“Vẫn còn tình trạng ngại đề xuất những vấn đề mới có tính đột phá”
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định vẫn còn tình trạng né tránh, ngại đề xuất những vấn đề mới có tính đột phá. Kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm; có lúc, có nơi còn nhũng nhiễu, tiêu cực.
Trình bày báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2018 tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 2/7, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định đã quyết liệt hoàn thiện thể chế theo hướng thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch và bảo đảm thực thi nghiêm minh. Các nghị định có nhiều bất cập được sửa đổi theo hướng áp dụng trình tự rút gọn, một nghị định sửa nhiều nghị định theo nhóm vấn đề, tăng phân cấp và trách nhiệm cho bộ, ngành, địa phương.
“Khẳng định sự quan tâm sâu sắc tới nông nghiệp, nông thôn, nông dân và công nhân, lần đầu tiên Thủ tướng đã đối thoại với hơn 600 nông dân tiêu biểu với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”; đối thoại lần thứ ba với gần 1.000 công nhân lao động trong khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng với chủ đề: “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”.
Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Xác định nhiệm vụ mới về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó ban hành 2 nghị định cắt giảm, đơn giản hóa hơn 700 điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành thuộc ngành Công Thương, Y tế. Riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm đã cắt giảm trên 95% thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với thực phẩm nhập khẩu, 90% sản phẩm doanh nghiệp được phép tự công bố, tiết kiệm 7,7 triệu ngày công, tương đương trên 3.100 tỷ đồng. Lĩnh vực khoa học, công nghệ đã chuyển 91% nhóm sản phẩm hàng hóa sang áp dụng cơ chế hậu kiểm”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.
Bên cạnh đó, qua website Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp, đã tiếp nhận 389 kiến nghị của doanh nghiệp, đã chuyển 256 đến các cơ quan có thẩm quyền, có 180 kiến nghị được trả lời doanh nghiệp; tiếp nhận và chuyển 113 kiến nghị của người dân đến Bộ, cơ quan, đã xử lý có kết quả 96 kiến nghị. Hầu hết, người dân và doanh nghiệp hài lòng với kết quả giải quyết của các Bộ, cơ quan.
Trong giải quyết thủ tục hành chính, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, gắn kết giữa cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử. Mô hình một cửa, một cửa liên thông được triển khai mạnh mẽ, đã có 30 Trung tâm hành chính công được thành lập hiện đại với 2 mô hình (trực thuộc UBND tỉnh hoặc Văn phòng UBND tỉnh).
Bên cạnh đó, đã tinh giản biên chế các cơ quan hành chính gần 4.300 người, đơn vị sự nghiệp công lập trên 24.700 người, công chức cấp xã 5.770 người. Sắp xếp giảm 15 Vụ thuộc Bộ, 189 phòng thuộc Vụ, Cục. Riêng Bộ Công an đang sắp xếp theo hướng không còn 6 Tổng cục, giảm từ 125 đơn vị cấp Cục còn 60, giảm 20 Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy.
“Chính phủ tổ chức hội nghị về công tác giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài; chỉ đạo lập kế hoạch giải quyết từng vụ việc; chấn chỉnh việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, đối thoại giải quyết vụ việc. Đồng thời rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp, nhất là các quy định về thu hồi đất, bồi thường thiệt hại… để bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.
Tuy vậy, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa nhận chất lượng xây dựng thể chế chưa đáp ứng yêu cầu, việc chuẩn bị một số dự án luật còn chậm, phải xin lùi tiến độ; có dự án luật hồ sơ chưa đúng quy định. Thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn trong quản lý, điều hành và hoạt động của doanh nghiệp.
Video đang HOT
“Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan chưa hiệu quả, nhất là việc phối hợp xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Vẫn còn tình trạng né tránh, ngại đề xuất những vấn đề mới có tính đột phá, chưa mạnh mẽ trong việc đề xuất phân cấp gắn với kiểm tra giám sát và trách nhiệm người đứng đầu”- ông nói.
Những hạn chế nêu trên một phần do nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhiều nơi thiếu quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ, đến khi được kiểm tra, đôn đốc mới tập trung thực hiện.
“Kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm; có lúc, có nơi còn nhũng nhiễu, tiêu cực. Một số địa phương chưa sâu sát thực tiễn, chưa chủ động nắm tình hình, còn bị động, bất ngờ trong xử lý tình huống, để xảy ra sự việc gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng môi trường đầu tư và hình ảnh Việt Nam”- ông Dũng chỉ rõ.
Văn phòng Chính phủ đi đầu về văn phòng điện tử “không giấy tờ”
Để khắc phục những hạn chế, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, nhất là trong bối cảnh công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương hoàn thiện thể chế cơ bản cho xây dựng Chính phủ điện tử, như: kết nối, chia sẻ dữ liệu; xác thực điện tử; lưu trữ điện tử; triển khai các giải pháp công nghệ, hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia, thiết lập hệ thống thông tin nền tảng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật; hạn chế phương thức giải quyết thủ công; dành nguồn lực để phát triển Chính phủ điện tử, điều chỉnh cơ chế đầu tư phù hợp với đặc thù lĩnh vực công nghệ thông tin và huy động nguồn lực xã hội; thay đổi thói quen và tạo sự đồng thuận, đặc biệt là có cơ chế bảo đảm thực thi.
“Thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về xây dựng Chính phủ điện tử, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương. Thủ tướng đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ phải là cơ quan đi đầu về văn phòng điện tử “không giấy tờ”. Trước mắt, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử thông qua hệ thống kêt nôi, liên thông các phần mềm do Văn phòng Chính phủ chủ trì; triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và xây dựng các dịch vụ công trực tuyến theo đúng lộ trình”- ông Dũng thông báo.
Thế Kha
Theo Dantri
Bộ trưởng Nội vụ: Làm sạch nhà mình trước khi "dọn" nhà người khác!
Giải thích với Tổ công tác của Thủ tướng tại cuộc kiểm tra Bộ Nội vụ chiều 27/6 về nhiệm vụ thanht ra công vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, "không phải đi thanh tra, kiểm tra người khác rồi lại không "làm" mình. Trước khi làm sạch nhà người khác thì phải làm sạch nhà mình đã".
Chiều 27/6, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác dẫn đầu làm việc với Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Tổ công tác của Thủ tướng kiếm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được giao của Bộ Nội vụ
Bộ trưởng "không nhìn thấy cái lưng của mình"
Chuyển lời khen ngợi, đánh giá cao của Thủ tướng tới Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đóng góp của Bộ này với việc cải cách thủ tục hành chính rất đáng kể. Trước đây, nhiều việc các bộ, địa phương phải xếp hàng lên Bộ Nội vụ, từ việc thi tuyển chuyên viên, sắp xếp phê duyệt vị trí việc làm, hay các văn bản đều phải có ý kiến của Bộ Nội vụ thì nay đã được phân cấp mạnh mẽ, gắn với trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, thi đua khen thưởng cũng đi vào nề nếp, trật tự, chấn chỉnh các hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng.
Nêu 5 vấn đề Thủ tướng lưu ý Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc tới chuyện biên chế và tiền lương. Trong khi chỉ tiêu 6 năm phải giảm 10% biên chế và viên chức đang theo hướng tự chủ tài chính thì vấn đề quản lý công chức, viên chức, sử dụng hợp đồng lao động, quản lý quỹ lương cần phải lưu ý. Qua kiểm toán tại 13 bộ và 14 địa phương, vấn đề giao chỉ tiêu biên chế, tiếp nhận sử dụng biên chế, sử dụng vượt thẩm quyền, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập vượt tới hơn 63.200 người, cho thấy việc kiểm tra, kiểm soát ở dưới, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương không nắm hết.
"Tôi ở địa phương rồi tôi biết, khi bí lên là tỉnh dùng cả lao động hợp đồng, biên chế viên chức làm ở trong đơn vị hành chính, tức là cán bộ ngồi ở phòng công chức nhưng không phải là công chức. Đây là thực tế và cần phải có sự chấn chỉnh công chức, viên chức này", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
"Vừa rồi, nhiều bộ ngành địa phương đề nghị bổ sung biên chế công chức, tôi và anh Thăng (Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng - PV) cũng quyết liệt ngồi đối thoại với nhau. Ch"úng ta không thể thực hiện sai nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, kết luận 17, dứt khoát không thể tăng biên chế công chức, không thể chấp nhận phình bộ máy" - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nói thêm.
Cho rằng hiện nay việc sắp xếp tổ chức bộ máy là rất khó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Theo ông Dũng, hiện cả nước có khoảng 3,1 triệu công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách, nếu tiết kiệm chi cho đội ngũ này sẽ làm được nhiều việc.
Về 4 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành của Bộ mình, giải trình với Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhìn nhận, do không thể thấy cái lưng của mình nên có những việc mới chỉ nhìn được là thành tích chứ không nhìn ra khuyết điểm. Bộ trưởng xác nhận ngành nội vụ còn rất nhiều công việc còn phải làm.
"1 người gian làm khó 100 người ngay"?
Nói về việc sắp xếp bộ máy trong bộ, ông Tân cho hay, Bộ Nội vụ không còn ai cấp phòng trong các vụ chuyên môn và cam kết với Chính phủ sẽ giảm biên chế từ 15% trở lên.
Theo ông, công tác quản lý nhà nước của ngành cần tập trung làm 3 việc: xây dựng chiến lược phát triển ngành; xây dựng thể chế, hướng dẫn thực hiện; công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó phải chú trọng đến vấn đề phân cấp, phân quyền. Bộ trưởng Nội vụ dẫn chứng việc phân cấp duyệt đề án vị trí việc làm cho Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh duyệt các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, bộ cũng sửa đổi 2 Thông tư phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương thi từ chuyên viên lên chuyên viên chính, Bộ Nội vụ chỉ làm việc tổ chức kế hoạch thi, ra đề thi.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng
"Phân cấp cho các địa phương họ rất phấn khởi, làm rất nhanh", người đứng đầu ngành Nội vụ nói và cho biết, tới đây bộ tiếp tục phân cấp và đẩy mạnh một số lĩnh vực khác, trong đó có cả việc tinh giản biên chế.
Về thanh tra, kiểm tra, tư lệnh ngành Nội vụ cho rằng, đây là nhiệm vụ quan trọng. Ông cho biết, vừa rồi Bộ Nội vụ đề xuất với Chính phủ và đã có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiểm tra, thanh tra công vụ ít nhất 30%. Trong các đơn vị trực thuộc bộ cũng phải thanh tra, kiểm tra 30%.
"Không phải đi thanh tra, kiểm tra người khác rồi lại không "làm" mình. Tôi đã nói với các đơn vị trực thuộc bộ, trước khi làm sạch nhà người khác thì phải làm sạch nhà mình đã" - Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Nói về cải cách thủ tục hành chính, ông Lê Vĩnh Tân cho rằng, phải đổi mục tiêu, đừng quản lý công việc, đừng quá thiên về chi tiết, cầm tay chỉ việc, sợ cái này, sợ cái kia.
"Mình sợ một người gian làm khó 100 người ngay thì không được", ông Tân nói và lưu ý hông thể để một cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo CCHC mà nằm ở vị trí thứ 9 về CCHC và đứng thứ 17/19 về cải cách thủ tục hành chính.
Giải thích việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chậm chễ, Bộ trưởng Nội vụ nêu 3 nguyên nhân. "Không thể chúng ta chỉ làm việc 8 tiếng tại cơ quan được. Tôi nói bây giờ kể cả ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ cũng phải có người trực làm việc ở đây. Tôi gọi các cục, vụ bất cứ lúc nào và lúc nào cũng phải phát hành văn bản, dù lúc đó là 11h đêm".
Ông kể, có hôm thứ 7, chủ nhật, 23h30, Văn phòng Chính phủ vẫn bấm chuông đưa thư và tối đó ông xử lý văn bản và ký xong, không chờ đến thứ 2.
"Chúng ta không phải học ai mà học ngay VPCP cách làm việc như thế. Đừng ngâm việc. Tôi không bao giờ để tài liệu quá 1 ngày mà các cán bộ phòng ban để 3, 4 ngày là không được đâu", Bộ trưởng Nội vụ nhắc cán bộ của mình.
P.Thảo
Theo Dantri
"Du khách mặc áo in "đường lưỡi bò" là hoạt động có tổ chức" "Chúng ta không thể chấp nhận được kiểu du lịch mà một nhóm bỏ áo ngoài ra là có áo phông in "đường lưỡi bò". Đây là hoạt động có tổ chức, có sắp xếp chứ không phải vô tình", ông Mai Tiến Dũng - Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói. Ngày 18.5, trao đổi với báo chí bên lề...