Vài người gian dối, công sức cả xã hội ngăn dịch sẽ đổ bể
Một số người từ vùng dịch Covid-19 nhập cảnh vào Việt Nam lại khai báo gian dối, trốn, né hoặc không tuân thủ quy định cách ly… khiến công sức cả xã hội ngăn dịch sẽ đổ bể.
Nhân viên y tế đến chung cư Khang Gia Tân Hương (Q.Tân Phú, TP.HCM) cách ly 2 người từ Ý về – Ảnh: Nguyên Vũ
Trong khi cả xã hội nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, thì một số người từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam lại khai báo gian dối, trốn, né hoặc không tuân thủ quy định cách ly… đang khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Bí thư Quảng Trị: Xử lý nghiêm vụ chủ tịch công ty “đánh tráo” cách ly
Sau vụ việc bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 17 N.H.N (Hà Nội) với nhiều biểu hiện thiếu trung thực trong khai báo dịch tễ, được cho là nguyên nhân lây lan nhiều người khác trên chuyến bay VN0054, hai ngày qua dư luận đặc biệt quan tâm đến trường hợp ông L.T.H, Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư xây dựng và thương mại P.Đ (người đi trên chuyến bay VN1547 từ Hà Nội vào Thừa Thiên-Huế, có hành khách bị nhiễm Covid-19), đã không khai báo chính xác với cơ quan chức năng; thậm chí để cho nhân viên đi cách ly thay mình.
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị có mặt tại nơi lưu trú của những người trong nhóm ông L.T.H vào đêm 8.3 – Ảnh: Thanh Lộc
Khi cơ quan chức năng vào cuộc, ông này mới “ra trình diện” và đi cách ly tập trung. Trả lời Thanh Niên hôm qua (10.3), ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, tiếp tục khẳng định có việc đánh tráo người cách ly như Báo Thanh Niên đã phản ánh. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định sẽ làm rõ, xử lý nghiêm vụ việc ông L.T.H đưa nhân viên đi cách ly thay “bất kỳ người đó là ai vì đây là vụ việc nghiêm trọng”.
Trong diễn biến liên quan, chiều 10.3, bác sĩ Trương Huyền Trường, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị (nơi đặt trung tâm cách ly), cho biết trong nhiều lần tiếp xúc, ông L.T.H đã gửi lời xin lỗi đến cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị vì đã làm phiền và hứa sẽ chấp hành mọi nội quy, quy chế của khu cách ly.
Nhưng không chỉ hai trường hợp trên, thực tế trong khi cả nước đang nỗ lực gồng mình ngăn chặn dịch bệnh lây lan, vẫn còn không ít người về từ hoặc đi qua vùng có dịch “không hiểu sao” vẫn lọt qua cửa kiểm dịch về khu dân cư; được yêu cầu cách ly tại gia đình lại “trốn”, hoặc không tuân thủ…
Khai báo gian dối làm lây lan dịch bệnh bị pháp luật xử lý thế nào
Láng giềng bức xúc vì người cách ly tự ý ra ngoài
Ngày 10.3, chính quyền Q.Đống Đa (Hà Nội) phải đưa một người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 đi cách ly tập trung, sau khi đã ra quyết định cách ly tại nhà với người này. Đó là ông L.X.T (61 tuổi), người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân số 21.
Theo người dân P.Nam Đồng (Q.Đống Đa), ông L.X.T và 4 người khác trong gia đình bị cách ly tạm thời tại nơi ở đến ngày 17.3, do ông này đã tiếp xúc BN dương tính với Covid-19 từ hôm 3.3.
Trong khi đó, theo quy định, ông T. thuộc diện phải cách ly tập trung, 4 người trong gia đình thuộc diện tự cách ly tại nhà. Việc ông T. được phường ra quyết định cách ly tại nhà đã khiến nhiều hàng xóm không yên tâm.
Điều đáng nói, ngày 9.3, người dân khu phố còn thấy ông T. đi xe máy ra ngoài; các thành viên khác trong gia đình vẫn đi chợ như “chưa hề có việc cách ly”. Một số người dân đã yêu cầu ông T. không ra ngoài, đồng thời phản ánh lên chính quyền và truyền thông.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 10.3, lãnh đạo P.Nam Đồng xác nhận việc ông T. có ra ngoài, khiến hàng xóm bức xúc. Chiều 10.3, chính quyền đã đưa ông T. đi cách ly tập trung. Người trong gia đình ông T. được tuyên truyền hạn chế tiếp xúc, không ra khỏi nhà.
Không chỉ “đi ra ngoài”, trường hợp B.V.A (24 tuổi, ngụ TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) còn tự ý rời khỏi khu cách ly đi tới nơi khác. Theo thông tin ban đầu, ngày 26.2, A. từ Nhật Bản về Việt Nam và đến nhà cha mẹ chồng ở xã An Đổ, H.Bình Lục (Hà Nam).
Do nằm trong diện cách ly phòng ngừa dịch Covid-19 nên chính quyền H.Bình Lục tổ chức cách ly người này tại nhà chồng sắp cưới. Đến ngày 4.3, ngành y tế địa phương xác định sức khỏe của đương sự vẫn bình thường, không có dấu hiệu nhiễm bệnh Covid-19.
Thế nhưng, dù đang trong thời hạn cách ly y tế, ngày 5.3, A. cùng chồng sắp cưới đón xe khách ra sân bay Nội Bài (Hà Nội) để bay vào TP.HCM, sau đó tiếp tục đi xe khách về TP.Bà Rịa.
Ngay sau khi biết đương sự tự ý rời khỏi nơi cách ly, UBND H.Bình Lục đã gửi văn bản hỏa tốc, đề nghị UBND TP.Bà Rịa tiếp tục có biện pháp theo dõi và thực hiện cách ly. UBND TP.Bà Rịa đã chỉ đạo ngành y tế phối hợp với chính quyền địa phương đến kiểm tra sức khỏe và yêu cầu đương sự tiếp tục thực hiện cách ly y tế cho hết thời hạn. Theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Bà Rịa, nguyên nhân chị A. rời khỏi nơi cách ly về nhà cha mẹ ruột là để chuẩn bị cho ngày cưới.
Trung thực trong khai báo y tế có ý nghĩa thế nào trong dịch Covid-19?
Từ Ý về sân bay rồi… tới thẳng chung cư!
Chiều 10.3, đại diện Trung tâm y tế Q.Tân Phú (TP.HCM) cho biết đã đưa cặp vợ chồng sinh sống tại chung cư Khang Gia Tân Hương (P.Tân Quý) vào khu cách ly tập trung của quận, do 2 người này có đi qua vùng dịch. Cụ thể, trước khi nhập cảnh Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, hai vợ chồng này xuất phát từ TP.Milan và quá cảnh tại TP.Dubai.
Theo quy định, những người về từ vùng dịch buộc phải cách ly 14 ngày nhưng “không hiểu vì sao 2 vợ chồng này vẫn lọt qua khâu kiểm dịch của Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM để về chung cư vào tối ngày 9.3″.
Rất may, người dân chung cư phát hiện kịp thời, báo cho cơ quan chức năng đưa đi cách ly và phun thuốc khử trùng tại đây. Dù sức khỏe 2 vợ chồng bình thường nhưng người dân khá lo lắng bởi diễn biến dịch bệnh vẫn khá phức tạp và nghi ngờ khâu kiểm dịch y tế ở sân bay đã bỏ lọt người về từ quốc gia có dịch bệnh.
Cũng tại Q.Tân Phú, người dân ở chung cư Oriental (P.Tân Thành) phải trải qua một ngày bất an khi phát hiện 2 người Trung Quốc sinh sống trong chung cư. Ông Lê Văn Đức, Chủ tịch UBND P.Tân Thành, cho hay 2 người này không phải đi trực tiếp từ Trung Quốc qua Việt Nam mà đã có 14 ngày sinh sống tại Campuchia; sau đó mới về chung cư ở đến khi người dân phát hiện và thông báo cho chính quyền địa phương.
Đến ngày 9.3, nhân viên y tế phường đã kiểm tra thân nhiệt, kiểm tra hộ chiếu, visa và yêu cầu tự cách ly tại chung cư. Mỗi ngày, nhân viên y tế phường sẽ đến đo thân nhiệt 2 lần, ban quản lý chung cư hỗ trợ mua các đồ dùng cần thiết trong vòng 14 ngày. Phường cũng thông báo nếu có triệu chứng gì bất thường thì 2 người này phải thông báo ngay cho trạm y tế để có phương án xử lý kịp thời.
Không chỉ trông chờ sự tự giác!
Ông Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm ứng phó sự kiện công cộng khẩn cấp, cho rằng cách ly y tế trước hết đòi hỏi tự nguyện của mỗi cá nhân vì sức khỏe bản thân họ và người thân, người sống gần; nhưng chính quyền địa phương cần tổ chức thực hiện giám sát chặt chẽ.
Người dân ngõ 132 An Đà (P.Đằng Giang, Q.Ngô Quyền, Hải Phòng) chấp hành đo thân nhiệt tại chốt kiểm soát – Ảnh: Lê Tân
Theo ông Phu, các hành vi vi phạm được phát hiện đều đã có quy định tại Nghị định 176/2013/NNĐ-CP nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; mức phạt có thể từ 2 – 10 triệu đồng. Vấn đề xử lý nghiêm hay không thuộc trách nhiệm của địa phương.
Liên quan đến những trường hợp “cách ly không nghiêm túc” trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các xã, phường phải thông báo cho hàng xóm của những người bị cách ly để ngoài chính quyền phường, tổ dân phố thì chính người dân cũng giám sát lẫn nhau.
Hiện 100% những người thuộc diện cách ly của Hà Nội mới qua 7 – 8 ngày (từ 2 – 9.3), nên đây chính là giai đoạn mà nếu họ có nhiễm vi rút thì rất dễ phát bệnh và lây lan cho người khác, do đó, chính quyền phường được yêu cầu “tuyệt đối không được nể nang”, phải giải thích được với người bị cách ly về nguy cơ cho chính họ và nguy cơ cho cộng đồng.
Ông Chung cũng chỉ đạo “mai, ngày kia chúng ta phải đăng ký giám sát theo GPS, qua điện thoại thông minh” như cách Singapore đã làm. Giám sát bằng công nghệ cũng là cách mà Trung Quốc đã làm, bởi với số lượng người ngày càng tăng lên, giám sát thủ công xem ra sẽ quá tải và có nhiều lỗ hổng.
Xử nghiêm những trường hợp khai báo không trung thực hoặc không khai báo
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 ngày 9.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc nhận diện, khoanh vùng, cách ly, chữa bệnh, bảo đảm vững tâm lý, hành động hợp lý, đúng mức là nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay.
Thủ tướng yêu cầu phải xử lý nghiêm những trường hợp khai báo không trung thực hoặc không khai báo theo pháp luật và giao Bộ Tư pháp, Bộ Y tế xem xét những trường hợp cụ thể để xử lý nhằm răn đe chung những cá nhân vi phạm, không trung thực khai báo khi đã biết mình có bệnh. Các lực lượng chức năng như hải quan, biên phòng, an ninh các cửa khẩu, sân bay phải kiểm soát hoạt động nhập cảnh kỹ hơn, không để “lọt lưới” những người nhiễm bệnh hay nguy cơ nhiễm bệnh cao…
Chí Hiếu
Theo thanhnien
Thêm nỗi lo từ ca mắc Covid-19 thứ 34
Trong ngày 10.3, Bộ Y tế công bố thêm 3 bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam gồm các bệnh nhân thứ 32, 33 và 34. Trong đó, bệnh nhân thứ 34 ở Bình Thuận lây nhiễm từ một nguồn khác ngoài chuyến bay VN0054.
Lực lượng chức năng phun khử trùng khu vực cách ly phố Trúc Bạch (Hà Nội) liên quan đến bệnh nhân thứ 17 - Ảnh: Trần Cường
Cụ thể, theo Bộ Y tế, bệnh nhân (BN) thứ 32 nhiễm Covid-19 là nữ, 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có tiếp xúc với BN thứ 17 (N.H.N, 26 tuổi, được xác định nhiễm Covid-19 hôm 6.3) tại London (Anh) ngày 27.2. BN thứ 32 bị ho từ ngày 2.3 tại London, không sốt, khi đến bệnh viện (BV) tại London khám đã được cho thuốc về nhà điều trị.
Việt Nam phát hiện ca Covid-19 thứ 32, là bạn của bệnh nhân thứ 17
Ngày 7.3, sau khi biết tin BN thứ 17 tại Việt Nam mắc Covid-19, BN này lại đến BV để khám và được cho thêm thuốc về nhà nhưng triệu chứng ho khan không giảm.
Không an tâm về sức khỏe, BN này được gia đình thuê máy bay riêng về Việt Nam và nhập cảnh lúc 8 giờ 15 ngày 9.3, có nhiệt độ 37,5 độ C, ho khan và được cách ly nghiêm ngặt.
Kết quả chụp X-quang phát hiện viêm phổi mô kẽ. Hiện BN tỉnh, còn ho khan nhiều, họng đỏ nhẹ, không sốt và tự thở, đang được điều trị cách ly tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM cho biết BN này đã nhiễm Covid-19.
BN thứ 33 là nam, 58 tuổi, quốc tịch Anh, là hành khách đi trên chuyến bay VN0054 cùng với BN thứ 17, lưu trú tại TP.Hội An, Quảng Nam. Mẫu bệnh phẩm của BN này được Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam gửi xét nghiệm, xác định đã nhiễm Covid-19.
BN thứ 34 là một phụ nữ Việt Nam 51 tuổi. Ngày 22.2, BN này bay từ VN sang New York (Mỹ), quá cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). Ngày 29.2, BN bay từ Washington (Mỹ) về Việt Nam, quá cảnh tại sân bay Doha (Qatar) và sáng 2.3 về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Sáng 9.3, BN nhập viện tại BV đa khoa tỉnh Bình Thuận và được điều trị cách ly tại đây. Kết quả xét nghiệm cho thấy BN đã nhiễm Covid-19.
Như vậy, đến 18 giờ ngày 10.3, đã có 34 BN nhiễm Covid-19 tại Việt Nam.
Hành trình một vòng trái đất của nữ doanh nhân - bệnh nhân thứ 34 nhiễm Covid-19
18 người tiếp xúc gần bệnh nhân thứ 34, Bình Thuận họp khẩn
Với BN thứ 34, việc chống dịch của Việt Nam bước vào một giai đoạn thách thức lớn hơn, do có nguồn lây nhiễm mới ngoài chuyến bay VN0054 đã được xác định. Công tác điều tra dịch tễ sẽ phải được khẩn trương thực hiện từ đầu với những người tiếp xúc với BN này.
20 giờ 30 hôm qua 10.3, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp khẩn, thông tin về trường hợp BN thứ 34 nhiễm Covid-19. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, ngày 22.2, BN cùng với đoàn gồm 19 người (gồm 3 người ở Bình Thuận, còn lại ở các tỉnh khác) từ sân bay Tân Sơn Nhất sang New York, có quá cảnh 3 giờ tại sân bay Incheon. Ngày 25.2, đoàn bay sang bang Washington tham quan du lịch. Ngày 29.2, BN từ Washington bay về Qatar trên chuyến bay Qatar Airways QR708.
Lúc 18 giờ 45 ngày 1.3, BN đi trên chuyến bay Qatar Airways QR974 về sân bay Tân Sơn Nhất lúc 6 giờ ngày 2.3. Sau đó, BN về Phan Thiết bằng xe riêng do tài xế đón rồi đưa về thẳng nhà.
Khi ở New York và Washington, BN khai hoàn toàn không nhớ đi qua quận nào và không tiếp xúc với ai bị ho hay bị sốt. Khi về nhà chỉ tiếp xúc với người nhà và nhân viên tại công ty riêng của mình.
Đến ngày 5.3, BN có triệu chứng khạc đàm, ho (ở nhà tự mua thuốc về uống nhưng không nhớ loại thuốc gì). Ngày 7.3, BN thấy sốt, đau rát họng nhưng vẫn ở nhà uống thuốc.
Đến 8 giờ 11 ngày 9.3, BN tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận điều trị. Trưa 10.3, Viện Pasteur Nha Trang thông báo kết quả xét nghiệm BN dương tính với Covid-19. Hiện BN không ho, không đau họng, không đau ngực, nhiệt độ cơ thể 37 độ C.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, hiện nay đã xác định 18 người tiếp xúc gần (F1) với BN, trong đó có con dâu của người này. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai yêu cầu trong tối 10.3 phải đưa 18 người trên vào cách ly tại Trung đoàn 812 (TX.La Gi) và tại Bệnh viện đa khoa tỉnh; đồng thời hoàn thiện danh sách F2 để cách ly ngay tại nhà trong ngày 11.3. Riêng học sinh bậc THPT được nghỉ học trong ngày hôm nay 11.3.
TP.HCM sẽ có bệnh viện chuyên điều trị bệnh Covid-19
Ngày 10.3, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho hay để chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Sở Y tế TP đã yêu cầu cả 2 khối dự phòng và khối điều trị tiếp tục mở rộng quy mô các khu cách ly kiểm dịch tập trung và các BV chuyên trách thu dung điều trị, bổ sung các BV chuyên thu dung điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 theo hướng chuyên nghiệp.
Theo đó, về các khu cách ly tập trung các trường hợp có yếu tố dịch tễ nhưng chưa có triệu chứng lâm sàng, hiện Sở Y tế và Bộ Tư lệnh TP đã đưa vào sử dụng 3 khu cách ly tập trung tại H.Nhà Bè (108 giường), H.Củ Chi (350 giường), H.Cần Giờ (200 giường). Ngoài ra còn có các khu cách ly tập trung tại mỗi quận huyện.
Bên cạnh đó, TP còn có 3 khu cách ly đã sẵn sàng đưa vào sử dụng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý ở Q.12 (1.000 giường), H.Hóc Môn (500 giường) và khuôn viên BV Quân y 175 (200 giường). Các khu cách ly tập trung này sẽ do HCDC chịu trách nhiệm quản lý về chuyên môn, phối hợp với Bộ Tư lệnh TP chịu trách nhiệm về quản lý cơ sở hạ tầng, phối hợp với Công an TP về quản lý an ninh trật tự.
Về khu cách ly điều trị, bên cạnh các khoa điều trị cách ly tại các BV được Bộ Y tế giao nhiệm vụ (BV Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP), TP sẽ tái thiết lập các khu cách ly điều trị tại 47 BV đa khoa công lập và tư nhân.
Thời gian tới, Sở Y tế sẽ triển khai thêm một BV chuyên thu dung điều trị người mắc bệnh Covid-19 tại H.Cần Giờ. Theo đó, sẽ chuyển đổi toàn bộ cơ sở điều trị mới được đưa vào sử dụng trong thời gian qua của BV H.Cần Giờ (nay đổi tên là Trung tâm y tế H.Cần Giờ) trở thành một BV "chuyên khoa" điều trị Covid-19 với quy mô 300 giường. BV này sẽ được đầu tư bổ sung các trang thiết bị hồi sức hiện đại, lắp đặt các phòng cách ly áp lực âm, sắp xếp lại các khu vực điều trị đúng theo chuẩn của một BV chuyên khoa về dịch bệnh.
Trung tâm điều phối nhân lực y tế Sở Y tế sẽ có kế hoạch luân phiên cán bộ nhân viên y tế của các BV đa khoa và chuyên khoa của TP đến công tác tại BV này. Ngoài các chuyên gia về bệnh nhiễm, còn có cả các chuyên gia về bệnh lý đường hô hấp và chuyên gia về hồi sức cấp cứu.
Duy Tính
Theo thanhnien
Kiểm soát tốt sức khỏe 18 bệnh nhân mới Đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 34 ca mắc bệnh Covid-19; trong đó 16 ca đã được chữa khỏi hoàn toàn, 18 bệnh nhân mới phát hiện được kiểm soát tốt Bộ Y tế ngày 10-3 xác nhận đã có thêm 3 trường hợp mắc bệnh Covid-19 (dương tính với virus SARS-CoV-2), trong đó ca bệnh thứ 34 là một...