Vấn đề cũ, thách thức mới
Trong báo cáo vừa được công bố trước Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun cho biết, hơn 60 triệu người, một nửa là trẻ em, đã phải trốn chạy khỏi các cuộc xung đột bạo lực và hiện phải sống trong cảnh tị nạn không nhà cửa. Ngoài ra, khoảng 225 triệu người di cư đã rời bỏ quê hương ra đi để tìm kiếm những cơ hội sống tốt hơn. Trên thực tế, một số lượng lớn trong số người tị nạn nói trên đang tập trung tại tâm bão của khủng hoảng di cư toàn cầu là châu Âu. Chỉ tính riêng trong năm 2015, hơn một triệu người di cư đã kéo tới châu Âu, tạo ra cuộc khủng hoảng tồi tệ. Theo đó, gánh nặng người nhập cư đã “bào mòn” phúc lợi xã hội của các nước EU, tạo ra những nguy cơ an ninh, bất ổn xã hội và gây chia rẽ nội bộ các quốc gia trong mái nhà chung châu Âu.
Hơn một năm đã trôi qua, song các quốc gia trong khu vực này vẫn đang loay hoay “vít mạch ngược” và không thể chặn nổi dòng người di cư. Dù EU đã đạt thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ nước này vượt biển Ê-giê tới Hy Lạp trước khi tìm đến các nước Bắc Âu, song thỏa thuận nêu trên ngay lập tức khiến làn sóng di cư chuyển hướng tới các lộ trình khác, nhất là từ Li-bi vượt biển Địa Trung Hải tới I-ta-li-a, tạo thêm gánh nặng cho quốc gia cửa ngõ này. Từ đầu năm tới nay, I-ta-li-a trở thành điểm đến của hơn 28.500 người di cư.
Trong khi đó, thỏa thuận nói trên với Thổ Nhĩ Kỳ đang được giới phân tích nhận định là hết sức mong manh. Báo Hình ảnh của Đức đánh giá, thỏa thuận giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư EU – Thổ Nhĩ Kỳ mà hai bên đạt được mới đây, hiện không bảo đảm có thể thành công. Việc Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ A.Đa-vu-tô-glu (người được cho là kiến trúc sư của thỏa thuận nêu trên và có quan hệ cá nhân tốt đẹp với Thủ tướng Đức A.Méc-ken) vừa thông báo từ chức, đã làm dấy lên những nghi ngờ rằng, liệu Tổng thống Éc-đô-gan còn sẵn lòng thực thi phần trách nhiệm của mình trong thỏa thuận hay không. Báo Hình ảnh tiết lộ rằng, một số quốc gia EU đã thảo luận phương án hai trong trường hợp thỏa thuận EU – Thổ Nhĩ Kỳ đổ vỡ. Theo đó, Hy Lạp là ứng cử viên để EU lựa chọn làm đối tác thay Thổ Nhĩ Kỳ trong việc “đắp đê ngăn lũ” di cư.
Ngoài vấn đề nêu trên, EU cũng đang đối mặt thách thức ngày càng tăng trong bối cảnh bất đồng nội bộ khối liên quan việc phân bổ hạn ngạch người nhập cư ngày càng sâu sắc. Các quốc gia Đông Âu như Hung-ga-ri, Ba Lan và Xlô-va-ki-a đã kịch liệt phản đối việc phân bổ 160.000 người tị nạn tới các nước EU. Để đối phó với tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, đầu tháng 5 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) cực chẳng đã, phải tuyên bố sẽ phạt các nước không tiếp nhận người tị nạn với cái giá khá “chát” là 250.000 ơ-rô cho mỗi trường hợp từ chối tiếp nhận người nhập cư theo hạn ngạch. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng di cư cũng đặt EU trước các thách thức an ninh, chính trị rất lớn. Thủ tướng Đức A.Méc-ken đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ chủ nghĩa dân tộc quay trở lại châu Âu. Bà Méc-ken bày tỏ quan ngại trước thực trạng các đảng cực hữu và chống người nhập cư đang nhận được sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ ở một số quốc gia EU thời gian gần đây.
Video đang HOT
Cuộc khủng hoảng di cư diễn ra nghiêm trọng tại châu Âu đòi hỏi các nhà lãnh đạo EU phải đoàn kết đưa ra các giải pháp tổng thể để giải quyết tận gốc rễ của vấn đề, đó là giải quyết hòa bình các điểm nóng về xung đột, bất ổn chính trị tại các nước láng giềng của EU. Tuy nhiên, cho đến nay, dường như các giải pháp mà các nhà lãnh đạo EU đưa ra vẫn chưa đủ hợp lý và quyết liệt, khiến tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng này nhiều lần “đi vào ngõ cụt”. Theo đó, khủng hoảng di cư đang trở thành một vấn đề có tính toàn cầu.
Thực trạng nêu trên khiến Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã phải kêu gọi từng quốc gia xem xét đề ra một khuôn khổ hợp tác quốc tế cho vấn đề người di cư, dưới hình thức một hiệp định toàn cầu. Người đứng đầu LHQ hy vọng, một hội nghị liên chính phủ về vấn đề di cư quốc tế vào năm 2018 để thông qua hiệp định này. Trước mắt, vào ngày 19-9 năm nay, Đại hội đồng LHQ sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao để thảo luận về tình trạng di cư ồ ạt. Đây được coi là cơ hội đặc biệt để EU nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung tìm ra lời giải cho bài toán nhập cư đang trở thành vấn đề lớn của nhân loại trong thập kỷ này. Trước mắt, LHQ đề nghị tái định cư cho ít nhất 10% số người tị nạn mỗi năm và yêu cầu các nước mở cửa biên giới đón những người tị nạn và di cư từ các khu vực chiến tranh và thảm họa.
Đông Dương
Theo_Báo Nhân Dân
EU - Thổ Nhĩ Kỳ: Đôi bên cần nhau
Cuộc khủng hoảng di cư đang khiến EU ngày càng lâm vào thế bí. Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một nhân tố quan trọng góp phần giải quyết vấn đề. EU cần Thổ Nhĩ Kỳ, và Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn nhân cơ hội này có thể đạt được những mục tiêu về chính trị và kinh tế cho mình. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã yêu cầu EU viện trợ thêm ba tỷ euro để đổi lấy sự trợ giúp của nước này trong việc giải quyết khủng hoảng di cư. Ông Davutoglu còn đề xuất thỏa thuận trao đổi người tị nạn, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận người tị nạn Syria từ Hy Lạp với điều kiện EU phải tái định cư cho một trường hợp tương ứng từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu EU sớm miễn thị thực du lịch cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6 tới, đồng thời đẩy nhanh tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong suốt thời gian qua, quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ không mấy xuôi chèo mát mái do các cuộc thương lượng về việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ luôn gặp trở ngại, với những điều kiện khắt khe của EU. Nhưng, cho tới khi xảy ra cuộc khủng hoảng di cư tại EU thì Thổ Nhĩ Kỳ đã nắm bắt được một cơ hội lớn khi họ giành thế chủ động trong bài toán về người di cư. Và, trong các cuộc thương lượng với EU, Thổ Nhĩ Kỳ phần nào được ưu ái hơn. Đôi khi, EU còn có những nhượng bộ đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề di cư, nhất là việc trao quy chế ưu đãi về thị thực du lịch cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ được EU chấp thuận theo 72 tiêu chí đã đặt ra thì đây là thành công lớn cả về chính trị và kinh tế của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền. Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc trao cơ chế miễn thị thực du lịch cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến được công bố vào cuối tháng 6.
Trong bối cảnh hiện nay, EU dường như đang bị bế tắc và Thổ Nhĩ Kỳ nắm thế chủ động trong vấn đề giải quyết bài toán người di cư. Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ là trục đường chính trong hành trình của những người nhập cư từ Trung Đông, Bắc Phi qua eo biển Aegean tới Hy Lạp (quốc gia thành viên EU). Thổ Nhĩ Kỳ còn nhiều lần tuyên bố sẽ xóa bỏ thỏa thuận đạt được với EU nếu công dân nước này không được hưởng quy chế miễn thị thực vào cuối tháng 6. Vì thế, khả năng EU sẽ nhanh chóng thông qua quy chế thị thực đặc biệt đối với du khách là công dân Thổ Nhĩ Kỳ khi vào Không gian đi lại tự do (Schengen), đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đáp ứng những điều kiện về kiểm soát, tiếp nhận người nhập cư từ Trung Đông, nhất là Syria.
Đánh giá và quyết định của Ủy ban châu Âu ngày 4-5 là bước đầu quan trọng. Tiếp theo, các chính phủ thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP) sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có thông qua hay không quy chế ưu đãi thị thực đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều quan trọng, theo Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans, để nhận được ưu đãi về thị thực, Thổ Nhĩ Kỳ cần hoàn tất 72 điều kiện mà EU đặt ra (theo đánh giá của EC, Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp ứng được 67 yêu cầu của EU). Đặc biệt, số người di cư mỗi ngày vào Hy Lạp đã giảm nhiều, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đàm phán về thỏa thuận với Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol), điều chỉnh luật về chống khủng bố, nỗ lực cải cách...
Theo quyết định mới về ưu đãi miễn thị thực, du khách là công dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải có hộ chiếu sinh học (với dấu vân tay, ảnh chân dung), và được phép lưu trú tại các nước trong Khu vực Schengen không quá 90 ngày.
Đối với EU, hiện nay, việc đóng cửa hàng loạt biên giới nhằm ngăn chặn người nhập cư đổ vào EU đang ảnh hưởng đến quy chế miễn thị thực trong khu vực Schengen - hình mẫu nhất thể hóa của EU. Theo một số nhà phân tích, trong nỗ lực kiểm soát biên giới của các nước EU, cần có hợp tác và phối hợp chặt chẽ của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhất là vào lúc này, hai bên đều cần đến nhau.
Kiểm soát an ninh tại biên giới Schengen (nguồn: leparisien).
THĂNG LONG
Theo_Báo Nhân Dân
Phó TTK Liên Hiệp Quốc tới Việt Nam bàn về hạn hán Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Jan Eliasson, thăm Việt Nam từ ngày 3 đến 6/5 để thảo luận hàng loạt các vấn đề, trong đó có tình hình hạn hán. Theo thông cáo báo chí từ phòng truyền thông Liên Hiệp Quốc, P hó Tổng thư ký Jan Eliasson sẽ có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 3 đến ngày...