VAFI: “Cục Viễn thông như là Luật sư bào chữa cho 3 nhà mạng”
Hôm qua, 13/11, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã phát thông cáo cho rằng những giải trình của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) về lý do tăng giá cước 3G từ ngày 16/10 vừa qua là “không thể chấp nhận được”.
Theo VAFI, Cục Viễn thông đã chấp nhận cho 3 nhà mạng (Viettel, MobiFone, VinaPhone) tăng giá cước từ 50.000 lên 70.000 đồng/tháng đối với gói dịch vụ 3G không giới hạn chỉ khoảng 1 tháng sau khi nhận được văn bản đề nghị tăng cước dịch vụ 3G là một việc làm vội vã khi không trực tiếp thẩm định giá thành cước 3G.
Theo như Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng công bố tại cuộc họp báo thì các số liệu về giá thành dịch vụ là do 3 nhà mạng cung cấp trên cơ sở cam kết của 3 nhà mạng, từ đó làm cơ sở cho Cục Viễn thông chấp thuận việc tăng giá. Văn bản của VAFI đặt câu hỏi về vai trò của Cục Viễn thông là gì? “Chẳng nhẽ Cục không có khả năng thẩm định lại giá thành dịch vụ trước khi ra quyết định hay Cục có niềm tin vào các doanh nghiệp? Khác với việc tăng giá xăng dầu, mỗi lần tăng đều có sự thẩm định giá của Bộ Tài chính đi kèm với việc công khai tài chính ở mức tương đối từ Petrolimex…. “, VAFI nhấn mạnh.
Theo báo cáo từ Cục viễn thông thì cả 3 nhà mạng đang có giá cước 3G chỉ bằng 54% giá thành dịch vụ nhưng Bộ cho phép thực hiện khấu hao nhanh toàn bộ vốn đầu tư cho mạng 3G chỉ trong vòng 2 tới 3 năm. VAFI cho rằng lời giải thích này bộc lộ sự mâu thuẫn lớn bởi trong thực tế đời sống doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp liên tục bán sản phẩm chỉ bằng 60% giá thành trong vài năm thì doanh nghiệp đó sẽ đi vào con đường thua lỗ giải thể, phá sản hoặc với số hiếm doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải thắt lưng buộc bụng, chỉ trả lương ở mức khiêm tốn so với mặt bằng chung của xã hội.
Trên thực tế, năm 2012, doanh thu về mảng dịch vụ điện thoại di động trong nước của 3 nhà mạng là trên 100 trăm ngàn tỷ, lợi nhuận khoảng trên 20 ngàn tỷ. (Nếu 3 doanh nghiệp này là công ty niêm yết thì lợi nhuận là trên 30 ngàn tỷ).
Ngoài ra, giá cước dịch vụ 3G chỉ bằng 54% giá thành nhưng thời gian khấu hao chỉ 2 tới 3 năm là một điều vô lý. VAFI cho rằng trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, hầu hết đại bộ phận doanh nghiệp trong nước phải thực hiện chế độ khấu hao chậm, thậm chí nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước thực hiện chế độ khấu hao không đủ mức bảo toàn vốn đầu tư, thực chất là che đậy những khoản thua lỗ khổng lồ. Tuy nhiên, Viettel, MobiFone, VinaPhone xung phong áp dụng chế độ khấu hao cực nhanh, (chế độ khấu hao nhanh chỉ bằng công cụ lao động) dĩ nhiên là đẩy giá thành dịch vụ lên rất cao (có thể đẩy giá thành cước dịch vụ lên gấp 2 lần), điều đó có thể khẳng định rằng giá thành dịch vụ mà 3 nhà mạng cung cấp là không chính xác.
Thông cáo của VAFI cũng chỉ ra rằng, Bộ TT&TT cho phép doanh nghiệp thực hiện chế độ khấu hao cơ bản cực nhanh vì công nghệ viễn thông mau lạc hậu, đồng thời giúp doanh nghiệp có cơ hội thu hồi vốn nhanh để tái đầu tư, tuy nhiên sẽ không có lãnh đạo nhà mạng nào dám khẳng định rằng chỉ sau 3 năm khai thác thì toàn bộ hạ tầng dịch vụ 3 G sẽ bị thanh lý vì công nghệ lạc hậu? Việc cho phép doanh nghiệp khấu hao cực nhanh với thời gian khấu hao được rút ngắn còn 1/4 và 1/3 vòng đời của tài sản cố định sẽ làm giảm nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời đẩy giá thành dịch vụ lên cao và từ đó làm cơ sở cho việc tăng giá cước “có vẻ hợp lý” ?
Video đang HOT
Ngoài ra, theo VAFI, 3 nhà mạng lớn đang chiếm hơn 90% thị phần trên thị trường viễn thông thì theo thông lệ quốc tế, các doanh nghiệp buộc phải thường xuyên công khai các thông tin chi tiết như báo cáo tài chính chi tiết định kỳ, doanh thu và từng khoản lợi nhuận, thỏa thuận hợp đồng ăn chia tiền cước với đối tác nước ngoài, chi phí đầu tư, và chi tiết thu nhập thực tế từ Ban quản lý đến nhân viên… trên website của mình để người tiêu dùng có cơ sở kiểm soát giá thành xem có hợp lý hay không?
VAFI cho hay trên trang web của 3 doanh nghiệp trên không có những thông tin trên, duy chỉ có Viettel, MobiFone đưa thông tin tóm tắt chỉ tiêu lợi nhuận , doanh thu nói chung của 1 số năm quá khứ.
Theo báo cáo của Cục Viễn thông, 3 doanh nghiệp trên đã đầu tư vào mạng 3G là 27 ngàn tỷ đồng, khoản đầu tư này chỉ tương ứng với khoản cổ tức 3 năm mà nhà nước không thu, đấy là chưa nói trong nhiều năm liền, 3 doanh nghiệp trên không phải đóng 1 xu cổ tức cho nhà nước. Với nguồn lợi nhuận khổng lồ của nhà nước để lại doanh nghiệp thì tăng cước để làm gì trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay?
VAFI cho rằng để xét việc tăng giá cước thì trước hết phải yêu cầu 3 nhà mạng minh bạch thông tin tài chính chi tiết và đưa ra các giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ 3G, giải đáp cặn kẽ thắc mắc của người tiêu dùng.
Do đó, VAFI cho rằng lời giải thích của Cục Viễn thông về việc tăng cước dịch vụ 3G là không thỏa đáng, người ta có cảm tưởng rằng vai trò của Cục như là Luật sư bào chữa cho 3 nhà mạng.
Khôi Linh
Theo Dantri
Bộ TT&TT: Tăng cước 3G là hoạt động bình thường!
Trong cuộc họp báo về một số nội dung quản lý viễn thông diễn ra chiều nay (8/11), Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) khẳng định có đầy đủ sở cứ của việc tăng cước 3G vừa qua, và cho rằng nên xem việc điều chỉnh dịch vụ dữ liệu di động như là một điều bình thường.
Tham gia cuộc họp báo, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến việc tăng giá cước 3G trong ngày 16/10 vừa qua của 3 nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel.
Ông Hải cho biết, Cục đã thực hiện chủ trương "từng bước điều chỉnh giá cước các dịch vụ hiện nay còn thấp hơn giá thành để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập quốc tế" được quy định tại Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg phê duyệt "Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020". Theo Cục Viễn thông, đầu năm 2013 Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông rà soát giá cước, báo cáo giá thành và xây dựng phương án điều chỉnh giá cước đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Thực hiện yêu cầu trên, trong tháng 8-9/2013 nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường (Mobifone, Vinaphone, Viettel) đã lần lượt gửi hồ sơ đến Bộ TTTT để đăng ký điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết đến ngày 4/10, Cục đã có các công văn số chấp thuận đăng ký giá cước Dịch vụ truy nhập Internet thông tin di động của các doanh nghiệp. Phần lớn các gói cước có chu kỳ tính cước theo tháng (mỗi doanh nghiệp chỉ có 01 gói tính theo sử dụng thực tế) nên để thuận tiện trong tính cước doanh nghiệp thường áp dụng trọn tháng hoặc 1/2 tháng. Vì vậy khi không áp dụng được từ 01/10/2013 (trước khi có văn bản chấp thuận), doanh nghiệp áp dụng từ ngày 16/10/2013 (nửa sau của tháng).
Thứ trưởng Lê Nam Thắng trả lời báo chí xung quanh hoạt động tăng cước 3G của 3 nhà mạng lớn.
Với vai trò chủ toạ tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng đã công khai các sở cứ của đợt điều chỉnh giá cước vừa qua. Thứ trưởng Thắng cho biết khi thẩm định việc đăng ký điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của các doanh nghiệp, Bộ TT&TT đã căn cứ vào các quy định của pháp luật về viễn thông, về giá, về cạnh tranh và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, theo đó: giá cước phải xác định trên cơ sở giá thành, cung cầu của thị trường, mặt bằng giá cước khu vực, thế giới; bảo đảm môi trường cạnh tranh, hội nhập quốc tế và các doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành.
Trong buổi họp báo, Bộ cũng cho biết, theo doanh nghiệp báo cáo giá thành của doanh nghiệp thì giá thành trung bình kế hoạch của năm 2013 đối với dịch vụ dữ liệu 3G là 167,66 đ/MB (chưa VAT) và 184,4 đ/MB (đã bao gồm VAT). Trong khi mức giá cước trung bình trên thị trường là 100 đ/MB (đã bao gồm VAT) chỉ bằng 54% giá thành.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết đây là số liệu do các doanh nghiệp cung cấp và các công ty phải chịu trách nhiệm với số liệu trên, nếu có sự gian dối sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Bộ TT&TT nhấn mạnh các doanh nghiệp đã đầu tư 27.779 tỷ đồng để triển khai mạng thông tin di động băng rộng công nghệ HSPA (3,5G) với khoảng 44.000 trạm phát sóng (tính đến quý II/2012). "Giai đoạn đầu cung là rất lớn, trong khi số lượng người sử dụng dịch vụ dữ liệu 3G (cầu) lại rất ít. Vì vậy để phát triển thuê bao và khai thác hiệu quả hạ tầng đã được đầu tư, các doanh nghiệp đã phải hạ giá cước xuống thấp. Tuy nhiên hiện nay số thuê bao dịch vụ dữ liệu 3G đã tăng mạnh đến 18,9 triệu thuê bao, dung lượng tăng mạnh vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng đảm bảo của mạng lưới. Để có thể tái đầu tư mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ thì việc từng bước điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G đến giá thành là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và cũng phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường", Thứ trưởng Thắng chia sẻ.
Thứ trưởng cho rằng việc tăng hay giảm cước phụ thuộc vào giá thành và cung cầu thị trường cũng như mặt bằng chung khu vực, quốc tế. Nếu trong năm tới, giá thành dịch vụ 3G tiếp tục tăng cao hơn 167,66 đ/MB thì cước dịch vụ sẽ bắt buộc phải tăng theo để đảm bảo nguồn thu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu giá thành giảm bằng hoặc thấp hơn mức cước hiện nay là 100 đ/MB thì sẽ không có chuyện tăng giá. Thứ trưởng nhấn mạnh" "Hãy xem việc tăng hay giảm giá cước như là một hoạt động bình thường, theo xu hướng của thị trường".
Theo số liệu của Cục Viễn thông, đợt tăng giá cước dịch vụ 3G vừa qua chỉ có tác động đến 8,6% thuê bao trong tổng số 91 triệu thuê bao di động phát sinh cước trong tháng 9.
Trong buổi họp báo, Bộ TT&TT cũng đưa ra so sánh giá cước viễn thông của Việt Nam với khu vực và thế giới. Theo đó, giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của thị trường Việt Nam sau khi điều chỉnh trung bình là 111 đ/MB chỉ bằng 34,9% mức giá cước trung bình của khu vực ASEAN là 318 đ/MB. Nếu so sánh tương đối theo thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI) thì mức giá cước của Việt Nam (4,8 USD) chỉ bằng 18% (trả trước) đến 27% (trả sau) so với mặt bằng chung thế giới, bằng 34% (trả trước) đến 57% (trả sau) so với mặt bằng chung khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Bộ TT&TT khẳng định việc điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G vừa qua là hoàn toàn có đầy đủ sở cứ pháp lý và thực tiễn, phù hợp với chủ trương định hướng của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ TT&TT và các quy định của pháp luật về viễn thông và về giá cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Khôi Linh
Theo Dantri
Bộ TT&TT: Đầy đủ sở cứ của việc tăng cước 3G Trong buổi họp giao ban quản lý nhà nước với các hãng viễn thông có hạ tầng sáng nay tại Cục Viễn thông, Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) khẳng định có đầy đủ sở cứ của đợt điều chỉnh giá cước 3G vừa qua . Đầy đủ sở cứ của đợt điều chỉnh giá cước 3G...