Vaccine của AstraZeneca có khả năng bảo vệ mạnh trong 3 tháng
Có dấu hiệu cho thấy vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) có thể làm giảm khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 và hiệu quả bảo vệ mạnh trong 3 tháng chỉ với một liều duy nhất.
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Anh công bố ngày 3/2, mở ra triển vọng mới trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Nghiên cứu sơ bộ của Đại học Oxford, đơn vị đồng sản xuất vaccine nói trên, có thể giúp củng cố niềm tin vào chiến lược gây tranh cãi của Chính phủ Anh tăng thời gian chờ tiêm mũi thứ hai lên 12 tuần để đẩy nhanh tiến độ chương trình tiêm mũi đầu tiên. Theo khuyến nghị, hiện nay khoảng thời gian chờ giữa hai lần tiêm là 4 tuần.
Nghiên cứu cũng giúp các nhà khoa học tiến gần hơn đến việc giải đáp thắc mắc liệu vaccine có thể ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 hay không. Hiện chưa rõ phát hiện này có thể liên quan đến hai loại vaccine đang được sử dụng phổ biến của Pfizer và Moderna hay không.
Video đang HOT
Tại Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, đã bác ý tưởng hoãn lần tiêm thứ hai. Vaccine của Pfizer được yêu cầu tiêm hai mũi cách nhau 3 tuần, trong khi của Moderna là 4 tuần. Mặc dù vậy, kết quả này dường như vẫn là tin vui đối với các nỗ lực khẩn cấp nhằm khống chế dịch bệnh, đồng thời mở ra hướng giải quyết tình trạng khan hiếm vaccine và giúp nhiều người được tiếp cận vaccine hơn.
Các hãng sản xuất vaccine nói trên từng khẳng định các mũi tiêm đã được chứng minh có hiệu quả từ 70-95% ở các thử nghiệm lâm sàng. Hiện chưa rõ liệu các loại vaccine này có thể khống chế khả năng lây lan của SARS-CoV-2, hay liệu người từng được tiêm vaccine có thể mắc bệnh trở lại và lây cho người khác hay không. Từ đó, các chuyên gia cho rằng ngay cả người từng được tiêm vaccine vẫn nên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với mọi người.
Để trả lời câu hỏi về khả năng lây nhiễm sau khi tiêm vaccine, các tình nguyện viên trong nghiên cứu tại Anh đã được xét nghiệm dịch mũi họng. Kết quả cho thấy tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 giảm 67% đối với nhóm được tiêm vaccine, kể cả những người có triệu chứng và không có triệu chứng. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng theo dõi khả năng người được tiêm vaccine bị tái nhiễm mà không có triệu chứng. Theo đó, trong số các tình nguyện viên tham gia, có 16 người tái nhiễm sau khi tiêm vaccine, còn con số này ở nhóm chưa được tiêm là 31 người.
Hiện Pfizer và Moderna đang nghiên cứu hiệu quả vaccine đối với các ca nhiễm không triệu chứng. Đây cũng là hai hãng có vaccine ngừa COVID-19 đang được sử dụng tại Mỹ. Trong khi đó, vaccine của AstraZeneca đã được Anh và 27 nước Liên minh châu Âu (EU) cấp phép sử dụng. Ông Mene Pangalos, Phó giám đốc chuyên trách nghiên cứu và phát triển sinh phẩm tại AstraZeneca, cho biết không có bệnh nhân nào mắc COVID-19 thể nặng hoặc được yêu cầu nhập viện trong vòng 3 tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên và hiệu quả này có thể kéo dài tới 12 tuần.
Anh thử nghiệm kết hợp vaccine Pfizer và AstraZeneca trong 2 mũi tiêm
Ngày 4/2, các nhà nghiên cứu Anh đã bắt đầu một cuộc thử nghiệm đánh giá phản ứng miễn dịch khi kết hợp cả hai loại vaccine phòng COVID của Pfizer và AstraZeneca trong lịch trình 2 mũi.
Các nhà khoa học muốn thử nghiệm phản ứng miễn dịch khi kết hợp hai loại vaccine khác nhau trong liệu trình 2 mũi tiêm.
Theo Reuters, các nhà nghiên cứu cho biết, dữ liệu về tiêm chủng ở người bằng hai loại vaccine phòng COVID khác nhau có thể giúp giới khoa học tìm hiểu liệu có thể kết hợp các loại vaccine để triển khai tiêm phòng linh hoạt hơn trên toàn thế giới hay không.
Dữ liệu ban đầu về các phản ứng miễn dịch dự kiến sẽ được công bố vào khoảng tháng 6.
Thử nghiệm nói trên sẽ kiểm tra các phản ứng miễn dịch của liều vaccine Pfizer được tiêm đầu tiên, sau đó là tiêm nhắc lại bằng liều của AstraZeneca, cũng như ngược lại, với khoảng thời gian cách giữa hai liều là 4 và 12 tuần.
Cả vaccine công nghệ mRNA được phát triển bởi Pfizer/BioNTech và vaccine vec-tơ adenovirus do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển đều đang được triển khai tiêm chủng ở Anh, với khoảng cách là 12 tuần cho hai mũi vaccine cùng loại.
Dự kiến sẽ có thêm nhiều loại vaccine khác được đưa vào cuộc thử nghiệm kết hợp sau khi được phê chuẩn và đưa vào phân phối.
Hoạt động tuyển tình nguyện viên cho thử nghiệm tại Anh đã bắt đầu ngày 4/2, với dự kiến trên 800 người sẽ tham gia. Con số này nhỏ hơn nhiều so với các cuộc thử nghiệm lâm sàng để xác định tính hiệu quả của vaccine.
Cuộc thử nghiệm sẽ không đánh giá tính hiệu quả tổng thể của lịch trình tiêm vaccine kết hợp, mà các nhà nghiên cứu sẽ đo lượng kháng thể và các phản ứng của tế bào T (loại tế bào quan trọng trong bạch cầu, có chức năng miễn dịch), cũng như theo dõi bất cứ tác dụng phụ không mong đợi nào xảy ra.
Nhà khoa học dẫn đầu nghiên cứu Matthew Snape cho biết các kết quả ban đầu có thể giúp ích cho việc triển khai tiêm phòng trong nửa sau của năm 2021 này.
"Chúng tôi sẽ có một số kết quả vào tháng 6, và từ đó sẽ cho chúng ta hiểu biết về việc sử dụng các liều vaccine tăng cường trong dân số đại trà", ông Snape phát biểu với phóng viên.
Các nhà khoa học hiện đang tuyển tình nguyện viện tuổi từ 50 trở lên, thuộc nhóm nguy cơ cao hơn người trẻ và đều là những người chưa từng được tiêm vaccine COVID-19.
Mũi tiêm của AstraZeneca hiện cũng đang được thử nghiệm kết hợp với vaccine Sputnik V của Nga. Giám đốc nghiên cứu của công ty dược AstraZeneca cho rằng giới khoa học nên tiến hành thêm nhiều thử nghiệm với vaccine kết hợp như vậy.
Anh chứng minh chậm tiêm liều vắc xin thứ hai quá 3 tuần vẫn ổn Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ca ngợi nghiên cứu mới cho thấy một liều vắc xin COVID-19 của ĐH Oxford - AstraZeneca có hiệu quả bảo vệ cao trong 12 tuần, ủng hộ chiến lược gây tranh cãi của chính phủ Anh trong việc trì hoãn tiêm liều thứ 2. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đeo khẩu trang khi...