Vẫn còn gần 20% diện tích tự nhên nước ta bị ô nhiễm bom mìn
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa công bố kết quả khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam trong thời gian qua, vẫn còn những con số gây nhiều nhức nhối dư luận.
Để làm sạch bom mìn sau chiến tranh Việt Nam, cần kinh phí hàng chục tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm (Ảnh: SGGP)
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại những vùng đất có diện tích ô nhiễm cao được đẩy mạnh…
Tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng để làm sạch bom mìn sau chiến tranh Việt Nam, cần kinh phí hàng chục tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn.
Hàng năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch truyền thông Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh như xây dựng, triển khai kế hoạch, tuyên truyền vận động tài trợ quốc tế cho chương trình;
Thông qua các kênh thông tin truyền thông, phát hiện nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm hay, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chương trình; nghiên cứu các chính sách bảo trợ trợ giúp sinh kế cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng…
Theo ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh Văn phòng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, với thực trạng ô nhiễm bom mìn hiện tại, Việt Nam cần hàng trăm năm để làm sạch hoàn toàn bom mìn.
Video đang HOT
“Vấn đề đặt ra là làm sao để nâng cao năng lực và huy động nhiều nguồn lực để tăng tốc độ rà phá bom mìn để sau vài chục năm nữa có thể giải quyết cơ bản hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Đó là nhiệm vụ của Chính phủ, cũng như trăn trở của hơn 90 triệu người dân Việt Nam và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Chúng ta cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền trong nước và quốc tế tạo sự ủng hộ đóng góp vào công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam” – đồng chí Nguyễn Bá Hoan cho biết.
Những năm qua, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phần nào đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng. Nạn nhân bom mìn có nhu cầu được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ Nhà nước và cộng đồng để có thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế, xã hội.
Đến nay, cả nước có 1.012.923 ngươi khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (bao gồm cả nạn nhân bom mìn) được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Các mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 418 cơ sở trợ giúp xã hội.
Theo GD&TĐ
Mít tinh, diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom mìn
Ngày 4/4 tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) đã tổ chức mít tinh và diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom mìn 4/ 4.
Dự mít tinh có Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn, Tư lệnh Binh chủng Công binh, Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam(VNMAC); Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương; Đại sứ quán, một số tổ chức quốc tế có dự án hỗ trợ rà phá bom mìn tại Việt Nam cùng hơn 1.000 đoàn viên, sinh viên và tình nguyện viên của tỉnh Quảng Trị.
Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống bom mìn năm nay do Liên hiệp quốc phát động năm là "Khu đất an toàn - ngôi nhà an toàn", nhằm biến những vùng đất còn ô nhiễm bom mìn thành sân chơi, cùng hành động để không ai bị bỏ lại phía sau. VNMAC đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước và ngoài nước triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh như: Rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, tái định cư, tuyên truyền giáo dục phòng tránh bom mìn...
Trình diễn rà phá bom mìn vật liệu nổ tại buổi lễ
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 701,Việt Nam là một trong những nước có tình trạng ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất trên thế giới. Tại 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đều bị ô nhiễm diện tích đất đai bị ô nhiễm, nghi ngờ ô nhiễm bom mìn là 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% diện tích cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương; cảm ơn sự phối hợp của các Bộ, ngành địa phương, chính phủ các nước cùng các tổ chức quốc tế đã quan tâm, hỗ trợ nguồn lực, phối hợp và tổ chức thực hiện nhiều hoạt động thiết thực trong việc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.
Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn cũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm phòng, chống tai nạn bom mìn, tác hại của chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; chủ động, tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các tổ chức trong nước, quốc tế nhằm huy động cao nhất các nguồn lực khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học, đặc biệt là chăm lo, giải quyết chính sách, hỗ trợ y tế, việc làm, cải thiện điều kiện sống cho nạn nhân bom mìn.
Một số hình ảnh sách, tờ rơi hướng dẫn nhận biết bom mìn tại buổi lễ
Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trong bài phát biểu cho biết, với những nỗ lực hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học, sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, đặc biệt là Ban Chỉ đạo 701, các vụ tai nạn do bom mìn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giảm qua từng năm. Năm 2017, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 2 vụ tai nạn bom mìn nhưng không có thương vong; năm 2018 là năm đầu tiên Quảng Trị ghi nhận không có vụ tai nạn bom mìn nào. Điều đó cho thấy hiệu quả của công tác truyền thông nâng cao nhận thức tới người dân về tác hại của bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị bày tỏ mong muốn, thời gian tới tỉnh tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, sự hỗ trợ của các nhà tài trợ trong quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh tại địa phương, "Để trong một tương lai không xa Quảng Trị và nhiều tỉnh, thành nữa trong cả nước có thể tự giải quyết có hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh để lại"-ông Hoàng Nam phát biểu.
Đạp xe cổ động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom mìn
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức trưng bày một số hình ảnh về thực trạng ô nhiễm bom mìn, các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn của Ban Chỉ đạo 701 và của tỉnh Quảng Trị. Trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom mìn, từ ngày 1 đến 5/4/2019, một số trường PTCS trên địa bàn huyện Cam Lộ và Triệu Phong đã diễn ra chương trình giáo dục phòng tránh bom mìn cho các em học sinh. Dịp này, Ban Tổ chức đã trao tặng 30 suất quà cho các nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Quảng Trị, mỗi suất quà trị giá 12 triệu đồng.
Quảng Trị là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chiến tranh. Theo số liệu khảo sát của Bộ Quốc phòng, năm 2017, diện tích đất còn ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ chiếm gần 82% tổng diện tích đất toàn tỉnh, đứng đầu cả nước về diện tích ô nhiễm. Từ năm 1975 đến nay, tỉnh Quảng Trị có gần 8.540 nạn nhân bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, trong đó nạn nhân là trẻ em chiếm trên 31%.
Minh Hoàng
Theo Baodansinh
Việt Nam cần hơn 100 năm để làm sạch bom mìn Ngày 4/4, là ngày Thế giới phòng, chống bom mìn. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn và chịu hậu quả còn sót lại nặng nề nhất trên thế giới. Rà phá ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam. Với thực trạng ô nhiễm bom mìn hiện tại, Việt Nam cần hơn 100 năm và kinh phí...