Vạch mặt nhiều công ty bán dự án ma như Alibaba
Trên địa bàn TP HCM ghi nhận gần 20 công ty hoạt động hình thức bán dự án ma tương tự như Công ty CP Địa ốc Alibaba
Sáng 26-9, chị Nguyễn Thị Ngọc Phương (tiểu thương chợ Phú Lâm, quận 6, TP HCM) cùng 30 người đến Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP HCM để khai báo về việc mua phải dự án “ma” có tên “Khu dân cư Triều An” nằm tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM.
Nhận tiền xong “mất tích” bí ẩn
Trước đó, chị Phương và nhiều người đã tìm đến trụ sở Công ty Angel Lina (chủ đầu tư dự án nói trên) đóng trên địa bàn quận 1 nhưng giờ đây căn nhà trống, tấm bảng ghi tên công ty đã tháo xuống. Tiếp tục, sang một trụ sở khác tại quận 7 thì hàng loạt khách hàng giật mình… đây là phòng tập gym. “Tra cứu trên mạng nhận thấy công ty dời sang trụ sở khác tại quận Tân Bình. Nhanh chóng tìm đến, tôi bị sốc khi giờ đây trụ sở là phòng trọ, người đại diện công ty chỉ là một nữ nhân viên” – chị Phương nói trong nước mắt. Theo chị Phương, tổng số tiền chị bỏ ra để “đầu tư” miếng đất rộng hơn 50 m2 của Công ty Angel Lina là gần 1,5 tỉ đồng.
Khu đất thuộc dự án “ma” của Công ty TNHH MTV Kinh doanh nhà Năm Tài lừa bán trên địa bàn quận Bình Tân, TP HCM
Chị Phương kể do hợp đồng có ghi nếu quá thời hạn không bàn giao đất nền sẽ bị bồi thường hợp đồng 50% số tiền đã nhận nên chị mới đầu tư. Nhưng giờ công ty “mất tích” , khách hàng không biết bám víu vào ai để lấy lại tiền. “Tôi dù mất tiền nhưng còn sức khỏe; có những khách hàng khi biết công ty “mất tích” đã bị đột quỵ phải đi cấp cứu. Bởi đây gần như toàn bộ tài sản tích góp hàng chục năm lao động tại TP HCM của họ. Ngoài ra, không ít khách hàng góp vốn giờ đang bị giang hồ đe dọa do vay mượn tiền không có khả năng chi trả” – chị Phương kể tiếp.
Chị Phương kể lại chuyện mình bị lừa bên dự án “ma” của Công ty Angel Lina
Đây không phải là dự án duy nhất có dấu hiệu lừa đảo. Kể về quá trình sập bẫy bởi Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Tiến Thêm, ông Trần Văn Hoàng (51 tuổi; ngụ phường 7, quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết khi biết thông tin dự án của Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Tiến Thêm khá hấp dẫn, ông đã liên hệ và được 2 nhân viên tìm đến tận nhà tư vấn và xuất trình sổ đỏ thuộc khu đất giáp rạch Rỗng Tùng (phường Thạnh Xuân, quận 12). Các nhân viên này còn mở một phần mềm cho rằng “quy hoạch đô thị” để chứng minh khu đất đã hoàn tất pháp lý, thủ tục. “Thấy giá đất rẻ và số tiền đầu tư không nhiều nên tôi ký hợp đồng đặt cọc 300 triệu đồng” – ông Hoàng kể và cho biết sau đó phát hiện khu đất được chia ra hơn 60 lô và rao bán dưới mác “dự án” là đất công viên do nhà nước quản lý. Tìm đến địa chỉ công ty thì ông Hoàng tá hỏa khi đây là căn nhà bỏ trống, mặt bằng thuê đã trả lại trước đó 4 tháng.
Video đang HOT
Đã chỉ rõ mặt, đặt rõ tên
UBND quận 12 thừa nhận thời gian qua, trên địa bàn quận nở rộ tình trạng công ty bất động sản, môi giới bất động sản đăng tải những thông tin không đúng sự thật và tự ý làm giả giấy tờ như sổ đỏ, bản đồ quy hoạch để lừa đảo người dân mua các dự án “ma”. Trong đó tập trung nhiều nhất trên địa bàn phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc. Trong khi tại quận Bình Tân cơ quan chức năng đã sàng lọc, tìm hiểu thông tin rao bán trên Facebook, Zalo và nhận diện được 9 khu đất đang bị phân nền trên giấy có dấu hiệu phân lô trái phép tại 6 phường.
Chỉ tính 2 địa phương trên đã có hàng chục dự án “ma” được rao bán. Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Tiến Thêm (trụ sở quận 12) phân lô trái phép dự án thuộc thửa đất số 101, 113, 114, 115 tờ bản đồ số 2 (tài liệu 2004-2005) giáp rạch Rỗng Tùng, phường Thạnh Xuân, quận 12. Công ty TNHH Phát triển nhà ở Nabla Land (trụ sở quận Bình Tân) lừa bán thửa đất số 408, tờ bản đồ số 62, quận 12. Ngoài ra công ty này còn tự ý xây tường rào tại thửa đất gần hẻm 480 đường Mã Lò (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) trên đất trường học để bán cho khách hàng.
Công ty Hoàng Kim Land, có trụ sở quận 7 nhưng lừa bán khu đất gần hẻm 175/2 Hồ Văn Long, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Công ty Đất Vàng Hoàng Gia (trụ sở quận 1) đang lừa bán khu đất thuộc quy hoạch đất giáo dục nằm tại mặt tiền đường Liên khu 5-6, đối diện cửa hàng Bách Hóa Xanh, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Công ty TNHH MTV Kinh doanh nhà Năm Tài (quận Bình Tân) đang lừa bán đất ở đường Kinh 2, khu phố 4, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Riêng Công ty Angel Lina (trụ sở quận 1) rao bán nền trong khu đất thuộc quy hoạch trường học và đường dự phóng, có một phần đất ở nằm tại phường An Lạc, quận Bình Tân. Ngoài ra, công ty này còn rao bán hàng loạt dự án “ma” khác ở quận Bình Tân…
Công ty CP Thiết kế Xây dựng Địa ốc Đại Phúc Real (trụ sở quận 9) đang phân lô trái phép dự án tại khu đất mặt tiền đường Lò Lu, tổ 1, khu phố Ích Thạnh, phường Trường Thạnh, quận 9 với tên “Khu dân cư cao cấp Long Phụng 1″.
Kiến nghị xử lý hình sự!
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng hiện nay các quy định pháp luật còn kẽ hở, sự lơ là từ cơ quan chức năng địa phương khiến các công ty hoạt động hình thức mua bán dự án “ma” hoành hành. Luật sư Nguyễn Anh Minh, Đoàn Luật sư TP HCM, phân tích rằng chính việc phát hiện công ty môi giới bán dự án “ma” nhưng cách xử lý của cơ quan chức năng là tuyên truyền, nhắc nhở nên các đối tượng tiếp tục lộng hành.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo UBND quận 12 cũng nhìn nhận việc bán dự án “ma” là hình thức lừa đảo nhưng lâu nay, khách hàng và các đối tượng môi giới xem đây là hình thức tranh chấp dân sự, mua bán giao dịch đều dựa trên hợp đồng. “Vì vậy, hiện UBND quận 12 đang khảo sát lại tất cả, nếu thấy dự án nào lấy đất công, đất nhà nước, đất không thuộc diện quy hoạch khu dân cư mà phân lô, bán nền thì quận sẽ có văn bản chuyển công an đề nghị xử lý hình sự” – lãnh đạo UBND quận 12 nhấn mạnh.
Tương tự, ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết các công ty liều lĩnh đến mức tự lập dự án trên đất trường học, đường dự phóng, công viên cây xanh… để phân lô bán nền. “Trước thực trạng này, chúng tôi đã có chỉ đạo phát thông báo, cắm cọc để người dân cảnh giác. Đồng thời, cử cán bộ kiểm tra thường xuyên nếu phát hiện đối tượng đập bỏ bảng hiệu, xịt sơn thì sẽ có biện pháp xử lý. Ngoài ra, UBND quận đã có văn bản đề nghị công an vào cuộc điều tra xử lý hình sự” – ông Thinh nêu.
Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP HCM cho hay đến thời điểm hiện tại, hơn 40 khách hàng tố cáo Công ty Angel Lina lừa đảo với số tiền lên đến hơn 50 tỉ đồng. Ngoài ra, cơ quan công an đang tiếp nhận đơn tố cáo của khách hàng đối với gần 20 công ty với nhiều dự án khác nhau trên địa bàn TP, trong đó tập trung tại quận Bình Tân, Thủ Đức, 12 và quận 9.
Vất vả giải quyết hậu quả
Tại tỉnh Đồng Nai – nơi có đến 29 dự án “ma” của Công ty CP Địa ốc Alibaba, ngày 26-9, cơ quan chức năng cho hay ngoài việc tiếp nhận đơn tố cáo của khách hàng, họ còn vất vả giải quyết hậu quả mà công ty này để lại.
Ông Dương Bình, cán bộ địa chính xã Long Phước, khẳng định các khu đất Alibaba rao là dự án tại xã đến nay vẫn là đất trống, có 3 đoạn đường nhựa được xây dựng trước đó có sự đồng ý của UBND huyện Long Thành, căn cứ vào Quy định số 25 của UBND tỉnh Đồng Nai về hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, khẳng định các dự án ảo do Công ty Alibaba tự vẽ nên, chưa được sự cho phép của chính quyền nên không có căn cứ pháp lý, không ai được xây dựng trên đất. Về việc để Công ty Alibaba tự ý san ủi đất, phân lô bán nền suốt thời gian dài, trước đó UBND huyện Long Thành cho biết một số cán bộ đã bị huyện xử lý kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo, chuyển công tác. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, ông Đặng Minh Đức, cho rằng do người dân bất chấp cảnh báo của chính quyền khi mua đất dự án trái phép nên mắc bẫy.
Một diễn biến khác, sáng cùng ngày, Công an TP HCM cho hay đã thi hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Nguyễn Thái Lực (em ruột của Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba). Nguyễn Thái Lực bị tạm giữ để lấy lời khai liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Alibaba. Ông Nguyễn Thái Lực là giám đốc Công ty Địa ốc Xanh (trụ sở tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và Công ty Địa ốc Long Thành ALI (trụ sở tại tỉnh Đồng Nai).
X.Hoàng – P.Dũng
Theo Lê Phong (Người lao động)
Danh sách 43 dự án 'ma' do Alibaba vẽ ra để lừa 2.500 tỷ đồng
Công an TP.HCM xác định, đến thời điểm hiện tại có 43 dự án do Alibaba tự "vẽ" ra, rao bán cho 6.700 khách hàng, chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Công an TP.HCM cho biết, 43 dự án ma kể trên nằm tại các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM.
Kẻ chủ mưu trong vụ lừa đảo này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Alibaba Nguyễn Thái Luyện, đã nhận quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng vào ngày 24/9.
Luyện đã lập Công ty Alibaba và các công ty thành viên với hơn 2.600 nhân viên để gom mua hơn 600ha đất nông nghiệp, quảng cáo là đất nền dự án để lừa bán.
Dự án Alibaba Tóc Tiên Residence mà Alibaba tự vẽ để rao bán.
Công an xác định, công ty Alibaba núp bóng dưới hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách huy động vốn theo phương thức đa cấp (sử dụng đất nền trong dự án "ma" làm mồi nhử).
Theo cơ quan điều tra, tất cả các dự án tự "vẽ" của Alibaba đều không thể tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở.
Tính đến hết ngày 24/9/2019, Công an TP.HCM đã tiếp nhận đơn của hơn 900 cá nhân tố giác Alibaba lừa đảo, chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng.
43 dự án ma của Alibaba gồm:
Alibaba Bình Châu, Alibaba Tân Thành Center City, Alibaba Tân Thành Center City (1, 5, 6, 7), Alibaba Tân Thành Riverside, Alibaba Tân Thành Homy City, Alibaba Tóc Tiên Residence (2, 3), Alibaba Phú Mỹ Central City (1, 3).
Alibaba Long Phước (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 11, 12, 14, 15, 16), Alibaba Diamond City 2 (Long Phước 14 15), Alibaba Long Phước Industry, Alibaba Phước Bình Central Park (2, 3), Alibaba Long Thành, Alibaba Long Thành Capital.
Alibaba Phước Thái Capital, Alibaba An Phước, Khu dân cư Quốc tế Lilama, Ali Aqua Nhơn Trạch, Aliamega Xuân Lộc, Alibaba Bàu Cạn Riverside, Alibaba Song Lon Residence, Alibaba Thắng Hải Newtimes City, Ali Venice City.
NHÃ UYÊN
Theo VTC
Những ai ở 'tập đoàn lừa đảo' Alibaba đã bị công an bắt giam? Liên quan đến Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) lập "dự án ma", phân lô, bán nền, lừa đảo khách hàng, đến nay đã có tổng cộng ít nhất 8 người đã bị bắt tạm giam, tạm giữ, bị triệu tập. Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Alibaba đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành...