Vẫn cần cảnh giác trước nguy cơ bùng phát biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Sau hơn hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến gần 1 triệu người tử vong ở Mỹ, tình hình dịch bệnh ở nước này đang dần lắng dịu.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo không nên chủ quan do vẫn còn nguy cơ bùng phát biến thể mới.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Hartford, Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, số trường hợp nhập viện vì COVID-19 ở nước này trong 6 tuần qua đã giảm tới 80% so với mức đỉnh vào giữa tháng 1 vừa qua, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021. Số ca mắc mới cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ mùa Hè năm ngoái, trong khi số ca tử vong giảm đáng kể trong tháng trước. Các quy định về khẩu trang, giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19 và các biện pháp hạn chế khác đang dần được dỡ. Hiện Hawaii là bang duy nhất ở Mỹ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, nhưng quy định này sẽ hết hiệu lực sau 2 tuần nữa.
Các chuyên gia cho rằng làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron cùng với nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đã giúp tăng số người được bảo vệ chống lại virus SARS-CoV-2. Do đó, các đợt lây nhiễm có thể bùng phát trong tương lai có khả năng sẽ ít gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội hơn.
Tiến sĩ Albert Ko, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm và là nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Yale, cho biết tin vui là Mỹ dường như đang ở giai đoạn cuối của đỉnh dịch. Tuy nhiên, ông cảnh báo không nên vội cho rằng đại dịch COVID-19 đã kết thúc khi mà nguy cơ bùng phát một biến thể mới vẫn hiện hữu.
Trước đó, ngày 9/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định đại dịch COVID-19 chưa thể chấm dứt, có thể kéo dài và virus gây bệnh tiếp tục biến đổi. Theo Tổng Giám đốc WHO, khi virus gây bệnh tiếp tục biến đổi, các nước trên thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc phân bổ vaccine, tiến hành xét nghiệm và điều trị. Ông cũng cảnh báo tỷ lệ xét nghiệm giảm mạnh gần đây, cho rằng điều này khiến nhà chức trách có thể đánh giá sai về diễn biến dịch bệnh.
Omicron có thể tồn tại lâu hơn trên bề mặt nhựa và da người
Một nghiên cứu mới đây do các nhà khoa học Nhật Bản thực hiện cho thấy biến thể Omicron có thể tồn tại lâu hơn trên bề mặt đồ nhựa và da người so với các biến thể khác, song các loại chất khử trùng đều có hiệu quả đối với các loại biến thể của SARS-CoV-2.
Hình ảnh của Omicron, loại biến thể nguy hiểm mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi, do các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Nhi khoa Bambino Gesu tại Italy công bố ngày 27/11/2021. Ảnh: Sputnik/TTXVN
Trong một báo cáo do tạp chí The Conversation đăng tải, các nhà khoa học đã nghiên cứu sự khác biệt về khả năng sống sót của chủng virus SARS-CoV-2 gốc và các biến thể sau này là Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron trên da người và bề mặt nhựa. Đây là nghiên cứu đầu tiên có sự so sánh giữa Omicron với các biến thể khác.
Các nhà nghiên cứu cho biết, so với phiên bản gốc, các biến thể sau này có thời gian tồn tại trên da và nhựa lâu gấp đôi. Đáng chú ý là biến thể Omicron có thể tồn tại trên nhựa trong 193,5 giờ và trên da là 21,1 giờ, cho thấy đây là một trong những yếu tố làm tăng khả năng lây lan của biến thể này.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của nghiên cứu trên cũng là hạn chế nói chung đối với các nghiên cứu về khả năng sống sót của virus SARS-CoV-2 là sự khác nhau giữa thời gian sống sót của virus trong phòng thí nghiệm so với thế giới bên ngoài. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu suy đoán rằng các điều kiện trong thế giới thực sẽ khắc nghiệt và thường xuyên thay đổi hơn - về nhiệt độ và độ ẩm - so với môi trường trong phòng thí nghiệm, thực tế này có thể làm giảm đáng kể thời gian tồn tại của virus.
Một phát hiện khác của nghiên cứu cho thấy trong ống nghiệm, biến thể Omicron có khả năng kháng các chất khử trùng gốc ethanol cao hơn một chút so với chủng gốc. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trên da người trong phòng thí nghiệm đã chứng minh rằng việc sử dụng cồn nồng độ 35 trong 15 giây có hiệu quả như nhau trong việc bất hoạt virus, bất kể là biến thể nào. Do vậy, điều tích cực là tất cả các biến thể của SARS-CoV-2 đều bị tiêu diệt bởi các chất khử trùng gốc cồn trên da.
Trong khi không chứng minh rằng con người có nhiều nguy cơ nhiễm biến thể Omicron cao hơn khi tiếp xúc các bề mặt, song nghiên cứu đã khẳng định tính hiệu quả của các chất khử trùng trong việc loại bỏ virus trên các bề mặt đồ vật và da người.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo lây nhiễm virus SARS-CoV-2 chủ yếu xuất phát từ hoạt động tiếp xúc gần giữa mọi người và qua giọt bắn trong không khí ở nơi kín hoặc đông người. Tuy nhiên, WHO cũng thừa nhận mọi người có thể bị mắc COVID-19 khi chạm vào mắt, mũi hoặc miệng sau khi tiếp xúc với các đồ vật hoặc bề mặt có virus.
Chuyên gia Ấn Độ cảnh báo nguy cơ tái mắc COVID-19 chỉ sau 2-3 tuần Những người đã từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng tái nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều lần, đặc biệt là với sự xuất hiện của biến thể Omicron (B.1.1.529). Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangalore, Ấn Độ ngày 19/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ tái mắc COVID-19 do nhiễm Omicron...