Vai trò của nông dân
Cuộc bầu cử lớn nhất thế giới là cuộc tổng tuyển cử Ấn Độ sẽ diễn ra từ ngày 11-4 đến 19-5. Kết quả chính thức được công bố vào ngày 23-5, tức 10 ngày trước khi Hạ viện ( Lok Sabha) hiện hành kết thúc nhiệm kỳ.
Hơn 900 triệu người Ấn Độ đủ điều kiện để bỏ phiếu bầu chọn 543 ghế của Lok Sabha và đảng hoặc liên minh nắm ít nhất 272 ghế có quyền đứng ra chọn thủ tướng và thành lập chính phủ.
Tháng 12-2018, tại các cuộc bầu cử nghị viện các bang, đảng Quốc đại của cố Thủ tướng Indira Gandhi (hiện giờ do cháu nội của bà là Rahul Gandhi làm chủ tịch) giành lại quyền kiểm soát 3 bang quan trọng ở phía Bắc Ấn Độ. Tuy nhiên, theo các cuộc thăm dò, đảng Nhân dân Ấn Độ ( Bharatiya Janata viết tắt là BJP) của Thủ tướng Narendra Modi vẫn dẫn đầu, bất chấp tình hình kinh tế Ấn Độ tăng trưởng có phần chậm lại (trong đó tỷ lệ thất nghiệp 6,1%, được xem là mức cao nhất trong 45 năm qua).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: ndtv.com)
Vào năm 2014, ông Narendra Modi lãnh đạo BJP lên nắm quyền lực một cách ấn tượng với việc lần đầu tiên trong 3 thập niên của Ấn Độ, một đảng duy nhất dành đa số phiếu để thành lập chính phủ mà không cần liên minh, với lời hứa sẽ mở ra một trong những thời khắc tốt đẹp cho nền kinh tế Ấn Độ. Theo Washington Post, vào thời điểm nền kinh tế dường như rơi tự do lúc đó, ông Modi xuất hiện đúng lúc: một nhà lãnh đạo quyết đoán nhưng khiêm tốn với kinh nghiệm điều hành là thống đốc bang Gujarat.
Năm năm sau, nền kinh tế vĩ mô của Ấn Độ đã ổn định, nhưng các yếu tố cơ bản vi mô bắt đầu trở nên tồi tệ. Nền kinh tế nông thôn đang trong tình trạng khó khăn. Trong khi chính quyền Modi đã đạt được kỷ lục ấn tượng tạo ra các cơ sở hạ tầng nông thôn như đường và nhà vệ sinh, thu nhập của nông dân gần đây đã chạm mức thấp nhất trong 18 năm. Trong khi, tổng số 800 triệu nông dân được xem là lượng cử tri quan trọng ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Thủ tướng Modi từng hứa sẽ tăng gấp đôi thu nhập nông nghiệp vào năm 2022. Tuy nhiên, nông dân bị tổn thương do vụ mùa bội thu và giá nông sản lại giảm. Họ đã tổ chức các cuộc tập hợp lớn trên khắp Ấn Độ, các thành phố lớn nhất đòi miễn nợ và đảm bảo giá cả nông sản. Cả BJP và đảng đối lập Quốc đại, 2 đảng lớn của Ấn Độ đã triển khai các biện pháp phúc lợi nhắm vào nông dân. BJP hứa hẹn chuyển tiền trợ cấp trực tiếp cho nông dân và Quốc đại đề xuất đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người Ấn Độ nghèo nhất.
Hầu hết các cuộc thăm dò chỉ ra rằng sau cuộc tổng tuyển cử, BJP mặc dù dẫn đầu nhưng không còn độc chiếm ưu thế mà đòi hỏi phải có một số đảng liên minh để thành lập chính phủ. Các cử tri vẫn xem ông Modi là một nhà lãnh đạo hấp dẫn và ông cần nhiều hơn một nhiệm kỳ 5 năm để hoàn tất các kế hoạch kinh tế của mình cũng như quyết liệt hơn nữa với cuộc chiến chống tham nhũng. Hơn thế nữa, cuộc không kích của Ấn Độ vào các khu vực của Pakistan được cho là chứa chấp quân khủng bố được cử tri Ấn Độ đánh giá cao cho dù kết quả cần phải được đánh giá đầy đủ. Trong 5 năm qua, BJP đã khai thác chủ nghĩa dân tộc để củng cố vị thế của mình. Vì vậy, cuộc tấn công Pakistan là quyết định ghi điểm với họ. Điều này giải thích tại sao phe đối lập đã sai lầm khi cố gắng dồn ép ông Modi về an ninh quốc gia.
Video đang HOT
KHÁNH MINH
Theo SGGP
Bắn hạ vệ tinh vũ trụ, Ấn Độ gửi thông điệp gì tới Trung Quốc?
Một tháng sau khi chiếc máy bay Không quân Ấn Độ bị bắn rơi trong cuộc xung đột với láng giềng Pakistan, New Delhi đã chứng tỏ tiềm lực của một loại vũ khí mới nhắm đến đối thủ khác, với sức mạnh địa chính trị lớn hơn: Trung Quốc.
Ngày 27/3, trong thông điệp quốc gia, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố Ấn Độ đã "trở thành cường quốc vũ trụ" bằng việc phóng một tên lửa đạn đạo tự chế lên độ cao 300km, phá hủy một vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất.
Theo Bloomberg, động thái này - diễn ra vài tuần trước cuộc bầu cử quốc gia - đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến những đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân của Ấn Độ là Trung Quốc và Pakistan, đồng thời làm thay đổi tính toán chiến lược của châu Á bởi việc chứng minh New Delhi có khả năng tiêu diệt vệ tinh của đối phương.
Người dân xem truyền hình trực tiếp thông điệp quốc gia của ông Narendra Modi ngày 27/3. Ảnh: AFP
Bước phát triển trên cho thấy Ấn Độ, vốn chật vật lâu nay để đẩy nhanh tốc độ mua sắm vũ khí mới và công nghệ quốc phòng lạc hậu, đang tiến gần hơn đến việc sánh vai cùng Trung Quốc, Nga và Mỹ - những nước có thể làm gián đoạn hệ thống thông tin của kẻ thù.
"Về cơ bản, Ấn Độ đang muốn nói rằng chúng tôi là một cường quốc quân sự có mạnh mẽ - nó không nhắm cụ thể bất kỳ quốc gia nào, nhưng đó là một thông điệp gửi tới tất cả các đối thủ của Ấn Độ", ông Ajey Lele, đại tá không quân nghỉ hưu và hiện là thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng, cho biết. Ông nói: "Nếu ai đó muốn làm gì các vệ tinh của chúng tôi, chúng tôi có khả năng làm điều tương tự với vệ tinh của họ".
"Nhóm độc quyền"
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết New Delhi không tham gia chạy đua vũ trang, song xác nhận rằng "với vụ thử trên, Ấn Độ gia nhập một nhóm độc quyền các quốc gia vũ trụ bao gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc". Sức mạnh vũ trụ đang gia tăng của Bắc Kinh - từng thử nghiệm bắn vệ tinh 12 năm trước - đã thôi thúc Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi nỗ lực lập ra một "lực lượng vũ trụ".
"Trung Quốc rõ ràng là một phần của phép tính trên" - đó là nhận định của ông Rajeswari Pillai Rajagopalan, chuyên gia hàng đầu về sáng kiến chính sách vũ trụ và hạt nhân tại Tổ chức Nghiên cứu Giám sát Ấn Độ. Theo ông, vụ phóng tên lửa bắn vệ tinh tương tự của Trung Quốc năm 2007 đã đóng vai trò là "lời thức tỉnh" lớn đến Ấn Độ. "Nó có tác dụng răn đe, và đó rõ ràng là điều mà Ấn Độ muốn truyền đạt", ông Rajagopalan nói.
Học sinh Ấn Độ chào mừng vụ phóng tên lửa bắn hạ vệ tinh thành công. Ảnh: AFP
Quan hệ của New Delhi với Bắc Kinh, vốn bị căng thẳng bởi các tranh chấp biên giới, đã leo thang hơn nữa khi cả hai chạy đua để giành sức ảnh hưởng trong khu vực. Bắc Kinh đã thúc đẩy hợp tác kinh tế và quân sự đến mức gần chưa từng thấy với Islamabab, trong khi New Delhi cải thiện quan hệ với Washington.
Trung Quốc đang bỏ xa nước láng giềng kém phát triển hơn khi trở thành quốc gia đầu tiên đáp tàu thăm dò xuống "vùng tối" của Mặt trăng hồi tháng 1. Chương trình vũ trụ của Trung Quốc đã lập ra Lực lượng hỗ trợ chiến lược năm 2015 nhằm phát triển tiềm lực hơn nữa.
John Blaxland, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, tin rằng vụ bắn vệ tinh nhằm thể hiện Ấn Độ "đang hành động" trong vũ trụ. "Các láng giềng của Ấn Độ sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi tiến hành bất kỳ cuộc đụng độ vũ trụ nào trong tương lai", ông Blaxland nhận xét.
Vụ phóng cũng là thông điệp giúp khẳng định nhiều phương diện trong lòng quốc gia này. Về mặt quân sự, nước này đã chứng tỏ được khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo của kẻ địch. Về mặt chính trị, nó cho thấy sức mạnh quân sự và công nghệ của Ấn Độ ngay trước thềm cuộc tuyển cử quan trọng có thể định đoạt số phận chính trị của ông Modi.
"Điều này đem đến cho ông Modi cơ hội để tự hào về sức mạnh kỹ thuật của nước này ngay trước kỳ bầu cử", ông Sam Roggeveen, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney đánh giá.
Theo Hoàng Trang/Báo Tin tức
Ấn Độ bắn hạ vệ tinh, tuyên bố trở thành 'siêu cường không gian' Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố lực lượng nước này đã bắn hạ một vệ tinh quỹ đạo Trái Đất tầm thấp trong cuộc tập trận được lên kế hoạch từ trước. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng lực lượng của đất nước ông đã bắn hạ một vệ tinh có quỹ đạo thấp như một phần của cuộc...