Vẫn có hy vọng tránh được hành động Mỹ tấn công Syria?
Ông Nguyễn Quang Khai – cựu Đại sứ Việt Nam tại một số nước Trung Đông – nhận định, không thể loại trừ nguy cơ Mỹ cũng như Anh và Pháp tấn công Syria, nhưng vẫn có hy vọng tránh được hành động quân sự.
Tàu sân bay Mỹ USS Harry S.Truman hiện đang trên đường tới vịnh Ba Tư. Ảnh: AP
Xin ông đánh giá đôi nét về diễn biến ở Syria hiện nay?
- Tình hình hiện rất căng thẳng, không loại trừ khả năng Mỹ, cùng Anh và Pháp sẽ tấn công. Hiện Mỹ và các nước phương Tây đã tập trung tàu chiến, máy bay, tên lửa đến Địa Trung Hải, áp sát bờ biển Syria khoảng 100km. Trong khi đó, phía Nga cũng đã tuyên bố báo động toàn quân, sẵn sàng chiến đấu đáp trả. Syria và Iran cũng trong trạng thái tương tự.
Theo ông, liệu các bên, cụ thể là Nga và Mỹ, có hành động như những tuyên bố cứng rắn đưa ra trước đó không?
- Việc Mỹ, Anh, Pháp tấn công có thể xảy ra, nhưng cho đến nay, tôi vẫn hy vọng có thể tránh được. Hiện nội bộ Mỹ chưa thống nhất về việc tấn công Syria. Tin tức ngày 11.4 cho thấy, Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang có sự khác biệt về quan điểm. Trong khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố có đầy đủ bằng chứng về việc chính quyền ông Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học tại Douma, Đông Ghouta thì Bộ trưởng James Mattis đang đề nghị xem xét kỹ lưỡng thông tin tình báo về việc Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Video đang HOT
Thêm vào đó, ngày 9.4, Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ ra quyết định về cách thức đáp trả vụ nghi tấn công hóa học ở Syria trong vòng 24-48 giờ. Nhưng cho đến chiều tối 12.4, quyết định về Syria vẫn chưa ngã ngũ dù Mỹ có tập trung binh sĩ và khí tài quân sự sát Syria.
Hiện rất khó để khẳng định việc tấn công Syria có thể xảy ra không, bởi ông Donald Trump cũng không thể bỏ qua ý kiến của Quốc hội Mỹ về vấn đề này. Nhưng chắc chắn việc ra quyết định không hề dễ dàng.
Tình thế tương tự về việc ra quyết định phản ứng với Syria của Thủ tướng Anh Theresa May. Ngoài ra, một yếu tố khác là chính bản thân ông Donald Trump đang nhiều vấn đề rắc rối nội bộ như: Cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ, bê bối tình ái…
Về phía Nga, dù toàn quân trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, nhưng tối 11.4, ông Vladimir Shamanov – Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga – cho biết, Nga đang liên hệ trực tiếp với Bộ tham mưu chung của Mỹ về tình hình Syria. Do đó, dù tình hình căng thẳng nhưng vẫn có khả năng tránh được tấn công. Đây cũng là mong muốn chung của các nước trong
khu vực.
Nếu Mỹ và phương Tây thực sự tấn công Syria, tình hình có thể đi xa tới mức nào, thưa ông?
- Hiện vị thế của ông Bashar al-Assad mạnh mẽ hơn rất nhiều so với thời điểm xung đột bùng nổ ở Syria những năm 2011-2012. Nếu Mỹ và phương Tây nã tên lửa vào Syria, sẽ không tránh khỏi sự đối đầu giữa Nga – Mỹ, cũng như các nước ủng hộ Nga, Syria. Mọi tính toán và bất cứ hành động quân sự nào đối với Syria cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi cuộc đối đầu không chỉ ảnh hưởng đối với Syria, với khu vực mà còn có hậu quả khủng khiếp, khôn lường với chính bản thân nước Mỹ.
HÀ LIÊN THỰC HIỆN
Theo Laodong
Tấn công Syria, Mỹ đặt mình trên tất cả các nước, đạp lên mọi luật lệ
Nguy cơ Mỹ dùng vũ lực ở Syria làm suy yếu luật pháp quốc tế và toàn bộ hệ thống của Liên Hợp Quốc - Đại sứ Bolivia tại Liên Hợp Quốc tuyên bố.
"Bằng việc đe dọa hành động với Syria, có hoặc không có sự chấp thuận của Liên Hợp Quốc, Mỹ đang đặt mình lên trên tất cả các quốc gia khác, coi thường luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc và cả hệ thống Liên Hợp Quốc nói chung" - Đại sứ Bolivia Sacha Llorenti, người kêu gọi cuộc họp của Hội đồng Bảo an về vấn đề Syria, nói với RT.
"Vấn đề là Mỹ tin và hành động như thể họ đứng trên mọi luật lệ. Họ tin rằng họ có luật lệ riêng" - Đại sứ Llorenti nói.
Ngày 11.4, Đại sứ Llorenti đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mà Bolivia là một thành viên không thường trực, triệu tập cuộc họp vào ngày 12.4 để bàn thảo về "tình trạng leo thang liên quan đến Syria và những đe dọa hành động quân sự đơn phương".
Động thái này diễn ra sau lời đe dọa hôm 9.4 của Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley rằng Washington có thể đi đến chiến tranh ở Syria một mình nếu không được sự chấp thuận của Liên Hợp Quốc vì "sự cản trở" từ Nga. "Dù bằng cách nào, Mỹ cũng sẽ đáp trả" - bà Haley nói.
Đại sứ Llorenti lập luận, mặc dù Hội đồng Bảo an đang đối mặt với nhiều vấn đề của riêng mình và cần cải cách, nhưng ưu tiên hàng đầu phải là "đoàn kết để tạo ra một cơ chế độc lập nhằm điều tra cáo buộc về các vụ tấn công hóa học".
"Ngay cả khi các nước không thống nhất được một cơ chế, thì điều đó không có nghĩa là Mỹ được phép muốn làm gì thì làm ở Syria" - ông Llorenti nói, khẳng định tại thời điểm này chưa có kết luận điều tra về vụ tấn công hóa học.
"Do đó, dù bất kỳ điều gì xảy ra, nếu Mỹ hành động đơn phương thì đó sẽ là một sự vi phạm luật pháp quốc tế và cả hệ thống Liên Hợp Quốc, điều không nên và không thể chấp nhận được" - ông Llorenti nói, lưu ý rằng một cuộc đáp trả quân sự không chỉ là tấn công Syria mà là tấn công cả hệ thống Liên Hợp Quốc.
SONG MINH
Theo Laodong
S-400 của Nga có thể khắc chế tên lửa Tomahawk của Mỹ? Giới chức Nga đầu tuần này tuyên bố sẽ bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria. Tuyên bố này làm dấy lên câu hỏi liệu hệ thống phòng không hiện đại S-400 của Nga ở Syria có thể ngăn các tên lửa hành trình Tomahawk mà Mỹ từng dùng để tấn công Syria hay không....