Vạch trần âm mưu của Trung Quốc
Nếu đạt được ý đồ trong vụ đặt giàn khoan ở vùng biển Việt Nam, Trung Quốc sẽ coi đây là hình mẫu để tiến chiếm các vùng tranh chấp.
Tàu chiến 789 của Trung Quốc ngang ngược hiện diện phi pháp trong vùng biển Việt Nam – Ảnh: Hoàng Sơn
Đó là cảnh báo của chuyên gia Michael Auslin tại Viện Doanh nghiệp Mỹ trong bài bình luận đăng trên tờ The Wall Street Journal khi giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và lực lượng hộ tống của Trung Quốc vẫn ngoan cố hoạt động phi pháp ở vùng biển Việt Nam. Ông Auslin khẳng định giàn khoan Hải Dương-981 nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khu vực này đã bị Trung Quốc ngang nhiên cho vào trong bản đồ yêu sách đường lưỡi bò phi lý của họ. Theo ông Auslin, ngoài các ý đồ về chính trị và yêu sách chủ quyền, riêng trong lĩnh vực khai thác dầu khí thì đây cũng là bước leo thang mới của Trung Quốc sau khi nước này từng gây sức ép lên các công ty dầu khí nước ngoài hợp tác thăm dò, khai thác một cách hợp pháp với Việt Nam. Đồng thời, khi mà giới chức Bắc Kinh từng tuyên bố xem giàn khoan “là lãnh thổ quốc gia di động” thì hành động hạ đặt trái phép Hải Dương-981 cũng là chiến thuật mới của Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương. Theo đó, nếu quốc gia bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền không kiên quyết đến cùng và quốc tế không lên án đủ mạnh thì dần dần sự có mặt của giàn khoan sẽ thành “chuyện đã rồi” và Trung Quốc “sẽ đạt được các mục tiêu chiến lược mà không cần hành động quân sự”. Ông Auslin còn cho rằng “chiến lược giàn khoan dầu” có thể dẫn tới căng thẳng dâng cao hơn nữa trong tương lai do Trung Quốc có kế hoạch đóng thêm nhiều giàn khoan.
Chữ ký gió bay
Quan sát những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông, luật sư Ryan Santicola thuộc bộ phận pháp chế của hải quân Mỹ khẳng định Bắc Kinh đã vi phạm các cam kết song phương, đa phương và thường xuyên hành động đơn phương ở biển Đông. Trong bài bình luận đăng trên chuyên san The Dilopmat (Nhật) hôm qua, ông Santicola chỉ ra vụ giàn khoan là bằng chứng cho thấy Trung Quốc không thật tâm tuân thủ Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo về giải quyết các vấn đề trên biển đã ký hồi năm 2011 với Việt Nam. Thỏa thuận có ghi rõ hai bên nhất trí giải quyết tranh chấp liên quan đến biển thông qua tham vấn và đàm phán thân thiện, nhưng theo giới quan sát, có vẻ như chỉ mình Việt Nam là luôn nỗ lực thực hiện đúng cam kết này.
Luật sư Santicola nêu thêm một bằng chứng khác, Trung Quốc cũng từng không tuân thủ kết quả đàm phán với Philippines là hai bên cùng rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough trong vụ căng thẳng hồi tháng 4.2012. Liên tục đến nay, Bắc Kinh thường xuyên đưa tàu trở lại Scarborough và mới đây, theo tờ Business Mirror, hải quân Mỹ đã phát hiện 2 tàu hộ tống của Trung Quốc xuất hiện gần bãi cạn này.
Với các thỏa thuận với những bên trực tiếp tham gia tranh chấp mà còn vậy nên cũng không lạ khi Trung Quốc vẫn đưa ra tuyên bố chủ quyền gần trọn biển Đông, vi phạm Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) dù đã tham gia công ước từ năm 1996. Tương tự, Trung Quốc ký Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC) với ASEAN hồi năm 2002 nhưng thường xuyên có hành động đi ngược tinh thần của tuyên bố. Mới đây, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cáo buộc Trung Quốc vi phạm DOC sau khi Manila công bố bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang tiến hành xây công trình được cho là đường băng ở bãi đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Vì thường xuyên hành xử theo kiểu “chữ ký gió bay” nên Trung Quốc cứ dền dứ trong đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Nhiều nhà ngoại giao Đông Nam Á hồi tuần rồi cáo buộc Trung Quốc vừa trì hoãn đàm phán COC vừa ra sức tăng cường kiểm soát ở những khu vực tranh chấp, theo AP.
Video đang HOT
Bóng ma ADIZ ở biển Đông
Trước những diễn biến đã và đang xảy ra trên biển Đông, có thêm nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý và tăng cường sức mạnh ở vùng biển này. Cụ thể, chuyên gia Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cảnh báo dù Trung Quốc tuyên bố sẽ đặt giàn khoan Hải Dương-981 phi pháp ở vùng biển Việt Nam tới ngày 15.8 nhưng sau đó họ vẫn sẽ tiếp tục khiến căng thẳng dâng cao. AP dẫn lời ông Storey dự đoán Trung Quốc chắc chắn sẽ lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Đông và đó chỉ là “vấn đề thời gian”. Trước đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez cảnh báo rằng việc Trung Quốc xây dựng công trình được cho là đường băng trên bãi đá Gạc Ma có thể là bước đầu tiên trong kế hoạch lập ADIZ, theo Đài TV5. Còn chuyên gia Ernie Bower tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) từng cho AFP hay ông không có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc tiến tới lập ADIZ ở biển Đông và đó sẽ “không phải là hành động khiêu khích cuối cùng”. Có lẽ vì vậy mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hồi tuần rồi kêu gọi các nước Đông Nam Á nên hợp sức và cùng Mỹ lên tiếng chống lại tình trạng Trung Quốc ngày càng hung hăng ở khu vực, theo báo mạng The Huffington Post.
Theo TNO
Sẵn sàng đối phó với mọi hành vi gây hấn trong quan hệ kinh tế
Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế ở vùng biển nước ta từ đầu tháng 5 vừa qua đã đặt đời sống cả nước vào một tình thế vừa lạ vừa quen. Đó là tình thế sẵn sàng ứng biến với mọi bất trắc có thể xảy ra như mấy chục năm trước.
Không chỉ hướng về Hoàng Sa, nơi các lực lượng chấp pháp trên biển của chúng ta đang hàng ngày đối mặt với tàu chiến, tàu có vũ trang sẵn sàng gây hấn với chúng ta, không chỉ thể hiện lòng yêu nước, phản đối sự xâm phạm trắng trợn lãnh thổ đất nước mà còn chuẩn bị cho những biến động kinh tế nếu Trung Quốc cố tình gây khó khăn cho nền kinh tế chúng ta vốn đang ở giai đoạn suy thoái, phát triển chậm.
Ngay tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đã đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cần chủ động có các giải pháp ứng phó với tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, từng ngành kinh tế, xuất nhập khẩu, các thị trường, cân đối ngân sách Nhà nước, thu hút vốn đầu tư, tạo công ăn việc làm... bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp và người dân... Vậy Trung Quốc có thể làm gì và chúng ta đối phó như thế nào? Liệu nền kinh tế chúng ta có rơi vào thảm họa như những gì mà các phương tiện thông tin Trung Quốc đang dọa dẫm?
Là cơ hội cho Việt Nam thay đổi cơ cấu
Phải thừa nhận chúng ta đã có những mối quan hệ kinh tế rộng lớn đối với Trung Quốc. Về thương mại, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,32 tỷ USD năm 2013, chủ yếu là nông sản và các nguyên liệu thô. Trong khi đó, chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc 36,96 tỷ USD, chủ yếu là các nguyên vật liệu cho các thành phẩm như các linh kiện điện thoại di động, các phụ kiện cho dệt may và da giày, các trang thiết bị cho các nhà máy điện mà chúng ta vay vốn của Quỹ Xuất khẩu đầu tư của Trung Quốc để xây dựng. Chúng ta cần tính trước các bước Trung Quốc có thể đi. Cách làm hiện nay của Trung Quốc thể hiện họ đang tiếp tục leo thang, tiếp tục gây căng thẳng. Họ điều thêm tàu ra biển, họ chủ động đâm vào tàu của chúng ta, làm ngư dân ta trọng thương... Như vậy chứng tỏ họ sẵn sàng leo thang tiếp. Cho nên, Việt Nam cần tính đến khả năng có thể Trung Quốc sẽ ngừng không xuất khẩu và cũng có khả năng họ sẽ ngừng không nhập khẩu từ nước ta.
Trước tiên, họ sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và do đó ảnh hưởng tới một số ngành kinh tế của Việt Nam đang sử dụng vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Thêm một khó khăn nữa, Trung Quốc với chủ trương phát triển biên mậu, từ lâu đã là một thị trường tiêu thụ hàng nông sản dưới chuẩn, nghĩa là chất lượng thấp của chúng ta. Khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu sẽ gây khó khăn cho việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản, phải tăng cường đầu tư để nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhưng giá cao như châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác.
Về đầu tư, hiện nay Trung Quốc đứng vị trí thứ 9 trong số các nhà đầu tư ở Việt Nam. Mặc dù họ đầu tư chỉ khoảng 7 tỷ USD vào Việt Nam nhưng nhiều dự án đầu tư của họ có ảnh hưởng quan trọng với nền kinh tế của chúng ta, ví dụ đầu tư sản xuất nguyên, vật liệu phụ liệu cho xuất khẩu, đầu tư ngành điện, giao thông... cần xem xét xem tác động của các dự án đầu tư của họ như thế nào?
Hàng năm chúng ta cũng nhập khẩu từ Trung Quốc một khối lượng lớn hàng tiêu dùng chất lượng thấp, giá rẻ. Nếu ngừng nhập khẩu, có thể ngay lập tức sẽ có tình trạng khan hiếm một số hàng hóa, tuy nhiên ảnh hưởng của việc khan hiếm này quá nhỏ, với khả năng sản xuất của chúng ta, các cơ sở sản xuất trong nước sẽ nhanh chóng bù đắp sự thiếu hụt này.
Việc Trung Quốc rút công nhân của dự án Formosa ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) và đe dọa rút hết các lực lượng cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề Trung Quốc ra khỏi các dự án ở Việt Nam là muốn cố tình để giúp cho công cụ tuyên truyền của họ gây khó cho Việt Nam. Họ muốn tuyên truyền ầm ĩ lên rằng ở Việt Nam đang có loạn, khiến người Trung Quốc cũng phải chạy đi để tác động các nhà đầu tư nước ngoài giảm hoặc rút các dự án đang đầu tư ở Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc sẽ không đạt mục đích.
Nhìn toàn cảnh, chúng ta có mối quan hệ kinh tế sâu rộng với Trung Quốc nhưng chúng ta không hề phụ thuộc vào Trung Quốc. Vì vậy, nếu Trung Quốc chấm dứt các mối quan hệ kinh tế với Việt Nam, có thể gây khó khăn nhưng cũng là một cơ hội để Việt Nam thay đổi cơ cấu đầu tư để tự thỏa mãn nhu cầu trong nước, tăng chất lượng hàng xuất khẩu để có giá trị gia tăng cao hơn.
Không khó đối phó với các &'&'đòn đánh" về kinh tế của Trung Quốc
Dĩ nhiên, trong thời gian đầu khi phải đối phó với việc ngừng các mối quan hệ với Trung Quốc chúng ta sẽ gặp khó khăn. Nhưng chăc chắn thời gian khó khăn không dài.
Về thương mại, chúng ta không chỉ buôn bán với Trung Quốc, hiện nay chúng ta có quan hệ thương mại với 243 nước trên thế giới nên các sản phẩm chúng ta nhập của Trung Quốc không phải là không thay thế được. Chúng ta có thể thay thế được và phải chủ động thay thế, tích cực thay thế, và đừng có vương vấn. Đối với nguyên phụ liệu sản xuất hàng xuất khẩu, Việt Nam có thể khắc phục được bằng cách chuyển sang buôn bán hoặc hợp tác với một số nhà cung cấp của các nước khác. Việt Nam cũng là một thành viên của ASEAN, có rất nhiều quan hệ hợp tác với các nước khác trong cộng đồng ASEAN cũng như các nước châu Á - Thái Bình Dương khác. Việt Nam cũng có quan hệ với các nước châu Âu, Mỹ, những nước có thể thay thế nguồn nhập khẩu hoặc làm thị trường xuất khẩu cho Việt Nam thay cho Trung Quốc. Tất nhiên, tuy có thể thay thế, nhưng cũng sẽ có khó khăn cho Việt Nam vì việc này tốn thời gian và chi phí có thể cao hơn. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho ngành công nghiệp sản xuất nguyên, vật liệu phụ trợ của Việt Nam phát triển để có thể tự lập hơn trong sản xuất hàng xuất khẩu, thoát khỏi tình trạng gia công lắp ráp là chính với giá trị gia tăng thấp như hiện nay.
Đối với thị trường nông sản, nếu mất thị trường nông sản dưới chuẩn xuất khẩu qua đường biên hiện nay, chúng ta sẽ mất một thị trường quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nông dân. Thiếu thị trường này, chúng ta trước mắt phải tăng chi cho công tác an sinh xã hội, ổn định đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội để cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao chất lượng nông sản, phù hợp với những thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và những thị trường tiềm năng khác. Nếu thành công, giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp tăng lên, nông dân làm ăn có lãi, không những đời sống được cải thiện mà còn đóng góp được nhiều hơn cho ngân sách Nhà nước.
Đối với việc các dự án do Trung Quốc đầu tư có thể bị đình trệ, việc khắc phục hoàn toàn không khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp cũng như các quốc gia đang sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam có thể thay thế các nhà đầu tư Trung Quốc. Với số vốn 7 tỷ USD, ngay vốn trong nước cũng có thể thay thế được. Lực lượng lao động Trung Quốc đang làm việc tại nước ta, có thể nói thẳng, chất lượng không cao. Chúng ta buộc chấp nhận họ chỉ vì vốn của họ, thiết bị của họ... có vậy thôi. Thêm nữa, công nghệ Trung Quốc cũng không hẳn là công nghệ cao không thể thay thế. Lực lượng lao động kỹ thuật của chúng ta thừa đủ sức thay thế khi Trung Quốc rút khỏi thị trường. Bài học về cầu Thăng Long đã cho thấy điều đó. Khi Trung Quốc đơn phương rút khỏi dự án cầu hai tầng bắc qua sông Hồng, dưới sự giúp đỡ của chuyên gia Nga, những người công nhân Việt Nam đã xây dựng thành công cầu Thăng Long, cây cầu lớn nhất, dài nhất Đông Nam Á lúc đó.
Đối với việc rút công nhân về nước nhằm làm giảm uy tín môi trường đầu tư của nước ta, thực tế cho thấy không làm cho các nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi Việt Nam. Việt Nam hiện vẫn là một môi trường đầu tư tốt và đang có những nỗ lực rất lớn như chuẩn bị sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo hướng tạo thuận lợi nhiều hơn cho đầu tư nước ngoài. Vả lại Việt Nam đang trong quá trình cùng các đối tác liên quan hoàn tất một loạt các hiệp định tự do thương mại quan trọng, từ đó tạo thuận lợi rất nhiều cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Với triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam, với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và với quá trình hội nhập quốc tế đang tiến hành mạnh mẽ ở Việt Nam sẽ giúp thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài. Vả lại ở Việt Nam đâu chỉ có Trung Quốc đầu tư mà còn hàng trăm nước khác. Người ta có mặt ở tất cả mọi nơi, tự người ta sẽ chứng kiến và đánh giá tình hình ở Việt Nam là như thế nào.
Trong tình thế hiện thời, hãy lấy tấm gương của những anh em Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân trên biển kiên cường, dũng cảm và rất có hiệu quả. Mặc dù mình ít tàu hơn, tàu bé hơn nhưng mình vẫn chống cự được. Chúng ta hãy học tập tinh thần đó để đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách và tìm những nguồn nhập khẩu khác, tìm các thị trường khác. Người tiêu dùng nên ưu tiên dùng hàng Việt Nam và đây là điều hết sức cần thiết hiện nay. Nhất là các tỉnh biên giới hãy phát động một phong trào không buôn lậu, không chấp nhận hàng hóa chất lượng kém của Trung Quốc.
Theo ANTD
Ý đồ khống chế Đông Nam Á của Trung Quốc Tình hình trên biển Đông hiện nay phản ánh ý đồ của Trung Quốc muốn khống chế cả Đông Nam Á, đồng thời cho thấy sự bất khuất của Việt Nam. Tàu hải cảnh TrungQuốc hung hăng tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam - Ảnh: Mai Thanh Hải Đó là bình luận của cựu quan chức ngoại giao, sử gia Ý Sergio...