Vẫn chưa nhập được thuốc độc, tử tù ‘ngóng’ được chết
Theo Nghị định mới ban hành, từ ngày 27/6/2013, sẽ áp dụng thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc với liều tổng hợp gồm 3 loại thuốc.
Tuy nhiên, hiện tại bộ Y tế, bộ Công an, bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan vẫn chưa ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể về pha chế thuốc, liều lượng thuốc, thủ tục giao nhận, cách thức, phương thức, trình tự tiêm thuốc độc trong thi hành án tử hình.
Trao đổi với PV , nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện tại Bộ Y tế vẫn chưa nhập được thuốc độc, hướng xử lý là Việt Nam sẽ tự sản xuất thuốc độc để phục vụ thi hành án tử hình. Như vậy, tháng 6 tới đây khó có thể thực hiện thi hành án tử hình bằng thuốc độc như Nghị định đã ban hành, điều đó có nghĩa là, việc tử hình bằng tiêm thuốc độc lại một lần nữa lỡ hẹn!
Tử tù… “ngóng” được chết
Thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc đã được Quốc hội thông qua từ ngày 07/6/2010 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2011. Việc chuyển từ hình thức bắn, sang tiêm thuốc độc nhằm mang lại cái chết nhân đạo cho tử tù, cũng như giảm các bệnh về tâm lý do hệ quả của hình thức xử bắn gây ra đối với người thi hành án.
Điều bất cập này xảy ra phải chăng lỗi do Nghị định 82/2011/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/11/2011), vì nêu rõ ba loại thuốc dùng để tiêm là: Sodium thiopental, Pancuronium bromide, Potassium chloride. Tuy nhiên vướng mắc ở chỗ, hiện Việt Nam chưa tự sản xuất được 3 loại thuốc này mà phải nhập từ nước ngoài (từ EU) trong khi liên minh này lại đang yêu cầu Việt Nam bỏ án tử hình.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể trước khi thi hành án như Nghị định ban hành.
Nhằm đưa ra lối thoát phù hợp hơn, ngày 13/5/2013 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 47/2013/NĐ-CP sửa đổi một số quy định của Nghị định 82. Theo đó, không nêu rõ tên gọi các loại thuốc dùng để tiêm mà chỉ dừng lại ở tên khái quát: Thuốc làm mất trí giác; Thuốc làm liệt hệ vận động; Thuốc làm ngừng hoạt động của tim.
Ngày 27/6 tới, Nghị định 47 sẽ có hiệu lực thi hành, liệu câu chuyện thi hành án tử hình sẽ được thực thi như thế nào? Tất cả vẫn nằm trong sự mơ hồ và đầy nghi ngại bởi chưa ai biết hiện bộ Y tế đã có khả năng chế thuốc được hay chưa?
Video đang HOT
Thực tế thì để làm cho một người chết đi bởi một liều thuốc độc là quá dễ dàng, tuy nhiên phải làm sao có quy định rõ ràng cho việc này vẫn còn nhiều vướng mắc. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, mặc dù Nghị định 47 đã có nhiều thay đổi so với Nghị định 82, tuy nhiên sự thay đổi đó không đồng nghĩa với việc áp dụng xử tử tù nhân bằng hình thức tiêm thuốc độc sẽ diễn ra thuận lợi. Bởi lẽ, cho đến nay, chỉ còn hơn một tháng nữa Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành, nhưng câu chuyện về nhập thuốc, sản xuất thuốc độc vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Theo thống kê của bộ Công an, hiện còn hàng trăm người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án. Để triển khai việc này, ngành công an đã tập trung chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị phục vụ thi hành án tại 5 cơ sở thi hành án tử hình ở trại tạm giam thuộc công an TP.Hà Nội, TP.HCM, Sơn La, Nghệ An và ĐắkLắk. Ngoài ra, Bộ cũng tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ chiến sĩ phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc công an 63 tỉnh thành và cán bộ chiến sĩ các đơn vị thi hành án trong quân đội nghiệp vụ thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc này.
Trao đổi với báo PV về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám – ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Sở dĩ việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc phải hoãn đi hoãn lại là do chưa nhập được thuốc độc.
Vừa qua, trong kỳ họp Quốc hội, các Đại biểu quốc hội đã chất vấn các bộ trưởng, Chính phủ về việc này bởi hiện nay dư luận rất quan tâm đến vấn đề này. Hơn nữa, trước vấn đề quan ngại phải chờ thi hành án tử hình đang gây nhiều bức xúc cho dư luận. Trong đó ngành công an cũng gặp nhiều áp lực trong việc giam giữ, trông coi tử tù.
“Tại buổi chất vấn của Quốc hội, bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, do Việt Nam chưa nhập được các loại thuốc độc nên hướng của bộ Y tế là sẽ sản xuất thuốc trong nước. Khi nào nhập được thuốc hoặc sản xuất thành công thuốc sẽ tiến hành thi hành án tử tù ngay”, Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám nói.
Ba kẻ sát nhân đã bị Tòa tuyên án tử: Đặng Trần Hoài, Lê Thanh Đại và Nguyễn Đức Nghĩa.
Thêm một lần lỡ hẹn?
Trao đổi với PV , đại diện bộ Y tế cho biết, hiện nay việc nhập khẩu thuốc độc rất khó khăn do các nước châu Âu không đồng ý bán thuốc để thi hành án tử hình mà chỉ bán thuốc để chữa bệnh.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đặt ra vấn đề vướng mắc trong quá trình thực thi việc tử hình bằng tiêm thuốc độc. Vị này dẫn chứng, gần đây, báo cáo của viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng chỉ ra một số bất cập khác nếu áp dụng tử hình bằng tiêm thuốc độc, đó là nguy cơ đánh tháo tù nhân trong quá trình di chuyển. “Tại sao Chính phủ đã dành bao nhiêu thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và chắc chắn là đi tham quan nước ngoài để biết rõ các loại thuốc cũng như quy trình thực hiện mà không tìm hiểu tiếp có ai bán các loại thuốc đó hay không?”, Đại biểu Hải nêu quan điểm.
Cùng trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh hòa nhập chung, việc tử hình bằng thuốc độc thay bằng xử bắn sẽ mang tính chất nhân đạo hơn. Hơn nữa, ở Việt Nam còn rất ít trường bắn chuyên nghiệp nên Nghị định 47 của Chính phủ ban hành lần này được coi là phương án hợp lý.
“Tuy nhiên, mặc dù chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Nghị định 47 sẽ có hiệu lực thi hành, thế nhưng hiện nay vẫn chưa thấy có các văn bản hướng dẫn cụ thể. Vì thế, luật sư Tiến cho rằng, trước mắt, từ nay đến khi Nghị định mới có hiệu lực, bộ Y tế, bộ Công an, bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể về pha chế thuốc, liều lượng thuốc, thủ tục giao nhận, cách thức, phương thức, trình tự tiêm thuốc độc trong thi hành án tử hình. Cần quy định rõ chủ thể tiến hành tiêm thuốc độc, cách thức xác định cái chết của tử tội để có thể đề ra các quy định phù hợp với thực tế của nước ta để từ đó đề ra các quy định pháp luật phù hợp”, luật sư Tiến nhấn mạnh.
Khó thể thực hiện đúng dự kiến
Bàn về việc có thể quay trở lại hình thức xử bắn như trước trong khi chờ đợi nhập hoặc sản xuất thuốc độc để tránh gây áp lực, Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám cho biết: “Luật đã thông qua và có hiệu lực, do vậy không thể quay về hình thức xử bắn như trước. Vấn đề ở đây là phải đợi. Hiện tại vẫn chưa có quy định rõ chủ thể tiến hành tiêm thuốc độc, cách thức xác định cái chết của tử tội và khi nào thì sản xuất được thuốc. Cá nhân tôi cho rằng, trong tháng 6 tới đây khó thể thực hiện thi hành án tử hình bằng thuốc độc như Nghị định đã ban hành”.
Theo vietbao
Tử tù Nguyễn Đức Nghĩa sẽ uống 'thuốc tử hình' sau ngày 27/6?
Tháng 1/2012, Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân xá của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa, song đến nay vẫn chưa thi hành án do phải chờ thuốc độc.
Từ tháng 1/2012, Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân xá của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa nhưng đến nay, trường hợp này vẫn chưa được thi hành án
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82/2011 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Điểm thay đổi cơ bản là bỏ tên 3 loại độc dược dùng để thi hành án đã được nêu ra trước đây gồm: thuốc gây mê (Sodium thiopental), thuốc dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp (Pancuronium bromide), thuốc dùng để ngừng hoạt động của tim (Potassium chloride).
Hơn 530 tử tù chờ thi hành án
Nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết, khi giúp Chính phủ xây dựng Nghị định 82, Bộ công an, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đã không lường trước việc nêu quá chi tiết các loại thuốc trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho quá trình thực hiện. Ba loại thuốc độc này đều phải nhập khẩu chứ trong nước chưa sản xuất được.
Một chuyên gia trong lĩnh vực dược (tham gia đóng góp ý kiến cho việc sản xuất thuốc để thi hành án tử hình - PV) cho biết, hiện nhiều quốc gia không gọi các dược phẩm nêu trong Nghị định 82 là thuốc độc vì nếu sử dụng với liều lượng vừa đủ thì có tác dụng chữa bệnh và chỉ khi quá liều mới thành độc dược. Chính vì thế, khi biết Việt Nam nhập các loại độc dược này để thi hành án tử hình, nhiều nước ở châu Âu và châu Á đã phản đối.
Báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu năm 2013, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, việc không nhập được thuốc tử hình đã khiến hơn 530 tử tù phải chờ thi hành án, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của những người liên quan và gia tăng áp lực cho các cơ sở giam giữ.
Theo Nghị định 47, Bộ Y tế có trách nhiệm bảo đảm nguồn cung ứng thuốc để thi hành án tử hìnhtheo dự trù hằng năm của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Ba loại thuốc mới sẽ được sử dụng để thi hành án tử hình từ ngày 27/6 gồm: thuốc làm mất trí giác, thuốc làm tê liệt hệ vận động và thuốc làm ngừng hoạt động của tim.
"Ba loại thuốc này Việt Nam có thể tự sản xuất và Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý dược thực hiện việc này", một chuyên gia trong lĩnh vực dược cho biết, nhưng từ chối bình luận việc có thể thi hành án tử hình bằng tiêm độc dược từ ngày 27/6 hay không.
Chỉ còn chờ độc dược
Thống kê cho thấy mỗi năm, phạm nhân bị thi hành án tử hình tăng khoảng 80 -100 người. Chính vì vậy, nếu tiếp tục chậm trễ trong việc cung ứng thuốc, số trường hợp phải chờ thi hành án sẽ tăng lên rất nhanh. Đến nay, việc xây dựng, lắp đặt thiết bị tại 5 nhà thi hành án tử hình ở các trại giam thuộc ngành công an Hà Nội, TPHCM, Sơn La, Nghệ An và Đăk Lăk đã cơ bản hoàn thành; công tác đào tạo, tập huấn cho các chiến sĩ thi hành án cũng đã hoàn tất.
Theo quy định, nhà thi hành án sẽ có giường nằm cố định người bị thi hành án, ống dẫn, kim tiêm và máy tiêm thuốc tự động; máy kiểm tra nhịp đập của tim; màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án... Thuốc thi hành án tử hình phải được hội đồng thi hành án kiểm tra, mở niêm phong và lập biên bản theo quy định.
Theo xahoi
Hé lộ 3 loại thuốc thi hành án tử hình Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định về 03 loại thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm, thuốc làm mất trí giác; thuốc làm liệt hệ vận động; thuốc làm ngừng hoạt động của tim. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2011/NĐ-CP...