Vai diễn khó khăn của cô gái đồng tính
Tôi đã yêu, đã si mê trong những cuộc tình đầy mụ mị với những người có cùng giới tính với mình. Tôi từng rượu chè bê tha, dùng dao rạch những nhát đầy đau đớn và lặng lẽ nhìn vết thương rỉ máu… Đến giờ, tôi không còn u mê và nông nổi như vậy nữa. Đời không trả cát – xê nhưng tôi vẫn đang phải rất cố gắng để hoàn thành tốt vai trong vở bi hài kịch đời mình.
Không thích váy vóc…, tôi tự thấy mình không giống bạn bè. Ảnh chỉ mang tính minh họa.
“Tôi là les“
Từ khi còn bé, tôi đã nhận ra mình khác biệt bởi tôi không có chung sở thích như những đứa con gái đồng trang lứa. Tôi không thích các loại váy vóc trang điểm. Với tôi, những bộ cánh đơn giản và một gương mặt mộc luôn là ưu tiên số một.
Tôi có một thằng bạn trai thân từ khi hai đứa còn nhỏ. Khi học đến cấp 3, các bạn nữ xung quanh tôi bắt đầu có người yêu. Đó cũng là lúc tôi thực sự hoang mang về giới tính thật của mình bởi tôi không hề thấy rung động trước bất kỳ tên con trai nào tán tỉnh mình. Tôi tìm đọc mọi sách báo có liên quan đến kiến thức giới tính. Và tôi “choáng” khi mình có những biểu hiện tâm sinh lý rất giống với những cô gái đồng tính. Tôi hoang mang, lo sợ.
Bố mẹ li dị sớm, tôi sống với bà nội và bố ở quê. Hai người quan tâm đến tôi, đặc biệt bà nội yêu thương tôi rất nhiều. Thế nhưng vì khoảng cách lứa tuổi, bà không thể nắm bắt kịp những chuyển biến về giới tính. Và tôi phải lặng lẽ một mình trên con đường đi tìm giới tính thật. Lúc ấy, tôi nghĩ đến một phép thử.
Con “chuột bạch” trong thí nghiệm ấy không phải ai khác mà chính là cậu bạn thân thiết kia. Cậu ấy đối xử với tôi rất tốt và tôi biết rõ rằng cậu ấy thích tôi. Tôi thử tìm cách mở lòng với cậu ấy để lắng nghe trái tim mình rung động. Nhưng sự thực là tôi không thể. Cũng chính lúc đó tôi nhận ra rằng mình là lesbian (đồng tính nữ -PV).
Tôi nói cho những người bạn thân hoặc những người quen mà tôi tin tưởng biết hết sự thật về mình. Một số người chấp nhận và thông cảm với tôi nhưng cũng có người mong tôi suy nghĩ lại. Họ muốn tôi trở về với con người trước kia. Chỉ tiếc rằng điều đó là hoàn toàn không thể khi một con người đã hiểu quá rõ về cơ thể, tâm lý của mình.
Luật của người thay thế
Thời gian đó, tôi có quen một cô bạn, chúng tôi hay nhắn tin rồi thường gặp gỡ nhau. Cô ấy có người yêu nhưng đi bộ đội, hoàn cảnh cô ấy cũng éo le. Tôi luôn là người bên cạnh cô ấy, chia sẻ mọi chuyện với nhau.
Thời gian thấm thoắt, chẳng mấy mà chúng tôi đã thân quen được một thời gian khá dài. Những buổi lang thang đi chơi, đi ăn uống vui vẻ cùng nhau, tình cảm tôi dành cho cô ấy lớn dần. Và dù biết rằng cô ấy đã có người yêu song tôi không thể kiềm chế cơn “chếnh choáng” của mình.
Tôi đã nói cho cô ấy biết tình cảm của mình và tôi nói mình sẽ ra đi. Cô ấy không đồng ý với sự ra đi của tôi và cố gắng níu kéo tôi bằng được.
Video đang HOT
Cuộc vui của tình yêu lesbian. Ảnh minh họa.
Tôi hiểu cô ấy chỉ muốn đón nhận tôi với vai trò của một người thay thế nên tôi thẳng thắn: “Mình cứ đến với nhau đi, tớ chăm sóc cho bạn. Khi nào người yêu bạn về thì tớ trả”. Tôi chấp nhận cái “Luật của người thay thế” ấy vì muốn duy trì mối quan hệ trái khoáy này.
Mọi người thân quen biết chuyện đều bảo rằng cô ấy đến với tôi chỉ là để lợi dụng. Nhưng khi đang yêu, đang “say tình” thì mọi lời nói ấy đều chẳng thể lọt lỗ tai. Tôi vẫn điên cuồng trong thứ tình yêu mụ mị.
Sau một thời gian yêu đương, chúng tôi bắt đầu có những mâu thuẫn, trục trặc. Khi thi tốt nghiệp cấp 3, tôi lên Hà Nội ở với mẹ còn cô ấy vẫn ở lại Hà Nam. Dù ở xa nhưng chúng tôi vẫn nhắn tin trò chuyện. Đôi khi nhớ nhung, tôi lại giấu mẹ lẻn về Hà Nam để đi chơi với cô ấy một ngày.
Rồi một lần tôi bị ngã xe, cô ấy cũng biết chuyện và lên Hà Nội. Tiếc rằng cô ấy không hề tới thăm tôi. Đau khổ, chán nản khi nhận ra tình cảm mà người ta đối với mình quá nhạt nhòa, tôi quyết định phải chấm dứt mọi chuyện. Những tin nhắn qua lại giờ là những lời cãi vã. Mối tình sâu nặng đầu đời của tôi đã kết thúc trong những tiếng chửi bới, oán thán…
Cùng lúc đó, gia đình tôi gặp nhiều trắc trở. Tôi vô cũng đau khổ, và rồi tôi đã dùng dao để rạch những vết cứa tứa máu đầy đau đớn ở cánh tay. Người yêu cũ làm tôi đau, trên tay tôi có một vết sẹo, mẹ làm tôi buồn, trên tay lại có thêm một vết rách dài khác. Đối với tôi lúc bấy giờ, hành hạ bản thân là cách tốt nhất để phớt lờ tất cả.
Quỹ thời gian của tôi chủ yếu làm bạn với rượu. Tôi đã bỏ lỡ kỳ thi Đại học vì những nỗi niềm như thế. Tôi muốn tự lập, muốn thay đổi môi trường sống, xa rời tất cả những gì vốn đã thân quen, muốn đến một nơi để tôi có thể tự tin là chính tôi.
Tôi cắt tóc ngắn như con trai, chuyên mặc đồ thể thao bụi bặm. Mẹ khó chịu về điều đó và lờ mờ nhận ra sự khác biệt của tôi. Mẹ so sánh tôi với đứa em gái, con riêng của mẹ với dượng rằng hai chị em mà chẳng có nét tương đồng. Nó thì tóc dài, áo quần nữ tính còn tôi lúc nào cũng ngông nghênh như đàn ông.
Mẹ bắt tôi nuôi tóc dài đồng thời sắm cho hàng loạt váy vóc, những bộ quần áo nữ tính để bắt tôi mặc. Kèm với đó là lời đe dọa: “Nếu không nữ tính được thì ra khỏi nhà”. Tôi phần vì sợ, phần vì lo mẹ và gia đình sốc khi biết tôi đồng tính nên liền viện lý do chống chế.
Tôi tự làm những hành động khác biệt khác để mẹ hiểu ra sự thật về tôi. Tôi biết mẹ ngờ ngợ nhưng có lẽ mẹ chưa thể chấp nhận điều này ngay được nên cứ cố giả vờ, tảng lờ như chưa biết chuyện.
Rồi tôi lao vào cuộc tình thứ hai với một chị bạn làm cùng công ty. Chúng tôi nửa yêu – nửa bạn, một mối quan hệ không rõ ràng, không thể gọi tên.
Thời gian ở bên nhau, chúng tôi cũng có một số bất đồng, cãi vã rồi lại chia tay. Sau khi chia tay, cô ấy nhanh chóng yêu người khác, một người đàn ông đã có vợ. Nhưng mối tình ấy cũng chẳng kéo dài. Chúng tôi quay về với nhau nhưng sự quay lại cũng chẳng thể bền lâu.
Cô ấy cũng cặp bồ với người đàn ông đã có vợ kia.
Tôi cũng có nhiều người đàn ông theo đuổi, nhưng tôi không thể có tình cảm với họ được. Và người tôi yêu bây giờ chính là bà tôi, bà từng bảo tôi rằng lấy chồng sớm đi để bà có cơ hội được đeo nhẫn cho cháu gái trong ngày cưới. Nếu có đám cưới, liệu bà có chấp nhận khi gia đình sẽ đón thêm một người, nhưng không phải cháu rể mà là cháu… dâu?.
Tôi đang rất hoang mang. 21 tuổi, tôi không biết mình phải hành động ra sao để mọi người đều biết sự thật mà không bị sốc?…
Theo VNE
"Nếu thế thì vợ chồng để làm gì?"
Mẹ vợ tôi gọi điện sang bảo: "Anh qua rước chị ấy về đi chớ tôi không chứa. Liệu mà ăn nói với chị ấy, lần này là tôi không can dự nữa đâu".
Mỗi khi mẹ vợ xưng "tôi" và gọi "anh chị" là tôi biết sống chết gì mình cũng phải qua để năn nỉ, đón con gái của bà về. Mười lần như một, tôi luôn là người có lỗi trong mọi cuộc tranh cãi. Kết cục là tôi phải xin lỗi, làm lành, qua nhà cha mẹ vợ rước Quỳnh Như về. Không chỉ xin lỗi vợ, tôi còn phải xin lỗi cha mẹ, anh em của vợ vì đã trót làm phiền đến họ.
Nhưng lần này thì khác. Con gái tôi bảo: "Ba đừng đi, thử xem mẹ có biết đường về không?". Con bé năm nay 15 tuổi. Nó đã không ít lần chứng kiến mẹ nó giận dỗi bỏ về nhà ngoại trong khi ba chẳng có lỗi gì. Tôi hỏi con: "Nói thật cho ba nghe đi, con thấy ba sai chỗ nào?". Nó lắc đầu: "Con hỏng thấy chỗ nào hết. Chỉ có mẹ quá đáng, ăn hiếp ba. Đâu phải học cao, làm chức lớn rồi cái gì cũng đúng hết đâu? Con và Út Mi theo phe ba".
Nghe con gái nói, tôi không nhịn được cười. Đúng là con nít.
Tôi quen Quỳnh Như trong một lần cô ghé tiệm hủ tiếu của má tôi ăn sáng cùng mấy người bạn. Lúc đó có một bà khách nước ngoài muốn làm quen với nhóm bạn của Quỳnh Như nhưng không ai dám đại diện đứng ra nói chuyện với bà, tôi thấy vậy tự nguyện đứng ra làm phiên dịch bất đắc dĩ. Tôi chẳng giỏi giang gì, chẳng qua là nhờ dạn miệng, hay nói chuyện với khách đến quán ăn hủ tiếu nên mới biết nhiều như vậy.
Sau lần đó, Quỳnh Như hay ghé quán. Mới đầu tôi chẳng dám tơ tưởng nhưng dần dần, thấy hình như người ta cũng có cảm tình với mình nên tôi quyết định ngỏ lời. Không ngờ, Quỳnh Như đồng ý ngay. Về phần má tôi, bà "mừng hết lớn" vì có cô con dâu vừa đẹp, vừa giỏi giang. Đi đâu bà cũng khoe con dâu học cái gì gì đó mà còn cao hơn con trai bà vốn đã tốt nghiệp đại học ngành chế biến thực phẩm.
Sau lần đó, Quỳnh Như hay ghé quán. Mới đầu tôi chẳng dám tơ tưởng nhưng dần dần, thấy hình như người ta cũng có cảm tình với mình nên tôi quyết định ngỏ lời.(ảnh minh họa)
Những ngày ấm êm của hai đứa đã ra đi từ bao giờ?
Tôi mê công việc bếp núc từ nhỏ, thích chế biến món này, món kia cho ba má và mọi người trong nhà thưởng thức. Hồi còn ở quê, tôi còn nổi tiếng vì may vá khéo. Mới 12 tuổi, má tôi đã dám nhận đồ về nhà cho tôi may. Đến khi lên Sài Gòn, tôi bỏ nghề may chuyển sang nấu hủ tiếu phụ má.
Có thể nói cái chuyện nấu nướng đã trở thành máu thịt của tôi. Đến khi đi làm, tôi nhất quyết đòi làm ở bộ phận kỹ thuật để được chế biến, sáng tạo ra nhiều món ngon, nhiều mặt hàng xuất khẩu cho công ty. Đã mấy lần, giám đốc muốn bổ nhiệm tôi làm quản đốc rồi phó giám đốc công ty nhưng tôi nhất quyết từ chối: "Mấy anh không cho tôi làm chuyên môn thì tôi nghỉ chớ tôi nhất quyết không làm lãnh đạo".
Trong lúc đó thì vợ tôi đi làm công ty nước ngoài lên vù vù, lương cao ngất ngưỡng, chỉ tính bằng USD. Mà lạ lắm, mỗi lần vợ tôi lên lương, lên chức là tôi bị xài xể. Nàng nói tôi không có chí tiến thủ, an phận, thậm chí có lần nàng cho rằng tôi là một trong những kẻ ngu nhất thế gian này vì không ham chức quyền. Nàng bảo: "Nếu anh không vì bản thân thì cũng phải vì vợ con chớ? Anh làm ông này, ông nọ thì vợ con cũng được nở mày, nở mặt; có đâu lại lù khù như vậy?". Tôi bảo nàng tính tôi không thích bon chen; mà ở công ty cũng không ai đè đầu cưỡi cổ để tôi phải vùng lên ngồi vào cái ghế của họ để "trả thù". Tôi hấy mình an phận đúng như lời vợ tôi nói.
Điều đó có gì sai? Chính vì an phận mà tôi có thời gian đưa đón, dạy con học, chở con đi chơi. Chính vì an phận mà tôi đứng ngoài mọi cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực ở công ty mỗi khi có sự thay đổi lãnh đạo. Chính vì an phận mà tôi ngủ ngon mỗi đêm...
Thế nhưng cũng chính vì tôi an phận như thế nên vợ tôi không bằng lòng. Bây giờ nàng không thích ra ngoài cùng tôi; không muốn đi dự đám tiệc với tôi, không thích rủ bạn bè về nhà chơi để tôi đãi những món ngon do chính tay mình làm... Có lần nàng nói ở lại công ty làm sổ sách nhưng tôi phát hiện nàng đi tiếp khách với giám đốc công ty và uống rượu đến say mèm.
Lần này thì sự việc còn tệ hơn. Tôi kể là công ty cử tôi ra nước ngoài 3 tháng để học thêm kỹ thuật chế biến thực phẩm; toàn bộ kinh phí công ty đài thọ. (ảnh minh họa)
Hôm sau khi tôi đề cập đến chuyện đó thì nàng gân cổ lên cãi: "Em chẳng việc gì phải nói dối anh, chẳng qua là em thấy nói cũng chẳng ích lợi gì". Tôi gay gắt: "Nếu thế thì chúng ta là vợ chồng để làm gì? Nếu anh làm như vậy, em có chịu không?". Vợ tôi gật đầu: "Có gì đâu mà không chịu? Vợ chồng bình đẳng mà. Chưa kể anh còn thua em mấy cái đầu. Anh có giỏi thì phấn đấu cho bằng em đi rồi hẳng nói chuyện".
Càng ngày những câu chuyện như vậy giữa chúng tôi càng dày lên. Tôi không hiểu sao Quỳnh Như lại thay đổi như vậy. Điều đáng nói là cứ mỗi lần vợ chồng gây gổ, nàng lại bỏ đi, sau đó về nhà mẹ ruột ngủ luôn bên ấy. Tất nhiên là mẹ vợ tôi lại gọi điện với câu mở lời là: "Anh đấy à? Sang mà đón chị ấy về...".
Lần này thì sự việc còn tệ hơn. Tôi kể là công ty cử tôi ra nước ngoài 3 tháng để học thêm kỹ thuật chế biến thực phẩm; toàn bộ kinh phí công ty đài thọ. Không chỉ vậy tôi còn được hưởng phụ cấp; trong thời gian học, nếu làm ra sản phẩm còn được trả lương...
Tôi phấn chấn kể tất cả những điều đó với vợ, cứ tưởng nàng sẽ vui lắm vì tôi đang "phấn đấu" cho bằng nàng; không ngờ nghe xong, nàng gạt ngang: "Học mấy thứ đó ích lợi gì? Ẩm thực của bọn Tây có giống mình đâu mà học?". Tôi ngó nàng trân trân: "Em nói gì lạ vậy? Thị trường của công ty anh là bên đó mà? Phải biết khẩu vị, sở thích của người ta thì mới sản xuất hàng hóa cho phù hợp...".
Nhưng vợ tôi vẫn gạt ngang: "Em đã nói không đi là không đi". Tôi bực quá: "Em đừng có nói cái giọng giống má anh như vậy. Anh đã quyết, em có cản cũng không được". Vợ tôi cười gằn: "Là anh nói đó nghen. Nếu anh đi mà khi trở về thấy lá đơn ly dị thì khỏi hỏi lý do nghen". Tôi sững người: "Cái gì? Sao lại có chuyện ly dị ở đây? Em đừng có chuyện nọ xọ chuyện kia. Anh hết chịu nổi em rồi". "Vậy hả? Hết chịu nổi rồi hả? Vậy thì chia tay đi, em cũng chán ngán cuộc sống này lắm rồi. Em không ngóc đầu lên nổi với một người chồng vô tích sự như anh".
Nói xong, Quỳnh Như đùng đùng bỏ đi. Tôi chờ mãi không thấy về, gọi sang nhà mẹ vợ thì bà bảo, Quỳnh Như đang ở bên ấy nhưng đã ngủ. Cả đêm hôm đó tôi gần như không chợp mắt. Tôi kiểm điểm lại cuộc hôn nhân của mình và thấy đúng là nó nhạt nhẽo, vô vị. May mà tôi còn có 2 đứa con.
Hôm sau, mẹ vợ tôi gọi bảo sang đón Quỳnh Như về. Tôi bảo: "Vợ con tự đi thì phải tự về". Nói rồi tôi cúp máy. Hôm sau bà lại gọi. Tôi lại trả lời đúng câu ấy. Lần thứ ba thì mẹ vợ tôi nổi cáu: "Này, chuyện nhà các anh chị thì tự giải quyết với nhau chứ đừng có làm phiền chúng tôi đấy nhé. Muốn ở thì ở, còn không muốn thì bỏ, tôi không cản".
Tôi không rước, vợ tôi cũng không về. Hóa ra không có Quỳnh Như ở nhà, cuộc sống của ba cha con tôi vô cùng dễ chịu. Chúng tôi ăn uống, chơi đùa, học hành, giải trí với nhau rồi cười vang nhà. Đến nỗi cô con gái út còn xúi: "Ba nhất định không được đón mẹ về đấy nhé". Thật sự tôi cũng không có ý định ấy.
Tuy nhiên, sau khi các con đã ngủ, còn lại một mình, tôi cứ trằn trọc nghĩ suy. Những ngày ấm êm của hai đứa đã ra đi từ bao giờ? Chẳng lẽ cuộc sống của vợ chồng tôi nhàm chán đến độ sự vắng mặt của người này trở thành niềm vui của người kia?
Thế thì chẳng lẽ phải giải quyết nó như cách mẹ vợ tôi nói là "Muốn ở thì ở, còn không muốn thì bỏ..."?
Theo VNE
Chồng em sao được bằng anh? Ngày ấy, tôi vẫn nhớ em nói một câu: "anh thì là gì mà đòi so sánh với người yêu em", câu nói ấy, cả đời tôi sẽ không quên. Em à, hôm này Hà Nội trời đẹp quá, se lạnh, nhưng nắng đẹp long lanh. Tiết trời này làm anh nhớ đến những ngày sinh viên, những ngày 2 đứa mình học...