Ngô Bảo Châu nói. Ảnh: Hoàng Thùy.
- Đã học ở nhiều ngôi trường danh tiếng cả trong và ngoài nước, vậy ai là người mà giáo sư chịu ảnh hưởng nhiều nhất về phương pháp học tập?
- Nếu nói một người có ảnh hưởng lớn nhất với tôi về mặt khoa học là thầy giáo người Pháp Gérard Laumon, người đã hướng dẫn tôi làm luận án. Thầy không có nhiều học sinh, số lượng học sinh cũ dưới 10 người, nhưng có 2 người được giải thưởng Fields. Tôi không rõ thầy sắp xếp thời gian như thế nào, nhưng mỗi lần tôi gọi thầy thường nói chuyện cả tiếng, cảm giác như lúc nào thầy cũng có thời gian. Dù chúng tôi đã trưởng thành, thầy vẫn duy trì thói quen mỗi tháng một lần gọi điện thoại cho từng người, hỏi thăm về cuộc sống và lên dây cót tinh thần cho chúng tôi.
- Là giáo sư của ĐH Chicago, cũng là Giám đốc khoa học của Viện Toán cao cấp, lịch làm việc của ông ở Viện Toán được sắp xếp như thế nào?
Viện được thành lập năm 2011 nhưng mới thực sự đi vào hoạt động năm 2012. Mặc dù còn non trẻ nhưng Viện may mắn có những người làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, công việc tương đối trơn tru khiến những vị khách trong nước và quốc tế đến với Viện đều ngạc nhiên và vui mừng. Bản thân tôi cũng rất hài lòng khi vào Viện thấy các bạn trẻ làm khoa học, nghiên cứu hăng say. Đó là phần thưởng lớn cho những cố gắng trước đây của tôi. Bởi như các bạn biết, để thành lập Viện không phải dễ dù chủ trương được ủng hộ, hơn nữa cơ sở ban đầu khó khăn.
Công việc của tôi ở Viện có 2 mảng: chuyên môn và điều hành. Về chuyên môn, tôi trở về Việt Nam làm việc vào 3 tháng hè. Tôi tổ chức một lớp học cho sinh viên năm cuối và nghiên cứu sinh. Năm ngoái có khoảng 20 em đến từ khoa toán của các trường đại học trên cả nước, 5-7 em là nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Các em học cùng nhau, có hôm tôi giảng bài, hoặc giao bài cho các em tự đọc, buổi chiều các em sẽ làm việc theo nhóm. Việc sinh hoạt khoa học này rất vui, và năm nay tôi sẽ tiếp tục tổ chức như vậy, đương nhiên là với đề tài khác.
Còn việc điều hành Viện đều do anh Lê Tuấn Hoa làm, tôi không tham gia nhiều. Viện không có biên chế vĩnh viễn nên các nhà khoa học chỉ làm việc ở Viện một thời gian ngắn. Hàng năm, ngày 15/3 là hạn chót để các nhà khoa học ở Việt Nam và nước ngoài làm đơn đến Viện làm việc. Họ cần làm hồ sơ, nêu rõ kế hoạch làm việc, đề nghị Viện mời giáo sư nước ngoài nào cùng nghiên cứu... Hội đồng khoa học gồm 15 người này sẽ thảo luận, loại ra những hồ sơ yếu, chọn hồ sơ tốt. Tôi là chủ tịch hội đồng khoa học, là người quyết định cuối cùng. Ngoài ra, tôi cũng chủ động mời một số chuyên gia ở nước ngoài, khuyến khích họ, tập hợp lại để cùng làm việc tại Viện.
- Hiện nay Việt Nam đang có nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về nước làm việc, nhưng để đảm bảo mức lương như ở nước ngoài thì không thể lo nổi. Ông đánh giá thế nào về mối liên hệ giữa lương và việc về nước làm việc của các nhà khoa học?
- Cách đây một vài năm có một khảo sát trên mạng rất hay hỏi ý kiến những người đang làm nghiên cứu ở Mỹ. Câu hỏi đặt ra là "Yếu tố gì là quan trọng nhất trong việc quay về Việt Nam?". Thu nhập cũng là một yếu tố được nhắc đến, nhưng kết quả khảo sát thì nó đứng vị trí thứ ba. Yếu tố đầu tiên mọi người quan tâm là môi trường làm việc, thứ hai là khả năng thăng tiến trong công việc. Tôi nghĩ điều này phản ánh đúng tâm tư của các bạn trẻ, bởi khi chưa có gia đình, con cái thì vấn đề thu nhập chưa quan trọng lắm. Đương nhiên là không thể sống nghèo khổ nhưng họ không nhất thiết đòi hỏi cuộc sống giàu sang.
Theo tôi, điều mà các nhà khoa học cần là điều kiện làm việc, là sự lao động chân chính trong lĩnh vực họ mong muốn, được tự do làm nghiên cứu chứ không mất thời gian vào những việc khác. Thực tế một số bạn bè tôi, họ có về Việt Nam làm việc nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì bị cuốn vào những guồng máy, điều kiện trong môi trường hiện tại. Thời gian họ tập trung làm nghiên cứu khoa học rất ít mà mất nhiều thời gian cho những việc đáng ra không cần, nhưng cuộc sống buộc họ phải như vậy.
- Là người nghiên cứu về toán nhưng từng viết sách và rất chăm chút khi sử dụng câu từ, ông đánh giá thế nào về việc Bộ GD&ĐT cho thí sinh dự thi vào 10 trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật không phải thi môn Văn?
- Tôi chưa rõ lắm về quyết định của Bộ nên nếu suy luận có thể hồ đồ. Tôi nghĩ rằng tất cả người làm khoa học và nghệ thuật, việc chăm chút câu từ là vô cùng quan trọng. Những gì mình nói, viết ra phải tự đặt chuẩn để nỗ lực diễn đạt một cách mạch lạc nhất, không dùng sáo từ, không dùng từ thừa. Điều đó không chỉ tôn trọng bạn đọc, người đối thoại mà còn thể hiện sự tôn trọng chính mình.
Việc lựa chọn câu từ thích hợp, diễn đạt mạch lạc sẽ làm cho tư duy sáng sủa hơn. Ngôn ngữ quyết định suy nghĩ của mình và những người tự bằng lòng với cách diễn đạt mập mờ, ề à thì suy nghĩ cũng không được tốt lắm.
Theo VNE
GS Ngô Bảo Châu nói về viện hàn lâm VN GS Ngô Bảo Châu chia sẻ về viện hàn lâm của Việt Nam, những đặc quyền đặc lợi ở viện toán cao cấp, những yếu tố làm người tài "ngại" trở về nước làm việc... Chiều ngày 12/3, GS Ngô Bảo Châu đang công tác tại ĐH Chicago (Mỹ) về Việt Nam tham dự buổi họp báo về sự kiện "Cầu nối -...