Vaccine ngừa corona được nghiên cứu như thế nào?
Nhà khoa học nuôi cấy nCoV trong môi trường vô trùng để nghiên cứu, xác lập mô hình sinh học và độ an toàn trước khi thử nghiệm trên động vật.
Toàn bộ quá trình nghiên cứu điều chế vaccine thông thường mất 2 đến 5 năm. Tuy nhiên đối với chủng mới nCoV đang gây đại dịch tại Trung Quốc và lan rộng trên thế giới, các nhà khoa học phải chạy đua để nghiên cứu tìm vaccine nhằm ngăn chặn dịch. Quá trình điều chế vaccine ngừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kỳ vọng rút ngắn trong 18 tháng.
Ngày 9/1 lần đầu tiên WHO công bố nCoV là chủng virus mới chưa từng biết đến thuộc họ corona, gây bệnh viêm phổi cấp tại Vũ Hán. Giữa tháng Một, Trung Quốc công bố chuỗi gene RNA đầy đủ của nCoV.
Cuối tháng trước, nCoV lần đầu được Viện Doherty ở Melbourne, Australia, nuôi cấy thành công ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Đây là một bước quan trọng, cho phép các nhà khoa học ở nhiều quốc gia nghiên cứu trên mẫu virus sống, tìm hiểu đặc tính của nCoV, thúc đẩy phát triển vaccine.
Quá trình điều chế vaccine cho nCoV có thể tổn rất nhiều thời gian. Ảnh: AFP
Thực tế, không một cá nhân hay tổ chức nào đủ khả năng và thiết bị để điều chế vaccine một cách độc lập. Công tác nghiên cứu này đòi hỏi quy trình phức tạp và sự phối hợp của nhiều nhóm nhà khoa học.
Trước tiên, các nhà khoa học tìm hiểu đặc tính và cơ chế hoạt động của virus trong vật chủ là con người. Tiếp đến, họ phải chứng minh được vaccine đủ an toàn và có khả năng kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể mà không gây ra bất cứ phản ứng phụ nào. Sau đó, vaccine được thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật.
Vượt qua thử nghiệm tiền lâm sàng, vaccine sẽ được phân phối đến một số cơ sở y tế nhất định để thử nghiệm trên người. Các nhà khoa học theo dõi quá trình thử nghiệm trên người, ghi nhận diễn biến và hiệu quả vaccine. Nếu tất cả đều ổn, bước cuối cùng là chờ đợi sự phê duyệt theo quy định của cơ quan y tế, dược phẩm và đưa ra phương pháp sản xuất số lượng lớn hiệu quả.
Mỗi công đoạn đều đối mặt với những thách thức riêng.
Không một cá nhân hay tổ chức nào hiện nay đủ khả năng và thiết bị để điều chế vaccine Codic-19 một cách độc lập. Ảnh: Reuters
Để phát triển số lượng lớn virus đủ cho nghiên cứu, các nhà khoa học phải tiến hành nuôi cấy chúng trong điều kiện hoàn toàn vô trùng. Thách thức tiếp theo là xác nhận mô hình sinh học phù hợp với virus corona. Mô hình này cung cấp thông tin về cơ chế hoạt động của nCoV trên cơ thể người.
Quá trình nghiên cứu về đại dịch SARS là nền tảng vững chắc cho việc điều chế vaccine ngăn ngừa Covid-19. Hai chủng virus SARS và nCoV có mã di truyền giống nhau tới 80-90%.
Video đang HOT
Trước đó, các nhà khoa học đã phát triển mô hình sinh học chồn sương vào đợt đại dịch năm 2003, có thể được sử dụng làm tiền đề cho nghiên cứu về virus corona chủng mới.
Là loại virus cư trú trên động vật, nCoV có khả năng sẽ biến chủng khi bắt đầu thích nghi trên cơ thể người. Ban đầu khi dịch bệnh khởi phát ở Vũ Hán, giới chuyên gia không phát hiện bằng chứng Covid-19 lây từ người sang người. Song hiện nay, thế giới ghi nhận nhiều trường hợp dương tính với virus nhưng chưa từng đến Trung Quốc.
Quá trình biến chủng giữa các khu vực trên thế giới cũng có sự khác biệt. Mật độ dân cư ảnh hưởng đến số lượng người nhiễm bệnh và khả năng biến đổi của virus. Trong khi đó, đối với những quốc gia từng bùng phát dịch bệnh do virus họ corona nói chung, cơ thể người dân có xu hướng nhạy cảm hơn đối với nCoV. Điều này cũng dẫn đến biến thể, tương tự bệnh cúm mùa.
Các nhà khoa học cân nhắc đến toàn bộ yếu tố gây ra biến chủng và điều chế vaccine trong một điều kiện an toàn, đảm bảo nghiêm ngặt về chất lượng, đồng thời đáp ứng yêu cầu về pháp lý.
“Phát triển vaccine là một nhiệm vụ lớn, không phải ngày một ngày hai. Nhưng nếu mọi thứ đi theo kế hoạch, quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều so với trước đây”, Rob Grenfell , Giám đốc Y tế và An toàn sinh học, Giám đốc Phòng thí nghiệm Thú y Australia nhận định.
Thục Linh
Theo Science Alert/VNE
Khi nào vaccine phòng ngừa virus corona được điều chế thành công?
Trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona lây lan mạnh, các quốc gia trên thế giới đều mong muốn sớm có vaccine điều trị loại virus này.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có tổ chức nào dám khẳng định về thời điểm chính xác vaccine phòng ngừa virus corona được điều chế thành công.
Virus corona chủng mới đột biến quá nhanh
Theo Tiến sĩ Chia-Yi Hou, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Mỹ, các nhà khoa học đã xác định được vật liệu di truyền của virus corona chủng mới (Covid-19) là Axit ribonucleic (RNA). RNA tồn tại trong một chuỗi, không giống như DNA là chuỗi kép. Chỉ có một chuỗi duy nhất giúp RNA dễ dàng tách và phối lại vì chỉ cần một kết nối bị phá vỡ. Điều này đồng nghĩa virus có thể đột biến nhanh chóng, khiến cho bất kỳ loại thuốc hoặc vaccine nào ra đời sẽ sớm bị lỗi thời.
Tiến sĩ Chia-Yi Hou nói rằng, đối với các loại virus không còn lây lan như bệnh đậu mùa và bệnh bại liệt, vaccine sẽ hoạt động vĩnh viễn trừ khi virus thoát ra và bắt đầu đột biến, sản sinh ra chủng mới. Mặc dù virus đột biến khó xảy ra ngay cả đối với bệnh đậu mùa nhưng điều này thực sự đã bắt đầu xảy ra với vaccine bại liệt.
Hiện, đang có hai loại vaccine ngừa bại liệt. Một loại là dạng virus "chết" dùng cho tiêm chủng và một loại là virus "sống bị suy yếu" truyền qua đường miệng. Vaccine bại liệt dạng uống đã bị ngưng sử dụng ở Mỹ nhưng vì thiếu nguồn cung nên vẫn được dùng ở nhiều nước thu nhập thấp.
Các bác sĩ đã ghi nhận những trường hợp mắc bệnh bại liệt mới ở những người chưa được tiêm chủng, xuất phát từ virus đột biến trong vắc xin dạng uống", Tiến sĩ Hou nói.
Cùng nói về vấn đề này, Giám đốc điều hành Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) Richard Hatchett, người nhiều năm phụ trách Cơ quan Nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến Mỹ cho rằng, chiến dịch phát triển vaccine phòng ngừa virus corona mà CEPI đầu tư đang gặp một thách thức mà ông gọi là "vấn đề khó bậc nhất mà tôi từng đối mặt trong cuộc đời".
Ông lý giải: "Có quá nhiều thứ chúng ta không biết về virus này. Bản chất dịch tễ học, các mẫu hình lan truyền, số người thực sự bị lây nhiễm? Số người bị nhiễm có thể không phải được xác định về phương diện địa lý, mà phải được xác định bằng số lượng người thực, bằng cách xác định theo nhóm tuổi và nhóm có nguy cơ bị lây nhiễm. Để khi vaccine sẵn sàng, mỗi quốc gia có thể cung cấp ngay cho những người thuộc nhóm ở nguy cơ rủi ro cao nhất".
Cho ra vaccine cần mất một khoảng thời gian dài
Đối với hầu hết các loại virus, giới chuyên gia và hãng dược sẽ đánh giá mức độ nguy hiểm của chúng. Nếu loại virus đó không gây chết người và lây lan rộng thì không cần phát triển vaccine. Đa số virus không phải vấn đề lớn trong dân chúng, chẳng hạn những loại virus cảm lạnh thông thường.
Virus cũng có thể đột biến khá nhanh, thu nhận vật liệu di truyền mới từ các virus khác. Các nhà nghiên cứu có thể cố gắng ước tính tỷ lệ đột biến cho những loại virus khác nhau, nhưng chúng cũng có thể thay đổi, tiến hóa và thích nghi.
Trong khi đó, hầu hết các chuyên gia cho biết khung thời gian ngắn nhất để phát triển vaccine là khoảng một năm. Theo quy định của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), vaccine sẽ phải trải qua 6 giai đoạn.
Đáng lo ngại nhất là vào thời điểm một loại vaccine hiệu quả được phát triển hoàn thiện và đánh giá là an toàn để sử dụng, thì dịch bệnh đã được kiểm soát. Cụ thể là dù có một số loại thuốc và vaccine phát triển nhanh chóng, thử nghiệm trong đợt dịch bệnh Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003 đến nay vẫn không được cấp phép.
Các phương pháp điều trị hoặc chữa khỏi bệnh cho các bệnh do virus gây ra là hoàn toàn khác. Vaccine chỉ hiệu nghiệm trước khi bị lây nhiễm vì vaccine giúp hệ thống miễn dịch của con người phản ứng với virus. Trong khi đó, thuốc là dùng điều trị cho những người bị nhiễm bệnh, thường nhắm vào các cơ chế virus xâm nhập vào tế bào trong cơ thể.
Hiện các chuyên gia đang thử nghiệm phương pháp bằng thuốc kháng virus hiện có trong điều trị HIV. Một số loại thuốc kháng virus theo toa có tác dụng trong điều trị bệnh cúm do có cơ chế can thiệp vào sự sinh sản của virus cúm, ngăn chặn chúng nhảy từ tế bào này sang tế bào khác. Tuy nhiên, trong trường hợp virus corona mới, những loại thuốc kháng virus hiện có không thể loại trừ nguy cơ biến chứng và kháng thuốc.
Thiếu kinh phí để phát triển vaccine chống virus corona
Các công ty dược lớn đều thận trọng trước khi tuyên bố dấn thân vào việc phát triển vaccine bởi chi phí đầu tư cho vaccine lên tới 800 triệu USD. Ngay cả khi được đẩy nhanh tiến độ, quá trình cho ra vaccine cũng phải mất hơn một năm.
"Chúng tôi sẽ mất ít nhất 12-18 tháng để chế ra vaccine nên sẽ không mang đến lợi ích gì giữa lúc tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Một số hãng dược lớn thậm chí còn không dám đầu tư", Thomas Breuer, Giám đốc đơn vị phụ trách sản xuất vaccine của hãng GlaxoSmithKline cho biết.
Còn theo Tiến sĩ Hou, các hãng dược thường dồn tài nguyên vào các loại thuốc có thể mang lại lợi nhuận cao như thuốc giảm đau. Và ngay cả khi việc phát triển vaccine được đẩy nhanh trong dịch bệnh, điều đó chưa thể đảm bảo nó sẽ được sản xuất đại trà vì vướng những rào cản pháp lý. Một số loại virus hiện đang có vaccine bao gồm sởi, bại liệt và HPV là do sự tàn phá của những căn bệnh đó lớn hơn chi phí phát triển vaccine.
Công cuộc nghiên cứu ra vaccine ngừa virus corona được đánh giá vô cùng khó khăn và mất thời gian. Ảnh minh họa
Sản xuất vaccine là cuộc đua marathon, không phải chạy nước rút
Tiến sĩ Hou cho biết, các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành ở tâm dịch Vũ Hán nhưng những loại thuốc điều trị vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Các nhà khoa học Anh thì đang thử nghiệm vaccine trên chuột.
Trong khi đó, một số chuyên gia cảnh báo thiếu nguồn tài trợ cho nghiên cứu về vắc xin Ebola và nay là vaccine phòng virus corona. Thậm chí, một vài bệnh nguy hiểm vẫn không có vắc xin là bệnh lao và sốt rét, dù có nhiều tiền tài trợ. "Xem xét tất cả các lý do trên, chúng ta có thể sẽ không bao giờ có một loại vaccine hay thuốc điều trị virus corona nào", tiến sĩ Hou nói.
Còn những hy vọng nào cho cuộc đua sản xuất vaccine?
Bên cạnh những quan điểm cho thấy sự thận trọng thậm chí bi quan về sự ra đời của vaccine ngừa virus corona, vẫn có những nhóm, tổ chức, doanh nghiệp đang chạy đua tìm ra một vaccine đặc hiệu. Thậm chí đã có một số nhóm nghiên cứu vaccine đang sẵn sàng chờ kiểm tra thử trên động vật, chỉ vài tuần sau giải trình tự gene của Covid-19 được công khai với các nhà nghiên cứu.
Ông Jeff Richardson từ công ty Inovio Pharmaceuticals, một trong những đơn vị được CEPI đầu tư 11 triệu USD cho biết, vaccine của họ đã sẵn sàng để sản xuất trên quy mô lớn và chuẩn bị cho thử trên người vào đầu hè này. Một nhóm nghiên cứu khác từ trường Đại học Queensland, cũng nhận được hỗ trợ của CEPI, đang sẵn sàng kiểm tra vaccine của họ trong sự kết hợp công nghệ do GlaxoSmithKline - một trong những gã khổng lồ ngành dược, phát triển. Công nghệ này có khả năng giúp hệ miễn dịch phản hồi mạnh hơn.
TS. Anthony Fauci, Giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm của Viện nghiên cứu Y tế quốc gia Mỹ cũng cho biết đã lên kế hoạch thử trên người loại vaccine tiềm năng được phát triển trên nền tảng công nghệ của công ty y sinh Moderna trong khoảng 2 tháng rưỡi nữa.
Còn theo tuyên bố của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC Trung Quốc), cơ quan này cùng Trường Đại học Đông Tế và công ty Stermirna Therapeutics đã bắt đầu quá trình thử nghiệm trên chuột loại vaccine mRNA do họ phát triển.
Điểm thuận lợi là tất cả các nhóm nghiêm cứu phát triển vaccine trên thế giới hiện nay đều có những cách tiếp cận đầy sáng tạo trước lời hứa gia tăng tốc độ thực hiện chưa từng thấy trước đây. Tuy nhiên, chưa chắc họ đã được cấp phép cho vaccine ngay.
Trong tình bối cảnh trên, có rất ít người tin vào khả năng có một loại vaccine hiệu quả sẽ được thử trên người sớm. Ngay cả với vaccine mRNA của Trung Quốc, dù chu trình phát triển và sản xuất dựa trên công nghệ mới có thể ngắn hơn so với vaccine truyền thống nhưng việc thử nghiệm trên động vật vẫn thuộc giai đoạn đầu của phát triển vaccine và còn nhiều bước cần thiết trước khi sẵn sàng được thử nghiệm trên người, một quan chức CDC cảnh báo. Đơn giản là vì kiểm tra trên chuột vẫn mới chỉ là bước sàng lọc ban đầu của một vaccine ứng viên. Chỉ sau khi trải qua các kiểm tra độc chất trên những loài động vật có kích thước lớn như khỉ mới bảo đảm độ an toàn cho những ca thử nghiệm trên người tiếp theo.
"Những trường hợp thử nghiệm lâm sàng trên người sẽ tập trung vào tính an toàn của vaccine, kiểm thử các liều khác nhau, thông thường trên các tình nguyện viên khỏe mạnh. Ít nhất là một năm, tôi hy vọng là chúng ta sẽ ít nhất có một phần của câu trả lời", bà Elena Maria Bottazzi, đồng Giám đốc Trung tâm Phát triển vaccine của Bệnh viện Nhi Texas (Mỹ) nhận định.
Sau đó, vòng tiếp theo sẽ là lựa chọn một số liều để kiểm nghiệm trên hàng trăm người. Đây là giai đoạn cuối, giai đoạn nhiều thách thức nhất của quá trình phát triển thuốc. Theo quy định thì cần có những ca thử nghiệm với số lượng cần được gia tăng, trong đó số người tham gia thử vaccine sẽ được tăng từ 20 đến 200 người và sau đó là hàng ngàn người, sẽ mất nhiều tháng để chắc chắn là loại vaccine đó đủ an toàn và thậm chí là để phát hiện những tác dụng phụ hiếm gặp.
Do đó, để một vaccine sẵn sàng thương mại hóa và tung ra thị trường, có khi mất cả năm trời cũng đã là nhanh. TS. Gregory Poland, Giám đốc của nhóm nghiên cứu vaccine thuộc Trung tâm Nghiên cứu Mayo Clinic (Mỹ), cho biết, cần hàng trăm ngàn bệnh nhân và hàng trăm ngàn USD cho giai đoạn cuối. "Đã có những bước phát triển lớn trong vài năm trở lại đây trong việc thúc đẩy tạo ra vaccine từ những nguyên liệu ban đầu nhưng bất chấp điều đó, tiến trình này sẽ mất vài năm", TS. Stanley Plotkin, người đã tham gia vào nghiên cứu vaccine từ năm 1958 và đóng vai trò quan trọng trong phát triển vaccine Rubella trong những năm 1960, bổ sung. Ước tính thời gian của ông còn khắc nghiệt hơn các đồng nghiệp. "Để một vaccine sẵn sàng cho đông đảo người dân, tôi chỉ có thể nói là cần mất ít nhất là 2 năm".
Phong Lâm
Theo The Hill, The Guardian/vietq
Các nhà khoa học Anh thử nghiệm loại vắcxin ngừa corona trên chuột Một nhà khoa học Anh nói: "Chúng tôi hy vọng trong vài tuần tới sẽ có thể xác định tác động của vắcxin này đối với những con chuột thí nghiệm." Nhà khoa học Anh Paul McKay nghiên cứu DNA của chuỗi virus corona chủng mới (2019-nCoV) tại phòng thí nghiệm của Đại học Y khoa Hoàng gia London ngày 10/2/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)...