Vạch mặt chiêu trò ăn gian xăng và cách phòng tránh cho người dân
Thời gian vừa qua, dư luận đã nhiều lần dậy sóng khi hàng loạt cây xăng bị “vạch trần” những thủ đoạn gian lận, ăn cắp tiền và xăng của khách hàng.
Giá xăng thì ngày càng tăng cao. Trong khi đó các chiêu trò gian lận trong kinh doanh xăng dầu nhằm “móc túi” của người dân ngày càng phong phú và lộ liễu, khiến đại bộ phận người dân vô cùng bức xúc và mất niềm tin vào các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Cùng điểm lại những vụ khách hàng nghi ngờ bị cây xăng “móc túi” vì đổ quá dung tích bình xăng tại Việt Nam trong thời gian qua.
Nhân viên cây xăng bị khách bạt tai vì nghi gian lận
Mới đây, một đoạn clip ghi lại cảnh va chạm với nhân viên cây xăng và khách hàng đang được chia sẻ nhanh chóng và thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng mạng.
Clip có độ dài khoảng gần 1 phút ghi lại cảnh người đàn ông chửi bới và tát nhân viên cây xăng vì bị nghi gian lận. Theo dõi trong clip, có thể thấy sau khi đổ xăng cho người đàn ông, nam nhân viên cây xăng đã thông báo giá là hơn một triệu cho 56 lít, với giá xăng là 18.000 đồng/lít. Tuy nhiên, khi nhân viên này vừa dứt lời thì bị người đàn ông mắng chửi té tát bởi theo người này, dung tích bình xăng của anh ta chỉ có 50 lít, do đó, nhân viên cây xăng bị nghi ngờ là đã gian lận để móc túi khách hàng.
Chưa dừng lại, khi nhân viên này giải thích là không hề biết, chỉ làm nhiệm vụ đổ xăng, người đàn ông đã không thể nén nổi tức giận và tát thẳng vào mặt người này. Dù rất bực nhưng người đi ô tô vẫn thanh toán đúng số tiền kèm theo lời cảnh báo: “Bỏ cái thói đó đi nhé, lần sau xe 50 lít cứ đổ đủ thôi đừng có đổ hơn”.
Được biết, vụ tranh cãi này xảy ra tại một cây xăng trên đường Trần Cung ( Cầu Giấy, Hà Nội) vào sáng 26/10.
Ngay sau khi được chia sẻ, clip đã nhận được những phản ứng trái chiều từ cộng đồng mạng. Trong khi nhiều người bênh vực cho nam nhân viên đổ xăng vì cho rằng người này chỉ đơn thuần làm công ăn lương, nếu thực sự có vấn đề hãy tìm chủ cây xăng để giải quyết thì đa phần ý kiến lại cho rằng, trong trường hợp này, cách hành xử của người đàn ông là hợp lý vì cây xăng đã làm ăn gian dối.
Tài xế tát nhân viên bơm xăng tại cửa hàng 117 Trần Cung ngày 25/10. Ảnh cắt từ clip.
Truy sát nhân viên cây xăng vì nghi ngờ bị gian lận… 10 nghìn đồng
Vào đổ xăng, gã trai cho rằng bình xăng của mình chỉ cần đổ 60 nghìn đồng là đầy trong khi đó người nhân viên tính tiền tới… 70 nghìn đồng. Đôi bên xảy ra xích mích.
Sự việc xảy ra vào khoảng 21h15, ngày 21-5, tại trạm xăng dầu Doanh nghiệp tư nhân Suối Linh, khu phố 4, phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Nạn nhân là anh Đỗ Danh Hiệu (27 tuổi, nhân viên cây xăng dầu Suối Linh).
Thông tin được biết, một thanh niên chạy xe máy vào đổ xăng. Do nghi ngờ bị gian lận nên nam thanh niên cãi nhau với nhân viên cây xăng. Tiếp đó, một nhóm 10 thanh niên hung hăng đi trên 6 xe máy, mang theo dao, gậy sắt lao vào truy sát anh Hiệu.
Hậu quả, anh Hiệu bị thương. Ngay sau đó đã được người dân đưa tới bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cấp cứu.
“Biến” bình xăng 61 lít thành 65,48 lít
Anh Hồ Phúc Ngọc (ở Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh về việc nhân viên bơm xăng tại cửa hàng xăng dầu số 1, Trần Quang Khải (Petrolimex), thuộc xí nghiệp bán lẻ xăng dầu, Công ty xăng dầu khu vực I, có hành vi gian lận với khách hàng.
Theo anh Ngọc cho biết, anh đến đổ xăng tại cây xăng dầu số 01 Trần Quang Khải. Tại đây, anh yêu cầu nhân viên bơm xăng bơm đầy bình. Trong khi bình xăng của xe anh chỉ chứa được tối đa 61 lít, thì thông số hiện thị trên đồng hồ cây xăng lại báo đến 65,48 lít.
Thấy sự việc bất thường, anh đã yêu cầu nhân viên bơm xăng kiểm tra nhưng nhân viên này vẫn khẳng định họ không sai vì tất cả đều do đồng hồ tự động tính.
Anh Ngọc cho biết, anh đang đi xe ô tô hãng Ford Escape. Theo nhà sản xuất thì xe này chỉ chứa tối đa được 61 lít xăng.
“Sử dụng xe này đã 5 năm nên tôi nắm rõ “tửu lượng” của của nó như thế nào. Thực tế thì chưa bao giờ tôi đổ được quá 61 lít, kể cả lúc xe bị chết máy”, anh Ngọc bức xúc.
Hóa đơn bán hàng của Cửa hàng xăng số 01 Trần Quang Khải giao cho anh Ngọc.
Bình xăng xe thông sô gân 80l, cây xăng đô tơi hơn 90l
Sự việc này xảy ra vào khoảng 8 giờ ngày 20/8/2015 tại cây xăng số 39 ở số 326 Bến Vân Đồn, quận 4, Tp. Hồ Chí Minh. Hôm đó, tài xế Đỗ Duy Tân đến cây xăng kể trên để đổ xăng cho chiếc xe SUV mang nhãn hiệu Acura MDX đời 2010.
Anh Tân đã vô cùng bất ngờ khi nhân viên cây xăng đổ 90,4 lít xăng cho chiếc Acura MDX 2010 với tổng số tiền lên đến 1.571.000 Đồng. Trong khi đó, theo thông số của nhà sản xuất, chiếc Acura MDX này có dung tích bình xăng chỉ 79,5 lít.
Nhân viên kỹ thuật Honda rút xăng từ chiếc Acura MDX. Ảnh cắt từ clip
Video đang HOT
Anh Tân đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Sau đó, chi cục Quản lý thị trường và chi cục Đo lường chất lượng Tp. Hồ Chí Minh đã đến cây xăng số 39 để giải quyết. Trong quá trình giải quyết, cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra trụ bơm xăng cho chiếc Acura MDX 2010 và không phát hiện thấy sai phạm.
Không dừng ở đó, anh Tân còn mời đoàn kiểm tra của Honda đến hiện trường sự việc. Các nhân viên của Honda đã rút xăng của chiếc Acura MDX ra và đơn vị đo lường kiểm đếm lượng xăng này. Kết quả khi bình xăng vẫn còn khoảng 2 cm xăng dưới đáy, đoàn kiểm tra đã đo được hơn 90 lít xăng rút ra. Điều đó cho thấy chiếc Acura MDX có khả năng chứa hơn 90 lít xăng.
Cơ quan chức năng kiểm tra trụ bơm xăng. Ảnh cắt từ clip
Chủ ôtô tranh cãi vì bình chỉ 60 lít nhưng cây xăng bơm được 63 lít
Theo lời kể của anh Nguyễn Công thì vào ngày 3/8/2014, anh có đổ xăng tại cây xăng Hùng Vương – thị xã Phúc Yên và đã gặp nghi vấn về việc nhân viên đổ xăng đã “ăn gian” khi bán cho anh hơn 63 lít xăng. Trong khi xe của anh Công là dòng xe Deawoo Lacetti đời 2008 (đã dán thành tem Chervolet) chỉ có dung tích bình xăng là 60 lít.
Anh Nguyễn Công cho biết, anh đi xe này đã 2 năm và luôn đổ đầy bình mỗi khi mua xăng. Thế nhưng chưa bao giờ anh đổ quá được quá 60 lít xăng vào xe của mình. Đó là chưa kể trong xe anh vào thời điểm đổ xăng vẫn còn khoảng 2-3 lít xăng.
Thế nhưng, tại cây xăng Hùng Vương này thì nhân viên đã đổ được 63,217 lít vào xe anh (theo thông số hiển thị trên đồng hồ cây xăng) và thu của anh 1.600.000 đồng tương ứng với lượng xăng đã đổ vào. Điều này khiến anh Nguyễn Công khá bức xúc và nghi ngờ rằng nhân viên bán xăng cho mình đã có hành vi gian lận. Anh cũng đã yêu cầu được gặp quản lý của cây xăng để trình bày trường hợp của mình, tuy nhiên nhân viên của cây xăng lại yêu cầu anh xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh bình xăng xe anh chỉ có dung tích 60 lít mới cho gặp cấp trên.
Thực tế trên cột bơm xăng ghi 63,217 lít xăng.
Những chiêu trò “lừa đảo” tại cây xăng
Rất nhiều khách hàng bị ‘móc túi’ mà không hề hay biết hoặc có biết cũng không làm gì được những người đổ xăng gian lận.
Kể từ khi những vụ việc đầu tiên về các cây xăng “móc túi” người tiêu dùng bị người dân và các cơ quan chức năng phát giác, hiện tượng tiêu cực, gây bất bình trong dư luận này dường như vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm mà trái lại, diễn biến ngày càng tinh vi. Thủ đoạn được không ít cây xăng áp dụng để “móc túi” người tiêu dung là sử dụng chíp điện tử. Chíp điện tử được cài đặt hoặc giấu trong máy bơm xăng và đấu nối với một hệ thống dây chon ngầm dưới mặt đất dẫn vào phòng điều hành bên trong.
Trò gian lận này được nhân viên điều khiển bằng máy tính trung tâm phía trong nên khách hàng không thể phát hiện . Để “qua mặt” đoàn kiểm tra, nhân viên cây xăng sẽ rút sợi dây nối từ cột bơm xăng vào phòng điều hành để máy bơm xăng trở về chế độ hoạt động chuẩn. Khi vắng bóng đoàn thanh tra, chip điện tử sẽ được đấu nối trở lại nhằm trục lợi bất chính. Với “chiêu thức” này, nhiều cây xăng đã đong thiếu cho khách hang từ 3% đến gần 10%, trong khi sai số cho phép chỉ là 0,5%. Tính ra cứ 100 lít xăng, những cây xăng gian lận có thể ăn bớt của khách hàng gần 10 lít xăng.
Một trong những trò lừa phổ biến nhất tại cây xăng chính là việc nhân viên lợi dụng khách hàng sơ ý để bấm số ảo nhằm qua mắt người tiêu dùng. Chiêu trò này vừa bị phát hiện ở loạt cây xăng tại huyện Từ Liêm và huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Với sự móc nối của hai nhân viên đổ xăng, khi một người đứng bán xăng cho khách, người còn lại sẽ đứng gần khu vực đồng hồ điện tử để quan sát, canh lúc khách không để ý sẽ bấm cho đồng hồ chạy thật nhanh lên số xăng khách hàng muốn đổ.
Cùng với hình thức bấm số “ảo”, không ít cây xăng chọn cách bấm cò để gian lận số lượng xăng bán cho khách. Chiêu thức này thường được các nhân viên áp dụng cho các khách muốn đổ xăng theo số tiền chẵn 30k, 40k, 50k… Chẳng hạn, khi có người yêu cầu đổ 50k, lúc xăng được đổ đến 30k, nhân viên bán xăng sẽ bấm hai cái để đồng hồ nhảy lên số 50k.
Thực tế, cách thức trên được nhiều cây xăng áp dụng, dù hình thức khá thủ công nhưng khách hàng vẫn bị móc túi trong thời gian dài mà không hề hay biết, hoặc nếu nghi ngờ, thắc mắc thì chỉ nhận được sự phớt lờ, chống chế của nhân viên.
Chip điện tử gắn trên cột bơm xăng để gian lận
Hình thức bơm giật, bơm nối cũng là chiêu lừa tiền khách phổ biến của nhiều trạm xăng, nhưng lại ít bị khách hàng phản ánh vì khó phác giác. Bơm giật là khi bán xăng, nhân viên vừa bấm vừa nhả cò. Còn bơm nối là khi nhân viên vừa bơm xăng xong cho người này lại cứ thế bơm tiếp cho người khác mà không trả công tắc về số 0.
Theo nhiều nhà chuyên môn, với cách bơm giật và bơm nối, lượng xăng thực tế đổ vào xe sẽ ít hơn so với lượng xăng đo trên đồng hồ điện tử. Khách hàng do đó sẽ nhận được số xăng ít hơn giá tiền mình bỏ ra. Đa số khách hàng không để ý đến chiêu trò này, hoặc dù phát giác nhưng đành tặc lưỡi bỏ qua vì ngại va chạm phiền phức.
Ngoài ra, không ít người khi đổ xăng bị nhân viên “gài” ở vị trí khuất bảng. Tâm lý người mua xăng chỉ quan sát nhân viên đổ mà không chú ý bảng điện tử, khiến nhân viên dễ dùng “chiêu” đổ xăng thấp hơn số tiền khách yêu cầu.
Chiêu lừa gần đây nhất được hàng loạt dân mạng phản ánh về cách nhân viên dùng thủ thuật đánh lừa thị giác để “rút ruột” tiền thối của khách hàng. Các nhân viên này thường đếm tiền ngay trước mặt khách, rồi lợi dụng lúc khách sơ ý liền rút nhanh một tờ mà khách không hề hay biết.
Hoặc thậm chí, nhiều “ảo thuật gia” gập đôi một tờ tiền để khách nhìn thành hai tờ, rồi giả vờ đếm trước mặt khách và đưa tiền thối. Không ít người đinh ninh mình đã quan sát kỹ nên cứ thế nhét tiền vào ví mà không kiểm tra lại.
Điều đáng nói, khi chiêu trò này bị phát giác, nhân viên cũng nhanh chóng lấp liếm, giả vờ như mình đếm nhầm, trả lại tiền thừa đúng cho khách mà không nói một lời xin lỗi.
Thao tác đếm và rút tiền mau lẹ của các nhân viên thường được thực hiện khéo léo đến mức, nếu không tự tay đếm lại tiền, khách chắc chắn sẽ bị mất tiền oan. Chiêu lừa này được đặc biệt áp dụng khi khách đổ xăng trả bằng các tờ tiền mệnh giá cao như 200k, 500k.
Tình trạng các cây xăng “móc túi” người tiêu dùng với nhiều thủ đoạn, chiêu thức khác nhau đã diến ra trong một thới gian dài nhưng vẫn chưa được chấm dứt một cách triệt để.
Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu.
Cách đối phó với chiêu trò gian lận khi đổ xăng xe
Thực tế thời gian quan cho thấy, tình trạng đong điêu, bán thiếu, bán xăng kém chất lượng xảy ra trên địa bàn cả nước đã làm dấy lên những quan ngại từ phía người dân về khả năng quản lý của các cơ quan chức năng có liên quan.
Để không phải mất tiền oan, các bạn hãy lưu ý những điều dưới đây khi đổ xăng xe.
1. Mua xăng theo dung tích
Thông thường chúng ta hay mua xăng theo tiền, và số tiền chẵn như 20.000, 30.000, 50.000 đồng… Tuy vậy, cách mua này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi gian lận, do hiện tượng “nhảy số tiền” mà đôi khi khách hàng không để ý.
Để tránh tình trạng này, bạn nên mua xăng theo dung tích, ví dụ: 1 lít, 2 lít… Các chương trình ăn cắp thường lập trình theo số tiền, vì vậy, nếu chuyển qua cách mua theo thể tích, bạn sẽ có “cơ may” thoát được móc túi. . Nếu đổ xăng theo giá tiền thì cần tránh đổ theo số tiền chẵn. Những con số khó bị ăn gian nhất là 31.000, 32.000, 45.000, 65.000 đồng….
Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn hãy mua xăng bằng can có thang đo, sau đó mới đổ vào xe. Với cách trên, hầu hết cây xăng không thể lừa gạt khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp này ít phổ biến do sự bất tiện của nó.
Khi bình xăng đã gần cạn, kim chỉ vạch đã về mức màu đỏ, bạn chỉ cần đề nghị bơm số lít chẵn, thấp hơn dung tích bình xăng là có thể yên tâm xăng không bị tràn ra xe.
2. Nên mua xăng ở các cây xăng có nhiều lái xe taxi hay xe tải ghé vào
Những lái xe taxi hay xe tải là những người thường xuyên đi lại, do đó họ có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề xăng dầu hơn chúng ta. Họ là những người đi đầu trong việc tìm kiếm các cây xăng tốt, bởi vì nếu bị gian lận thì số tiền thiệt hại có thể lên đến hàng trăm nghìn mỗi lần mua. Hãy chú ý quan sát hoặc tham khảo ý kiến các bác tài nếu quen biết.
3. Không mua xăng khi có hai người cùng thao tác
Khi bạn nhận thấy một cột bơm xăng có tới 2 người cùng thao tác: 1 người bơm và một người bấm số, thì có tới 95% khả năng cây xăng có gian lận. Nhân viên có thể viện lý do rằng vì quá đông khách nên cần 2 người làm cho nhanh, nhưng thực tế có thể, họ đang móc túi khách hàng trắng trợn.
4. Yêu cầu nhân viên chuyển đồng hồ về “0″ trước khi bơm
Với lý do khách hàng nhiều, hoặc do đứng xa trụ bơm nên nhiều nhân viên thường để nguyên đồng hồ ở những lần bơm trước, và tiếp tục bán xăng cho bạn. Việc này dù vô tình hay cố ý thì người chịu thiệt sẽ là bạn, bởi luôn có sai số trong phép tính trừ giá tiền giữa 2 lần bơm.
Chú ý quan sát đường ống xăng của vòi bơm mà nhân viên trạm xăng chuẩn bị bơm cho mình xuất phát từ trụ bơm nào.
Trong quá trình đổ xăng, chăm chú nhìn vào đồng hồ trụ xăng cho đến khi bơm đủ lượng xăng yêu cầu. Kiểm tra xem số tiền và số lít xăng có trùng khớp hay không.
5. Nên so sánh giữa các lần mua xăng
Đã có xe máy thì tất yếu phải đổ xăng. Nhiều thì tuần vài lần, ít thì có thể vài tuần một lần. Tùy vào nơi sinh sống và công tác, học tập mà bạn có những tuyến đường thường xuyên qua lại. Do đó, một số cây xăng sẽ là “bến đỗ” thân quen với mỗi người.
Tuy nhiên, trong số các bến đỗ, hãy chọn ra một nơi tin tưởng. Cách kiểm tra: mỗi lần đổ xăng chỉ một lượng nhất định và sau đó ghi nhớ vị trí kim xăng. Nếu sau nhiều lần đổ xăng tại đó và một số nơi khác với cùng lượng như vậy mà thấy kim xăng không chênh lệch thì bạn có thể tin tưởng được.
6. Không nên đổ quá nhiều xăng khi mua ở các cây xăng “lạ”
Cây xăng “lạ” ở đây là những địa điểm lần đầu tiên bạn đổ xăng, cũng có thể là cây xăng mà bạn cảm thấy không tin tưởng. Hãy ước lượng xem bạn cần bao nhiêu xăng để hoàn thành chuyến đi và có thể đến được cây xăng “quen”.
7. Hạn chế đưa tiền mệnh giá cao
Khi đi đổ xăng, hạn chế đưa các đồng tiền có mệnh giá cao bởi rất có thể có nhiều lý do khiến cả người bán lẫn người mua bị nhầm lẫn trong việc hoàn trả tiền.
Điều này cực kỳ cần thiết, nên áp dụng cho tất cả trường hợp, kể cả việc tránh ‘ăn chặn’ từ nhân viên và đề phòng tiền giả, tiền rách.
Anh minh hoa
8. Mua xăng buổi sáng sớm và khi trời lạnh sẽ “hời” hơn
Do đặc tính giãn nở của xăng bởi nhiệt độ lớn hơn so với nước, nên khi mua xăng vào buổi sáng nhiệt độ thấp bạn sẽ được nhiều hơn so với việc mua vào buổi trưa hoặc chiều. Sau một đêm, xăng đã “co” lại, đồng thời hơi xăng trong bồn chứa cũng ngưng tụ gần hết.
Những người đến cây xăng đầu tiên sẽ mua được mẻ xăng “chất” nhất, được nhiều xăng hơn với cùng số tiền bỏ ra. Nếu mua vào lúc trời nóng, hơi xăng sẽ chiếm tỷ lệ cao. Đó là phần thiệt thòi chủ yếu của khách hàng.
9. Không nên đổ xăng lúc xe bồn đang bơm xăng
Lúc xe bồn bơm xăng (thường là khoảng 23 – 24 giờ vào bồn chứa làm gia tăng áp suất bên trong, khiến xăng giãn nở ra. Khi đó, ta lại phải mua một tỷ lệ lớn hơi xăng. Tuy nhiên, sự chênh lệch chẳng đáng bao nhiêu, nhưng cảnh báo này chủ yếu là để đảm bảo tính mạng của khách hàng, bởi lúc xe bồn bơm xăng thì nguy cơ hỏa hoạn là cao nhất. Tốt nhất chúng ta nên tránh mua xăng ở thời điểm này.
10. Quan sát kỹ khi mua xăng
Thứ nhất, bạn có thể phát hiện được những biểu hiện bất minh của nhân viên trạm xăng. Thứ hai, bạn biết được đồng hồ xăng đã hiển thị đủ hay chưa, có bị nhảy số hay không.
Một số cây xăng có “mánh” kéo dài dây bơm xăng ra xa để khách hàng khó quan sát đồng hồ, bạn cũng nên lưu ý.
Lâu nay, người dân luôn có cảm nhận bị bán xăng thiếu, nhưng do tâm lý e ngại khiếu nại mất thời gian với lại số tiền “ăn chặn” không đáng là bao chỉ vài ngàn đồng nên dễ dàng bỏ qua. Biện pháp duy nhất người dân tự “bảo vệ” chính mình là tự “cạch mặt” các cây xăng gian dối đó. Ngoài ra có thể khuyến cáo người thân và bạn bè giúp họ không bị móc túi.
Việc công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách những cây xăng vi phạm cũng là biện pháp khả thi nhằm thực hiện tốt hơn vấn đề nêu trên
Theo nghị định 84 CP ngày 15/10/2009 của chính phủ về kinh doanh xăng dầu và thông tư hướng dẫn quy định về quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu thì: người kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo lượng xăng dầu trong mua bán, thanh toán với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật về đo lường. Có thể nhận thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trên là do các chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe. Theo luật hình sự, nếu phạm tội lừa đảo hoặc trộm cắp tài sản có trị giá từ 500000 đồng trở lên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, có nhiều vụ các đại lý xăng dầu bị phát giác có những hành vi tiêu cực thì mới chỉ bị phạt hành chính, thường chỉ từ 13 – 20 triệu đồng. Món lợi béo bở thu được từ hành vi gian lận trong buôn bán xăng dầu trong khi hình thức xử phạt còn nhẹ, chưa có tính răn đe vô hình trung đã “kích thích” nhiều cây xăng “đua” nhau vi phạm. Cách phòng trộm cắp khi mua xăng cần biết Khi mua xăng, bạn thường có thói quen nhìn cột bơm xăng mà không giám sát tài sản nên kẻ gian lợi dụng để trộm cắp. Theo chia sẻ của một số người tiêu dùng thường mua xăng, để đảm bảo an toàn cho tài sản, không để kẻ trộm có cơ hội cướp giật thì người mua xăng phải có ý thức bảo vệ tài sản của cá nhân. Khi vào mua xăng, bạn cần chuẩn bị sẵn tiền, không nên vào cây xăng mới vội vàng lấy tiền trong túi, ví sẽ làm bạn quên kéo khóa túi xách hoặc cất ví cẩn thận. Nếu vào cây xăng mới lấy tiền thì không nên quá vội vàng đến lượt hoặc chen người khác mà quên kéo khóa túi xách. Sau khi lấy tiền lưu ý kiểm tra lại túi cẩn thận, cất ví ở túi quần cũng cần xem ví còn lộ ra ngoài hay không. Bạn không nên vừa cầm tiền vừa cầm ví sau khi lấy tiền. Kẻ gian có thể lợi dụng lúc sơ hở để giật một cách nhanh chóng. Mặt khác, luôn đề phòng cảnh giác, không để tiền, đồ có giá trị trong túi áo, quần, vì kẻ gian có thể lợi dụng lúc xếp hàng để tranh thủ trộm cắp. Với những xe có cốp rộng phía sau, nếu bạn để túi xách hoặc đồ có giá trị có thể để một chiếc áo khoác, hoặc áo mưa phủ lên trên để tránh kẻ gian để ý túi xách. Khi bơm xăng, bạn chỉ cần nhìn lúc nhân viên cho số về 0 trên cột bơm, sau đó chú ý ngoảnh lại giám sát tài sản trong cốp sau, rồi mới nhìn lại cột bơm xem nhân viên có bơm đủ số tiền mua không. Với những xe có nắp bình xăng không gần cốp, bạn nhớ khóa cốp lại cẩn thận khi đã lấy tiền xong. Không khóa cốp sẽ tạo điều kiện cho kẻ gian nhẹ nhàng mở cốp khi bạn không để ý để trộm tài sản. Nếu bạn đi cùng một người khác, người đó có thể không vào chỗ bơm xăng nhưng có thể đứng quan sát từ xa. Cho nên, bạn có thể nhờ người đó, giám sát khi bạn đang mua xăng để kịp thời phát hiện kẻ gian.
Theo Tông hơp
Vụ tát nhân viên cây xăng: Dung tích thực của xe Cerato?
Đại diện nhà phân phối xe ô tô Trường Hải cho biết, thùng nhiên liệu của xe ô tô Kia Cerato 4 chỗ có dung tích là 50 lít. Trong trường hợp người dùng cố đổ thêm thì cũng chỉ lên được 53 lít (xăng đầy tới nắp đổ nhiên liệu).
Mới đây, anh Hoàng Văn Vượng lái xe ô tô Kia Cerato 4 chỗ vào cây xăng trên đường Trần Cung (Hà Nội) đổ xăng. Sau khi đổ xong, nhân viên thông báo hết 56,6 lít xăng, tổng số tiền 1.020.000 đồng. Anh Vượng cho biết bình xăng xe của anh chỉ chứa được 50 lít xăng, không thể đổ được 56,6 lít. Nghi ngờ có sự gian lận anh Vượng đã tát nhân viên đổ xăng.
Chiếc xe ô tô 4 chỗ, nhãn hiệu Kia Cerato của anh Vượng
Sau đó, có nhiều ý kiến tranh cãi về dung tích thực của bình xăng xe Cerato.
Ngày 29.10, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại diện Công ty ô tô Trường Hải, đơn vị lắp ráp xe Kia Cerato tại Việt Nam để làm rõ nội dung trên.
Ông Trần Vũ Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty ô tô Trường Hải cho biết, thùng nhiên liệu xe Cerato/Forte có dung tích là 50 lít. Nhưng nếu chủ xe cố đổ thêm thì có thể đổ được 2 - 3 lít nữa cho tới khi nhiên liệu đầy tới nắp đổ nhiên liệu. Lượng nhiên liệu này được chứa cả trong phần ống dẫn nhiên liệu từ nắp đổ tới thùng (đoạn ống này dài khoảng 50 cm).
Thông số dung tích bình xăng Kia Cerato/Forte (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ông Sơn cho hay, trên thực tế trong quá trình sử dụng, khi đèn báo mức nhiên liệu sáng, kim xăng nằm ở vạch E thì trong thùng nhiên liệu vẫn còn một lượng xăng nhất định. Nguyên lý thiết kế như vậy để khi người sử dụng thấy đèn cảnh báo hết nhiên liệu có thể di chuyển tới chỗ đổ thêm nhiên liệu.
"Nhà sản xuất không quy định con số cụ thể nhưng theo kiểm nghiệm thực tế, khi kim xăng nằm ở vạch E thì lượng nhiên liệu còn lại khoảng 3 - 4 lít", ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, nếu bình xăng chiếc xe Kia Cerato 4 chỗ của anh Vượng là nguyên bản, không "độ", không tăng dung tích chứa thì bình xăng không thể chứa được 56,6 lít. Ngoài ra, thông thường, nhà sản xuất thường khuyến cáo người dùng không nên đổ đầy tới nắp vì lý do an toàn.
Liên quan đến nội dung anh Vượng phản ánh cây xăng trên đường Trần Cung gian lận khi bơm xăng cho khách, ông Sơn từ chối bình luận, trả lời.
Bình chứa xăng trên xe ô tô Kia Cerato của anh Vượng
Trước đó, vào tối 25.10, anh Hoàng Văn Vượng (26 tuổi, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lái xe ô tô Kia Cerato 4 chỗ vào đổ xăng tại cây xăng đường Trần Cung.
Sau khi đổ xăng xong, nhân viên bơm xăng tên T. thông báo hết 56,6 lít. Nghi ngờ có sự gian lận, anh Vượng đã phản ứng lại với nhân viên đổ xăng tên T. Trong lúc nóng giận, anh Vượng đã tát nhân viên đổ xăng.
Ngày 27.10, anh Vượng đã lái xe ô tô đến một gara trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy để kiểm tra. Tại đây, ông Nguyễn Quyết Thắng, Giám đốc trung tâm gara ô tô Nam Trường Thành cho biết, theo thông số kỹ thuật của nhà sản xuất đưa ra thì dòng xe KIA Cerato này dung tích 50 lít, nhưng nếu cố đổ thì có thể được 55 lít (đổ đầy đến mức xăng tràn ra ngoài).
Ông Thắng khẳng định, bình xăng của anh Vượng là nguyên bản, không "độ". Ông Thắng cho rằng, con số 56,6 lít xăng là "vô lý".
Đến ngày 28.10, trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Đức Hiệp, quản lý cây xăng trên đường Trần Cung cho hay, nhân viên bơm xăng đã làm đúng quy trình và khẳng định không có chuyện nhân viên đổ xăng bơm nối số để gian lận.
Ông Hiệp nói rằng, ngày 22.10, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội đã có buổi kiểm tra đột xuất tại cây xăng. Đơn vị này đã kết luận không có gian lận về số lượng hàng hóa. Do vậy, nếu có gian lận, phía công ty sẵn sàng chịu phạt.
Trả lời báo chí ngày 28.10, ông Nguyễn Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường cho hay, không thể kết luận việc có gian lận hay không nếu chỉ dựa vào hiện tượng. Muốn biết ai đúng, ai sai, cần có cơ quan kiểm định độc lập, với dung tích bình chuẩn để xác định dung tích chứa tối đa thật sự của bình xăng xe Kia Cerato 4 chỗ có khiếu nại.
Trong trường hợp nghi ngờ cây xăng gian lận, người dân nên phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước về đo lường chất lượng ở địa phương (chi cục) hoặc hội người bảo vệ tiêu dùng ở địa phương. Hai đơn vị này sẽ có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý theo quy định.
Theo_Eva
Bài 3: Bạn đọc Dân trí đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc vụ công ty đa cấp "ma" Trước sự việc Công ty Everrichs Global chưa hề được cấp phép kinh doanh đa cấp nhưng dùng chiêu trò dụ dỗ khách hàng tham gia vào các dự án kinh doanh hứa hẹn kiếm tiền tỷ dễ như bỡn, bạn đọc Dân trí bày tỏ sự phẫn nộ, đề nghị các cơ quan chức năng lập tức vào cuộc làm rõ hành...